Những lưu ý khi mua xe ôtô cũ
Xe lâu không hoạt động; xe đã sử dụng chạy taxi, xe bị thủy kích, ngập nước; xe tai nạn, trải qua đại tu,… là những loại xe mà người mua xe cũ cần chú ý và nên tránh.
Xe bị thủy kích, ngập nước
Xe từng bị thuỷ kích, ngập nước là một trong những loại xe ôtô cũ “cấm kỵ” khi mua. Với ôtô cũ từng bị ngập, nước có thể đi vào nội thất ảnh hưởng nhiều chi tiết bên trong, nhất là hệ thống điện trong xe.
Còn xe bị thủy kích là xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm chết máy. Khi này, nếu người lái xe cố tình cho nổ máy lại, nước có thể bị hút sâu hơn, gây hại nghiêm trọng cho động cơ. Dù được khắc phục, xe có thể vận hành bình thường trở lại nhưng độ ổn định và độ bền của động cơ sẽ không còn như trước.
Xe bị tai nạn, trải qua đại tu
Những chiếc xe từng bị đâm đụng, tai nạn hư hỏng nặng dù đã được sửa chữa, đại tu lại nhưng chúng không đảm bảo về mặt an toàn cũng như giá trị sử dụng. Mỗi cuộc đại phẫu đều ảnh hưởng lớn đến độ bền của xe. Chưa tính đến việc khó đánh giá những phụ tùng, linh kiện thay thế có thuộc hàng chính hãng hay không.
Những chiếc xe ôtô chạy dịch vụ taxi, Grab, cho thuê xe tự lái, xe hợp đồng,… thường được chào bán lại với giá rẻ hơn từ 10% – 40% so với xe sử dụng cá nhân. Những loại xe này thường hoạt động với tần suất cao, ít được chăm sóc, bảo dưỡng kỹ càng như xe cá nhân. Do đó, xe nhanh xuống cấp, đặc biệt là hệ thống động cơ, điều hòa, hộp số. Để qua mắt người mua, một số chiếc được tân trang kỹ càng, tua chỉnh công tơ mét.
Video đang HOT
Xe lâu không hoạt động
Bạn đừng nghĩ xe ít đi sẽ bền. Những chiếc xe ít hoạt động, thường xuyên nằm trong hầm hoặc phơi mình trong những bãi gửi xe dễ bị tổn thọ. Xe ít sử dụng thường dễ sinh ra ẩm mốc, các chi tiết dưới gầm xe dễ bị gỉ sét. Do vậy, bạn nên quan sát và đánh giá kỹ càng chất lượng của những chiếc xe ít hoạt động để có phương án mua bán hợp lý.
Xe không có giấy tờ chính chủ
Đã có không ít trường hợp tranh chấp ôtô do mua nhầm phải xe không có giấy tờ chính chủ. Những xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chính chủ thường là xe bị đánh cắp hoặc xe bị lừa để đem bán.
Xe cũ, giá rẻ bất thường
Nếu nhận thấy chiếc xe định mua có giá rẻ bất ngờ so với mặt bằng chung, bạn nên đặt câu hỏi và bình tĩnh tìm hiểu, đánh giá trước khi tiến tới đàm phán giá cả.
Mẹo nhận biết ôtô đã có lịch sử ngập nước khi mua xe cũ
Khi mua xe ôtô cũ, người mua cần nắm được một số mẹo quan sát một số chi tiết trên xe nhằm nhận biết xe đã có lịch sử bị ngập nước, để từ đó tránh mua phải những chiếc xe mắc phải lỗi lớn này và đã được garage xe "dựng" lại.
Quan sát đèn pha
Trước hết, khi kiểm tra xe bằng mắt thường người mua nên quan sát khu vực đèn pha của chiếc xe. Nếu chiếc xe ôtô đã bị ngập nước, vỏ đèn pha thường sẽ xuất hiện các vệt ố vàng, mờ, ngấn nước hoặc vết xước do đã tháo ra để lau chùi.
