Những lưu ý khi chăm trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV
“Với trẻ bình thường có thể bú mẹ tới 24 tháng, nhưng với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV chỉ cho bú 4-6 tháng”.
TS.BS Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi cùng VOV về việc chăm sóc trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
PV: Thưa bác sĩ, một đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV thì sau bao lâu có thể làm xét nghiệm để biết có bị lây nhiễm HIV từ mẹ hay không?
TS.BS Lã Thị Lan: Ngày nay, việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ nhiễm HIV đã có nhiều tiến bộ. Trước kia để phát hiện đứa trẻ có nhiễm HIV từ mẹ hay không thì phải đợi trên 18 tháng để xét nghiệm kháng thể. Nhưng bây giờ, nhờ tiến bộ của kỹ thuật y sinh học, đã có thể xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi bằng kỹ thuật xét nghiệm PCR (phát hiện trực tiếp vi-rút trong máu). Thực hiện xét nghiệm khi trẻ 4 – 6 tuần tuổi hoặc ngay sau đó càng sớm càng tốt.
Nếu PCR lần 1 âm tính: Trẻ có khả năng không nhiễm HIV, thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 9 tháng. Nếu xét nghiệm kháng thể kháng HIV âm tính: Trẻ không nhiễm HIV. Nếu xét nghiệm có phản ứng với kháng thể kháng HIV: Thực hiện xét nghiệm lại kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 18 tháng tuổi để khẳng định chính xác tình trạng nhiễm HIV.
Với các trẻ từ 9 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi: Xét nghiệm kháng thể kháng HIV trước; nếu có phản ứng với kháng thể kháng HIV, thì sẽ lấy mẫu máu làm xét nghiệm PCR.
PV: Trong trường hợp mẹ đã đạt tải lượng vi-rút HIV dưới 200 bản sao/ml máu (tức là K=K) thì còn khả năng lây cho con nữa hay không?
TS.BS Lã Thị Lan: Người mẹ được điều trị bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt để tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml), vẫn có khả năng lây cho bé, nhưng nguy cơ sẽ thấp hơn rất nhiều so với những bà mẹ có tải lượng cao hơn và chưa điều trị ARV.
Cụ thể, đối với những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ này thì vẫn có nguy cơ và vẫn phải điều trị ARV dự phòng. Tuy nhiên, trẻ chỉ cần uống 1 loại ARV và chỉ uống trong 6 tuần. Người mẹ có thể cho con bú hoặc không cho con bú. Nếu người mẹ không có điều kiện nuôi bộ thì vẫn có thể cho con bú mẹ bình thường. Còn với trẻ khác thì phải uống dự phòng bằng 2 loại thuốc ARV, thời gian uống từ 6 đến 12 tuần tủy theo trẻ không bú mẹ hay có bú mẹ.
PV: Trường hợp trẻ không bị lây HIV từ mẹ, sau đó người mẹ nên làm gì để con không bị HIV?
Video đang HOT
TS.BS Lã Thị Lan: Nếu trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ thì quá tốt rồi. Bởi việc lây nhiễm HIV qua chăm sóc chúng tôi chưa ghi nhận được trường hợp nào. Vì thế tôi chỉ có 1 lưu ý, nếu sau 4-6 tuần, trẻ có kết quả âm tính HIV mà bà mẹ cho con bú sữa mẹ thì: Thứ nhất, bà mẹ vẫn phải tuân thủ điều trị ARV tốt để đạt tải lượng dưới ngưỡng phát hiện; Thứ hai, bà mẹ ngừng cho con bú khi bà mẹ viêm tuyến vú hoặc đứa trẻ bị viêm miệng, tưa lưỡi; Thứ ba, khi trẻ bắt đầu ăn dặm (lúc 4-6 tháng tuổi) thì cai sữa mẹ hoàn toàn. Còn trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ vẫn thực hiện bình thường, không cần một hành động phòng tránh quá đặc biệt gì vì như thế sẽ tạo ra sự kỳ thị.
PV: Để phòng lây nhiễm HIV cho trẻ, nhiều người đã tách con ra khỏi mẹ ngay sau khi sinh. Việc làm này có nên không, thưa bác sĩ?
TS.BS Lã Thị Lan: Việc làm này rất sai lầm, bởi trẻ có khi không chết vì HIV mà lại chết vì khát sữa. Quan trọng là người mẹ cần được cán bộ y tế tư vấn cách cho con bú từ những giọt sữa non như thế nào cho an toàn.
PV: Vậy trong chăm sóc trẻ hằng ngày, cha mẹ cần lưu ý gì?
