Những mảnh đời ở “xóm chạy thận” giữa lòng Hà Nội
Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống.
Sống ở “xóm chạy thận” ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đa số là những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, họ đều chạy thận ở Bện viện Bạch Mai
Con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) 21 năm nay vẫn được mọi người gọi với cái tên quen thuộc “ xóm chạy thận”. Nơi đây là mái nhà của hơn 100 bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận.
Tồn tại nhiều năm, “xóm chạy thận” chứng kiến nhiều lớp người đến và đi, già có, trẻ có. Đến đây là không hẹn ngày về nữa vì chẳng biết sẽ “ra đi” lúc nào. Những người ở xóm đều chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.
Khu xóm có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2 dành cho 2 người với tiền thuê khoảng 2 triệu đồng/ tháng, bao gồm cả điện nước.
“Xóm chạy thận” đã nghèo lại càng nghèo thêm vì nhiều người sức khỏe yếu dần, không lao động được
Ở xóm chạy thận đa số là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Để có tiền trang trải cho sinh hoạt và thuốc men, ai còn sức thì còn đi làm, có những người vừa rút kim truyền, lại quay quắt đi kiếm sống.
Đến “xóm chạy thận” vào một chiều (30/5), từ đầu ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nghe thấy tiếng mọi người xôn xao về vụ tai biến khi chạy thận khiến 7 người chết ở Hòa Bình, mọi người động viên nhau vui vẻ sống.
Bà Vì Thị Lành (quê Bắc Giang) ngồi nói chuyện với những người cùng cảnh ngộ ở một quán nước, bà cho biết, trong xóm này già có, trẻ có, tất cả họ đều có điểm giống nhau là đều nghèo khó và bệnh nặng.
“Cách đây một năm, tôi từng một lần chết lâm sàng, lúc đó lọc xong tôi bị tụt huyến áp, trong người hụt hẫng, môi, mắt tím hết, nhìn nhợt nhạt nhưng các bác sĩ đã kịp thời hô hấp nên tôi thoát chết”, bà Lành kể.
Video đang HOT
Nghe tin những người cùng cảnh ngộ chết ở Hòa Bình trong quá trình chạy thận, bà Hoàng Thị Tư (quê Ba Vì) đang chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bản thân bà đã có 9 năm chạy thận, nhưng chưa từng bị sốc phản vệ.
“Cuộc sống cũng khó khăn, chồng tôi bị ung thư ở cùng tôi ở trên này. Giờ mình bị bệnh như này chỉ biết phó thác cho ông trời, cứ sống vô tư, càng lo nghĩ càng ốm”, bà Tư tâm sự.
Bà Hoàng Thị Tư (Ba Bì) chạy thận ở BV Bạch Mai nhiều năm cho biết, dù mang trong mình căn bệnh khó chữa nhưng bà vẫn vui vẻ sống
Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Ráng (Hòa Bình) chạy thận ở đây đã 14 năm, chia sẻ: “Từ ngày còn nhỏ, tôi đã bị những cơn đau đầu, mỏi lưng bất chợt. Cuộc sống bộn bề lo toan nên bố mẹ không chú ý. Khi lớn lên, do căn bệnh này nên tôi không lấy chồng, sống trong xóm nhiều năm được mọi người chia sẻ tình cảm nên cũng tự tin hơn. Những lúc đau yếu, khó khăn có mọi người tôi cũng đỡ tủi thân”.
Bà Ráng đã chạy thận ở đây 14 năm
Dù sức khỏe yếu, nhưng nhiều thành viên trong xóm chạy thận vẫn cố gắng làm những công việc phù hợp để kiếm thêm thu nhập. Người cao tuổi thì tranh thủ những khoảng đất trống để trồng rau sạch, nuôi một vài con gà để sinh hoạt, tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, người trẻ lại tranh thủ may vá, đi đánh giày thuê, chạy xe ôm…
Mang trong mình căn bệnh khó chữa, nhiều người lên Hà Nội chữa chạy không hẹn ngày về
Tuy cuộc sống nghèo khó nhưng họ vẫn lạc quan vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Theo Danviet
Đêm trắng ở nơi có 7 người tử vong khi chạy thận nhân tạo
Kim đồng hồ chỉ sang thời khắc ngày mới, ngày 30.5, hầu hết các phóng viên bám trụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lúc này mới rời khỏi hiện trường. Khi đó, công tác di chuyển 10 bệnh nhân từ Hòa Bình về bệnh viện ở Hà Nội đã được các y, bác sĩ thực hiện gần như hoàn tất.
Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cùng 4 đồng chí Phó Giám đốc vẫn đang túc trực tại các điểm để chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT và khám nghiệm hiện trường. Các bác sĩ pháp y Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình vẫn đang bận rộn với việc khám nghiệm tử thi.
Đêm nay là một đêm trắng đầy đau thương ở Hòa Bình nhưng ở đó vẫn đong đầy sự sẻ chia của các cơ quan chức năng và nhân dân với gia đình những người bệnh xấu số và cả những người bệnh đang được y, bác sĩ từng phút giành giật lại sự sống.
Rạng sáng, đi ngang qua nhà xác bệnh viện, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những chiến sĩ Công an TP.Hòa Bình, Công an phường Đồng Tiến đang giăng dây và đứng bảo vệ, ngăn cho người nhà và cả những người dân hiếu kỳ không vào trong khu vực lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ, nơi các bác sĩ Pháp y Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình đang khám nghiệm 6 tử thi, lúc này 1 tử thi khác đã được gia đình đưa về quê ở huyện Cao Phong.
Đâu đó, tiếng khóc của người nhà bệnh nhân thứ 7 vừa mới mất lúc 23h văng vẳng đầy thương xót. Đó là những hình ảnh đầu tiên của ngày 30.5.
Không ai nghĩ rằng chuyến công tác tại Hòa Bình ngày 29.5, của chúng tôi lại trở nên gấp gáp khi vừa xuống xe vào lúc 17h, nhóm PV đã có mặt tại trụ sở Công an tỉnh. Không khí trong phòng họp trùng xuống khi nghe Đại tá Phạm Hồng Tuyến báo cáo với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an về nội dung vụ việc.
Lúc này, tại bệnh viện, trong số 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì đã có 6 người bệnh tử vong, 2 người có tiên lượng xấu. Hơn 100 người nhà bệnh nhân vây kín bệnh viện, yêu cầu bệnh viện phải đối chất. Không khí căng như sợi dây đàn bởi nếu không bình tĩnh sự việc có thể đẩy đi xa, gây mất tình hình ANTT và ảnh hưởng đến việc cứu chữa các bệnh nhân còn lại.
Lực lượng Công an tỉnh đã có mặt, tăng cường lực lượng, đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND và Sở Y tế đảm bảo ANTT trên địa bàn và chỉ đạo giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý.
Ngay sau cuộc họp này, theo sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn, 4 mũi công tác đặc biệt do lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình làm Trưởng Đoàn đã đến 4 địa điểm huyện, TP, nơi có bệnh nhân tử vong để phối hợp với chính quyền ổn định tình hình, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân, đồng thời làm tốt công tác đảm bảo ANTT, công tác chính sách và mục tiêu là không để xảy ra tình huống đột xuất bất ngờ.
Gần 20h, xuống Công an phường Đồng Tiến, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ Công an phường đang đổi ca trực ra bệnh viện làm công tác đảm bảo ANTT để cho những người chưa được ăn cơm về ăn tạm rồi lại ra điểm chốt gác.
Từ khi xảy ra vụ việc, không chỉ 100% cán bộ, chiến sĩ Công an phường mà cả CBCS Công an tỉnh và lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an được huy động để giải quyết vụ việc hy hữu này đều đã trải qua một đêm trắng và không được ngơi nghỉ.
Trụ sở Công an phường cách cổng bệnh viện vài chục bước chân thành đại bản doanh của tổ công tác đặc biệt Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình. Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã họp khẩn với các lực lượng Cục Cảnh sát Hình sự, Viện Khoa học Hình sự, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, Công an TP.Hòa Bình cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình và TP.Hòa Bình... nghe báo cáo vụ việc và rốt ráo triển khai các mặt công tác Công an. Hội trường nhỏ trở thành nơi các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu tài liệu hồ sơ ban đầu để có đánh giá, nhận định hướng và thực hiện những công việc cần làm ngay trong đêm.
