Những món ăn ngon của phố núi ở Sài Gòn
Phở khô, lụi, gỏi đu đủ gan bò… là những đặc sản nổi tiếng của Phố núi Pleiku được người Sài Gòn ưa thích.
Không có nhiều món ngon ở Sài Gòn, nhưng với những nét đặc trưng riêng của mình, những món ăn dân dã của phố núi Pleiku vấn có sức hút riêng và làm hài lòng người thưởng thức.
Nói đến ẩm thực Gia Lai phải nói đến phở khô. Người dân ở đây đã sáng tạo nên món ăn này và tự hào mang đến cho người thưởng thức một hương vị rất riêng. Phở khô còn có tên gọi khác là phở hai tô, đây là món ăn đặc trưng của người dân phố Núi. Phở có tên gọi hai tô là gồm một tô bánh phở và một tô nước súp. Khác với bánh phở của người Sài Gòn, phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai, nhờ đó khi trộn chung với các loại gia vị khác, bánh phở sẽ không bị nát.
Khi đem ra cho khách, bánh phở sẽ được chần chín và để riêng, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước súp được để riêng trong một tô, bạn có thể ăn với thịt bò tái, bò viên hoặc là thịt gà. Đặc biệt, nước súp của phở khô Gia Lai được làm không quá đậm đà và cũng không quá nhạt, nên khi ăn kèm với bánh phở bạn sẽ thấy rất vừa miệng.
Khi ăn, bạn phải trộn đều bánh phở với tương ớt, tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt trái. Rau ăn chung là xà lách, rau cần, giá chần và rau húng. Bạn có thể thưởng thức đặc sản của người dân phố núi tại quán phở Hồng – 71 Cửu Long, phường 15, quận 10, TP HCM.
Gỏi đu đủ gan bò
Gỏi đu đủ gan bò là món ăn rất phổ biến ở phố núi, được chế biến đơn giản với hai thành phần chính là đu đủ và gan bò. Trước hết, phải chọn đu đủ già, mới hái, thịt còn cứng, khi bào ra sợi mới giòn, ngon. Bổ đôi trái, bỏ hạt, bào thành sợi nhỏ ngâm vào nước lạnh có vắt chanh, muối để hết mủ và đắng. Xả nước lã và vắt ráo nước đổ ra rổ.
Gan bò thái thành từng lát cỡ hai ngón tay, rửa sạch bằng nước muối có pha giấm. Để ráo, ướp gan bò với nước tương, tiêu, đường, muối, bột ngọt, một ít sả, tỏi bằm và chút bột cà ri, để trong vòng mấy tiếng cho gia vị thấm đều.
Cho chảo dầu lên bếp, chờ dầu nóng bỏ gan vào chiên. Khi gan đã vàng hai mặt thì vớt ra, cho vào một chiếc chảo khác. Đổ phần nước ướp gan bò còn lại vào chảo, chế nước dừa tươi vào ngập phần gan, canh lửa nhỏ đến khi cạn hết nước dừa thì tắt lửa.
Video đang HOT
Lấy một chiếc đĩa, cho đu đủ bào, gan bò thái nhỏ vừa ăn, rắc rau thơm lên, trộn đều với nước mắm chanh tỏi ớt và thưởng thức. Ngoài hai thành phần chính, nước mắm sẽ quyết định hương vị thơm ngon của món ăn. Nước mắm pha phải thật nhạt, đảm bảo có đầy đủ các hương vị: ngọt thơm của nước mắm, chua chua hấp dẫn của giấm, cay the nhưng không quá nồng của ớt.
Dùng đũa trộn đều, gắp một ít gỏi và thưởng thức. Cái hấp dẫn của món ăn chính là sự kết hợp hài hòa giữa vị giòn giòn cùa đu đủ bào, cái giòn mềm đậm vị của gan bò với vị chua, cay, mặn, ngọt vừa như tách biệt, vừa như hòa quyện vào nhau của nước mắm.
Địa chỉ: Quán nướng Pleiku – 001 Lô E chung Lê Thị Riêng, đường Nguyễn Giản Thanh, phường 15, quận 10, TP HCM.
