Những mốc chính trên con đường dân chủ của Myanmar
Tại sao cuộc bầu cử ở Myanmar được coi là sự kiện lịch sử của nước này? Cùng điểm lại quá trình đấu tranh đòi dân chủ của Myanmar, dẫn đầu là bà Aung San Suu Kyi.
Người dân Myanmar hân hoan với chiến thắng của đảng NLD do bà Suu Kyi lãnh đạo – Ảnh: Reuters
Cuộc bầu cử tại Myanmar đã công bố kết quả cuối cùng, với lợi thế thuộc về đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Đây được xem là sự kiện lịch sử của Myanmar, vì họ hy vọng có thể thoát khỏi thế thống trị của quân đội sau nhiều thập niên.
Cùng điểm qua những dấu mốc quan trọng nhất trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ của Myanmar, để nước này có cuộc bầu cử công bằng đầu tiên sau 25 năm.
Đó là một quá trình trải dài lịch sử của Miến Điện – Myanmar, và song song đó là những hoạt động sinh sống, học tập và đấu tranh của bà Aung San Suu Kyi, con gái của “người hùng dân tộc” Aung San.
Năm 1947: Cái chết của lãnh đạo Aung San trước ngày độc lập
Miến Điện (Burma – tên cũ của Myanmar) chuẩn bị thành lập chính phủ lâm thời đầu tiên, sau đó sẽ tổ chức bầu cử. Tuy nhiên lãnh đạo Aung San, người góp công lớn giành độc lập cho Miến Điện bất ngờ bị ám sát ngay tại phòng họp nội các. Lúc này, bà Aung San Suu Kyi mới 2 tuổi.
Ông U Nu, một đồng minh của ông Aung San đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành thủ tướng đầu tiên của Miến Điện vào tháng 1.1948, đánh dấu ngày Miến Điện chính thức độc lập.
1948-1958: Thế lực quân sự nổi lên
Cái chết của ông Aung San khiến Myanmar mất phương hướng. Nhiều lãnh đạo của các dân tộc thiểu số muốn giành quyền tự trị và bắt đầu tấn công chính phủ.
Ne Win (tên thật là Sinh Shu Maung), một chỉ huy quân sự tham vọng đã tiến hành một chiến dịch quyết đoán mang trật tự trở lại. Nhưng đó cũng là lúc Thủ tướng U Nu của Miến Điện khi ấy cảm nhận sự yếu thế và mời ông Ne Win và đảng Cương lĩnh Xã hội chủ nghĩa Myanmar thành lập liên minh cầm quyền.
1962: Chế độc độc tài quân sự bắt đầu
Ne Win tiến hành đảo chính quân sự, bắt giam U Nu. Bên cạnh đó, ông Ne Win hình thành “Hội đồng cách mạng” của riêng mình, bãi bỏ hiến pháp và điều hành đất nước bằng nghị định.
1964: Bà Aung San Suu Kyi bắt đầu hành trình của mình
Năm 1964, bà Suu Kyi đến học tại Đại học Oxford (Anh).
Từ 1969 đến 1971, bà làm việc tại Liên Hiệp Quốc trụ sở ở New York với tư cách trợ lý thư ký của Ủy ban Tư vấn về các vấn đề hành chính và ngân sách.
Từ 1985 đến 1986, bà làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto (Nhật Bản) với tư cách học giả thỉnh giảng.
Năm 1987, bà làm nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ tại Simla.
1988: Bà Suu Kyi về nước trong cuộc bạo loạn và đồng sáng lập NLD
Năm 1987, Ne Win khi ấy không còn đứng đầu đất nước nhưng vẫn là chủ tịch đảng cầm quyền, đã thực hiện chính sách kinh tế tai hại khiến người dân Myanmar lâm vào cảnh khốn khó.
Video đang HOT
Hàng ngàn người Myanmar chết trong cuộc biểu tình 1988, còn gọi là “Cuộc khởi nghĩa 8888″ – Ảnh: AFP
Năm 1988, bà Aung San Suu Kyi về nước sau khi mẹ của bà trải qua cơn đột quỵ nghiêm trọng.