Thời điểm này mới có 6 người tử vong, lực lượng Pháp y Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình đã triển khai các tổ công tác vừa khám nghiệm hiện trường, vừa khám nghiệm tử thi ; trong đó, 5 tử thi khám nghiệm tại bệnh viện, 1 tử thi gia đình đã đưa về nhà ở mãi huyện Cao Phong.
Không quản đường rừng núi xa xôi, trong đêm tối, dù vừa đi công tác Hải Phòng về đến nơi, đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc tỉnh lại trực tiếp lên đường, chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT và khám nghiệm tử thi tại huyện Cao Phong.
Theo ghi nhận của PV, các Cục nghiệp vụ và Công an tỉnh Hòa Bình mất khá nhiều thời gian để khám nghiệm hiện trường, thu nhiều mẫu để giám định; đồng thời thu giữ các tài liệu liên quan tại bệnh viện phục vụ công tác điều tra; lấy lời khai những người biết việc và tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc... Gần 6h sáng việc khám nghiệm và các công việc khác mới tạm hoàn tất. Trong sáng 30.5, 7 tử thi đã được giao cho gia đình an táng theo phong tục.
Trong một diễn biến mới liên quan đến vụ việc, sáng 30.5, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ việc 7 người tử vong trong khi chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.
Theo ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, khi sự cố xảy ra, do ngừng hoạt động của Khoa Thận nhân tạo, sau khi trao đổi với Đoàn Bộ Y tế, ngay trong đêm, bệnh viện đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng đưa 10 bệnh nhân còn lại chuyển về bệnh viện tuyến trên tại Hà Nội; hiện còn 126 bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã trao đổi với Đoàn Bộ Y tế và các bệnh viện liên quan để chuyển số bệnh nhân này về điều trị tại Bạch Mai và bệnh viện Thận Hà Nội. Bệnh nhân nào không di chuyển được sẽ chuyển sang Bệnh viện Đa khoa TP.Hòa Bình, tối đa chạy thận 4 ca, với 24 bệnh nhân hàng ngày và sẽ thực hiện cả ca đêm.
Sở Y tế sớm thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét nguyên nhân và thời gian tới sẽ chỉ đạo bệnh viện phục hồi, sửa chữa khoa Thận để điều trị cho bệnh nhân, đồng thời, cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các bệnh nhân.
Tại cuộc họp, người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, TS Trương Quý Dương cũng đã nhận trách nhiệm, nhận lỗi với các gia đình nạn nhân xấu số đã tử vong và các bệnh nhân đang được chuyển tuyến trên điều trị.
Ông cho biết, sự cố y khoa nghiêm trọng này làm đảo lộn mọi công việc tại bệnh viện. Các y, bác sĩ chịu nhiều áp lực, rất nhiều người đã khóc vì người mất, có người là bệnh nhân điều trị lâu năm tại Khoa, thân thiết như người nhà. Dù bị ảnh hưởng bởi vụ việc nhưng các y, bác sĩ vẫn cố gắng ổn định tinh thần để tiếp tục chữa trị cho người bệnh còn lại một cách tốt nhất, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào tối 29.5, tại cuộc họp khẩn với Đoàn Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và các đơn vị chức năng liên quan để nghe báo cáo và chỉ đạo trực tiếp giải quyết vụ việc hy hữu trong ngành y tế xảy ra tại Hòa Bình này.
Trước đó, ngày 29.5, đoàn công tác Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đã làm việc với bệnh viện và các đơn vị liên quan để giải quyết vụ việc; thăm hỏi động viên, chia sẻ với các gia đình bệnh nhân đã tử vong và bệnh nhân đang nằm điều trị.
Cho đến thời điểm chiều 30.5, bên cạnh các hoạt động điều tra thì lực lượng Công an và chính quyền, cùng nhiều nhà hảo tâm, nhân dân vẫn tiếp tục sẻ chia mất mát, thăm hỏi, động viên tinh thần, ủng hộ vật chất tới gia đình các nạn nhân và những bệnh nhân đang tiếp tục điều trị bệnh tại Hà Nội.
Theo P.V (CAND)
Khởi tố vụ 7 người chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình Theo nguồn tin của Dân Việt, ngày 30.5 Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân 7 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Như Dân Việt đã đưa tin, khoảng 7h sáng 29.5, Khoa Điều trị lọc...