Những mô hình du lịch độc đáo ở Tiền Giang
Một số mô hình “độc, lạ” do nông dân Tiền Giang sáng tạo có sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái đã gây được ấn tượng với du khách.
Đến hợp tác xã Đông Nghi, du khách được trải nghiệm bơi xuồng xung quanh vườn cây ăn trái.
Gắn phát triển du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp
Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được thành lập vào tháng 10/2020. Mặc dù, thời gian hoạt động chưa lâu nhưng hợp tác xã này có hướng đi mới nhờ gắn phát triển du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bà Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm giám đốc hợp tác xã cho biết, ban đầu, gia đình đầu tư nuôi 500 con dê bán thịt. Giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn nên tìm một hướng đi mới. Trong một dịp, gia đình được các bác sĩ tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ dẫn sữa dê rất tốt cho sức khỏe. Từ lời nói trên, gia đình chị đã tìm thương lái bán hết số dê thịt nói trên và mua 300 con dê sữa, giống Saanen về nuôi lấy sữa, chế biến các mặt hàng về sữa để phục vụ cho du khách và cung cấp cho thị trường.
Du khách đến tham quan và cho dê ăn tại Hợp tác xã Đông Nghi, huyện Châu Thành (Tiền Giang).
Với diện tích 2,5ha, hợp tác xã Đông Nghi chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực trồng cỏ rộng 2ha, khu trang trại nuôi 300 con dê sữa… và nhà chờ đón 500 khách, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê.
Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, du khách đến với hợp tác xã sẽ được trải nghiệm các hoạt động như cho dê ăn, dẫn dê đi dạo, cho dê bú bình, bơi xuồng trên sông, đi xe đạp vòng quanh vườn cây ăn trái và thưởng thức các món ăn được chế biến từ sữa dê như: sữa dê nguyên chất, yaourt sữa dê tươi, yaourt sữa dê sấy khô, bánh flan sữa dê tươi, bánh flan sữa dê sấy khô. Đồng thời, những du khách nào muốn thưởng thức các món ăn đậm chất làng quê như: cá lóc nướng trui, cá trắng kho tiêu, tép mũi bông điên điển… cũng được phục vụ.
Tạo không gian mới để thu hút du khách
Rời mô hình “độc, lạ” của bà Nghi, chúng tôi tìm đến mô hình cũng không kém phần độc đáo khác của ông Đoàn Văn Khanh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Khu vườn rộng hơn 1ha, ông Khanh trồng hơn 200 cây dừa sáp xen bưởi, một số cây thuốc nam như đinh lăng, thần kỳ, chùm ngây… và nuôi ong để làm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Để tạo sự khác biệt, ông Khanh thiết kế những cây cầu bằng thép cao tới ngọn dừa, tạo thành hệ thống giao thông trên cao để du khách tham quan được tận tay sờ, hái, chụp ảnh lưu niệm cùng với các buồng dừa trĩu quả và uống nước dừa cạnh ngọn dừa.
Ông Khanh chia sẻ: “Tạo ra những mô hình “độc, lạ” và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Mình không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho du khách mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn quê”.
Du khách tham quan vườn của ông Khanh miễn phí, nhưng giá mỗi trái dừa hái xuống là 100.000 đồng. Nếu khách hái trúng dừa sáp mà không dùng thì vườn sẽ mua lại với giá 200.000 đồng. Đồng thời, thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn như: cháo dừa, cơm dừa kho, gỏi tép bưởi, dừa, bánh khọt… kèm với các loại rau sạch được trồng trong vườn”.
Video đang HOT
Đến đây, du khách sẽ ngạc nhiên và ấn tượng bởi khu du lịch ve chai thần kỳ. Những ngôi nhà nho nhỏ, tường rào, bàn, ghế được làm từ những phế liệu như: chai nhựa, túi ni-lông đã bị người dân vứt đi. Ông Khanh chia sẻ: “Tôi phải thu gom phế liệu ở nơi sản xuất của gia đình, từ những người dân xung quanh để thực hiện ý tưởng này”. Thông qua mô hình này, ông Khanh muốn lan tỏa đến cộng đồng về việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; biết cách tái sử dụng các loại rác thải, chai nhựa khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
Từ khi vườn mở cửa, ông Khanh đã đón nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, có nhiều công ty lữ hành, du lịch đến khảo sát loại hình du lịch của ông để hợp tác đưa khách du lịch đến mô hình du lịch xanh này.