Quan sát toàn bộ bu lông, ốc vít trên xe
Bên cạnh việc quan sát phần đèn pha, người mua xe nên kiểm tra cả những vị trí bu lông, ốc vít. Nếu có dấu hiệu bị gỉ sét, xước, có vết kẹp, tháo vặn hay thậm chí là một con ốc sáng bóng, thì cũng đều là những khả năng xe đã bị đem đi sửa chữa và thay thế.
Ngoài ra, người mua xe cũng phải để ý toàn bộ ốc trên máy, các đường dẫn nhiên liệu, nước làm mát hay dây điện... xem còn dính vết dầu mỡ trên đó hay không, bởi đây có thể xem như dấu hiệu đã từng bị tháo lắp.
Quan sát gioăng đầu bò và nắp máy
Ở chi tiết này, nếu thấy phần gioăng đầu bò và nắp máy mới tinh hoặc silicon bị tràn ra ngoài, tức nghĩa động cơ đã có sự can thiệp từ bên ngoài. Thông thường, đối với chiếc xe còn nguyên "zin" chưa từng bị mở máy thì phần gioăng này sẽ khít và đường silicon rất thẳng.
Kiểm tra khoang nội thất của xe
Nếu một chiếc xe đã bị ngập nước, khi bước vào bên trong xe sẽ cảm nhận được mùi ẩm mốc rõ rệt. Chủ xe cũ hoặc nơi bán xe sẽ có thể sử dụng nhiều loại nước hoa, khử mùi để lấn át đi mùi ẩm mốc trong khoang xe.
Do vậy, để xác minh điều này, người mua xe cũ nên vào trong xe, đóng hết cửa xe và tắt hệ thống điều hoà. Nếu mùi nước hoa hay xịt khử mùi quá nồng, hoặc mùi ẩm mốc rõ rệt thì người mua xe nên tránh chọn những chiếc xe như vậy.
Ngoài ra, người mua cần lật thảm trải sàn và kiểm tra xem có bùn đất dính ở khu vực dưới mặt sàn hoặc ngóc ngách xe hay không. Nếu kiểm tra phần dưới bàn đạp phanh, bàn đạp ga, bu lông gầm ghế... có thấy dấu hiệu bất thường thì người mua cần tránh.
Kiểm tra gầm xe và hệ thống ống xả
Khu vực bên dưới gầm xe ôtô là nơi tập hợp rất nhiều chi tiết bằng kim loại, hơn nữa đây cũng là nơi tiếp xúc đầu tiên và nhiều nhất với nước. Vì vậy, khi mua xe ôtô thì người mua nên kiểm tra cả phần dưới gầm để phát hiện những chi tiết bị gỉ sét, ố vàng, hay những dấu hiệu đã từng bị tháo lắp.
Lái thử xe
Bên cạnh việc kiểm tra quan sát bằng mắt thường, người mua xe phải kiểm tra bước cuối cùng bằng cách cầm lái để cảm nhận được khả năng vận hành của chiếc xe.
Đầu tiên, người mua cần khởi động máy để nghe âm thanh từ ống xả và xem có xuất hiện khói hay không. Sau đó, tăng tốc từ chậm đến nhanh để cảm nhận độ nhạy chân ga, chân phanh, hệ thống lái, sự ổn định của thân xe khi vào cua tốc độ cao.
Sau khi chạy khoảng 10 phút, cần mở nắp capo để kiểm tra nhiệt độ của động cơ, nếu ở mức ấm và vẫn có thể chạm tay thì có thể yên tâm về chiếc xe này. Nếu qua sửa chữa thì động cơ sẽ rất nóng, có thể không chạm vào được.
5 điều cần biết khi vay trả góp mua ôtô cũ Tuỳ từng ngân hàng mà quy định vay mua ôtô cũ sẽ khác nhau, từ lãi suất vay, điều kiện, tài sản đảm bảo...Vay trả góp mua ôtô cũ là hình thức vay thế chấp để mua xe. Khách hàng cần trả trước một khoản tiền nhất định khoảng 30% giá trị xe cho đại lý, phần còn thiếu sẽ do ngân hàng...