Những lời xầm xì tàn độc
Tôi không biết, sau cái chết trong tư thế treo cổ của cả 4 người trong một gia đình ở Hà Tĩnh vừa qua, những người từng xầm xì, phán xét họ có cảm thấy ăn năn, tội lỗi với chính mình hay không.
4 người trong ngôi nhà đã chết trong tư thế treo cổ ẢNH: PHẠM ĐỨC
Tôi lướt thật nhanh qua những bản tin về cái chết trong tư thế treo cổ của cả 4 thành viên trong một gia đình ở Hà Tĩnh và lá thư tuyệt mệnh của họ để lại trong căn nhà đang xây dở còn ngổn ngang gạch ngói. Tim tôi như bị bóp nghẹt lại vì quá đau đớn và bàng hoàng. Hai vợ chồng chưa tới 30 tuổi. Hai đứa con, đứa 6 tuổi và 4 tuổi. Tất cả tương lai, cuộc đời của họ kết thúc bằng những sợi dây, vì những từ ngữ khô khốc nhưng có sức hủy diệt không tưởng: tin đồn, áp lực dư luận.
Cuộc sống đói nghèo, những khoản nợ nần đẩy hai vợ chồng trẻ và những đứa con thơ vào bế tắc. Chưa có kết luận của cơ quan công an rằng người chồng, người cha trong câu chuyện trên có ăn trộm điện thoại ở tỉnh Quảng Bình hay không, tuy nhiên những lời bàn ra tán vào, điều tiếng xầm xì của bà con hàng xóm đã như lời kết tội của phiên tòa, họ buộc tội người hàng xóm của mình và đẩy bước chân của vợ chồng anh vào tận cùng tuyệt vọng.
Họ không còn niềm tin vào cuộc đời. Họ chết. Khi họ còn rất yêu các con. Khi họ còn quá trẻ và những đứa trẻ ngây thơ đáng lẽ phải được sống và được học hành đàng hoàng, được làm những điều chúng ước mơ.
Tôi ứa nước mắt khi đọc được những dòng trong lá thư tuyệt mệnh của vợ chồng xấu số: “Trong 8 năm gia đình mình đã trải qua bao nhiêu vất vả sóng gió và cũng thời gian này là niềm hạnh phúc nhất của bố mẹ. Vì bằng tình yêu mà bố mẹ đã sinh ra hai con. Hai con là niềm tin vui của bố mẹ. Không gì so sánh được. Bố mẹ ngàn lần xin lỗi các con vì sinh ra các con trong tình yêu thương”.
Không biết từ bao giờ, nhiều người Việt, sống ở bất cứ nơi đâu, từ nông thôn tới thị thành cũng có đặc tính vô cùng xấu xí: nhiều chuyện, thích bàn luận chuyện của người khác, thích phán xét người khác từ những điều mà họ “nghe bảo là”, sau đó mỗi người một cách khác nhau, họ thêu dệt, bịa đặt thêm nhiều tình tiết để câu chuyện của mình kể luôn khác biệt với đám đông còn lại…
“Con đó hình như có bầu, thấy suốt ngày ra đầu ngõ mua xoài xanh. À thì đúng thôi, suốt ngày thấy đàn đúm, đi về khuya thì có bầu cũng bình thường. Nhưng mà nó vẫn sinh viên mà. Sinh viên bây giờ cũng “quậy” dữ lắm, không đùa đâu”. Bạn đang nghe một câu chuyện ở một làng quê nào đó, trong vài thập niên trước? Không hề. Giữa Sài Gòn, một ngày của năm 2018, những người đàn bà trong khu chợ trước nhà tôi vẫn ngồi xầm xì, chỉ trỏ vào một khu trọ sinh viên gần đó mà buông những lời phán xét vào một cô gái nào đó.
