Những lý do khiến người trẻ Trung Quốc ngại về nhà dịp Tết
Nhiều người trẻ Trung Quốc đã rút ngắn thời gian gặp gỡ người thân hoặc thậm chí còn không về quê vào dịp Tết vì những áp lực vô hình.
Yuwen đang thất nghiệp nên ngại gặp người thân vào dịp Tết vì sợ bị hỏi về tình hình công việc. Ảnh: BBC
Yuwen (33 tuổi) đã thất nghiệp hơn 6 tháng. Vài ngày trước Tết Nguyên đán, anh nói: “Nếu được lựa chọn, tôi chắc chắn sẽ không về nhà”.
Nhiều người trong số gần 380 triệu người xa quê ở Trung Quốc chỉ về nhà mỗi năm một lần vào Tết Nguyên đán. Đó là lý do tại sao “Xuân vận” (làn sóng di chuyển tại nước này vào mỗi dịp Tết đến Xuân về) được coi là cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới. Các nhà chức trách dự kiến Xuân vận trong năm Rồng này sẽ đạt đến kỷ lục 9 tỷ chuyến đi.
Nhưng Yuwen thì khác, anh sợ về quê vì biết sẽ bị người thân tra hỏi về mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là tình hình công việc, bao gồm tiền lương và phúc lợi. Cha mẹ Yuwen biết anh đã mất việc và cũng cảm thông với điều đó. Họ đồng ý với con trai mình cách tốt nhất là nói dối người thân rằng anh vẫn đang làm công việc cũ.
Trước đây, Yuwen ở hơn một tuần với người thân vào dịp Tết, nhưng giờ thời gian đó rút xuống còn ba ngày.
Trên các mạng xã hội lớn của Trung Quốc, hàng trăm thanh niên cũng cho biết năm nay họ không về nhà đón Tết. Giống như Yuwen, một số người trong đó cũng đang lâm vào tình cảnh thất nghiệp.
Dữ liệu chính thức công bố vào tháng 6/2023 cho thấy, hơn 1/5 cư dân thành phố trong độ tuổi từ 16 – 24 ở Trung Quốc đang thất nghiệp. Chính quyền sau đó đã ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên cho đến tháng 1/2024. Con số hiện ở mức 14,9%, chưa bao gồm sinh viên.
Năm 2014, Yuwen quyết định theo học cao học ngành sư phạm tiếng Trung ở Bắc Kinh, cách quê hương tỉnh Hà Bắc khoảng 300 km. Sau khi tốt nghiệp, anh nhanh chóng tìm được việc làm tại một công ty gia sư tư nhân và được giao nhiệm vụ quản lý, đào tạo gia sư nước ngoài cho học sinh Trung Quốc. Nhưng vào tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc đã cấm dạy thêm tư nhân vì mục đích lợi nhuận nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh.
Không còn cách nào khác, Yuwen buộc phải thay đổi nghề nghiệp. Anh nhận được công việc tại một công ty công nghệ lớn vào tháng 1/2023, chịu trách nhiệm xây dựng các quy tắc phát sóng trực tiếp (livestream) cho các nền tảng ở nước ngoài và giám sát công việc của những người có ảnh hưởng nổi bật trên mạng xã hội. Nhưng công việc đó chỉ kéo dài được năm tháng. Yuwen tiếp tục mất việc vì làn sóng sa thải của các công ty công nghệ tại đất nước tỷ dân.
Yuwen cho biết anh đã gửi đi hơn 1.000 thư xin việc chỉ trong sáu tháng qua, nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ lời mời làm việc nào, mặc dù anh đã hạ thấp kỳ vọng về mức lương của mình. “Lúc đầu tôi thấy khá bình tĩnh nhưng sau đó tôi càng lo lắng hơn. Tôi không ngờ mọi việc lại khó khăn đến thế”, Yuwen chia sẻ.
Tại thành phố Thâm Quyến, huấn luyện viên thể hình Qingfeng đã quyết định tự mình đi du lịch nhân dịp Tết Nguyên Đán. Anh nói dối bố mẹ rằng mình không mua được vé để về quê. Qingfeng nói: “Ai chẳng muốn về nhà đón năm mới chứ? Nhưng tôi chỉ thấy xấu hổ thôi”.
Video đang HOT
Sau khi rời quân ngũ vào năm 2019, Qingfeng bắt đầu làm huấn luyện viên thể hình và cho biết anh có thể kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 68 triệu đồng) mỗi tháng ở Thượng Hải. Năm ngoái, anh chuyển đến Thâm Quyến để sống gần hơn với người bạn gái đang học tập tại Hong Kong.
