Những lý do phải đến Hà Nội vào mùa xuân
Nếu bạn còn băn khoăn không biết có nên đến Hà Nội vào thời gian này hay không thì 5 lý do dưới đây sẽ tiếp cho bạn thêm động lực.
1. Thời tiết ấm áp
Hà Nội xuân về ẩm ướt dịu dàng trong những cơn mưa bụi.
Thời tiết của Hà Nội có 4 mùa rõ rệt, trong đó mùa thu và mùa xuân là thời điểm phù hợp nhất để đi du lịch. Nếu Hà Nội mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè thì trời oi bức và nóng nực, mùa thu bảng lảng những cơn gió heo may se lạnh thì mùa xuân lại có những cơn mưa phùn lây rây làm nao nao lòng người.
Người ta vẫn thường nói thích Hà Nội nhất khi thu về, vì khi ấy Hà Nội là của hương hoa sữa, những con đường ngập lá vàng rơi, bầu trời xanh ngắt, nắng hanh vàng và gió heo may se lạnh… Nhưng với nhiều người lại thích Hà Nội khi xuân tới.
Nếu ghé thăm Hà Nội vào mùa xuân, bạn nên mặc thêm áo dài tay hoặc đem theo áo khoác nhẹ để tránh bị ho nhé!
2. Những làng hoa xuân đẹp ngẩn ngơ
Những làng hoa đẹp ngẩn ngơ mỗi độ xuân về. Ảnh: Caoanhtuan.
Nói đến thú chơi hoa Tết, có lẽ không đâu sánh bằng Hà Nội. Con người Hà thành hào hoa tao nhã và mang nét thanh lịch của đất kinh kỳ nên thú chơi của họ cũng rất công phu. Xuân về, người Hà Nội thường rủ nhau đến những làng hoa quanh thành phố để thưởng lãm.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km, làng Tây Tựu (Từ Liêm) có nghề trồng hoa lâu đời, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 250 triệu bông hoa. Tây Tựu nổi bật với những cánh đồng trồng hoa cúc vàng rực rỡ, xen lẫn cúc chi và hoa hồng, hoa đồng tiền. Vào ngày giáp Tết, đồng hoa violet tím, hoa layon, hoa thược dược lại có dịp khoe sắc trong tiết trời lạnh giá.
Làng đào Nhật Tân nổi tiếng từ lâu với giống đào bích cho hoa đẹp, nở đều, sắc thắm… Những ngày này, vườn đào lại tấp nập, rộn ràng hơn bởi nhiều bạn trẻ đến ngắm hoa hay chụp ảnh bên gốc đào tươi thắm. Những tà áo dài thướt tha, đèn lồng, lì xì, câu đối đỏ cùng sắc màu của các loài hoa trong vườn đào khiến người người, nhà nhà cảm nhận rõ nét hơn không khí xuân rộn ràng đang đến gần.
3. Hoa đào khoe sắc trên từng con phố
Hoa đào xuống phố.
Tháng giêng, hoa đào đón xuân cùng hoa mùi già ngan ngát. Những cánh hồng yêu kiều mỏng manh trong làn mưa bụi khiến lòng người chợt thấy nao nao. Hoa đào đủ loại len lỏi trên những con phố, như mang mùa xuân về từng ô cửa, từng mái nhà.
Tết càng đến gần mà thiếu đi những cành đào thì khí xuân cũng vợi mất một nửa. Theo chân mùa xuân, những cành đào đầu tiên cũng đã có mặt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ. Hình ảnh đó gợi về một Hà Nội xa xăm, một Hà Nội rất đỗi bình yên, dịu dàng.
4. Hoa ban, hoa sưa lãng mạn
Tháng 3 Hà Nội trắng muốt mùa hoa sữa.
Khi những cánh đào rụng xuống là lúc những tán hoa sưa li ti bắt đầu nở rộ và phủ trắng những tán cây xanh mướt. Bất chợt một ngày đi trên phố, bạn nhận ra hàng cây vẫn đứng lặng thầm suốt mùa đông khoác một tấm áo trắng xóa, đấy là mùa xuân đã gọi hoa sưa về. Trên các con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Bưởi… vào mỗi độ tháng 3, hoa sưa nở trắng trời tạo nên khung cảnh vô cùng quyến rũ.