Đây là món ăn chơi đơn giản nhưng rất nổi tiếng với giới trẻ ở phố núi Pleiku. Lụi là từ địa phương (một động từ, tương tự như từ xiên), người dân ở đây dùng hình thức chế biến để đặt tên cho món ăn. Món ăn với bánh tráng mỏng, bên trong cuộn một ít hỗn hợp thịt xay, nấm mèo, cuộn nhỏ lại, dùng một cây tre nhỏ lụi qua, nướng trên bếp than hồng.
Lụi được chế biến với hai thành phần chính là bánh tráng và thịt heo. Thịt heo mua về được rửa sạch, bằm nhỏ trộn chung với nấm mèo thái nhỏ. Dùng một miếng bánh tráng mỏng, cho vào một ít hỗn hợp đã chế biến, gói lại hình chữ nhật, gần bằng ngón tay út người lớn.
Sau khi chuẩn bị xong, dùng que tre nhỏ lụi qua từng miếng và nướng trên bếp than hồng. Khi nướng, nhớ trở đều tay để những cây lụi không bị cháy xém. Khi lớp bánh tráng bên ngoài được nướng giòn vàng, tỏa hương ngào ngạt thì lấy xuống, cho vào đĩa và thưởng thức với mắm me.
Nước chấm là một điểm cộng của món ăn, vị chua chua, ngọt ngọt nhưng hơi cay cay làm thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa. Trong cái khi trời se se lạnh của phố núi, vừa ngồi co ro bên bếp than hồng vừa thưởng thức những que lụi nướng nòng hổi, giòn rụm thì không còn gì thú vị bằng.
Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món ăn chơi ngon miệng này tại địa chỉ: 001 Lô E- chung cư Lê Thị Riêng, đường Nguyễn Giản Thanh, phường 15, quận 10, TP HCM. Quán bán từ 16h đến 22h hàng ngày. Mỗi que lụi có giá 3.000 đồng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Các khúc biến tấu lạ mà quen của phở
Phở cuốn thanh ngọt, phở chiên giòn thơm lừng, phở chua độc đáo với lớp nước sốt ánh vàng, phở hai tô nhấn nhá với nước tương trộn cùng... là những khúc biến tấu khác nhau của món phở nóng quen thuộc.
Phở chua
Phở chua gắn liền với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Xét về tính phổ thông thì món phở này phổ biến rộng rãi hơn phở cuốn và phở chiên giòn.
Yếu tố quyết định thành bại của phở chua chính là nước sốt. Để có nước sốt ngon phải trải qua khá nhiều công đoạn và định lượng cụ thể cho hành, tỏi, ớt, cà chua, dấm, đường, nước mắm, gừng. Đặc biệt, một gia vị không thể thiếu của nước sốt cho món phở chua là dấm đường, một loại dấm đặc sản của Lạng Sơn, được làm từ quả chuối tây chín.
Cách ăn truyền thống của phở chua là thực khách tự gia giảm các nguyên liệu đi kèm như tóp mỡ, nước sốt, song khi du nhập vào các vùng miền khác, để tiện lợi, hầu như các quán đều cho tất cả thành phần vào một tô, thực khách chỉ cần trộn đều là có thể dùng ngay. Riêng thực khách nào muốn gia giảm, thêm bớt đã có tô tóp mỡ ướp đẫm màu đỏ của ớt hay hủ sốt me vàng trên bàn. Khi ăn, nước sốt sền sệt chua ngọt quyện với những gia vị khác làm nên hương vị rất lạ, khiến bạn dù ăn hết một tô còn thòm thèm tô nữa.
Địa chỉ tham khảo: Tea House cafe, 35 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Phở chua, 242/101 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP HCM (Quán chỉ bán từ 15h chiều. Điểm trừ là quán thường nghỉ đột xuất nên việc khách đến nơi rồi dong xe về khá thường xuyên).
Phở khô
Phở khô hay còn được gọi phở hai tô (một tô bánh phở, một tô nước dùng) là khúc biến tấu của món phở nước quen thuộc. Rất khó lý giải các trình bày của món ăn, song có thể xét nguyên nhân thực khách đến quán gọi món ăn này là muốn làm mới món ăn, không thích cái nóng hôi hổi của món phở nước hay muốn làm đầy cái bụng không quá đói.