Ngược về phía biển của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi đến thăm vườn táo Sáu Hồi của ông Trần Văn Hồi, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Vườn táo rộng 1ha, với hơn 300 cây táo; trong đó, có 68 cây trên 30 năm. Vườn táo cho trái quanh năm. Có ngày, ông thu hoạch gần cả tấn trái.
Nhận thấy được tiềm năng, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã của Tiền Giang đã đến khảo sát khu du dịch Sáu Hồi.
Đến đây, ông Sáu Hồi niềm nở đón khách từ ngoài cổng và dẫn tham quan một vòng. Ông tâm sự: “Trước đây, gia đình trồng táo chủ yếu bán cho thương lái và khách vãng lai khi đi ngang. Tuy nhiên, số lượng lớn quá, đầu ra thì hạn hẹp. Thích thú với vườn táo sai trái cùng không khí thoáng mát, nhiều khách đến mua ngỏ ý vào vườn tham quan và được tự tay hái ăn. Thấy vậy, nhiều người mách bảo làm du lịch”.
Nghĩ là làm, ông Sáu mua giống táo để trồng thêm vào vườn, đào ao dài hơn để du khách bơi xuồng thư giãn, rồi xây dựng nhiều cầu bắc qua ao để chụp hình. Vườn táo được chia thành nhiều khu để thuận tiện cho việc phục vụ khách tham quan và chăm sóc cây táo.
Những ngày đầu mở cửa, vườn táo của ông đón từ 60-100 lượt khách, còn vào những ngày nghỉ, cuối tuần, lượng khách lên đến hơn 200 người. Sau 3 năm hoạt động, hiện nay, mỗi ngày, vườn táo đón vài trăm khách đến tham quan, vào những dịp lễ, tết lên đến gần 1.000 người/ngày.
Không chỉ du khách đến từ các xã, huyện lân cận, một số nhóm “phượt thủ” ngoài tỉnh như: Long An, Bến Tre cũng tìm đến. Ở đây, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng biển Gò Công như: các loại ốc, nghêu, sò, đặc biệt là cháo gà đất…
Ông Sáu Hồi chia sẻ: “Ở vùng biển này, nhiều người làm du lịch biển. Nhưng gia đình tôi làm du lịch phải theo hướng khác. Vừa giải quyết đầu ra cho trái táo mà còn thu phí 30.000 đồng/người khi vào tham quan khu vườn. Thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư thêm nhiều tiểu cảnh và trồng nhiều loại hoa, rau, củ để thu hút nhiều du khách đến với vườn táo hơn nữa”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, hiện tại, tỉnh Tiền Giang có 46 điểm du lịch, trong đó những điểm du lịch gắn với nông nghiệp hết sức tiêu biểu. Cụ thể là Điền Lan Thôn Trang (Châu Thành), vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho), vườn táo Sáu Hồi (Gò Công Đông), hợp tác xã Đông Nghi (Châu Thành).
Các mô hình này gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp với du lịch. Từ đó, tạo ra các mô hình du lịch rất ấn tượng, được du khách đánh giá khá cao. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ có kế hoạch kết nối các tour vào các điểm du lịch này nhằm đa dạng các loại hình du lịch của địa phương.
Yên Tử xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm mang yếu tố tinh thần
Với mong muốn mang lại cho du khách những giá trị thuần túy nhất, trải nghiệm đặc biệt nhất với một địa điểm mang yếu tố tâm linh như Yên Tử, ban lãnh đạo Công ty Tùng Lâm Yên Tử xác định, trải nghiệm phải xuất phát từ đội ngũ nhân viên hạnh phúc và mang tinh thần thiền.
Toàn cảnh Yên Tử từ trên cao/https://dulich.petrotimes.vn/
Một hướng dẫn viên tên Liên thuộc Công ty Tùng Lâm Yên Tử đã kể lại kỷ niệm khi đảm nhiện vai trò hướng dẫn viên cho một du khách người Anh. Cụ thể, vị du khách cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và tò mò liệu nhân viên sẽ phải chi trả bao nhiêu tiền để có thể làm việc tại Yên Tử.
Sảnh đón tiếp Khu Tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử - Mgallery/https://dulich.petrotimes.vn/
Đồng thời, vị du khách tỏ ra rất thích thú với không gian nơi đây, và cho rằng nó mang lại rất nhiều giá trị cho bất kỳ ai dù chỉ một lần bước chân đến.