TS.BS Lã Thị Lan: Trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV là trẻ bị phơi nhiễm, do vậy ngay sau khi sinh ra trẻ phải được tắm sạch sẽ, để loại trừ tất cả các yếu tố nguy cơ bám ở trên da, niêm mạc của trẻ, hút dịch từ miệng em bé ngay sau sinh; Thứ 2 là việc bú mẹ. Với trẻ bình thường có thể bú mẹ tới 24 tháng nhưng với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV chỉ cho bú 4- 6 tháng. Khi bắt đầu ăn dặm thì cai sữa mẹ hoàn toàn. Không bao giờ vừa cho trẻ bú vừa ăn dặm. Bởi trong sữa mẹ có khi có vi-rút HIV mà khi ăn dặm thì đường ruột có thể bị tổn thương – đó là cửa ngõ để cho vi-rút HIV từ sữa chui vào cơ thể; Thứ 3, dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ; Thứ 4 là tiêm phòng. Trẻ sinh ra từ mẹ có HIV và trẻ có nhiễm HIV vẫn được tiêm phòng. Tuy nhiên nếu trẻ được chẩn đoán HIV thì sẽ không tiêm hoặc trì hoãn tiêm các loại vắc-xin sống giảm độc lực như vắc-xin phòng lao, thương hàn, sởi, quai bị, rubella. Vì trẻ bị nhiễm HIV sẽ bị suy giảm miễn dịch. Nếu cho vắc-xin sống vào vô hình chung sẽ đưa mầm bệnh vào cơ thể trẻ. Còn với trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV (tức là kết quả xét nghiệm âm tính) thì vẫn tiêm chủng bình thường.
Với trẻ sinh ra từ bà mẹ có nguy cơ cao, tức là chưa điều trị ARV hoặc có điều trị nhưng chưa được 4 tuần hoặc có điều trị nhưng tải lượng vi-rút vẫn trên 1.000 bản sao thì trẻ vẫn có thể bú mẹ nhưng phải được điều trị ARV dự phòng lây nhiễm phù hợp.
PV: Nếu trẻ nhiễm HIV từ mẹ thì việc uống ARV có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe sau này?
TS.BS Lã Thị Lan: Trẻ nhiễm HIV cũng như người lớn, sau khi có kết quả dương tính với HIV thì phải uống ARV ngay. Đấy là chỉ định mới mà chúng ta áp dụng từ năm 2017 đến nay. Việc điều trị ARV giúp ngăn chặn tối đa sự nhân lên của vi-rút HIV, giúp hệ thống miễn dịch không bị phá hủy, và không bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng như phòng các bệnh liên quan đến HIV, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường.
Liều lượng ARV tùy thuộc cân nặng của mỗi trẻ. Thuốc ARV cho trẻ có dạng siro hoặc dạng viên, nhũ dịch (thả vào nước cho tan ra để uống). Do vậy, khi phát hiện trẻ có HIV, trẻ cần được đưa đến cơ sở điều trị ARV để được uống thuốc càng sớm càng tốt.
Mặc dù thuốc ARV thế hệ mới hiện nay ít tác dụng phụ, ít độc tính hơn trước nhiều, tuy nhiên khi điều trị cho trẻ có nguy cơ giảm hấp thu can xi, loãng xương, sẽ ảnh hưởng tới phát triển của trẻ. Vì vậy, trong quá trình điều trị, trẻ cần phải được theo dõi để bác sĩ kịp thay đổi phác đồ, tránh ảnh hưởng tới phát triển thể chất của trẻ và việc kháng thuốc và thất bại trong quá trình điều trị.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!/.
Theo VOV
Từ vụ 2 người bị nhiễm HIV sau khi lăn kim, chuyên gia muốn bạn nhớ rõ điều này
Lăn kim làm đẹp da đòi hỏi sự thận trọng cao, nếu không, bạn khó tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh giống như 2 trường hợp mới đây bị HIV sau khi lăn kim làm đẹp da tại Mỹ.
Những người từng ghé qua spa ở New Mexico có thể tiến hành nhiều thủ tục làm đẹp hơn chỉ là việc lăn kim làm đẹp da - một phương pháp làm đẹp đang nổi đình nổi đám có thể khiến bạn bị nhiễm HIV. Và họ có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác chứ không chỉ riêng HIV.
Đó là lời cảnh báo đến từ Bộ Y tế New Mexico. Các nhà chức trách hiện đang thúc giục khách hàng của VIP Spa, ở Albuquerque, xem xét việc xét nghiệm HIV sau khi 2 khách hàng có kết quả dương tính với HIV.