Chàng trai 28 tuổi tìm được việc làm tại một công ty thương mại nước ngoài vì muốn có công việc ổn định hơn, nhưng mức lương chỉ là 4.500 nhân dân tệ (hơn 15 triệu đồng) một tháng. Số tiền này không đủ để anh đảm bảo cuộc sống vì tiền thuê nhà hàng tháng ở Thâm Quyến ít nhất là 1.500 nhân dân tệ (hơn 5 triệu đồng).
Sau khi nghỉ việc 2 tháng, Qingfeng đã tìm được công việc mới tại một phòng tập thể hình sẽ mở cửa sau kỳ nghỉ Tết, nhưng anh vẫn không muốn quay về gặp gia đình vì đã mất gần hết số tiền tiết kiệm vào năm ngoái vì thất bại trên thị trường chứng khoán. Đầu tháng 2/2024, chứng khoán Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Qingfeng cũng không chắc mình có thể xây dựng được lượng khách hàng tại phòng tập mới do kinh tế suy thoái, vì nhiều phòng tập lớn đã phải đóng cửa vì việc kinh doanh không hiệu quả dẫn đến nợ nần chồng chất.
Nhưng điều kiện kinh tế không phải là lý do duy nhất ngăn cản nhiều thanh niên Trung Quốc về nhà vào dịp Tết.
Một số phụ nữ độc thân, như Xiaoba cho biết, họ không muốn bị gia đình gây áp lực phải kết hôn và ổn định cuộc sống.
“Tôi đã đi làm khắp cả nước. Bất cứ khi nào tôi lên thành phố, mẹ tôi sẽ tìm một người đàn ông và bảo tôi đi xem mắt. Điều đó thật quá đáng”, nữ giám đốc dự án 35 tuổi nói.
Tỷ lệ sinh thấp khiến Trung Quốc lo ngại rằng đất nước này sẽ mất đi lực lượng lao động trẻ, lực lượng chủ chốt thúc đẩy nền kinh tế. Theo số liệu chính thức, giới trẻ ngày càng ngại kết hôn và sinh con, đồng thời số lượng người đăng ký kết hôn đã giảm trong 9 năm liên tiếp. Mặc dù chính phủ không ngừng thực hiện các biện pháp thúc đẩy kết hôn và sinh con, nhưng những nỗ lực đó cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả.
Xiaoba không còn lo lắng về việc kết hôn và đang tận hưởng cuộc sống của mình. Cô đón Tết Nguyên đán cùng chú mèo cưng và xem chương trình Gala đón Xuân hoành tráng của CCTV tại căn hộ thuê ở Thâm Quyến.
Về phần mình, Yuwen hy vọng Tết Nguyên đán tới sẽ tốt đẹp hơn. “Tôi tin mình sẽ làm được vì tôi quyết tâm. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc”. Nhưng Yuwen cho rằng vẫn có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Anh nói: “Tôi không quá lạc quan về nền kinh tế năm 2024″.
Xuất hiện xu hướng tiết kiệm tiền theo kiểu 'giả vờ' trong giới trẻ Trung Quốc
Nhiều người trẻ Trung Quốc đang tạo ra một xu hướng tiết kiệm mới bằng cách tự tưởng tượng mình mang thai, nuôi con, là nhân vật trong phim cổ trang hay đã an hưởng tuổi già trong viện dưỡng lão.
Giả vờ nuôi con nhỏ, tiết kiệm được 10 triệu đồng
Tốt nghiệp ngành Tiếng Anh tại Đại học Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), Tiểu Đinh không tìm kiếm được công việc ưng ý. Sau một năm nghỉ ngơi, Tiểu Đinh đi làm và bắt đầu nghĩ ra cách tiết kiệm độc đáo mới cho mình. Nhận ra tầm quan trọng của việc có khoản tiền để dành riêng từ rất sớm, nên Tiểu Đinh đã bắt đầu việc tiết kiệm từ năm cuối đại học cho đến hiện tại.
Cô gái này tự tưởng tượng một kịch bản bắt đầu từ việc phát hiện bản thân mang thai: "Cốt truyện đầu tiên là tôi vô tình phát hiện bản thân có dấu hiệu ốm nghén và kinh nguyệt bị trễ. Vì vậy, tôi phải bỏ ra 30 nhân dân tệ (khoảng 100.000 đồng) để mua 3 loại que thử thai khác nhau. Sau khi viết ra cốt truyện đó, tôi tự chuyển 30 nhân dân tệ vào tài khoản tiết kiệm của mình".