Xuân về, đường phố Hà Nội bỗng trở nên thơ mộng hơn bởi sắc màu của hoa ban tím. Thời tiết Hà Nội những ngày này ẩm ương, nồm và thất thường như con gái vậy. Những lúc ấy chỉ thèm ngủ vùi dưới một hàng ban tím để thấy tâm hồn thật bình yên.
5. Mùa xuân – mùa lễ hội
Hà Nội – mảnh đất văn hiến ngàn năm lịch sử, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá sẽ diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khi xuân về. Đây cũng là thời điểm Hà Nội thu hút hàng triệu lượt khách du lịch.
Hàng loạt lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức để tưởng nhớ những nhân vật truyền thuyết, lịch sử như: Lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng) được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Vua Quang Trung – người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử chống giặc Thanh của dân tộc, lễ hội đền Sóc (6-7 tháng Giêng) thờ Thánh Gióng – vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân, hội đền Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng Giêng) tưởng nhớ công lao của hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán, lễ hội Cổ Loa (6-8 tháng Giêng) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương – người được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi…
Đặc biệt, lễ hội Chùa Hương là lễ hội kéo dài thời gian nhất ở nước ta. Du khách đến đây không chỉ cầu phúc, cầu may, mà còn được thăm thú cảnh đẹp chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hùng vĩ, sông suối nên thơ, hang động kỳ thú.
Ngoài ra, nhiều lễ hội làng vùng ngoại thành Hà Nội cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách như lễ hội chùa Thầy, hội chùa Trăm Gian, Tây Phương, lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức), làng gốm (Bát Tràng), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)…
Theo ngôi sao
Địa điểm săn hoa đẹp bốn mùa ở Hà Nội
Hà Nội tháng nào cũng đẹp, mỗi thời điểm đều có một vẻ đẹp riêng bởi lúc nào Hà Nội cũng được tô điểm bởi một loài hoa.
Xuân, hạ, thu, đông, các mùa đều đi qua với những loài hoa rực rỡ. Nếu bạn có cơ hội tới Hà Nội vào mùa hoa, hãy tận dụng thời gian đó để đến với những vườn hoa đẹp, các địa điểm chụp ảnh đẹp tại Hà Nội dưới đây.
Video đang HOT
Mùa xuân
Tháng 1 - 2: hoa đào, hoa mai
Vườn đào Nhật Tân khoe sắc ngày giáp Tết. Ảnh: Lekima Hùng.
Hoa đào, hoa mai - có thể nói lúc này thì đâu cũng thấy những loại hoa Tết này. Từ những con phố tới chợ hoa, hoa vào tới sân từng nhà, nhưng ai cũng háo hức với việc đi chụp ảnh ở tận vườn đào, vườn mai.
Vườn đào Nhật Tân
Địa điểm chụp ảnh hoa tuyệt vời nhất ở Hà Nội thời điểm này chính là vườn đào Nhật Tân. Đi đến khu vực này rất dễ, các bạn đi từ cầu Chương Dương theo đê Yên Phụ, tới lối rẽ vào UBND phường Nhật Tân thì các bạn rẽ phải, đi theo đường bên trái tới ngã ba đầu tiên thì rẽ phải và đi sâu vào trong. Khi đi sâu vào khu vực bên trong các bạn sẽ thấy rất nhiều vườn đào của người dân ở đây. Không phải tất cả các vườn đào đều cho các bạn vào chụp ảnh đâu mà chỉ có một số vườn kinh doanh hình thức này thôi. Vườn nào kinh doanh rất dễ nhận thấy vì sẽ được đầu tư sân cổng, bãi để xe... Giá vé dao động khoảng 40.000-50.000 đồng/người.
Chợ hoa Quảng Bá
Hà Nội không có trồng mai nên muốn chụp mai thì địa điểm chụp ảnh hoa đẹp và thuận lợi nhất có lẽ là chợ hoa Quảng Bá. Ở đây gần Tết các bán đủ các loại hoa vào dịp xuân về như đào, mai, thược dược, lan... Để tới chợ hoa Quảng Bá, các bạn chỉ cần đi qua lối rẽ vào vườn đào Nhật Tân thêm một đoạn nữa là sẽ thấy chợ hoa Quảng Bá bên tay phải. Chợ bán buôn họp từ tờ mờ sáng, từ lúc 1-2h đêm đã rất tấp nập rồi, ban ngày chợ bán cho khách lẻ là chủ yếu. Các bạn có thể kết hợp đi chụp ảnh và chọn một cành đào hoặc mai để mua mang về nhà. Những ngày quá cần Tết, từ 27 Tết thì khu vực này rất đông và trên đê Yên Phụ có thể tắc đường đến 1-2 km.