"NMDOH đang điều tra hai trường hợp nhiễm HIV trong số các khách hàng VIP Spa đã nhận được các thủ tục liên quan đến lăn kim làm đẹp da trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2018", một phát ngôn viên từ NMDOH nói.
Những người từng ghé qua spa ở New Mexico có thể tiến hành nhiều thủ tục làm đẹp hơn chỉ là việc lăn kim làm đẹp da - một phương pháp làm đẹp đang nổi đình nổi đám có thể khiến bạn bị nhiễm HIV.
Các quan chức y tế đặc biệt khuyến khích những người tiến hành lăn kim làm đẹp da tại cơ sở này đi xét nghiệm HIV gấp. 2 khách hàng dương tính với HIV cũng có cùng loại virus HIV. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh là kết quả làm đẹp tại một spa cả hai đã đến.
Trong khi hơn 100 khách hàng VIP Spa đã được thử nghiệm, NMDOH đang cố gắng đảm bảo rằng các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm có sẵn cho những người nhận dịch vụ liên quan đến lăn kim làm đẹp da cũng như bất cứ thủ tục tiêm vào da khác và những bệnh nhiễm trùng, viêm gan...", Kathy Kunkel, thư ký nội các của NMDOH, cho biết trong tuyên bố.
Chắc chắn bạn sẽ tự hỏi bản thân tại sao chỉ vì đến spa chăm sóc da mặt thôi mà cũng có thể có nguy cơ bị nhiễm trùng máu, mắc bệnh nguy hiểm như HIV. Vậy thì điều đầu tiên bạn cần nắm rõ liệu pháp tái tạo da kiểu "ma cà rồng" này.
Tại sao chỉ vì đến spa chăm sóc da mặt thôi mà cũng có thể có nguy cơ bị nhiễm trùng máu, mắc bệnh nguy hiểm như HIV?
Khi bạn sở hữu khuôn mặt "ma cà rồng" ngay khi làm xong, chính là bạn đã được tiến hành lăn kim làm đẹp da. Theo đó, máu sẽ được tiêm vào da mặt. Tên gọi khác của phương pháp chăm sóc da mặt này là PRP (mặt huyết tương giàu tiểu cầu) hoặc tiêm PRP. Kim Kardashian đã từng đăng một bức ảnh mình đang thử phương pháp lăn kim trẻ hóa da kiểu này vào năm 2013.
Việc làm đẹp kiểu này nghe có vẻ hơi cực đoan nhưng nó có thể hữu ích cho làn da của bạn. Theo BS da liễu Bruce E. Katz (thành phố New York) chia sẻ với Health, PRP kích thích collagen, cung cấp máu và mạch máu mới, và thậm chí cả nang lông.
Bác sĩ Katz không phải là bác sĩ duy nhất tin rằng chăm sóc da mặt PRP có lợi ích. "PRP có thể được kết hợp với microneedling để cải thiện lỗ chân lông lớn, sẹo mụn và nếp nhăn", BS Debra Jaliman (một bác sĩ da liễu khác ở thành phố New York) cũng lên tiếng chia sẻ với Health.
Kim Kardashian đã từng đăng một bức ảnh mình đang thử phương pháp lăn kim trẻ hóa da kiểu này vào năm 2013.
Nếu việc tiêm máu vào mặt có vẻ hấp dẫn và muốn thử, hãy đảm bảo bạn chọn đúng nơi để tiến hành. "Bất kỳ ai muốn thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến tiêm kim nên xác minh các dịch vụ đang được cung cấp bởi một nhà cung cấp y tế được cấp phép", đại diện của NMDOH tuyên bố.
Theo tuyên bố, VIP Spa đã bị đóng cửa vào tháng 9 năm ngoái sau khi các thanh tra viên "xác định các bước tiến hành có khả năng lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B và viêm gan C".
Tóm lại, lăn kim làm đẹp da có thể là phương pháp làm đẹp khá hay ho, rất đáng thử nhưng hãy chắc chắn bạn cần được thăm khám tỉ mỉ và tiến hành thực hiện bởi những chuyên gia được cấp phép hành nghề, đáng tin cậy để tránh tiền mất tật mang.
Theo Helino
Lây truyền HIV qua đường tình dục đang tăng nhanh Tại Hà Nội, hiện nay, lây truyền HIV qua đường tình dục đang tăng nhanh, từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018, trở thành phương thức lây truyền chủ yếu. Dù vậy, với thông điệp K=K, đường lây truyền HIV này hoàn toàn có thể kiểm soát được. Hà Nội đang tập trung triển khai thông điệp K=K nhằm ngăn chặn đường...