Từ ngày 17/9, Tiểu Đinh bắt đầu cập nhật câu chuyện tưởng tượng của mình lên mạng xã hội mỗi ngày để tự nhắc nhở bản thân hôm nay phải chi bao nhiêu tiền để "dưỡng thai". Nhiều người cảm thấy thú vị và cũng tham gia vào trò chơi tiết kiệm này cùng Tiểu Đinh.
Thậm chí, Tiểu Đinh nhập tâm đến nỗi bắt đầu tra cứu thêm các thông tin khoa học về việc mang thai để câu chuyện của mình trở nên thật hơn. Cô còn hỏi cả mẹ mình và biết thêm về những mũi tiêm, những vấn đề sức khoẻ phát sinh trong quá trình mang thai.
Đồng thời, nhiều cư dân mạng đã từng mang thai cũng để lại bình luận góp ý về các chi phí thực tế mà họ phải chi trả ở bài đăng của Tiểu Đinh, từ đó cô có thể điều chỉnh lại chi tiêu trong câu chuyện của mình.
Hơn 60 ngày kể từ bài đăng đầu tiên, Tiểu Đinh đã tiết kiệm được hơn 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng). Cô cho biết mục tiêu ngắn hạn của mình là "sinh một đứa con" vào khoảng tháng 4 năm sau. Ban đầu, Tiểu Đinh còn định đặt mục tiêu "nuôi con" đến khi con 18 tuổi, nhưng khi biết được học phí mẫu giáo là 5.000 nhân dân tệ mỗi học kỳ, cô nhận ra rằng lương hàng tháng của mình không đủ nuôi một đứa trẻ đi học.
Một góc căn nhà thuê của Tiểu Đinh. Ảnh: The Paper
Hoá thân thành nhân vật trong phim cổ trang
Diệp Diệp - sinh năm 2004 và đang là sinh viên năm 2 đại học - còn có cách tiết kiệm độc đáo hơn. Đó là hoá thân làm nhân vật trong phim truyền hình cổ trang. Cô còn có thể thoải mái chọn nhân vật phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Ví dụ như nhân vật Chân Hoàn trong bộ phim Chân Hoàn Truyện đến từ gia đình quý tộc có mức chi tiêu cao hơn, nên Diệp Diệp chọn vào vai An Lăng Dung - một nhân vật có xuất thân nghèo khó hơn và phù hợp với mức chi tiêu của một sinh viên đại học như cô.
Với mức phí sinh hoạt cố định hàng tháng ở Hàng Châu là 2.000 tệ (gần 7 triệu đồng), Diệp Diệp bắt đầu viết ra các tình tiết trong "Chân Hoàn Truyện", chẳng hạn như việc An Lăng Dung phải chi tiền lộ phí để vào cung dự tuyển mất 10 tệ (hơn 30.000 đồng), chuẩn bị quà cáp cho người trong cung 5 tệ... Cứ như vậy, nữ sinh viên chuyển số tiền tương ứng vào tài khoản để tiết kiệm.
"Trước đây tôi không có mục tiêu cụ thể, nhưng từ khi làm An Lăng Dung, tôi đã kiên trì để dành tiền hơn vì có nhiều người mong ngóng xem tôi cập nhật câu chuyện trên tài khoản mạng xã hội. Chúng tôi xưng hô với nhau như trong phim cổ trang, giống như thực sự là những nhân vật trong đó vậy", Diệp Diệp chia sẻ.
Những người cùng tham gia thử thách tiết kiệm này với Diệp Diệp nói hầu hết là sinh viên đại học hoặc nhân viên văn phòng bình thường, họ không có gia thế hay ngoại hình nổi bật nên cảm thấy như nhìn thấy bản thân trong nhân vật An Lăng Dung. Vì vậy, họ tiết kiệm tiền như một cách để hi vọng rằng bản thân và "An Lăng Dung" sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Tưởng tượng mình đã an dưỡng tuổi già, tiết kiệm tiền để có cuộc sống sung túc
Thư Minh sinh năm 1996 đã từng làm nhân viên truyền thông trong 5 năm và gần đây mới chuyển sang làm môi giới bảo hiểm.
"60 tuổi, không con cái, chỉ nuôi một chú chó và tiêu thật nhiều tiền... Việc làm một cụ bà giàu có trong viện dưỡng lão như vậy vẫn luôn là lý tưởng của cuộc đời tôi", Thư Minh hào hứng nói.
