Những lý do ôtô lắp ráp chưa rẻ như kỳ vọng
Thị trường nhỏ, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, linh kiện đắt là những lý do chính khiến giá xe lắp ở Việt Nam cao hơn khu vực.
Những nguyên nhân này được các chuyên gia trong ngành đưa ra tại tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò của hải quan trong thúc đẩy công nghiệp ôtô Việt Nam”, do VAMA và Báo Hải quan tổ chức hôm 3/11 tại Hà Nội.
Các nguyên nhân
Điểm đầu tiên được các chuyên gia chỉ ra trong buổi tọa đảm là dung lượng thị trường. Trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan hay Indonexia có dung lượng 600.000 đến hơn một triệu xe/năm, thì tại Việt Nam con số này khiêm tốn 250.000-400.000 xe. Thủ đô Viengchan của Lào có tới 500.000 xe trong khi Hà Nội có 600.000 xe nhưng dân cư gấp 8 lần.
Ngoài ra, khi đáp ứng được nhu cầu trong nước, các nước có nền công nghiệp ôtô phát triển trong khu vực lại tìm cách đưa ra thị trường ngoài. Ví dụ: Malaysia và Indonesia đều xuất khẩu hàng trăm nghìn xe mỗi năm, trong khi Thái Lan xuất khẩu đến một triệu xe/năm.
Chuỗi cung ứng linh kiên bị bó hẹp và giá thành cao là nguyên nhân tiếp theo. Một chiếc xe có tới 30.000-40.000 nghìn chi tiết nhưng ngành phụ trợ Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được 30% số lượng này. Được các chuyên gia đánh giá là nước có trình độ nhân công cao và có điều kiện tốt trong việc gia công các sản phẩm cơ khí, nhưng việc tạo ra một chuỗi cung ứng đủ mạnh vẫn vô cùng khó khăn. Sự chênh lệch về giá được thể hiện trong những chi tiết nhỏ nhất. Một chiếc nắp bình xăng khi được gia công tại Thái Lan có giá 1,5 USD, trong khi nếu gia công tại Việt Nam con số đó là 2,5-3,8 USD.
Xe lắp ráp tại Việt Nam. Ảnh: Đức Huy
Video đang HOT
Công nghệ cũng là điểm yếu khi mà các hãng xe đều có bí quyết riêng và thường hạn chế trong việc sản xuất cũng như chia sẻ công nghệ. Bởi vậy, các chi tiết mang nhiều hàm lượng công nghệ phức tạp như động cơ và hộp số chưa đáp ứng được khi lắp ráp tại Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà sản xuất ôtô lớn tại Việt Nam đều là hãng của nước ngoài, có nguồn cung về linh kiện ổn định từ lâu. Vì vậy, các doanh nghiệp mới vừa và nhỏ trong nước rất khó chen chân vào chuỗi này.
Một số giải pháp
“Bài ca muôn thuở” của thị trường ôtô Việt Nam là muốn phát triển công nghiệp phụ trợ phải thúc đẩy thị trường ôtô trong nước. Chuyên gia của Toyota cho rằng để nội địa hóa một sản phẩm thì doanh số của một xe phải đạt 50.000-60.000 chiếc/năm, nhưng tại Việt Nam thì bất khả thi. Một hướng giải quyết là tìm thêm thị trường nước ngoài để bảo đảm doanh số, tức hướng tới xuất khẩu như cách mà Thaco đang làm tuy khá nhỏ lẻ, hay VinFast đang hướng đến.
Một biện pháp khác là tạo ra chuỗi cung ứng đủ mạnh cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, kết nối các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành và tạo ra một nguồn cung ứng dồi dào cả về giá cũng như số lượng. Tuy nhiên khó khăn là chi phí nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất linh kiện tại Việt Nam khá cao đi kèm phí vận chuyển lớn.
Ví dụ: nắp bình xăng nặng 0,5 kg, để nhập một kiện hàng 20 tấn nguyên liệu thì chi phí cho một nắp bình là 1,2-1,5 USD, trong khi Thái Lan chỉ từ 0,6-0,8 USD.
Một ý tưởng khác là Việt Nam nên trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng linh kiện. Đó là tạo ra một ngành công nghiệp phụ trợ ôtô đáp ứng được cả nhu cầu xuất khẩu cho các nước sản xuất lớn khác trong khu vực. Đến 2025, Việt Nam sẽ cố gắng đạt mức dung lượng sản xuất 1 triệu xe/ năm. Tuy nhiên lúc ấy con số này ở Thái Lan và Indonesia có thể lớn hơn rất nhiều.
Linh hoạt trong chính sách thuế và thúc đẩy giảm giá bán cho linh kiện nhập khẩu cũng là một phương án. Các hãng mong muốn cơ quan chức năng nhanh nhậy trong cải cách thủ tục hành chính, thông quan và đề xuất ưu đãi thuế cho các linh kiện chưa thể gia công trong nước. Đồng thời, khi các hãng xe vào Việt Nam cũng cần phải có các cam kết, ví dụ chia sẻ công nghệ, bí quyết vật liệu.Cuối cùng, các doanh nghiệp cần tự đổi mới, cải tiến công nghệ và tạo ra nguồn cung mới và giảm giá thành tăng của linh kiện.
