Những món ăn truyền thống độc đáo của người M’nông ở Đắk Nông
Cũng như các dân tộc trên dãy Trường Sơn, đồng bào M’nông từ xa xưa đã tạo cho mình nhiều món ăn dân dã.
Họ chế biến thức ăn bằng 3 phương thức, gồm: Chế biến qua lửa, không qua lửa và kết hợp giữa qua lửa với không qua lửa để tạo thành phương thức thứ ba cho ra món ăn nguội, như món nộm, món tái…
Các món nấu thường là canh để ăn với cơm, như món canh Biếp Pu (lá bép già giã với bột gạo, đốt vỏ chuối hoặc cây lồ ô vắt lấy nước nấu), canh Biếp Ndum (lá bép giã nhuyễn với bột gạo để 1 ngày đêm lên men rồi ăn)… món ăn này cay do nấu từ nhiều nguyên liệu khác nhau và cho nhiều ớt, nhất là món Biếp Prung (canh thụt) với nguyên liệu của núi rừng: đọt mây, lá bép, cà đắng, ớt… rồi cho thêm thịt, sườn thú rừng hoặc cá suối với gia vị (ngày xưa người M’nông thường nấu bằng ống lồ ô, nay phổ biến dùng nồi). Khi ăn canh thụt có mùi thơm và đắng dịu của cà đắng, vị béo ngọt của thịt tươi, vị cay xé lưỡi của ớt rẫy…. Người ăn cảm thấy nồng nàn, khó tả.
Cũng từ thịt gia súc, gia cầm và muông thú, người M’nông còn chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, tạo sự phong phú và đa sắc cho các món ăn như: Món thịt băm trộn muối đựng trong ống lồ ô; thịt trộn với phèo gói trong lá; thịt trộn muối, tiết và phèo động vật (này thường dùng trong lễ cúng tế thần linh); mắm tiết (máu con vật bỏ trong ché hoặc ống lồ ô, không nêm gia vị, rồi đậy nắp bằng trái bầu khô, lấy sáp ong đất bít kín không cho không khí vào, khoảng 1 năm đem ra nấu với các món canh)
Video đang HOT
Ở người M’nông, món nướng cũng là thực phẩm phổ biến cho gia đình và cộng đồng, đặc biệt là trong các lễ hội của bon làng. Họ cắt thịt thành từng miếng to, nhỏ tùy ý, dùng tre nhọn xiên rồi nướng. Người M’nông nói chung, kể cả nhóm M’nông Preh, M’nông Prâng, M’nông Nong…. nướng thịt không ướp gia vị vì họ quan niệm, nướng không gia vị mới giữ được hương vị thơm ngon nguyên thủy của thịt.
Cách nướng này khá phổ biến và phù hợp với điều kiện sống cũng như sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người M’nông bản địa. Sau khi nướng, đồng bào thưởng thức thịt bằng cách chấm với các thức chấm dân dã làm từ muối, ớt giã với lá, củ nén hay ngò gai, sả…
Các bon tại xã Quảng Trực (Tuy Đức), xã Nâm Nung (Krông Nô), đồng bào M’nông thường lấy đọt mây luộc chín, để nguội, cắt thành từng lóng từ 10 đến 15cm bày trên đĩa trông rất đẹp mắt. Khi ăn chấm với muối ớt xanh, nhâm nhi ly rượu trong bữa cơm hàng ngày của gia đình hoặc khi có khách. Nếu là khách quý, họ thết đãi rượu cần truyền thống; ăn đọt mây uống rượu cần chỉ một lần là nhớ mãi.
Cũng từ cây mây của núi rừng, người Mnông chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu. Họ chọn loại đọt non, ngọt (lấy từ mây song, có vị ngọt lợ), sau đó luộc chín rồi thái mỏng hoặc đập dập trộn với thịt lợn nạc hay thịt ba chỉ, thêm ớt xanh, muối, mì chính, rau thơm… trộn đều cho ra món nộm đọt mây rất khoái vị.
Đồng bào M’nông còn tạo ra nhiều món ăn mang hương sắc miền sơn cước – mộc mạc hoang sơ, lạ thường từ nguyên liệu thiên nhiên và một phần từ chăn nuôi, canh tác, như món thịt Mối hong khói, món thịt Mối muối…
Theo TCDL
Về Sóc Trăng thưởng thức mì sụa
Trước khi các loại mì gói phổ biến trong bữa điểm tâm của người dân quê miền Tây Nam bộ nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng như hiện nay, bà con đã quen với những tô mì sợi, trong đó, ngon nhất phải kể đến mì sụa.
Sáng sớm, những chị bán hàng ngoài chợ, anh phu kéo xe tay, chạy xe đạp ôm cho đến những bác thợ xây, thợ nề thường hay ghé quán bình dân ăn lót dạ với món này. Mì sợi ngon và nổi tiếng nhất là mì sụa. Đây là món ẩm thực đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng đất này.
Nguyên thủy, mì sụa là món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa vùng quê này. Sau đó, nó giao thoa và lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trong vùng. Mì sụa được chế biến bằng nguyên liệu chính là đậu nành, nên cọng mì có màu vàng óng, thường to hơn so với các loại mì khác.
Mì sụa có hai loại: loại mặn và loại không mặn. Mỗi loại chế biến thành các món ăn khác nhau như mì sụa mặn, ngon nhất khi xào, còn mì sụa ngọt dùng để nấu chè.
Cách chế biến món mì sụa xào cũng khá đơn giản. Mì được trụng sơ qua nước nóng và đem xào chung với các loại rau, nấm và các loại hải sản hay thịt heo, thịt gà chấm với nước tương hoặc nước mắm chanh ớt tùy khẩu vị. Khi ăn, người ta sẽ cảm nhận được vị dai, giòn của mì hòa cùng với vị béo, ngọt của thịt. Bên tô mì không như vậy luôn có tô nước súp đi kèm. Một khúc xương heo với ngò gài, ngò rí, hành lá, tiêu xay ngát mùi thơm. Người ăn vừa húp từng muỗng nước ngọt ngào, sảng khoái.
Còn mì sụa ngọt, thường được nấu chè với trứng gà luộc. Món ăn sẽ có vị ngọt rất lạ miệng, và nó được dùng trong những bữa tiệc mừng sinh nhật. Với hàm ý, màu đỏ của lòng đỏ trứng gà là lời chúc cho cuộc sống thêm may mắn, trọn vẹn./.
Theo TCDL
Muối củ kiệu - thức chấm đặc biệt của người M'nông Trong văn hóa ẩm thực của người M'nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đi kèm các món luộc hay nướng đặc trưng đều không thể thiếu vắng hình bóng của các loại muối chấm. Là thức chấm đi kèm các món ăn chính, nhưng muối chấm cũng được chế biến đa dạng, phong phú. Có thể kể đến muối tro, muối ớt...