Nằm giữa núi rừng hùng vỹ của vùng đất được mệnh danh là "đệ nhất linh sơn" của Việt Nam, núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) gắn liền với tên tuổi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lịch sử của ngọn núi linh thiêng từ hàng ngàn năm trước.
Toạ lạc tại chân non thiêng Yên Tử và kế thừa di sản của ngọn núi, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm được Công ty Tùng Lâm đưa vào vận hành từ 2018 với các thành tố Legacy Yên Tử - MGallery, Làng Nương, Trục Tâm đạo... vừa là một không gian văn hóa mang âm hưởng thời Trần (thế kỷ 13), kết nối đạo và đời, xưa và nay, vừa tạo ra một quần thể nghỉ dưỡng đặc biệt.
Hoàng hôn trên đỉnh Yên Tử/https://dulich.petrotimes.vn/
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Tùng Lâm cho biết trước đó đã mất rất nhiều công sức để tìm được đối tác trong mảng kiến trúc nhằm tạo một công trình mang dấu ấn của di sản.
Nhiều cuộc gặp với các chuyên gia khắp thế giới đã diễn ra nhưng cuối cùng, chỉ có "phù thuỷ kiến trúc" Bill Bensley mới giải được bài toán mà chủ đầu tư đặt ra. Đó phải là một công trình thể hiện được hồn Việt với các dấu ấn thời Trần, để người Việt đến không bị lạc lõng, họ cảm thấy như trở về nhà.
Điểm đến cung cấp một quần thể nghỉ dưỡng độc đáo để chăm sóc sức khỏe thân - tâm - trí cho con người, nơi tổ chức các sự kiện - hội nghị - hội thảo - team building, các hoạt động giáo dục - đào tạo - thực hành cho thanh thiếu niên, nơi tạo cảm hứng cho sáng tạo và giao lưu nghệ thuật...
Bà Hà cho biết, chính câu hỏi của vị du khách người Anh đã tác động đến người Tùng Lâm rất nhiều: "Đó là niềm tự hào của người Tùng Lâm. Chúng tôi không đi kiếm tiền thông thường mà đi phụng sự, chúng tôi được hưởng các giá trị ở nơi đất tổ và thực hiện trao truyền và lan toả các giá trị".
Với một điểm đến đặc thù như Yên Tử, trải nghiệm của du khách chủ yếu là trải nghiệm về cảm xúc. Theo bà Hà, kiến trúc tổng thể và cảnh quan đã tạo được một cảm quan ban đầu nhưng trải nghiệm của du khách đa phần nằm ở các trải nghiệm dịch vụ do nhân viên mang đến.
"Chúng tôi phát triển con người hướng đến các giá trị chân thiện mỹ - chân thành trong con người và dịch vụ, con người hướng thiện, vẻ đẹp nội tâm đi từ bên trong, toát lên qua ánh mắt, nụ cười với tinh thần thiền của thiền phái Trúc Lâm", CEO Tùng Lâm cho biết.
Để làm được điều đó, việc tuyển dụng ngay từ ban đầu đã hướng đến các giá trị này. Trong quá trình làm việc, những người phù hợp sẽ ở lại, không phù hợp sẽ chủ động rời đi. Sự thanh lọc mang tính chất tự nhiên. Những nhân sự ở lại sẽ thấm nhuần văn hoá và được bồi đắp giá trị hàng ngày.
Bên trong Khu Tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử - Mgalleryhttps://dulich.petrotimes.vn/
Tinh thần đó được xây dựng thông qua các chương trình đào tạo và đặc biệt là quá trình thực hành trong nếp sống hàng ngày để nhân viên hiểu, cảm nhận và lan toả hạnh phúc một cách tự nhiên.
Việt Nam nói chung cũng như Yên Tử nói riêng đã trải qua hai năm đại dịch, từ đó cũng gây nên một cuộc khủng hoảng "vô tiền khoáng hậu" với ngành du lịch của Tùng Lâm, đặc biệt là khi đưa công trình Khu Trung tâm văn hoá Trúc Lâm vào vận hành không lâu trước thời điểm Covid.
Trong suốt thời điểm Covid, Công ty Tùng Lâm Yên Tử tập trung tái cấu trúc bộ máy để vừa giảm thiểu chi phí nhưng cũng giữ được nhiều người lao động nhất có thể (khoảng trên 60%). Khi khách còn hạn chế do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty này quay trở lại bên trong, thực hiện đào tạo đội ngũ.