Đại lý ôtô bất mãn vì phải đóng cửa cả tháng
Quốc gia Bắc Âu tái phong tỏa một tháng, nhưng các khu vườn thực vật vẫn được phép mở cửa khiến các đại lý ôtô tỏ ý bất bình.
Các nhánh của toàn ngành công nghiệp ôtô đã hai lần viết thư gửi chính phủ Anh, giãi bày về nỗ lực duy trì hoạt động của cả hệ thống đại lý trong đại dịch Covid-19 kể từ khi được mở cửa trở lại vào tháng 6 vừa qua.
Lần thứ nhất, Hiệp hội đại lý nhượng quyền quốc gia (NFDA) yêu cầu Thủ tướng Anh không gộp các đại lý ôtô vào danh sách đóng cửa trong lần tái phong tả. Lần thứ hai, thư yêu cầu loại bỏ các đại lý ra khỏi danh sách.
Khách hàng đeo khẩu trang khi tới một đại lý ôtô ở Anh, khi các showroom mở lại cửa hồi tháng 6 sau gần hai tháng phong tỏa. Ảnh: Shutterstock
Theo quyết định tái phong tỏa, các dịch vụ bán lẻ hàng hóa không thiết yếu phải đóng cửa kể từ 0h ngày 5/11 đến hết ngày 2/12. Có nghĩa các đại lý ôtô cũng không thể hoạt động trong thời gian này. Trong khi đó, các đại lý đã phải chi hàng triệu USD theo cách nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
Các ông chủ lớn, như Daksh Gupta (Giám đốc điều hành của Marshall Motor Group) và Robert Forrester (Vertu Motors) đều bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội. Cả hai thể hiện sự bất mãn, rằng các khu vườn thực vật vẫn có thể mở cửa, còn các đại lý thì không.
Gupta đăng ảnh một vườn ươm có đông người lui tới, hỏi tại sao nơi đây vẫn mở cửa trong khi các showroom ôtô có nhiều không gian hơn và ít người đến thì lại không được hoạt động. Forrester cũng đề cập tới các khu vườn tương tự.
Trong thư gửi Thủ tướng Anh Boris Johnson, NFDA nói rằng "không có bằng chứng" về việc các đại lý mở cửa có thể làm tăng khả năng lây nhiễm virus.
Từ 0h ngày 5/11, các đại lý ôtô sẽ phải chuyển sang hình thức giao xe tại nhà, hay "click and collect", tức quá trình mua bán hoàn toàn thực hiện qua mạng. Tuy nhiên, hình thức này không dễ dàng đối với mọi đại lý, và đặc biệt khó khăn đối với các tập đoàn lớn.
Cảnh tượng đông đúc tại một khu vườn ươm được Daksh Gupta đăng trên tài khoản mạng xã hội.
NFDA nói trong thư: "Đóng cửa các showroom sẽ không chỉ gây thiệt hại tới kế sinh nhai của 590.000 người làm việc trong ngành bán lẻ ôtô. Việc này sẽ giảm doanh số xe tới giới hạn khiến các nhà máy phải dừng sản xuất, tác động tới 168.000 người làm việc trong lĩnh vực sản xuất ôtô. Việc này cũng gây khó khăn cho các nhân viên y tế trong việc có được những chiếc xe họ cần để tới chỗ làm".
Những người đại diện của ngành cũng chỉ ra thực tế, rằng lệnh phong tỏa ở Đức vẫn cho phép các đại lý tiếp tục hoạt động. "Chúng tôi mong muốn chính phủ Anh cũng cho thấy sự đánh giá hợp lý như thế", NFDA bày tỏ.
Mike Hawes (Hiệp hội Kinh doanh và sản xuất ôtô Anh - SMMT), cũng thể hiện quan điểm trên mạng xã hội, kêu gọi chính phủ cho phép các đại lý ôtô duy trì hoạt động.
John Marshall (hệ thống đại lý SW Car Supermarket) bày tỏ sự thất vọng trước việc "tiến một bước và lùi hai bước". Ngành công nghiệp này, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ, chắc chắn sẽ chịu thiệt hại khủng khiếp, Marshall nhận định. Ngoài ra, ông chủ của chuỗi siêu thị xe cũ cho biết sẽ thử phương thức "click and collect" theo cách riêng.
Trong ít tháng nới lỏng phong tỏa vừa qua, các đại lý ôtô ghi nhận một số dấu hiệu tích cực về doanh số, đặc biệt ở thị trường xe cũ. Nhưng lệnh tái phong tỏa sẽ có nguy cơ khiến toàn ngành thụt lùi một bước lớn.
Hiện chưa rõ các trung tâm dịch vụ và sửa chữa của các đại lý có thể mở cửa hay không. Những garage hay trung tâm dịch vụ được chính phủ Anh xếp vào mức "thiết yếu", nhưng sự sụt giảm trong việc kinh doanh sẽ khiến những nơi này khó có thể duy trì hoạt động.
Thế hệ Z muốn bố mẹ sử dụng xe điện để bảo vệ môi trường Gần 55% trẻ em tại Anh được hỏi muốn bố mẹ chuyển sang dùng xe điện. Peugeot vừa công bố kết quả cuộc khảo sát thực hiện tại Anh về mức độ quan tâm dành cho phương tiện xanh, gồm xe điện (EV) và xe hybrid. Điểm khác biệt là nhà sản xuất Pháp lấy ý kiến của 1.250 trẻ em từ 7...