Cũng như phở nóng, bạn có thể gọi phở khô ở bất kỳ quán phở nào ở khắp các vùng miền của nước ta. Nhưng có một nơi, món phở hai tô được nhắc đến như một thương hiệu của tỉnh là Gia Lai. Nếu có cơ hội thưởng thức, bạn sẽ nhận ra lý do tạo nên sự khác biệt này đến từ cách gia giảm nguyên liệu, thời gian tái thịt bò trong tô nước dùng hay chén nước tương lạ được dọn kèm với mục đích tăng vị cho bánh phở.
Bạn có thể thưởng thức phở khô Gia Lai ở các quán cà phê Trung Nguyên.
Phở cuốn
Phở cuốn là món ăn khá thuộc của người Hà Nội, và người miền Bắc nói chung. Nhưng ở các miền khác, thậm chí ở các thành phố lớn, món ăn này chỉ được giới thiệu tại các nhà hàng, quán ăn Hà Nội sang trọng nên với đa số thực khách phở cuốn là món 3 lạ: lạ tai, lạ mắt, lạ miệng.
Để làm phở cuốn, bánh phở không thái nhỏ thành cọng như thường thấy mà là loại bánh vuông. Khi có khách gọi món, người bán sẽ xào tái thịt bò trên lửa lớn, rồi trải miếng bánh phở ra đĩa, xếp vào đó rau sống, thịt bò xào hay thịt heo xào cuốn lại. Một cuốn phở cuốn ngon, đẹp ngoài việc được cuốn khá đều tay thì phần thịt và rau phải hơi lấp ló ra ngoài để kích thích thực khách là khi thưởng thức, có cái dai dai của bánh phở, vị nóng, ngọt của thịt bò, tươi mát của rau xanh hòa chung với vị chua, cay, mặn của mắm.
Ngoài phở cuốn thịt heo, thịt bò xào truyền thống, hiện một số quán phở cuốn tại Hà Nội cũng giới thiệu đến thực khác khúc biến tấu mới của món ăn này với phở cuốn cá, phở cuốn gà.... khá thú vị và lạ miệng.
Phở chiên giòn
Cũng như phở cuốn, phở chiên giòn là một cái tên khá lạ tai với thực khách miền Trung, miền Nam, song quen thuộc với miền Bắc, nhất là Hà Nội.
Có rất nhiều hàng phở chiên giòn dùng ngay những cọng phở kết thành bánh chiên giòn. Điểm cộng của cách chế biến này là miếng phở giòn đều kết hợp với rau thịt thanh ngọt. Song ấn tượng và thu hút nhiều nhất lại là món phở chiên với từng bánh phở được thái miếng vuông vức.
Cách làm món phở chiên giòn này khá công phu. Sau khi mua những miếng phở vuông ngoài chợ, người ta sẽ cắt chồng bánh phở ấy thành những hình vuông khoảng 3cm., sau đó xếp chồng khoảng 4 miếng bánh phở đã cắt lên nhau, miết thật chặt ở 4 mép. Khi có người gọi món, người bán sẽ một tay thả những miếng bánh phở vào chảo ngập dầu đang sôi ùng ục trên bếp, một tay xào thật nhanh thịt bò, rau cải trong chảo kế bên. Khi thịt bò và cải vừa chín tới thì những lát bánh phở cũng căng phồng, vàng ươm. Trút bánh phở lên đĩa, cho phần thịt bò và rau cải lên trên là món phở chiên giòn đã sẵn sàng để thưởng thức. Phở chiên giòn hấp dẫn ở phần bánh phở giòn tan quấn quýt cùng cái ngọt, hương thơm của thịt bò, vị tươi xanh của rau cải, ăn đến đã ghiền chứ không phải ăn no.
Bạn có thể thưởng thức hai món phở này ở khu Ngũ Xá, Hà Nội. Riêng ở Sài Gòn, bạn có thể thử món phở cuốn ở 006 lô F chung cư Lê Thị Riêng, P.10, Q. Tân Bình, TP. HCM. Tuy nhiên đánh giá ban đầu là gia vị và nước dùng rất khác so với phở cuốn bạn thưởng thức tại Hà Nội.
HUỲNH HẰNG
Theo Infornet
Ngon miệng món lụi phố núi Những miếng lụi được nướng chín vàng, ăn kèm với mắm me chua chua cay cay rất ngon miệng và thú vị. Đây là món ăn chơi đơn giản nhưng rất nổi tiếng với giới trẻ ở phố núi Pleiku. Lụi là từ địa phương (một động từ, tương tự như từ xiên), người dân ở đây dùng hình thức chế biến để...