Chợ hoa Hàng Lược
Ngay trung tâm thành phố, sát với chợ Đồng Xuân là chợ hoa Hàng Lược. Vị trí này thích hợp với các bạn ngại di chuyển xa mà thích không khí phố xá hơn. Ngoài ra, chợ hoa Hàng Lược là kiểu chợ hoa trong phố truyền thống, không chỉ bán hoa đào, hoa mai, tầm xuân... mà còn bán cả các vật dụng liên quan đến Tết nữa. Các bạn có thể mua một ít lì xì để chuẩn bị tiền mùng tuổi, vài dây đèn để trang trí nhà, thậm chí có cả hương trầm hay những vật dụng liên quan tới thờ cúng...
Tháng 3: Hoa sưa, hoa ban, hoa gạo
Hoa sưa
Màu trắng muốt tinh khôi của hoa sưa khiến bao thi sĩ say lòng.
Hoa sưa là một loại hoa màu trắng, nhỏ của một loài cây thân gỗ cao lớn. Đến tháng ba, góc phố nào có một cây hoa sưa thì hoa nở trắng, rụng đầy trên con đường đó, tạo nên một khung cảnh hết sức lãng mạn mà không phải thời điểm nào trong năm cũng có được. Khu vực vườn bách thảo, vườn hoa Nhà Hát Lớn, đầu đường Điện Biên Phủ, đường Thanh Niên, sân ký túc xá Mễ Trì, dọc đường Trần Hưng Đạo... là những khu vực có trồng nhiều hoa sưa nhất và là địa điểm chụp ảnh hoa đẹp nhất.
Chụp ảnh với hoa sưa không dễ vì loài hoa này nhỏ li ti mà lại ở trên cao, nên thường mọi người thích chụp tất cả các khung cảnh ấy thay vì chụp ảnh mẫu với hoa sưa.
Hoa ban
Đường hoa ban ở đối diện Lăng Bác.
Hoa ban có thể coi là một biểu tượng của núi rừng Tây Bắc nên khi tháng ba về, rất nhiều người háo hức với việc được ngắm nhìn hoa ban ngay tại thủ đô Hà Nội. Trong Bách thảo có một cây hoa ban lớn nhất ở Hà Nội. Nhưng đường nhiều hoa ban nhất là đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Bác. Tháng ba, khu vực này trở nên tấp nập hơn nhiều vì rất nhiều nhóm các bạn trẻ tới đây để chụp ảnh hoa ban.
Bên góc hồ Hoàn Kiếm (đoạn góc Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) cũng có những cây hoa ban tuy chưa nở nhiều hoa song lại có dáng hình khẳng khiu khá lạ mắt. Hay bên hông Nhà hát lớn và mép phố Kim Mã (đoạn gần trường Quốc tế Hà Nội) cũng có những cây hoa ban. Nhưng lãng mạn bậc nhất có lẽ là dãy hoa ban trên đường Thanh Niên vì khu vực này sát mép nước hồ Tây.
Hoa gạo
Hoa gạo có một nét đẹp rất riêng. Ảnh: Hoàng Hà.
Hoa gao (hay còn gọi là hoa mộc miên, pơ lang) găn vơi làng quê Bắc Bộ bởi gân như nơi nào cũng có một cây, thường ở đầu làng hoặc chơ vơ giữa đồng. "Hoa gạo như ngọn lửa/Cháy đỏ trời tháng ba..." chính là câu thơ mà mọi người đều nhớ khi nói về hoa gạo.
Chùa Trầm, chùa Hương, đê sông Hồng... là những địa điểm mà các bạn có thể chụp ảnh hoa gạo.
