Những món bánh lạ chỉ có ở vùng núi phía Bắc
Món bánh lá ngải, bánh chưng đen hay bánh trứng kiến,… là đặc sản của các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc. Ở chúng có sự hòa quyện giữa hương vị núi rừng và hương vị thiên nhiên, khiến thực khách ăn một lần phải nhớ mãi.
1. Bánh lá ngải
Đến Cao Bằng, Bắc Kạn, khó ai có thể quên được hương vị độc đáo của món bánh lá ngải nổi tiếng.
Lá ngải là một loại lá thuốc và cũng là loại thực phẩm quý. Ngải cứu có vị đắng nồng, nhưng được người Tày chế biến thành món bánh lá ngải thơm ngon, đặc biệt. Bánh lá ngải trước đây thường được làm trong các dịp lễ tết. Nhưng ngày nay, để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch, bánh lá ngải được làm thường xuyên hơn.
Bánh lá ngải có hình tròn, cách làm khá giống với bánh dày của người Kinh. Tuy nguyên liệu để chế biến khá đơn giản, gồm ngải cứu, gạo nếp, vừng và đường phên, nhưng cách chế biến đòi hỏi công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Lá ngải phải tươi, ngon, có màu xanh thẫm, đều lá đều ngọn. Ngải cứu được xử lý cẩn thận để giữ nguyên mùi thơm, màu xanh đậm nhưng phải khử sạch vị đắng. Gạo làm bánh là gạo nếp nương thơm ngon, không được pha thêm gạo tẻ. Sau khi đồ gạo thành xôi, đem giã chung với lá ngải cho tới khi tạo thành một thứ bột sánh, mịn và dẻo quánh, đậm màu xanh.Nhân bánh là vừng đen được ranh chín, giã nhỏ trộn với đường phên.
Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm lạ của lá ngải là sự dung hòa giữa cái dẻo của nếp, cái ngọt của đường và sự tươi non của hương vị đồi nương, núi rừng.
2. Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa (Thái Nguyên) nói riêng và vùng núi phía Bắc nói chung. Đây là món ăn dân dã, được chế biến tương đối cầu kì với vị thơm ngon riêng, không lẫn với hương vị của bất cứ món bánh nào khác.
Trứng kiến là một trong những nguyên liệu quan trọng để làm nên món bánh này. Ngoài ra còn có bột gạo nếp, thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng, lá vả. Trứng kiến được dùng làm nguyên liệu là trứng của loài kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn. Trứng kiến có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, căng mọng. Sau bước sơ chế, trứng kiến được rang kỹ cùng với thịt ba chỉ băm nhỏ và một chút lá kiệu hay lá hẹ cho đến khi trứng và thịt chuyển màu vàng sậm. Để hoàn thành nhân bánh, người ta trộn trứng kiến với vừng hoặc lạc rang giã nhỏ.
Bánh trứng kiến, đặc sản của núi rừng Định Hóa, Thái Nguyên
Bánh trứng kiến với hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể ăn nóng hay nguội tùy ý, mỗi lúc đều có vị ngon riêng. Khi ăn bánh, người ta ăn cả phần lá vả bọc ngoài bánh. Bánh có vị thơm ngon rất lạ, vừa có độ dẻo, thơm của bột nếp lại có vị bùi của lá vả, đặc biệt là vị béo béo, ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến.
3. Bánh chưng đen
Bánh chưng đen là món ăn đặc biệt từ màu sắc, kiểu dáng đến hương vị. Bánh được gói thành hình vuông như bánh chưng thường hoặc hình trụ, có màu đen, ăn rất mềm.
Video đang HOT
Để làm được những chiếc bánh đặc biệt đó, người dân ở các vùng núi cao phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 10 – thời điểm hết vụ gặt. Những hạt gạo nếp ngon được lựa chọn kĩ lưỡng rồi đem phơi khô, cất kĩ. Gần đến ngày tết, gạo nếp được mang ra trộn với bột tro, làm cho hạt gạo ngấm đều màu xám đen.
