Những món đồ phòng tránh dịch Covid-19 cần chuẩn bị khi con đi học trở lại
Nhiều trường đã bắt đầu cho học sinh đi học trở lại. Bạn cần giúp con chuẩn bị những đồ dùng, vật dụng gì để đảm bảo vệ sinh, phòng ngừa dịch Covid-19?
Ảnh minh họa
Sau nhiều tháng nghỉ học ở nhà tránh dịch Covid-19, các bé sắp được quay trở lại trường học. Nhưng dịch vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Vì vậy, giữ gìn vệ sinh đúng cách sẽ giúp học sinh phòng ngừa được sự lây lan của dịch bệnh trong trường học.
Để con chuẩn bị đến trường, bạn hãy lập danh sách những món đồ bé cần phải mang theo, để giữ an toàn cho bản thân mình và những người xung quanh.
Chuẩn bị loại khẩu trang phù hợp
Đeo khẩu trang là việc bắt buộc, để phòng ngừa dịch Covid-19. Nhưng nếu đeo khẩu trang trong suốt buổi học, các em học sinh sẽ cảm thấy khó thở, khó chịu vùng mặt và đau tai.
Vì vậy, khi chuẩn bị khẩu trang cho con, cần lưu ý:
- Nên chuẩn bị cho bé khẩu trang vải kháng khuẩn, vừa mềm mại, dễ chịu, có thể đeo trong suốt thời gian học ở trường. Khẩu trang y tế dùng một lần hay các loại khẩu trang chuyên dụng… nên để dành cho các nhân viên y tế.
- Khi mua khẩu trang vải kháng khuẩn, nên chọn loại có size vừa vặn với khuôn mặt của bé, không nên mua loại quá rộng hay quá chật, làm bé khó chịu và giảm hiệu quả phòng chống dịch.
Nên cho bé đeo khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt
- Hướng dẫn con đeo khẩu trang đúng cách.
- Nên chuẩn bị cho con từ 2-3 chiếc khẩu trang, để riêng trong một chiếc túi vải sạch, để bé sử dụng thay đổi trong buổi học và trong trường hợp cần thiết.
- Với các bé nhỏ, có thể ghi tên, thêu tên để đánh dấu khẩu trang, giúp bé phân biệt, tránh đeo nhầm khẩu trang của bạn khác.
Đồ dùng sát khuẩn
Tại các trường học đều có nhà vệ sinh để bé rửa tay cùng xà phòng và nước sạch. Nhưng dù vậy, bạn vẫn nên chuẩn bị thêm nước rửa tay khô hoặc dung dịch nước sát khuẩn để con sử dụng trong trường hợp cần thiết. Nên chuẩn bị loại chai nhỏ, các bạn học sinh có thể mang theo bên người, để trong túi quần, cặp sách… để sử dụng ngay khi cần.
Video đang HOT
Chai sát khuẩn mini giúp bé dễ dàng mang theo bên người để sử dụng, phòng dịch Covid-19
Bạn cũng nên mua thêm một vài gói giấy ăn ướt, đổ cồn sát trùng vào đó, để bé sử dụng để lau mặt bàn, ghế hoặc các bề mặt bé tiếp xúc.
Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm khăn giấy khô để con sử dụng khi cần lau tay, lau mặt, khi hắt hơi…
Sử dụng bình nước cá nhân là cách phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Để giữ sức khỏe cho con, bạn nên sử dụng loại bình giữ nhiệt, đựng nước ấm để bé sử dụng khi ở trường.
Uống nước ấm là một trong những biện pháp để ngăn ngừa, phòng dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Hướng dẫn cách bảo vệ chính mình và giúp phòng tránh lây nhiễm
Những ngày nghỉ ở nhà phòng dịch Covid-19, các bạn học sinh đã thuộc nằm lòng những cách để bảo vệ chính mình và giúp phòng tránh lây nhiễm virus cho người khác.
Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên cùng con “tua” lại các việc cần thực hiện, theo khuyến cáo của WHO khi quay trở lại trường học:
- Rửa tay thường xuyên trong 20 giây, bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay khô chứa cồn.
Rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi, sau mỗi tiết học, trước và sau khi về nhà…
- Không chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng nếu tay của con không sạch
- Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay để che mũi và miệng
- Giữ đúng khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với những bạn có biểu hiện không khỏe
- Báo ngay cho thầy cô giáo nếu con cảm thấy không khỏe.
Vân Anh
Hướng dẫn cha mẹ trò chuyện đúng cách với con về đại dịch Covid-19 theo từng lứa tuổi
Trẻ có thể tò mò, lo lắng hay có những phản ứng tích cực, lạc quan hoặc sợ hãi với đại dịch, tất cả đều phụ thuộc vào cách bố mẹ trò chuyện với con.