Chùa Hương: thuộc huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 50 km, là quẩn thể danh thắng lâu đời ở núi Hương Tích. Đi từ Hà Nội có hai con đường để đi tới Chùa Hương: cách thứ nhất các bạn đi theo đường Nguyễn Trãi, qua Hà Đông đến ngã ba Ba La thì rẽ trái, đi thẳng tới Tế Tiêu thì hỏi đường đi Chùa Hương. Cách thứ hai là các bạn đi theo đường 1 cũ, hướng Thanh Trì. Đến đây các bạn sẽ đi đò theo suối Yến cả đi vào và đi ra khoảng hơn 1 tiếng trên đò. Ngồi trên đò các bạn có thể ngắm cảnh hoa gạo đỏ rực bên sườn núi.
Chùa Trầm: toa lac tai xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Xuôi theo hướng Hà Đông, đi tiêp trên quốc lộ số 6 (qua bên xe Yên Nghia) tới đầu địa phận thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là thấy lôi re bên phai vao chua Trâm, cung la đường vao Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội. Qua trương, bạn sẽ nhìn thấy ngay núi Trầm mờ mờ từ đằng xa nhưng phải đi thêm khoảng 2 km thì mới đến nơi. Hoa gạo ở đây đứng từ trên núi chụp xuống cũng rất đẹp.
Đê sông Hồng: Đoạn đê từ Bát Tràng đi tới Văn Giang, Hưng Yên trên đường đi có rất nhiều cây gạo, tạo ra một khung cảnh triền đê hết sức lãng mạn và là địa điểm chụp ảnh hoa gạo đẹp ở Hà Nội. Các bạn có thể kết hợp đi chơi Bát Tràng và chụp ảnh hoa gạo trong vòng một ngày.
Mùa hạ
Tháng 4: hoa loa kèn
Mùa loa lèn là mùa yêu thích của nhiều cô gái. Ảnh: Tuấn Mark.
Tháng tư về, nắng mới lên cũng là lúc loa kèn, hay còn gọi là hoa huệ tây xuất hiện trên khắp các nẻo đường. Vẻ đẹp tinh khôi của loa kèn gắn liền với bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ vào năm 1943, gợi nhớ về một thú vui tao nhã của người Hà Nội. Nếu các bạn thích chụp loa kèn trên phố thì chỉ cần dạo quanh các con đường như Phan Đình Phùng, Thụy Khuê (ngay đầu đường Thanh Niên rẽ vào là thấy), Yên Phụ (đầu đường Yên Phụ nhỏ, trước mặt lối rẽ vào Khách sạn Thắng Lợi) hay Giảng Võ...
Những chiếc xe đạp ở đầy hoa loa kèn trên phố là hình ảnh quen thuộc vào thời điểm này. Còn muốn chụp ảnh loa kèn tại vườn thì các bạn tới các làng trồng hoa. Hoa loa kèn được trồng nhiều khu vực làng hoa Quảng Bá, Nhật Tân. Để vào các vườn hoa này các bạn có thể đi theo hướng dẫn ở phần tháng 1 hoặc đi vào từ ngõ 264 đường Âu Cơ. Những vườn loa kèn ở đây vẫn là trồng phục vụ việc bán nên các bạn xin phép vào vườn chụp ảnh sẽ phải trả phí 10-20.000 đồng/người.
Làng hoa Tây Tựu
Mọi người vẫn kháo nhau rằng ở làng hoa Quảng Bá hay Nhật Tân, hoa loa kèn được trồng khá lác đác nên muốn chiêm ngưỡng vườn hoa lớn hơn thì các bạn có thể xuống làng hoa Tây Tựu. Nhưng các bạn lưu ý là chụp hình tại vườn thì hầu như chỉ có nụ thôi, vì những vườn này đều là trồng để bán cả. Ở Tây Tựu họ không làm dịch vụ cho chụp ảnh nên các bạn cứ xin phép vào, người dân ở đây không lấy phí của các bạn nhưng nhớ nhẹ nhàng với hoa thôi ạ!
Làng Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Các bạn đi thẳng theo đường Hồ Tùng Mậu, tới đường 32, tới ngã tư trạm Trôi, chỗ có trường Cao đẳng Công Nghiệp thì rẽ phải, đi thêm 2km là đến.
Tháng 5: bằng lăng, hoa phượng
Đường bằng lăng tím ở Kim Mã. Ảnh: Laoshu.