Họ thực hành tư duy phát triển sản phẩm để hướng đến các sản phẩm có chiều sâu thiên về chăm sóc thân, tâm và trí, giúp du khách có các trải nghiệm sâu sắc để cân bằng cuộc sống khi xung quanh có quá nhiều biến động. Cảnh quan được duy trì và cải tạo để khi du khách trở lại không thấy sự xuống cấp mà vẫn cảm nhận được sự tươi mới, nhiều sức sống và năng lượng.
"Chúng tôi làm mới dịch vụ và chính bản thân con người. Tâm của người lao động đặt vào từng cành cây ngọn cỏ, tâm truyền vào cảnh nên con người có năng lượng sẽ truyền được năng lượng đến không gian xung quanh", bà Hà nói.
Điều may mắn của điểm đến Yên Tử là một nơi thực hành tâm linh dành cho mọi đối tượng. Đó có thể là nơi để hành hương tâm linh, có thể là nơi để con người tĩnh tâm ở một nơi bình yên và tìm về với chính bản thân mình, cũng là một nơi để con người tìm kiếm sự cân bằng và tái tạo năng lượng sau quá nhiều xáo trộn. Cũng vì vậy mà ngay sau các đợt giãn cách, du khách đổ về với điểm đến này rất đông.
Yên Tử cũng không gặp vấn đề về tính thời vụ nhờ đa dạng về nhu cầu đối tượng du khách. Chẳng hạn, du khách có nhu cầu hành hương tâm linh vào mùa xuân và cuối năm cũng như một số dịp đặc biệt như lễ vu lan. Mùa hè là lúc đón các gia đình, hội nhóm. Mùa thu lại có dòng khách nghỉ dưỡng, hội họp, team-buidling hay các công ty tìm về họp bàn chiến lược, kế hoạch cho năm sắp tới.
Tùng Lâm muốn thúc đẩy thu hút du khách đến từ thị trường phía Nam và các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan... Thị trường Âu đang được xúc tiến nhưng dự kiến mất nhiều thời gian hơn.
Trước đó vào 2020, một công ty chuyên về tổ chức tiệc cưới của Ấn Độ đã "chấm" Yên Tử làm nơi tổ chức đám cưới cho một vị tỷ phú Ấn Độ diễn ra trong 3 ngày. Tuy nhiên vì dịch bệnh, kế hoạch buộc phải huỷ bỏ. Hiện nay, công ty này tiếp tục nghiên cứu cho một đám cưới khác cũng của một vị tỷ phú khác người Ấn Độ, diễn ra trong năm 2022.
Nhiều cặp đôi trẻ chọn Yên Tử là nơi tổ chức ngày trọng đại/https://dulich.petrotimes.vn/
Theo bà Hà, du khách miền Nam và khách nước ngoài đa phần có nhu cầu tĩnh dưỡng, cân bằng cuộc sống và tìm về hạnh phúc và tìm về với chính mình. Nhu cầu này phù hợp với các sản phẩm mới của Tùng Lâm tại điểm đến Yên Tử. Hơn nữa, kiến trúc và cảnh quan đặc biệt ở điểm đến này cũng làm thoả mãn mong muốn của du khách trong việc khám phá tinh hoa văn hoá Việt Nam, đặc biệt là văn hoá đạo phật với thiền phái Trúc Lâm.
Mới đây nhất, lần đầu tiên, Yên Tử xuất hiện độc lập tại gian hàng triển lãm "Yên Tử - Điểm đến mang đậm hồn Việt" với vai trò điểm đến trong sự kiện Hội chợ Du lịch Quốc tế TP HCM (ITE HCMC 2022).
"Hiện chúng tôi đang phát triển để hướng tới 5 mục tiêu: trung tâm văn hoá lịch sử tâm linh là giá trị nền tảng; trung tâm chăm sóc sức khoẻ tâm - thân - trí; trung tâm MICE; trung tâm giáo dục, đào tạo và thực hành lối sống an lành; và trung tâm về sáng tạo nghệ thuật", CEO Tùng Lâm cho biết.
Ngỡ ngàng thác Đăk Sing (Kon Tum) Mang nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thác Đăk Sing, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) như một bức tranh thủy mặc, thật sự là một điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm. Thác Đăk Sing nằm cách UBND xã Văn Lem chừng 3km. Từ xã men theo con đường nhỏ...