Những mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Nga Sơn
Cuối năm 2010, xã Nga Trường đã “cán đích” nông thôn mới nâng cao. Làm nên thành quả đó, không thể không nhắc đến phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại địa phương.
Cùng với phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn, đảng ủy, chính quyền xã còn ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhằm tạo bước đột phá về thu nhập của người nông dân.
Mô hình vườn hộ ở thôn Đông Kinh, xã Nga Trường.
Cuối năm 2016, xã triển khai thí điểm mô hình liên kết khoai tây cao sản. Mặc dù mô hình được triển khai theo hình thức liên kết “4 nhà”, song để “kéo” phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong Nhân dân đi lên, Đảng ủy, chính quyền xã Nga Trường đã yêu cầu các cán bộ phải ra đồng “làm mẫu”.
Video đang HOT
Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” nhiều cán bộ xã có đất ruộng đã thực hiện ký hợp đồng liên kết trồng khoai tây cao sản, tiêu biểu như gia đình anh Lê Văn Hoàng, phó chủ tịch UBND xã đã chuyển đổi 3 sào đất ruộng sang trồng khoai tây; chị Hoàng Thị Hoa, công chức xã gieo trồng gần 2 mẫu khoai tây trên đất bãi; chị Mai Thị Thủy, chủ tịch hội LHPN xã và chị Hoàng Thị Thu, cán bộ khuyến nông đã chung nhau trồng 3 mẫu khoai tây… Từ việc cán bộ “đi trước, làm mẫu” và thấy được cây khoai tây mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa, nông dân trong xã đã học, làm theo. Đồng chí Trần Văn Long, chủ tịch UBND xã, phấn khởi cho biết: “Mô hình trồng khoai tây cao sản với những cán bộ ra đồng “làm mẫu”, chính là cách làm “Dân vận khéo” của đảng ủy, chính quyền xã và tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, toàn xã có hơn 60 ha khoai tây cao sản, với giá trị sản xuất trung bình 130 triệu đồng/ha/vụ 3 tháng. Từ đó, xã Nga Trường đã vươn lên trở thành một trong những điển hình của tỉnh trong chuyên canh trồng cây khoai tây cao sản nhờ liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina và Viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, HTX nông nghiệp Nga Trường giữ vai trò đầu mối liên kết trong việc cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm”.
Không chỉ xã Nga Trường, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Nga Sơn đã thực hành “Dân vận khéo” ở cơ sở thông qua các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhằm khai thác tiềm năng đất đai, tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Nổi bật phải kể đến vùng rau an toàn ở các xã Nga Yên, Nga Thành, cho giá trị thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng bưởi Diễn ở các xã Nga Thanh, Nga Hưng cho thu nhập 50 đến 60 triệu đồng/sào/năm; mô hình trồng thanh long ở các xã Nga Phú, Nga Văn, Nga Thiện, Nga Hưng, Nga Yên cho thu nhập 400 đến 500 triệu/ha/năm… Đi liền với đó, nhiều xã đã thực hiện quy hoạch lại đất đai, nhằm tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn. Nhờ vậy mà toàn huyện đã xây dựng được 912 trang trại, trong đó có 76 trang trại chăn nuôi lợn, gà công nghiệp cho thu nhập từ 100 đến 250 triệu đồng/trang trại/năm.
Trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở luôn thực hành “Dân vận khéo” trong huy động sức dân xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong hơn 10 năm qua, Nhân dân trong huyện đã hưởng ứng, tự nguyện đóng góp 81,26 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; ủng hộ 6.945 ngày công, tương đương 1,28 tỷ đồng; hiến 373,66 ha đất tương ứng với 130,8 tỷ đồng cho việc mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.
Hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” đã hình thành trên địa bàn huyện Nga Sơn. Trong đó, mô hình “Dân vận khéo” của MTTQ và các đoàn thể chính trị được xem là điển hình trong phong trào “Năm Dân vận khéo 2020″. Nổi bật là, MTTQ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng khu dân cư “3 không”. Từ đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 91 cơ quan, đơn vị được công nhận là cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 20 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thị trấn Nga Sơn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa. Ngoài ra, năm 2020, MTTQ các cấp còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ phòng, chống COVID-19 được trên 1,7 tỷ đồng; quỹ ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt được gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 9 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, với số tiền 420 triệu đồng. Tương tự, Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp hội cơ sở nhân rộng 34 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Qua đó, đưa tổng số mô hình trên toàn huyện là 40 mô hình, với 2.007 thành viên tham gia. Cùng với đó, Hội LHPN huyện tiếp tục phát động phong trào xây dựng quỹ “Mái ấm tình thương” tới các cấp hội phụ nữ, với tổng số tiền quỹ quyên góp đạt 160 triệu đồng. Từ số tiền của quỹ “Mái ấm tình thương”, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 262 hộ gia đình hội viên và các cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với giá trị hơn 149 triệu đồng.