Đây cũng là năm chứng kiến đợt xuống đường của hàng trăm ngàn người Myanmar phản đối đảng cầm quyền do quân đội kiểm soát. Hàng ngàn người đã chết sau vụ đàn áp này.
Ngày 15.8.1988, bà viết bức thư ngỏ cho chính phủ, đề nghị bầu cử đa đảng. Đến ngày 24.9.1988, bà đồng sáng lập NLD, được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký.
1990: Chiến thắng bị tước bỏ
Năm 1989, bà Suu Kyi bị bắt và quản thúc tại gia vì “cố gắng chia rẽ quân đội”. Tuy nhiên vào tháng 5.1990, đảng NLD của bà đã chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Quân đội đã hủy bỏ kết quả bầu cử và bà Suu Kyi vẫn bị giam cầm.
1991: Được trao giải Nobel hòa bình
Bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình vì có công trong “cuộc đấu tranh phi bạo lực cho dân chủ và nhân quyền”. Chính phủ của quân đội không đồng ý thả bà ra để nhận giải.
Từ 1995 đến 2010: Bà Suu Kyi liên tục bị bắt và thả ra
Bất chấp sự can thiệp từ quốc tế, Myanmar vẫn tiếp tục dưới sự kiểm soát của đảng cầm quyền do quân đội hậu thuẫn.
Từ 2007 đến 2008: Khủng hoảng, đàn áp, cách mạng và cải cách
Năm 2007 đánh dấu cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội nặng nề hơn ở Myanmar, dẫn tới cuộc Cách mạng Tăng bào (hay Cách mạng cà sa) của các phần tử Phật giáo. Chinh quyền do quân đội hậu thuẫn đàn áp và dẫn tới nhiều cái chết được báo cáo tại Chùa Shwedagon.
Cuộc đàn áp này bị lên án mạnh mẽ, dẫn tới các cuộc trừng phạt kinh tế nặng nề hơn đối với chính phủ Myanmar. Bên cạnh đó, chính phủ Myanmar cũng bị Liên Hiệp Quốc buộc tội cản trở viện trợ nhân đạo trong cơn bão Nargis, vốn được cho là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Myanmar, làm chết hàng trăm ngàn người.
2008: Trưng cầu dân ý và đổi tên nước
Myanmar ra sáng kiến dân chủ hóa, tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 10.5.2010, lấy mục tiêu là hình thành một “nền dân chủ kỷ luật – hưng thịnh”. Đồng thời cuộc trưng cầu này cũng dẫn tới việc đổi tên nước từ Liên bang Myanmar thành Cộng hòa Liên bang Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi liên tục bị bắt và thả ra, chịu cảnh quản thúc nhưng vẫn không từ bỏ giấc mơ dang dở của người cha Aung San – Ảnh: AFP
Bà Aung San Suu Kyi trong suốt thời gian ấy đã bị giam cầm, thả ra và lại bị giam liên tục.
2010: Đảng cầm quyền nới lỏng áp lực, bà Suu Kyi chấm dứt giai đoạn bị quản thúc
Một tín hiệu tốt cho cuộc đấu tranh tại Myanmar, khi giới quân đội bắt đầu tiến hành cải cách, mở cửa. Tatmadaw, tên gọi của quân đội Myanmar, cũng bắt đầu sử dụng hình ảnh của ông Aung San để thể hiện quyết tâm cho cuộc cải cách dân chủ.
Ngày 13.11.2010, bà Aung San Suu Kyi chính thức được trả tự do. Bà đã bị quản thúc tại gia tổng cộng 15 năm trong 21 năm liên tục kể từ ngày đầu tiên bị bắt giữ.
Cũng trong năm 2010, Myanmar tiến hành tổng tuyển cử theo hiến pháp mới theo hướng dân chủ. Tuy nhiên nhiều quan sát viên vẫn cho rằng quân đội tiếp tục thao túng kết quả bỏ phiếu.
Mặc dù vậy, điểm sáng cho một Myanmar đổi mới là việc chính phủ đã thực hiện nhiều cải cách kinh tế mở rộng, tự do hơn.
Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein (trái) và bà Suu Kyi. Ông được xem đã góp phần thúc đẩy tiến trình bầu cử tự do và dân chủ cho Myanmar – Ảnh: AFP
Năm 2011: Viên gạch đầu tiên của cuộc bầu cử lịch sử
NLD được cấp phép đăng ký cho các cuộc bầu cử trong tương lai ở Myanmar.
2012: Nỗ lực từ chính quyền của Tổng thống Thein Sein
Tổng thống Thein Sein đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên trường quốc tế với hàng loạt hành động có ý nghĩa cho sự mở cửa của Myanmar cũng như kế hoạch dân chủ hóa toàn diện.
Ông đã ân xá cho hàng trăm tù nhân chính trị, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí và mời bà Suu Kyi tham gia ứng cử vào quốc hội. Đổi lại, Myanmar được Mỹ, EU, Úc… nới lỏng cấm vận và dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt kinh tế.
Tháng 12.2012, Ủy ban kế hoạch của Myanmar thông qua kế hoạch tổng thể 10 điểm cải cách kinh tế – xã hội. Tổng thống Thein Sein được cho đã tích cực bài trừ nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 11.2012 cũng được xem là cột mốc đánh dấu tiến trình mở cửa của Myanmar, thể hiện nỗ lực cải cách đưa Myanmar ra khỏi tình trạng cấm vận và cô lập.
2012: Bà Suu Kyi tuyên bố ứng cử
Trong giai đoạn này, bà Suu Kyi đã có những chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ lúc bị bắt, đến Thái Lan, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Na Uy… Đây là những lúc bà nêu lên nguyện vọng tìm lại dân chủ cho Myanmar và nhận sự ủng hộ lớn.
Bà Suu Kyi trong buổi nói chuyện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2012 – Ảnh: AFP
Tháng 7.2012, bà tuyên bố trên website của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về việc sẽ ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử Myanmar năm 2015. Mặc dù vậy, theo hiến pháp do đảng cầm quyền quy định, bà không thể trở thành Tổng thống vì có chồng, con là người nước ngoài.
Năm 2013: Bà Suu Kyi tiếp tục lãnh đạo NLD
Trong cuộc bầu cử của đảng đối lập NLD, bà Suu Kyi tiếp tục được tín nhiệm là người đứng đầu trong các cuộc tranh cử tương lai.
2015: Cuộc bầu cử lịch sử với chiến thắng của bà Suu Kyi
Tháng 3.2015, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội Tatmadaw, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing kêu gọi quân đội đặt lợi ích và ý chí nhân dân lên hàng đầu, tuân theo những gì ông Aung San đã hướng tới. Năm 2015 cũng là kỷ niệm 100 ngày sinh của ông Aung San.
Tháng 6.2015, bà Suu Kyi có chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc, gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bà Suu Kyi cảm ơn người ủng hộ trong cuộc bầu cử ở Myanmar, ảnh chụp ngày 9.11.2015 – Ảnh: Reuters
Ngày 8.11.2015, cuộc tổng tuyển cử của Myanmar diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thein Sein cam kết quân đội sẽ tôn trọng tuyệt đối kết quả bầu cử. Đây được xem là cuộc bầu cử lịch sử.
Ngày 13.1.2015, dù cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar vẫn chưa có kết quả cuối cùng, nhưng với 348 ghế đã giành được trong quốc hội, đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã đủ quyền thành lập chính phủ mới tại Myanmar.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Cuộc triệt thoái của Thein Sein
Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể là gương mặt đại diện cho thay đổi ở Myanmar, nhưng Tổng thống Thein Sein mới là người hùng thực sự của tiến trình cải cách.
Tổng thống Thein Sein (giữa) là người góp công lớn trong quá trình cải cách của Myanmar - Ảnh: Reuters
Trong binh pháp, triệt thoái trước đà tấn công của kẻ địch luôn là tình thế khó khăn nhất trong mọi chiến dịch quân sự. Với hơn 40 năm binh nghiệp, Tổng thống Myanmar Thein Sein hẳn thấu hiểu điều đó. Và ông đã chỉ huy thành công, ít nhất cho đến lúc này, cuộc triệt thoái về chính trị trong trật tự của quân đội Myanmar, lực lượng nắm quyền kiểm soát đất nước trong hơn 5 thập niên qua.