Tháng 5 là thời điểm những loài hoa của mùa hè, với màu sắc rực rỡ khiến đường phố trở nên sống động hơn. Có những con đường tràn ngập sắc tím như Đại Cồ Việt, Duy Tân. Và cũng có những con đường rực sắc đỏ như đường ven hồ Tây, hồ Trúc Bạch hay trong sân trường Việt Đức.
Chụp ảnh bằng lăng đẹp nhất có lẽ là đường Kim Mã, đoạn đường bên cạnh khu Vạn Phúc. Cùng với bãi cỏ xanh mướt, trải dài đây trở thành một địa điểm "hot" suốt cả mùa hè đối với những bạn trẻ. Một địa điểm mới hơn chính là công viên Cầu Giấy ở đường Trần Thái Tông, không gian ở đây rộng rãi hơn sẽ thuận tiện hơn nếu các bạn đi một nhóm lớn. Một lưu ý khi chụp ảnh bằng lăng đó là các bạn hãy tranh thủ đi chụp ngay những ngày nắng đầu tiên, nắng sẽ khiến bằng lăng tím rực rỡ hơn. Vì chỉ cần qua một trận mưa, thì bằng lăng đã không còn đẹp nữa.
Tháng 6: hoa sen
Mùa hè là mùa của hoa sen. Hoa sen không những có sắc mà còn có hương thưởng trà ngắm sen giữa đầm sen ngát hương cũng là một thú vui không thẻ bỏ qua. Đầm sen ở khu vực công viên nước Hồ Tây là địa điểm được nhiều người biết đến nhất. Nhưng hiện nay ở đó các loại hình dịch vụ nở rộ khiến nhiều người cảm thấy khá "hoảng hốt" khi đến đây. Vì vậy, nhiều người đã đi ra các khu vực ngoại thành như hồ Quan Sơn, hoặc xa hơn như Bắc Giang, Hưng Yên.
Điểm chụp ảnh sen đẹp:
Đầm sen Xuân Đỉnh
Điểm chụp ảnh hoa Sen đẹp này nằm ở ngõ 408 đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Khu vực Xuân Đỉnh, Xuân La này cũng có rất nhiều đầm sen mới đưa vào hoạt động cách đây vài năm. Giá vé vào cửa khoảng 25-30.000 đồng/người. Địa điểm này vẫn còn khá hoang sơ so với khu vực đầm sen ở công viên Hồ Tây, khung cảnh rộng rãi hơn và xa trung tâm hơn nên có ít người đến hơn.
Đầm sen Đại học Nông nghiệp
Trong khuôn viên Đại học Nông nghiệp - ngôi trường được mệnh danh là ngôi trường có cảnh quan đẹp nhất cả nước, có tới 4 đầm sen lớn. Cả mùa hè khuôn viên trường chìm ngập trong sắc hồng của hoa sen. Để tới đây, các bạn có thể đi qua cầu Chương Dương, đến cầu chui thì rẽ phải đi theo đường 5. Đi qua ngã tư Thạch Bàn đến đường rẽ bên phải vào đường Ngô Xuân Quảng thì các bạn đi theo đường Ngô Xuân Quảng là tới trường Nông Nghiệp.
Còn nếu các bạn đi qua cầu Vĩnh Tuy thì đi theo đường Cổ Linh, không cần ra đến đường 5. Thời gian chụp đẹp nhất là vào lúc sáng sớm, nắng chưa gắt.
Hồ sen Quan Sơn
Nếu các bạn có thời gian để đi được xa hơn thì đây là một địa điểm tuyệt vời để chụp ảnh sen. Hồ Quan Sơn thuộc địa phận 5 xã, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 50 km theo đường đi Vân Đình. Từ Hà Nội các bạn đi xuống Hà Đông, đến Ba La thì rẽ trái đi Vân Đình. Khi đi qua thị trấn Vân Đình, các bạn đi men theo đê tới ngã tư thị trấn Đại Nghĩa thì đi thẳng qua một cánh đồng là đến hồ Quan Sơn.
Hồ Quan Sơn là một quần thể hồ nước với núi đá vôi và thảm thực vật phong phú gồm có sen, trang trang... Các bạn có thể thuê thuyền đi dạo quanh hồ ngắm cảnh và chụp ảnh với giá 100k/thuyền.
Tháng 7: hoa hướng dương
Chụp với hướng dương bạn không cần mặc trang phục lòe loẹt mà vẫn nổi bật. Ảnh: Tuấn Đào.