Bằng việc thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị huyện Nga Sơn đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Đảng bộ xã Xuân Bình tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao
Tháng 3-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Xuân Bình, huyện Như Xuân vui mừng phấn khởi tổ chức lễ công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Đây là thành quả của sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền cùng với sự đồng thuận của Nhân dân trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM.
Đường giao thông thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình (Như Xuân) được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi đạt xã NTM, với nhận thức việc xây dựng NTM đã khó, nhưng việc giữ vững NTM bền vững còn khó khăn, nên tuy không phải là xã được huyện Như Xuân chọn làm điểm xã NTM nâng cao, nhưng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Xuân Bình đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí của xã NTM nâng cao.
Để có được kết quả trên, phải nói đến tinh thần đoàn kết chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong xã đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX nhiệm kỳ 2015-2020. Từ một xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và Chương trình 30a của Chính phủ, xã Xuân Bình đã khắc phục những hạn chế, khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp lồng ghép thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, tạo động lực để họ từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Xuân Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả toàn diện. Tổng giá trị thu nhập đến năm 2020 đạt 218,1 tỷ đồng, tăng 92,3 tỷ đồng so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng, tăng 20,5 triệu đồng so với năm 2015, vượt 25,2% mục tiêu đại hội. Xã đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất; nhiều mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng thanh long, bưởi Diễn, nuôi ong lấy mật; đồng thời tập trung chuyển đổi diện tích đất dốc, bạc màu sang trồng cây lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn. Chăn nuôi chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có kiểm soát theo mô hình gia trại, trang trại; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 ước đạt 7,6 tỷ đồng, chiếm 18,1% giá trị ngành nông nghiệp. Hiện, toàn xã có 6 trang trại, tăng 4 trang trại so với năm 2015; nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng như: mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi dê sinh sản, nuôi ong lấy mật.
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, 5 năm qua, toàn xã đã bê tông hóa được 28,17km đường giao thông với tổng số tiền 10,9 tỷ đồng, xây dựng mới 8 nhà văn hóa thôn với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các trường học và trạm y tế xã với tổng số tiền gần 1,165 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ 102 hộ xóa nhà tạm bợ với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng; xây dựng được 22km đường điện chiếu sáng với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Tổng số tiền huy động xây dựng NTM đạt 148,6 tỷ đồng...
Cùng với quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, Đảng bộ xã Xuân Bình thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Công tác tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền cũng như xây dựng các chương trình hành động, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc trong cán bộ, đảng viên và rộng khắp trong Nhân dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, trong 5 năm (2015-2020) đã kết nạp 35 đảng viên mới, bình quân hằng năm kết nạp 7 đảng viên, đạt mục tiêu đại hội. Hiện tại, đảng bộ có 239 đảng viên sinh hoạt tại 16 chi bộ. Số đảng viên trẻ, người trực tiếp lao động sản xuất ngày càng tăng.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bình, cho biết: Để nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc giữ vững các tiêu chí NTM và thực hiện xây dựng NTM nâng cao, đảng ủy xã đã phân công các thành viên trong ban chỉ đạo theo dõi và phụ trách các nhóm lĩnh vực chuyên môn ứng với các tiêu chí NTM nâng cao, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, theo dõi các lĩnh vực mình phụ trách; lập kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể từng khối lượng công việc; chủ động tham mưu đề xuất để hoàn thành công việc; đồng thời có báo cáo đánh giá kết quả về thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thuộc lĩnh vực mình phụ trách về ban chỉ đạo xây dựng NTM để làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của xã. Mặt khác, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM nâng cao bằng nhiều hình thức, như: Thông qua hội nghị đảng bộ, hội nghị các đoàn thể và hội nghị thôn; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã về mục đích, nội dung, ý nghĩa và hiệu quả to lớn, thiết thực của việc củng cố, duy trì, xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao mà Nhân dân là chủ thể, để mọi người hiểu, tham gia thực hiện một cách tích cực và tự giác. Qua gần 1 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, ý thức người dân đã được nâng lên, tích cực tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp; các thôn tiếp tục huy động nguồn lực đóng góp của Nhân dân để nâng cấp và làm mới đường điện chiếu sáng. Cùng với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn huy động Nhân dân đóng góp, ngân sách xã hỗ trợ xi măng, năm 2020, xã Xuân Bình đã đầu tư làm được 3,5km đường bê tông tại thôn Mít, thôn Sim, thôn Mơ và thôn Xuân Hợp, thôn Xuân Phú, thôn Hùng Tiến... Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, cấp ủy, chính quyền đã vận động Nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
F1 về quê ăn Tết tiếp xúc với nhiều người, huyện chỉ đạo truy vết Mặc dù là trường hợp tiếp xúc gần người mắc Covid-19 từ "ổ dịch" Hải Dương, nhưng khi trở về địa phương ăn Tết, anh P.B.K. ở Nga Sơn (Thanh Hóa) đã có tiếp xúc với người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định thực...