Những món ăn ký ức
Bây giờ, chỉ cần bấm vào một số điện thoại, gọi là có ngay món ăn đem tới tận nhà. Vào facebook, cả một thế giới ăn uống bày ra, nhiều món ăn hồi xửa hồi xưa không còn nữa.
Ngẫm lại đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống, những mùa đi qua như bạn bè vẫn thường nói: Mới gặp nhau đó mà giờ đã là hôm qua.
Nha Trang thay đổi từng ngày, những khu đô thị mới mở ra, cuộc sống bây giờ hối hả hơn xưa và điều kiện sống cũng tốt hơn. Nhưng trong lòng thành phố rộn rã ấy vẫn còn cái hồn của những điều đã mất, những cái rất riêng tạo nên một Nha Trang xưa cũ.
Ngày ấy, con đường biển Nha Trang không đẹp như bây giờ, chỉ có cát biển và hàng cây dương liễu, trên bờ cát còn nhiều vạt rau muống biển mọc tràn, nở lung linh những bông hoa tím. Chiều chiều, người dân xuống biển ngồi trên bãi cát vui chơi, bao quanh là những người bán hàng. Đó là bà bán đậu hũ gánh. Thường bà gánh một hũ sành đựng đậu hũ nóng, bao quanh hũ sành là lớp bố dày giữ nhiệt. Đầu gánh bên kia là hũ đường đã thắng, chén, muỗng… Rồi những chiếc xe đẩy cứ đậu ở các con đường nhỏ xuống biển mà bán hàng. Trên chiếc xe có các món ăn như cóc, xoài ngâm chua ngọt. Những lát xoài hoặc trái cóc đã chẻ bung ra, cắm vào một cây tre nhỏ bỏ vào trong thẩu thủy tinh có nước cam thảo, muối đường. Khách mua chỉ việc lấy ra đưa, kèm theo ít muối ớt. Và nữa, ông bán cà rem cây đi xe đạp, hai bên yên xe là hai thùng sắt có đựng cà rem. Cà rem chủ yếu là nước pha với đường và sirô, ăn chỉ cảm nhận được cái lạnh và vị ngọt là chính…
Bây giờ phố vẫn còn những người bán đậu hũ nhưng bỏ trong thùng cách nhiệt, đạp xe đi thiệt nhanh. Có bà bán xôi bắp đẩy xe đi khắp phố, có cả ông bán bánh mì, bà bán bánh bột lọc, nhưng khách phải đem đĩa và chén ra đựng bánh và mắm. Hồi xửa hồi xưa có ông Tàu đạp xe qua các ngõ, rung cái chuông lắc vang trời là biết ông bán đậu phộng rang. Ông bán hai loại là đậu rang ngọt và đậu rang mặn. Khách hỏi mua, ông lấy giấy xi măng quấn thành cái phễu, xúc đậu còn nóng hổi đưa cho khách. Giờ thì ông bán đậu phộng ấy không còn nữa và cũng chẳng ai kế thừa nghề bán đậu của ông. Xưa, mấy bà bán bún bò, bún riêu “đòn gánh”, có nghĩa là tới chỗ đông người thì hạ gánh hàng xuống, lấy đòn gánh bỏ ra cho khách ngồi. Khách ngồi trên đòn gánh mà ăn giữa đất trời như thế. Rồi bà bán chè gánh, gánh chè nhỏ vậy mà đa dạng chè: trôi nước, đậu đen, đậu xanh hay có khi chè bắp, chè khoai tím, ai ăn thì đem ly ra mua. Cả xe phở gõ đi khắp thôn xóm, thỉnh thoảng bán món xương bò hầm, mua về gỡ những miếng thịt bám vào trong xương đã chín rục, chấm nước mắm dầm ớt mà ăn…
Những người buôn bán xưa giờ chắc đã già, không còn gồng gánh nữa, và cuộc sống đã đổi thay khi mọi nẻo đường quán xá mọc lên khắp nơi. Những món ăn vặt cũng đã khác và đa dạng như: khoai lang lắc, cóc lắc… rồi đến trà sữa, mì cay cấp độ 7 và nhiều thứ nữa, chẳng ai nghĩ đến hàng chè đòn gánh hay ông bán đậu phộng rang lắc chuông quanh xóm. Những món ăn ký ức ấy giống như một câu chuyện cũ để người già kể lại cho nhau nghe.
Theo Khanhho
Giải mã việc Trung Quốc 'bẻ lái' về COC
Chuyên gia nhận định việc Trung Quốc thúc giục các bên liên quan hoàn tất COC trong năm 2021 là nhằm lợi dụng vị trí điều phối viên của Philippines để đạt được thỏa thuận có lợi.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 3/11 kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hoàn thành bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2021.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN trên nền tảng và cơ sở hiện có để đạt được bước tiến mới đối với COC, theo khung thời gian ba năm, nhằm duy trì hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông", Thủ tướng Lý nói tại Hội nghị Cấp cao các nước ASEAN tổ chức ở Bangkok, Thái Lan.