Viên tướng bình dị
Không có nhiều thông tin chi tiết về cuộc đời của Tổng thống Thein Sein, ngoại trừ vài bài báo của các tờ báo Mỹ The New York Times, Time hoặc tờ The Irrawaddy của những người Myanmar ở hải ngoại đăng rải rác trong vài năm qua. Các thông tin này đều cho biết Thein Sein sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân nghèo ở đồng bằng sông Irrawaddy. Trong bài viết năm 2013, tờTime cho biết Thein Sein không đủ tiền để học đại học nhưng ông may mắn vượt qua kỳ thi tuyển sinh của Học viện Quân sự vào năm 1965, mở ra cuộc đời binh nghiệp kéo dài 45 năm và chỉ kết thúc khi ông giải ngũ với cấp hàm đại tướng để đảm nhiệm chức vụ tổng thống vào tháng 3.2011.
Lý do tại sao Thein Sein từ một cánh tay phải của thống tướng Than Shwe lại trở thành người cổ vũ cho thay đổi dân chủ cũng như tại sao ông được giới quân sự ủy thác làm thế vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, ngược trở về quá khứ của ông, người ta có thể tìm thấy vài chi tiết nói lên tính cách của nhà lãnh đạo này. Theo tờ Time, sau khi chính quyền quân sự mạnh tay trấn áp phong trào nổi dậy năm 1988, thời điểm bà Aung San Suu Kyi nổi lên như một thủ lĩnh đối lập, nhiều sinh viên và nhà sư đã phải bỏ chạy ra nước ngoài. Lúc đó ông Thein Sein là một thiếu tá và trong khi các chỉ huy khác tống giam những người bị họ bắt được, thì vị tổng thống tương lai của Myanmar lặng lẽ thả một số người. "Thein Sein là một người bình dị và là một người tốt", cựu Tư lệnh hải quân Myanmar Soe Thane, hiện là một bộ trưởng trong chính quyền Thein Sein, nói với tờ Time.
Thời thế đổi thay
Theo BBC, Thein Sein gia nhập hàng ngũ lãnh đạo cấp cao vào thập niên 1990, khi trở thành thành viên Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia, cơ quan lãnh đạo tối cao ở Myanmar thời bấy giờ. Ông trở thành bí thư thứ nhất của hội đồng sau khi tướng tình báo Khin Nyunt bị thanh trừng vì tham nhũng năm 2004.
Phải đến hơn 40 tuổi Thein Sein mới lần đầu tiên ra nước ngoài. Thời điểm đó, đất nước từng là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tụt hậu xa so với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Tình trạng bấp bênh của quốc gia trở nên bi thảm hơn vào năm 2008 khi cơn bão Nargis tàn phá đất nước trong thảm họa chết chóc nhất lịch sử Myanmar, khiến 130.000 người thiệt mạng. Trong những ngày đầu, chính quyền quân sự khước từ viện trợ của nước ngoài vì lo ngại sức ảnh hưởng của ý thức hệ ngoại quốc đi kèm với hàng viện trợ. Lúc đó, Thein Sein là viên tướng đầu tiên của chính quyền quân sự thị sát vùng thảm họa. Nay Win Maung, một cố vấn chính phủ, kể lại với tờ Time năm 2011: "Thein Sein đi đến gặp thống tướng (Than Shwe) và nói: Hãy làm ơn, chúng ta phải giúp nhân dân của mình".