Món bánh mộc mạc nhưng chứa trong đó bao tinh túy của đất trời Tây Bắc
Nhân bánh gồm đậu xanh, thịt, mỡ, hạt tiêu và một loại gia vị đặc biệt của núi rừng là quả thảo quả khô. Chính thảo quả làm cho nhân bánh mang hương vị khác lạ. Khi bánh chín, hạt gạo chuyển thành màu xám đen, hạt gạo quyện vào nhân bánh, thơm ngon. Bánh ăn có vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của đỗ, vị thơm của thảo quả và vị thanh lạ của gạo được trộn tro tạo thành hương vị khó quên.
Người Tày làm bánh chưng để thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà và cảm tạ đất trời.
Có nhiều loại bánh được làm từ bột ngô, nhưng với đồng bào Mông cư trú trên địa bàn Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Sủng Trái thì bánh láo khoải (còn có cách gọi khác là lức khoải hay rớ khoải) là món không thể thiếu để ăn Tết.
Ngô thu hoạch tầm tháng 8 âm lịch hàng năm được bảo quản trên gác bếp hay treo lên chái nhà. Khi làm bánh, ngô được nghiền thành bột rồi đồ chín, nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, dài khoảng 15-20cm, dùng mỡ trộn với mật ong bôi đều trên bề mặt bánh. Bánh có thể thái mỏng và nướng trên than củi, cũng có thể thái chỉ, nấu với đường ăn rất mát, nước dùng như nước bánh trôi, hoặc nấu với quả đậu Hà Lan, cho thêm muối, mỡ động vật vào giống như nấu canh.
5. Bánh gio
Món bánh gio là đặc sản của người Tày. Bánh gio thường được làm vào các dịp lễ tết, là món bánh không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất.
Bánh được làm bằng gạo nếp và gio. Gio được đốt từ thân cây tầm gửi, cây sấu, cây lai… Trải qua nhiều công đoạn, người ta lấy được phần nước gio có màu vàng nâu giống như mật ong loãng. Gạo nếp gói bánh là loại gạo hạt to, tròn đều, sàng sảy sạch, gạo sẽ được ngâm trong nước gio.
Bánh gio thường được ăn kèm với mật
Bánh được gói bằng lá dong. Khi gói bánh, tay phải nén chặt và tản gạo thật đều, để sau khi ra lò bánh rền và có hình khối đẹp. Chất lượng bánh cũng phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay khéo léo của người gói.
Sau khi gói xong, bỏ bánh vào nồi nước đun chừng 6 tiếng rồi vớt ra. Bánh sau khi chín có màu vàng tựa như mật, dùng ăn nguội và chấm với mật mía.
Để làm bánh gio không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo trong cách điều chế nước gio. Nước gio đặc quá, bánh sẽ mặn, mất ngon. Còn nếu nước quá loãng bánh sẽ không có được hương vị, độ ngon mát cũng như màu sắc cần thiết. Khi ăn chỉ cần dùng chính những sợi lạt quấn quanh bánh để cắt bánh ra thành từng lát mỏng, ăn đến đâu cắt đến đó, rất tiện lợi. Bánh có vị thanh mát, có chút nồng nồng, ngai ngái của nếp, gio, lá dong quyện lẫn vào nhau.
Theo Dân trí
Những món quà sáng gắn với tuổi thơ người Hà Thành
Thực đơn các món ăn sáng của người Hà Nội khá phong phú và đa dạng với hàng chục các món ăn ngon có thể chiều lòng bất cứ thực khách khó tính nào.
Quà sáng của người Hà Nội chủ yếu là những món ăn nhẹ, ăn không quá no, không dễ gây đầy bụng mà vẫn mang hương vị rất đặc trưng.
Phở
Nhắc đến các món ăn sáng của người Hà Nội, chẳng lí nào lại bỏ qua phở. Phở là tinh hoa ẩm thực Việt, người ta có thể ăn phở vào bất cứ bữa ăn nào trong ngày.
Món ăn tinh hoa ẩm thực Việt nhận được sự đánh giá cao của bạn bè trong nước và quốc tế.