Trước đó, bằng việc xây dựng các cấu trúc và đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc được cho đã cố tình trì hoãn quá trình đàm phán xây dựng COC. Tuy nhiên, đến năm 2018, Bắc Kinh đột ngột thay đổi giọng điệu, chuyển sang đề xuất sớm kết thúc tiến trình vào năm 2021.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tại Bangkok ngày 3/11. Ảnh: Reuters.
Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết vào tháng 10, các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức vòng đàm phán thứ hai tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam đã làm phức tạp tình hình. Căng thẳng giảm bớt vào tuần trước khi nhóm tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực này.
Video đang HOT
Hiện các nhà đàm phán chưa thống nhất về nhiều điểm chính của bộ quy tắc, bao gồm cả tính ràng buộc pháp lý nếu có.
Trước đó, tàu cá của Trung Quốc và Philippines đã xảy ra va chạm tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hồi tháng 6. COC được cho có thể trở thành khuôn khổ để giải quyết các tranh chấp và sự cố tương tự thông qua đối thoại.
Nước cờ đã thay đổi
ASEAN, với tư cách là một tổ chức, đã hối thúc các nước nhanh chóng hoàn thành COC, bởi ASEAN coi đây là một vấn đề khu vực. Trước khi thay đổi giọng điệu, Trung Quốc vẫn tuyên bố các yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh với bốn quốc gia thành viên riêng lẻ của ASEAN, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Tuy nhiên, giờ đây nước cờ đã thay đổi. Tại sao Trung Quốc lại dành nhiều sự chú ý hơn cho ASEAN?
Bắc Kinh tuyên bố yêu sách đối với phần lớn diện tích của Biển Đông, được giới hạn bằng "đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò". Tháng 7/2016, trong vụ kiện do phía Philippines đệ đơn, tòa trọng tài quốc tế tại Hague, Hà Lan, đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Theo phán quyết dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đường 9 đoạn không có cơ sở luật pháp quốc tế.
Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết của tòa án dù nước này là thành viên ký kết UNCLOS. Rõ ràng, Bắc Kinh cho rằng có thể sử dụng COC để "giải thoát" chính mình khỏi phán quyết năm 2016.
Các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Loan liên quan đến Mỹ là một yếu tố khác. Trung Quốc đang nóng lòng hoàn tất thỏa thuận với ASEAN về vấn đề Biển Đông để nước này có thể tập trung đối phó với Washington.
Tuy Trung Quốc đã thay đổi quan điểm về COC nhưng vẫn còn quá sớm để coi đây là chiến thắng. Thay vào đó, cần cân nhắc động cơ ngầm của Bắc Kinh được phản ánh trong khuôn khổ các cuộc đàm phán.
Chia để trị
Thứ nhất, Trung Quốc đang đàm phán với 10 quốc gia thành viên riêng lẻ, chứ không làm việc với ASEAN như một tổ chức.
Văn bản thỏa thuận trong giai đoạn đầu tiên được soạn thảo dưới dạng 11 đề xuất riêng biệt, một từ Trung Quốc và một từ mỗi quốc gia thành viên ASEAN (thay vì hai đề xuất, một từ Trung Quốc và một từ ASEAN).
Trung Quốc dành nhiều tâm huyết để làm việc với các nước ASEAN khi tiến hành đàm phán COC. Điều này phản ánh quan điểm của Bắc Kinh, cho rằng tranh chấp tại Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc với riêng bốn quốc gia thành viên ASEAN.
Cách tiếp cận nói trên giúp Trung Quốc phát huy tối đa sức mạnh và sử dụng biện pháp cứng rắn, nếu cần thiết, để đạt được mục đích của mình.
Bà Elena Bernini, Giám đốc Điều hành của Oxford Omnia International, một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ thúc đẩy luật quốc tế, nói với Zing.vn rằng chiến lược của Bắc Kinh là "chia để trị".
Các nhà lãnh đạo dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok hôm 3/11. Ảnh: VGP.
Bằng cách kêu gọi giải quyết vấn đề song phương với từng quốc gia, Trung Quốc hy vọng có thể sử dụng đòn bẩy kinh tế và chính trị với từng nước riêng lẻ, vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi hợp tác cùng nhau.
ASEAN đang hướng tới việc trở thành một cộng đồng chung. Tổ chức này vẫn ra tuyên bố thống nhất trong các cuộc đàm phán đối ngoại ngoài khu vực.
Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết hiện chỉ có hai hiệp ước có sự tham gia đàm phán riêng lẻ của 10 nước thành viên ASEAN: COC và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tuy nhiên, hiện nhiều quốc gia đã bị Trung Quốc chi phối, hạn chế khả năng lên tiếng chống lại Bắc Kinh tại ASEAN. Trong 20 năm qua, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng kinh tế đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Campuchia, Lào và gần đây nhất là Philippines.
Lợi dụng vai trò điều phối viên của Philippines?
Thứ hai, Trung Quốc đơn phương đặt ra thời hạn ba năm để hoàn tất bản thảo COC. Khung thời gian được coi là yếu tố then chốt, bởi các nước thành viên ASEAN luân phiên giữ vị trí điều phối viên, chủ trì các cuộc họp ngoại giao của tổ chức trong nhiệm kỳ ba năm.
Philippines là điều phối viên của ASEAN để đối thoại với Trung Quốc từ năm 2018. Bắc Kinh dường như muốn hoàn tất soạn thảo COC trước khi Philippines hết nhiệm kỳ vào năm 2021.
Người Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines hôm 9/4, phản đối sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.
Zhao Jianhua, Đại sứ Trung Quốc tại Manila, gần đây tuyên bố Bắc Kinh muốn hoàn tất đàm phán khi Philippines vẫn là điều phối viên. Điều này cho thấy Manila có thể mang lại thỏa thuận có lợi hơn cho Bắc Kinh so với các điều phối viên khác.
Khác với người tiền nhiệm có quan điểm cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra mềm mỏng hơn với hy vọng giành được viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh.
Ông Duterte nhậm chức tổng thống ngay trước khi tòa trọng tài quốc tế tuyên bố phán quyết chống lại yêu sách của Trung Quốc năm 2016.
Theo bà Bernini, Trung Quốc đã lợi dụng thái độ mềm mỏng của Tổng thống Duterte đối với Bắc Kinh. "Tuy nhiên, chưa thể khẳng định chắc chắn có thể hoàn tất COC trong giai đoạn này, ngay cả khi thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc", chuyên gia này nhận định.
Dùng COC để "bẻ khóa" UNCLOS?
Tiến trình đàm phán đã kéo dài 21 năm, kể từ năm 1996. Đến năm 2002, Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết nhưng không có tính ràng buộc.
Giờ đây, 17 năm sau DOC, dường như các bên vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, nước này ngày càng mong muốn hoàn tất đàm phán COC và ngăn chặn các bên ngoài khu vực khai thác dầu khí tại châu Á.
Theo nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc có ba yêu cầu cơ bản liên quan đến COC. Một là COC không được dựa theo quy định trong UNCLOS. Hai là những cuộc tập trận chung với các quốc gia ngoài khu vực phải có sự thống nhất trước của tất các bên tham gia thỏa thuận. Và cuối cùng, các nước ký kết không được phát triển nguồn tài nguyên với những quốc gia ngoài khu vực.
Bắc Kinh muốn tự thiết lập COC nhằm đạt mục đích riêng của họ là hướng tới gây khó khăn cho việc thực thi UNCLOS, bà Bernini nhận định.
ASEAN không thể chấp nhận những yêu cầu này bởi chúng sẽ vô hiệu hóa phán quyết của tòa án đối với đường 9 đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố. Đồng thời, những yêu cầu này cũng nhằm mục đích ngăn chặn Mỹ và châu Âu gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.
"ASEAN không vội vàng và không có ý định hoàn thiện COC bằng việc đưa ra các cam kết kỳ quặc", một nguồn tin ngoại giao nói với Nikkei Asian Review.
Thủ tướng Lý hôm 3/11 cho rằng mối quan hệ ổn định và hợp tác "chặt chẽ hơn bao giờ hết" giữa Trung Quốc và ASEAN đã giúp các nước "đối phó với tình hình bất ổn tại các khu vực khác trên thế giới". Ông Lý tuyên bố "việc hoàn thành phiên bản đầu tiên của COC là cột mốc quan trọng chưa từng có".
Khác với giai đoạn đầu của quá trình soạn thảo, trong thời gian tới ASEAN và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhằm thu hẹp khoảng cách và bất đồng quan điểm, Nikkei Asian Review bình luận.
Hương Ly
Theo Zing.vn
Philippines tố cáo Trung Quốc trì hoãn ký COC để xây dựng căn cứ ở đảo Scarborough Đây là nhận định của cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio được Phil Star đăng tải ngày 28-10, theo đó cho rằng việc ký COC sẽ được Trung Quốc thực hiện sau khi xây dựng xong căn cứ ở Scarborough. Cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhấn mạnh, Bắc Kinh từ lâu đã...