Với vẻ đẹp rực rỡ được ví như ánh mặt trời, hoa hướng dương luôn thu hút mọi ánh nhìn. Vào thời gian này các bạn có thể mua hoa hướng dương ở đường Chùa Bộc, có một anh luôn luôn bán hoa ở đây, và vườn hoa nhà anh cũng là một điểm chụp ảnh hoa hướng dương luôn, nằm ở gần khu vực bãi đá sông Hồng, các bạn có thể liên hệ với anh ấy để vào vườn chụp ảnh.
Ngoài ra, khu vực làng hoa Nhật Tân, bãi đá có nhiều vườn trồng hướng dương, giá vào cửa từ 30.000 đến 50.000 đồng/người.
Mùa thu
Tháng 8 - 9: hoa sữa, hoa xà cừ
Hương thơm nồng nàn của hoa sữa khiến những người đi xa Hà Nội thường thương nhớ. Ảnh: Hachi8.
Cũng nhỏ bé như hoa xưa, hoa xà cừ và hoa sữa cũng khó nhận ra được bằng mắt và thường tới với người ta bằng hương. Người ta cũng thường không chụp ảnh những loài hoa này mà thưởng thức hương thơm của nó qua từng con phố.
Tháng 10: dã quỳ, hoa súng
Hoa súng ở chùa Hương. Ảnh: Lekima Hung.
Dã quỳ
Dã quỳ cũng là một loại hoa thuộc họ cúc, nhưng hoang dã hơn nhiều và chỉ mọc ở nơi có không khí lạnh. Vì vậy, các bạn sẽ tìm thấy dã quỳ ở các khu vực đỉnh núi như Vườn quốc gia Ba Vì. VQG trồng khá nhiều dã quỳ ở đường lên đỉnh núi để du khách có thể ngắm nhìn và chụp ảnh.
Vườn quốc gia Ba Vì: cách trung tâm thành phố khoảng 60km về phía Láng - Hòa Lạc. Các bạn đi theo đại lộ Thăng Long tới Hòa Lạc thì rẽ phải đi về hướng Sơn Tây. Tới ngã tư có đèn giao thông (bên phải đi Sơn Tây, đường thẳng đi Đường Lâm) thì rẽ trái, đi thẳng sẽ có biển rẽ trái vào vườn Quốc gia Ba Vì.
Giá vé vào rừng là 20.000 đồng/người. Ngay cổng rừng có một vạt dã quỳ rất lớn và trên đường đi sâu vào rừng đều có rất nhiều dã quỳ mà các bạn có thể dừng lại và chụp ảnh. Trên đỉnh núi có rất nhiều dã quỳ nhưng hiện nay khách tham quan đã bị cấm đi lên đỉnh núi. Các bạn có thể kết hợp đi lễ Đền Thượng và ghé thăm nhà thờ cổ.
Hoa súng
Nhắc tới Chùa Hương, chắc hẳn ai cũng nghĩ tới suối Yến với thuyền ghe tấp nập mùa lễ hội. Nhưng từ cuối tháng 10 hàng năm, suối Yến còn khoác lên mình một bộ áo mới, mang một nét đẹp mới, tĩnh lặng và lãng mạn vô cùng. Bởi vì đó chính là thời điểm suối Yến vào thu, cũng là vào mùa hoa súng tím nở đầy mặt nước. Ngay cả thời tiết mùa thu có mang đến những cơn mưa thì suối Yến vẫn đẹp một cách đáng để các bạn chiêm ngưỡng.
Mùa đông
Tháng 11: Cúc họa mi
Cúc họa mi báo đông về. Ảnh: Vũ Minh Quân.
Khi cúc họa mi tràn ngập những con phố cũng là lúc báo hiệu mùa đông sắp tràn về. Khắp các ngả đường, góc phố lại tràn ngập một màu trắng muốt của những bông cúc trắng nhỏ xinh.
Rất nhiều các bạn trẻ tới những vườn hoa ở Quảng Bá, Nhật Tân để chụp ảnh với cúc họa mi. Hay các làng hoa gần Hà Nội như Tây Tựu cũng có trồng nhiều.