Một tô phở đầy đặn gồm những lát thịt bò mỏng tái chín thơm ngon điểm mấy cọng hành hoa xanh nõn, vắt chanh và thêm tỏi ớt. Nhiêu đó cũng đủ cho thực khách vừa bưng vừa xuýt xoa, thưởng thức đến thìa nước dùng cuối cùng để có một bữa sáng đầy dinh dưỡng. Bí quyết để có một tô phở ngon là nước dùng phải ninh hầm từ xương ngọt đậm đà, thơm dịu mùi hồi thảo quả và chút cay nhẹ của gừng quế.
Hà Nội có nhiều tiệm phở nổi tiếng như phở Bát Đàn, phở Thìn, phở Lý Quốc Sư... Quà sáng của người Hà Nội còn có cả phở gà, phở sốt vang... Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là bát phở bò truyền thống.
Cháo sườn
Có rất nhiều món ăn lựa chọn cho buổi sáng, nhưng món cháo sườn vẫn "hút khách" với người dân Thủ đô, nhất là người già và trẻ em. Sáng sớm, dạo quanh phố Hà Nội, dù đi sâu vào trong ngõ hẻm, chợ hay khu tập thể, không khó để bạn tìm thấy một quán cháo khói bốc nghi ngút, lẫn trong đó là tiếng lách cách của chiếc kéo cắt quẩy cùng tiếng trò chuyện vui vẻ rôm rả của người bán hàng và những thực khách đến thưởng thức.
Cháo sườn là món ăn thích hợp nhất để gợi nhắc về tuổi thơ.
Bát cháo sườn sánh mịn, ấm nóng chỉ khoảng 10.000 đồng. Húp từng thìa cháo, hương vị ngon ngọt từ những miếng thịt nhỏ xinh, ăn kèm với quẩy giòn rụm, rắc thêm ruốc bông, hạt tiêu là cũng đủ để bao nhiêu ký ức thuở bé lại ùa về. Cháo quẩy được bán quanh năm nhưng đặc biệt được yêu thích hơn cả là vào mùa đông.
Xôi
Có lẽ trong các món quà sáng của Hà Nội thì xôi là món ăn đặc biệt nhất bởi lẽ món quà này có một thực đơn khá phong phú và đa dạng, điều mà không phải món ăn nào cũng có được. Sáng sớm tìm mua gói xôi lót dạ, người ta dễ dàng rơi vào trạng thái băn khoăn khi có quá nhiều sự lựa chọn. Từ vị ngọt của xôi chè, xôi gấc cho tới vị mặn của xôi xéo, xôi ngô...
Nắm xôi chứa đựng bao tình cảm, sự khéo léo của các bà, các mẹ.
Mới sáng sớm tinh mơ, các gánh hàng xôi đã rục rịch bày hàng. Các cô, các bà xếp từng chiếc ghế nhựa ngồi bày bán ở ven đường, ngõ hẻm. Gói xôi nóng, dẻo thơm được bọc trong lá chuối, hành phi giòn có màu cánh gián đậm. Thực khách tha hồ lựa chọn các loại xôi, và chỉ từ 5.000-10.000 đồng cũng đủ giúp bạn no căng, tràn đầy năng lượng cho buổi sáng học tập và làm việc.
Ngoài ra còn có nhiều cửa hàng mở ra bán đủ loại xôi hấp dẫn như xôi thập cẩm, xôi cá rô đồng, xôi gà nấm. Bạn có thể tham khảo địa chỉ xôi Lộc ở Bạch Mai, xôi Trường Chinh gần Ngã Tư Sở... có giá trung bình từ 30.000-45.000 đồng.
Bún chả
Bún chả là món ăn chiếm thị phần không nhỏ trong nhu cầu thưởng thức bữa sáng của người Hà Nội. Một đĩa bún trắng ngần, một bát nước chấm với chả nướng, cà rốt hay su hào thái mỏng bên trong đủ khiến thực khách cảm thấy hài lòng. Cũng như nhiều nơi, người Hà Nội ăn bún chả kèm rau sống. Đó là một sự kết hợp khá hoàn hảo cho bữa sáng nhanh gọn và đủ chất.