Một cuộc khủng hoảng nhân đạo được ngăn chặn khi hàng hóa cứu trợ ở trong và ngoài nước bắt đầu được gửi đến vùng sâu vùng xa. Đó cũng là khi những viên tướng Myanmar cảm thấy thời thế đổi thay và Thein Sein nhận thấy những hạn chế của chế độ hiện thời. Thống tướng Than Shwe bắt đầu lo ngại về di sản của mình, sợ rằng ông phải chịu chung số phận bị thanh trừng khi về hưu như những lãnh đạo quân sự tiền nhiệm. "Thống tướng không muốn trải qua những năm cuối của cuộc đời dưới lệnh quản thúc. Ông ấy tin tưởng Thein Sein sẽ giữ lời hứa để cho ông rút lui một cách tươm tất", một phụ tá của Thein Sein nói với tờ Time.
Làn gió hy vọng
Những cải cách dưới thời Thein Sein còn lâu mới hoàn hảo nhưng ít nhất chúng đặt nền móng cho tiến trình dân chủ ở Myanmar, bao gồm phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị, ban hành luật lao động mới cho phép đình công và thành lập công đoàn, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái... Trong đó, việc hủy bỏ lệnh quản chế bà Aung San Kuu Kyi và đối thoại với phe đối lập là một nỗ lực đột phá của chính quyền Thein Sein, giúp dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt áp đặt lên đất nước.
Đặc biệt, Thein Sein đã lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, với quyết định bất ngờ về việc đình chỉ xây đập Myitsone, một dự án liên doanh với Trung Quốc, vì những lo ngại về tác động nghiêm trọng đối với hạ nguồn sông Irrawaddy. Quyết định được đưa ra vào tháng 6.2011 khiến Bắc Kinh choáng váng bởi đó là lần đầu tiên chính quyền Myanmar mạnh dạn nói không với Trung Quốc, nước từ lâu là một đồng minh và nhà tài trợ không thể thiếu. Nó cũng đánh dấu quá trình chuyển trọng tâm quan hệ từ Trung Quốc sang phương Tây.
Mặc dù tiến trình cải cách hứa hẹn tước bớt quyền lực của giới quân sự, nhưng chính quyền của Thein Sein đã không đảo ngược nó, như những gì đang diễn ra sau cuộc bầu cử ngày 8.11. Kết quả thất bại hẳn nhiên không nằm ngoài dự đoán của giới quân sự. Vì thế, sự can đảm của Thein Sein và quân đội Myanmar trong việc chấp nhận mất đi quyền lực đáng được ghi nhận. Đó là dũng khí của người cầm quân dám đưa ra quyết định triệt thoái khi con đường phía trước chỉ hứa hẹn toàn đau khổ, bất công và tụt hậu cho nhân dân.
Và nếu như cuộc bầu cử Myanmar được ví như khoảnh khắc Nelson Mandela của Aung San Suu Kyi, thì chắc chắn Thein Sein sẽ chiếm vị trí lịch sử ngang hàng với F.W.de Klerk, vị tổng thống mở đầu cho sự kết thúc của chế độ Apartheid ở Nam Phi.
Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi đối thoại
Theo AFP, lãnh đạo đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập Aung San Suu Kyi hôm qua 11.11 đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Thein Sein, Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann kêu gọi đối thoại hòa giải dân tộc vào tuần tới. "Thực thi một cách hòa bình và ổn định ý chí của nhân dân, như được thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 8.11, là điều sống còn đối với phẩm giá quốc gia", bà Suu Kyi viết. Bộ trưởng Thông tin Ye Htut cho hay ông Thein Sein đã đồng ý đối thoại và cuộc gặp gỡ sẽ được tiến hành sau khi kết quả chính thức được công bố. Tính đến hôm qua 11.11, NLD đã giành được 163 ghế trong tổng số 182 ghế được công bố ở hạ viện và thượng viện, bao gồm cả ghế nghị sĩ của bà Suu Kyi.
Sơn Duân
Theo Thanhnien
Tổng thống Myanmar nhất trí gặp Suu Kyi bàn về chuyển giao quyền lực Tổng thống U Thein Sein nhất trí gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập, để bàn việc chuyển giao quyền lực, sau khi kết quả chính thức cuối cùng được công bố. Tổng thống Myanmar U Thein Sein và lãnh đạo đảng NLD Aung San Suu Kyi. Ảnh:AFP, AP "Như chúng ta đã biết từ tín hiệu sớm, Liên...