Tháng 12: Hoa cải
Hoa cải được trồng nhiều ở các khu vực ngoại thành vì ở các khu vực trồng rau, người nông dân thường dành một khoảng ruộng nhỏ để trồng rau cải để đến khi ra hoa, thành hạt và lấy hạt đó làm giống. Chính vì vậy mà chúng ta mới có cơ hội được chiêm ngưỡng các cánh đồng hoa cải. Với nhu cầu chụp ảnh hoa cải cao hơn trong những năm gần đây, rất nhiều vườn hoa cải đã được trồng để cho khách vào vườn chụp ảnh với giá 20-30.000 đồng/người.
Đê sông Đuống: từ trung tâm Hà Nội, các bạn đi qua cầu Chương Dương tới thẳng cầu Đuống, đi qua cầu Đuống khoảng 200m thì rẽ phải vào đường đê đi về phía cầu Phù Đổng. Khoảng 3km các bạn sẽ gặp vườn cải ở ngay chân đê. Dọc bờ sông Đuống, khu vực thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cũng có rất nhiều vườn cải đẹp. Với chuyến đi trong vòng một ngày, các bạn có thể kết hợp đi chơi các điểm ở Bắc Ninh như Đền Đô hoặc Phật Tích.
Yên Viên, Gia Lâm: để tới khu vực này các bạn đi qua cầu Đuống, qua lối rẽ vào làng Ninh Hiệp, chếch bên trái là đường rẽ vào khu vườn cải ở Yên Viên, Gia Lâm. Nếu đi xe bus các bạn có thể bắt thẳng xe bus số 10 tới đây. Quanh khu vực này các bạn có thể đi chơi chợ Ninh Hiệp hoặc chụp ảnh ở ga Yên Viên trong vòng một1 buổi sáng và quay về Hà Nội và buổi chiều.
Thị trấn Trâu Quỳ: ngay ngã ba gần cổng trường Đại học Nông nghiệp, rẽ phải vào khoảng 2 km có một cánh đồng cải rất lớn mà các bạn có thể chụp ảnh một cách thoải mái.
Địa điểm chụp ảnh hoa đẹp quanh năm ở Hà Nội
Thực tế thì ở các khu vực làng hoa như Quảng Bá, Nhật Tân, Tây Tựu, Mê Linh... các bạn có thể thấy quanh năm hoa nở rực rỡ. Mùa nào hoa đó, có rất nhiều vườn hoa thu phí ở những khu vực này để các bạn chiêm ngưỡng.
Năm nay còn có thêm một địa điểm chụp ảnh hoa đẹp ở Hà Nội nữa để chụp ảnh các loài hoa, đó là thung lũng hoa Hồ Tây (khu vực trước trồng sen cạnh công viên Hồ Tây). Ngoài những loài hoa phổ biến, ở đây còn có cả những loài hoa đặc trưng của các vùng miền được chủ vườn mang về trồng để phục vụ khách chụp ảnh như: tam giác mạch Hà Giang... Giá vé vào cửa là 80.000 đồng/người lớn, 50.000 đồng/trẻ em.
Những lưu ý khi đi chụp ảnh hoa
- Thường chụp ảnh với hoa không chọn lúc nắng gắt, nên chụp vào sáng sớm đến khoảng 9h sáng là đẹp nhất.
- Vào vườn các bạn nên lưu ý chụp ảnh nhưng phải giữ gìn quang cảnh chung, không nên hái hoa, bẻ cành hay dẫm nát hoa. Kể cả mình trả phí nhưng cũng nên thể hiện mình là khách văn minh.
- Các khu vực vườn thu phí thường cung cấp cả dịch vụ thuê đồ hay trông xe, sử dụng dịch vụ nào đều tính phí dịch vụ đó nên các bạn lưu ý phí vào cửa không phải là phí trọn gói.
Theo ngôi sao
4 địa điểm phượt gần Hà Nội cho người mới bắt đầu Nếu bạn là dân "phượt" mới tinh thì có thể lựa chọn cung đường từ Hà Nội đi tới Hàm Lợn, Chùa Hương hay Tam Đảo. 1. Hàm Lợn Hàm Lợn là đỉnh cao nhất thuộc dãy Độc Tôn- Sóc Sơn- Hà Nội. Cách Hà Nội khoảng 40km theo hướng cao tốc Bắc Thăng Long- Nội Bài nên việc di chuyển tới đây...