Bún chả có thể ăn hàng ngày mà không hề ngấy.
Đặc biệt, Hà Nội vẫn còn một số quán bún chả kẹp que tre theo đúng chuẩn hương vị truyền thống. Không những thế, thịt làm chả cũng được lựa chọn kỹ càng, ướp kỹ đủ thứ gia giảm. Khi thưởng thức, thực khách sẽ thấy nhớ mãi hương vị đậm đà của từng miếng thịt tan trong miệng.
Bánh cuốn
Cả gia đình có thể bắt đầu buổi sáng với đĩa bánh cuốn ngon lành. Dưới bàn tay thoăn thoắt của người thợ, bánh có nhân hay không có nhân đều được tráng mỏng và phết một lớp mỡ hành bóng bẩy, hành khô phi rắc lên thơm phức ăn kèm với giò, chả quế.
Đĩa bánh cuốn cho một buổi sáng no căng và tràn đầy năng lượng.
Chẳng có nguyên liệu gì cao sang cũng không cần mất công chế biến cầu kỳ, ấy thế mà bánh cuốn vẫn làm thực khách phải nhớ khôn nguôi khi thưởng thức. Bánh được làm từ gạo tẻ ngon xay nhuyễn. Khi bày trên đĩa, những thếp bánh óng ả có thể làm bất cứ ai nhìn thôi cũng thấy thèm.
Bánh cuốn phải ăn ngay lúc nóng mới ngon. Nếu một lần bạn đã thử ăn những miếng bánh trắng ngần, thơm dẻo, thả ngập trong bát nước chấm chua ngọt, ớt đỏ sóng sánh thêm lát chả ăn kèm rau thơm mới hiểu hương vị bánh cuốn đã gắn bó sâu đậm trong ký ức của người Hà Nội khiến ai đi xa cũng nhớ.
Bánh giò
Bánh giò là loại bánh truyền thống luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều người Hà Nội. Sẽ rất tuyệt vời nếu buổi sáng bạn được lót dạ bằng chiếc bánh giò nóng hổi, rưới tương ớt cay xè lên bánh.
Từ nhân bánh, vỏ bánh đến các nguyên liệu ăn kèm đều vô cùng hòa quyện.
Đặc biệt, người Hà Nội ai cũng biết đến món bánh giò trên đường Thụy Khuê. Bánh giò ở đây đặc biệt bởi hương vị không lẫn vào đâu được của nó. Vốn đã to hơn so với các hàng bánh khác, bánh ở đây còn mềm, dẻo mà không nát, luôn thơm nhẹ mùi bột gạo. Nhân bánh được làm từ thịt nạc vai băm nhuyễn cùng mộc nhĩ, nấm hương đậm đà.
Khi thưởng thức, hương vị thơm dịu của bột gạo tẻ lan tỏa từ miếng bánh đầu tiên, nhân thịt và mộc nhĩ hòa quyện khi ăn thực sự sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn.
Một chiếc bánh giò có giá 10.000 đồng, nhưng nếu bạn yêu cầu thêm giò chả, dưa chuột muối, xúc xích thì giá một đĩa sẽ khoảng 20.000-30.000 đồng. Hà Nội có rất nhiều nơi bán bánh giò ngon. Du khách có thể tìm đến địa chỉ bánh giò Đào Duy Từ, bánh giò Nguyễn Công Trứ... để thưởng thức những chiếc bánh ngon tuyệt và ấm bụng cho buổi sáng.
Theo Dân trí
Những món ăn vặt dành cho ngày mưa dầm dề Vào những ngày thời tiết "ẩm ương" mưa dầm dề, không còn gì thích thú hơn khi ngồi lê la quán xá vỉa hè để nhâm nhi nhiều món ngon khoái khẩu. Các món ngon từ ốc Món ốc luộc cùng trứng cút lộn ăn kèm sung muối là món ăn vặt được nhiều chị em ưa chuộng Vào những ngày tiết trời...