Cách trò chuyện và ngôn ngữ bố mẹ sử dụng khi trò chuyện với con hàng ngày rất quan trọng. Chúng tạo ra sự kết nối, tin tưởng và nhu cầu chia sẻ của trẻ với cha mẹ. Cho đến thời điểm này, sau khi nghỉ học dài ngày và tiếp nhận thông tin từ các cuộc trò chuyện xung quanh, trẻ bắt đầu có những nhận thức và nhu cầu hiểu hơn về những đại dịch đang diễn ra.
Trẻ có thể tò mò, lo lắng hay có những phản ứng tích cực, lạc quan hoặc sợ hãi, đều phụ thuộc vào cách bố mẹ trò chuyện với trẻ. (Ảnh minh họa: The New York Times)
Cha mẹ nên nói với con những gì về virus Corona và nói như thế nào? Tờ Thời báo New York (The New York Times) đã tổng hợp ý kiến của một bác sỹ nhi khoa, hai nhà tâm lý học, một chuyên gia nhi khoa về bệnh truyền nhiễm và một chuyên gia về an toàn y tế để tổng hợp lại những lời khuyên tốt nhất của họ.
Chúng tôi đã tổng hợp thêm thông tin hữu ích từ một số nguồn đáng tin cậy khác để chia sẻ với các bố mẹ.
Nắm rõ những thông tin mà con bạn đã biết
Nên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi về những điều mà con bạn đã biết. Nếu trẻ nói rằng loại virus này đang làm chết rất nhiều người trên thế giới thì cuộc nói chuyện sẽ rất khác khi trẻ nói rằng nó chỉ gây sụt sịt mũi và ho mà thôi.
Nếu con bạn dưới 6 tuổi vừa chưa tiếp nhận nhiều thông tin về virus, bạn không cần phải nói với trẻ quá cụ thể và rõ ràng về sự nguy hiểm của loại virus này hay mối đe dọa mà nó gây ra cho toàn cầu, điều này có thể mang đến những lo lắng không cần thiết cho trẻ. Bạn hãy để ý hơn đến các bản tin thời sự phát trên tivi và câu chuyện mà những người lớn trong nhà nói với nhau. Nếu có thể hãy tắt tivi và trò chuyện với bạn đời vào những lúc riêng tư không có sự có mặt của trẻ.
Trước hết hãy kiểm soát nỗi lo lắng của bạn
Trẻ nắm bắt và cảm nhận rất rõ cảm xúc của cha mẹ. Hãy chắc chắn rằng bạn không tỏ ra quá lo lắng hay sợ hãi khi nói về chủ đề này với trẻ, hãy giữ cho mình sự khách quan cần thiết. Phản ứng của bạn có thể sẽ khiến nỗi lo lắng của trẻ dậy sóng, vì thế, hãy cố gắng xử lý tất cả các nỗi sợ hãi mà bạn có trước khi trò chuyện với trẻ.
Ở mỗi độ tuổi nhu cầu thông tin của trẻ sẽ khác nhau, lựa chọn các thông điệp phù hợp với độ tuổi của trẻ sẽ giúp trẻ hiểu đủ, hiểu đúng về dịch bệnh đang diễn ra. (Ảnh minh họa: The New York Times)
Đừng lờ đi nỗi sợ của con bạn
Nếu con bạn sợ hãi vì có người nói với chúng rằng chúng có thể chết vì virus nếu sờ tay vào nút bấm thang máy, thì đó là một nỗi sợ thực sự cần được bạn lắng nghe một cách nghiêm túc. Nếu bạn chỉ nói qua loa rằng: "Ồ, không sao đâu con!" hay "Bạn chỉ đùa thôi mà!" thì trẻ sẽ cảm thấy mình không được bố mẹ lắng nghe. Hãy ghi nhận và quan sát cảm xúc của trẻ thật kĩ càng, nói với trẻ bằng giọng chậm rãi và bình tĩnh như: "Điều đó có vẻ đáng sợ thật, bố/mẹ nhìn thấy nỗi sợ ấy trên gương mặt con", hoặc chuyển hướng sự chú ý của trẻ bằng cách chia sẻ về những nỗi sợ hãi mà bạn đã trải qua khi còn nhỏ. Sau đó, khi trẻ đã bình tĩnh lại, hãy tiếp tục cùng trẻ làm mọi việc một cách bình thường rồi có thể quay trở lại nói chuyện với trẻ về chủ đề virus sau bữa tối chẳng hạn.