Những năm gần đây, nhiều người trẻ Trung Quốc bị cắt giảm lương hoặc thậm chí là mất cả công việc. Thư Minh nhận thấy bố mẹ cô có một cuộc sống tuổi già khá bình ổn vì họ đều có khoản lương hưu cố định, cô cũng muốn mình sẽ có cuộc sống như vậy lúc về già. Và muốn có một kỳ "nghỉ hưu" thảnh thơi nhất có thể thì phải chuẩn bị cho bản thân một nguồn thu nhập thụ động từ bây giờ.
Vì vậy, khi lần đầu tiên nhìn thấy những bài viết với nội dung "Tiết kiệm bằng cách giả vờ..." trên mạng xã hội, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu Thư Minh là: "Tại sao mình không 'giả vờ' để có thể tiết kiệm tiền cho việc nghỉ hưu?".
Thay vì xây dựng cốt truyện là một người già truyền thống, nuôi con khôn lớn rồi hỗ trợ con cái và chuyển đến sống với chúng ở thành phố xa lạ, Thư Minh chọn làm một người già độc thân. Trong thế giới tưởng tượng này, Thư Minh sẽ không có con cái, chỉ nuôi một chú chó và làm những điều bản thân thích như: đi du lịch, chơi mạt chược, trồng cây cảnh...
Vì luôn muốn một lần được đến Vân Nam du lịch nên Thư Minh đã viết về cuộc sống nghỉ hưu ở Vân Nam với một loạt chi phí cần thiết: 79 nhân dân tệ để mua giày thời trang cho người già, 20 tệ để mua khăn lụa làm đạo cụ chụp ảnh, 50 tệ để mua đồ du lịch cho chú chó, hay tiền cho dịch vụ chăm sóc người cao tuổi... Cứ thế, nhờ vậy cô đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá vào quỹ chuẩn bị cho ước mơ nghỉ hưu trong đời thực của mình.
Thư Minh trong một chuyến du lịch năm nay. Ảnh: The Paper
Cũng như những cách tiết kiệm bằng việc "giả vờ" khác, câu chuyện mà Thư Minh tự tưởng tượng ra đã truyền thêm nhiều cảm hứng cho những người dùng khác trên mạng xã hội. Cô cho rằng tiết kiệm tiền là một việc gây nghiện, khi nhìn số tiền dần dần tích lũy ngày một nhiều hơn, Thu Minh sẽ tự hỏi liệu mình có thể tiết kiệm nhiều hơn nữa không và bắt đầu thử thách với việc đó.
Cô cho biết: "Xung quanh tôi có một số người không có thói quen tiết kiệm. Sau khi nghỉ việc ở một nơi nào đó, họ không có cách nào để lựa chọn điểm đến tiếp theo một cách chậm rãi và kỹ càng hơn, vì áp lực kinh tế đang đè nặng họ. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến một số lựa chọn sai lầm, hoặc họ chỉ có thể chấp nhận những công việc không được lý tưởng lắm. Sau 50 ngày giả vờ chi tiêu cho việc nghỉ lưu, tôi đã tiết kiệm được hơn 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng). Trong quá trình đó, tôi phát hiện ra rằng tiết kiệm tiền chỉ là hành động thay đổi thứ tự. Trước đây, tôi luôn tiêu tiền trước rồi mới tiết kiệm số tiền còn lại, nhưng nếu chúng ta tiết kiệm trước rồi mới nghĩ đến việc chi tiêu thì bạn sẽ nhận ra việc tiết kiệm số tiền đó sẽ không ảnh hưởng khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng quá nhiều".
Việc thực hiện cách tiết kiệm nào là tùy thuộc vào lựa chọn riêng của mỗi người. Trên thực tế, mặc dù thoạt nghe thì hơi kỳ lạ nhưng cách tiết kiệm mới mẻ này đã được nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc áp dụng và thành công. Hơn hết, họ cảm thấy hài lòng hơn với suy nghĩ được chi tiêu những khoản tiền xứng đáng cho chính bản thân mình, dù chỉ là trong tưởng tượng.
Người học tiếp, kẻ 'ngồi không' vì thất nghiệp Thanh niên Trung Quốc, Thái Lan miệt mài đi học vì không xin được việc làm, trong khi thanh niên Hàn Quốc lại chọn 'ngồi không' vì thất nghiệp. Một thanh niên đang "tìm việc" tại Hội chợ việc làm thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc - Ảnh: THE KOREA TIMES Giới trẻ Trung Quốc hiện đang bước vào giai đoạn ảm...