Nói chuyện phù hợp với độ tuổi của con
Nếu trẻ đang ở độ tuổi 0-6, bạn có thể trò chuyện với trẻ về chủ đề vi khuẩn, vi-rút một cách đơn giản và dễ hiểu như có rất nhiều loại vi-rút khác nhau và chúng là thể khiến con người nhiễm bệnh như đau bụng, sụt sịt mũi, sốt, ho... và vi-rút Corona là một trong số các loại vi-rút đó. Bạn có thể hướng dẫn trẻ những hành động đơn giản để bảo vệ sức khỏe như rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, ăn uống lành mạnh... Nếu trẻ có bất cứ lo lắng nào, hãy nhấn mạnh về việc trẻ sẽ được bảo vệ và an toàn trong gia đình mình.
Đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học, bạn không cần phải cung cấp cho trẻ những thông tin tiêu cực như số người chết hay mắc bệnh. Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể nhận thức được về bệnh tật, vì thế, hãy tập trung vào việc cùng trẻ tìm hiểu các dấu hiệu của bệnh và các cách phòng bệnh mà trẻ có thể làm được một cách chi tiết, rõ ràng và dễ hiểu. Một lần nữa cần nhắc lại, hãy luôn tìm hiểu và lắng nghe nhận thức hay thông tin mà trẻ biết được tới đâu để chọn lọc những thông tin chia sẻ phù hợp. Bạn có thể khẳng định với trẻ rằng, các nhà khoa học và những người thông minh nhất trên thế giới đang cố gắng để tìm mọi cách bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mọi người.
Gợi ý cho trẻ các cuốn sách về chủ đề vi-rút, vi khuẩn và đọc cùng trẻ cũng là một cách hiệu quả đối với các bạn ở độ tuổi khoảng từ 5-8 tuổi. Ví dụ, cuốn sách "Này, chớ táy máy liếm sách!" là một nguồn tham khảo thú vị cho cha mẹ.
"Này, chớ táy máy liếm sách" là một cuốn sách tương tác thú vị giúp trẻ từ 5-8 tuổi tìm hiểu về vi khuẩn một cách sinh động....
.... những thông tin về vi khuẩn được trình bày dễ hiểu...
... và ấn tượng qua những bức ảnh chụp phóng đại qua kính hiển vi điện tử...
... cùng với các kiến thức khoa học gần gũi, bổ ích. (Ảnh: HM)
Câu chuyện có thể thẳng thắn và đi sâu hơn đối với trẻ từ 11 tuổi trở lên. Bạn có thể cùng con tra cứu thông tin từ các nguồn tin chính thống đáng tin cậy, tìm hiểu các kiến thức khoa học và thảo luận cùng con về những ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế, chính trị mà các nước phải đối diện.
Chú ý đảm bảo giữ gìn vệ sinh
Hãy chắc chắn rằng trẻ được hướng dẫn và thực hiện đúng quy trình rửa tay ít nhất 20 giây (bằng cách đơn giản là hát 2 lần bài "Chúc mừng sinh nhật" trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi chơi bên ngoài về, sau khi trẻ ngoáy mũi hay cho tay vào miệng và trước khi chơi đồ chơi. Các trò chơi, các bộ phim ngắn về chủ đề này cũng sẽ giúp trẻ ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Cố gắng giữ gìn vệ sinh và duy trì các thói quen lành mạnh hàng ngày như ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên là một trong những lựa chọn tích cực mà bố mẹ nên tận hưởng cùng con. (Ảnh minh họa: The New York Times)
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, cho dù việc trẻ nghỉ học có thể mang đến nhiều phiền toái cho cha mẹ, nhưng hãy suy nghĩ một cách tích cực rằng, đây là lúc để cả gia đình tận hưởng thời gian bên nhau nhiều nhất có thể và trân trọng khoảnh khắc này. Hãy cố gắng duy trì đều đặn những thói quen tốt, đặc biệt là thói quen tập thể dục hàng ngày. Những trò chơi vui vẻ trong nhà như làm thủ công, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, nghe nhạc cũng sẽ giúp bạn tận hưởng thời bên trẻ vui vẻ, ý nghĩa hơn.
Hãy nhớ rằng, bên cạnh bảo vệ an toàn sức khỏe thì bảo vệ an toàn cảm xúc cho trẻ cũng rất quan trọng. Cha mẹ hoàn toàn có thể làm tốt cả hai điều trên bằng cách lắng nghe, tôn trọng những cảm xúc và nhu cầu tìm hiểu thông tin của trẻ.
Nhà báo, Tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.
Chị là tác giả của các cuốn sách như " Trái tim của mẹ", " Bàn tay của bố", " Mỗi ngày 15 phút yêu con".
Trong đó, cuốn sách " Trái tim của mẹ" đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children's Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Theo Trí Thức Trẻ
Sản xuất dung dịch rửa tay nhanh cho học sinh Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), có rất nhiều cách phòng ngừa, trong đó quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và rửa tay thường xuyên bằng xà bông hoặc các dung dịch sát khuẩn. Trong điều kiện khan hiếm dung dịch rửa tay, tỉnh An...