Nếu thật sự cô sinh viên kia có bầu đi chăng nữa, dù có chồng hay làm mẹ đơn thân, điều đó có ảnh hưởng đến cuộc sống, miếng cơm, giấc ngủ của những người đàn bà xóm chợ hay không? Thế nhưng, như một thú vui tiêu khiển lúc rảnh rang, họ phán xét người khác và góp những tiếng xầm xì tàn độc để làm nhục một người phụ nữ (dù họ cũng đang là phụ nữ).
Video đang HOT
Những lời xầm xì, bàn tán, tin đồn… của xã hội với đầy rẫy sự nhẫn tâm, vô nhân đạo vẫn hiện diện ngày ngày. Nó được điểm tô trong một dung mạo có vẻ sang trọng hơn, nhưng độ tàn nhẫn thì không hề giảm: tin đồn, dư luận trên mạng xã hội, điển hình là Facebook.
Mới đây, vụ một nữ sinh viên ở Hà Nội vừa sinh con xong đã ném đứa trẻ từ lầu cao xuống đất khiến nhiều người bàng hoàng. Cư dân mạng được dịp phán xét cô gái, “không có trái tim”, “tàn nhẫn”, “hơn cả thú dữ”, “cho nó vào tù”, “tội này phải tù mọt gông cho nó gặm nhấm tội ác tày trời” – những quan tòa bàn phím chỉ đạo trên mạng xã hội.
Rất có thể, trước khi sinh con và có hành động mất kiểm soát, nữ sinh viên cũng đã sống trong những lời xầm xì tàn độc mà hàng xóm, láng giềng, bạn bè xung quanh trao cho cô.
Tin đồn, dư luận xã hội chưa bao giờ kinh khủng như bây giờ. Mỗi ngày, mở điện thoại ra, người ta thấy những cuộc chiến trên Facebook, mọi người lao vào đấu tố một người nào đó mà có khi họ chưa từng gặp gỡ hoặc hiểu gì. Những viên đá mà người ta giấu tay khi ném tới tấp một người lạ có thể khiến người ta lún sâu vào những sai lầm, hoặc tìm đến cái chết khi không thấy cơ hội làm lại cuộc đời.
Sau cái chết trong tư thế treo cổ của cả 4 người trong một gia đình ở Hà Tĩnh vừa qua, tôi thấy nhiều bức ảnh đám đông than khóc cho các nạn nhân. Ai đó hãy nói giúp tôi, đó là nước mắt của sự xót thương, hay nước mắt ăn năn, hối lỗi của những dân làng từng xầm xì, phán xét để những người còn rất trẻ phải tìm đến con đường chết?
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, sống ở TP.HCM.
Theo TNO
Bốn người trong gia đình treo cổ tự tử: Tiết lộ sốc
Ông Nguyễn Văn Hà (51 tuổi, trú xóm Minh Châu) cho biết, nếu không vì 70 triệu đồng thì vợ chồng anh Nguyễn Tiến Thành (29 tuổi, con rể ông Hà), chị Nguyễn Thị Huyền Thanh (24 tuổi, con gái ông Hà) và 2 đứa cháu ngoại của ông vẫn sống bình thường.
Vụ việc 4 người trong 1 gia đình ở xóm Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được phát hiện chết trong tư thế treo cổ sáng 20/10 khiến nhiều người xót thương.
Sáng ngày 21/10, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Hà (51 tuổi, trú xóm Minh Châu) cho biết, nếu không vì 70 triệu đồng thì vợ chồng anh Nguyễn Tiến Thành (29 tuổi, con rể ông Hà), chị Nguyễn Thị Huyền Thanh (24 tuổi, con gái ông Hà) và 2 đứa cháu ngoại của ông vẫn sống bình thường.
Ông Hà kể, trước đó anh Thành có lấy trộm 1 chiếc điện thoại ở Quảng Bình rồi đem về huyện Kỳ Anh bán và bị công an bắt.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân vụ việc. Ảnh: Báo Giao thông
"Sau khi bị bắt, 1 người hàng xóm đứng ra bảo lãnh và lo cho Thành hơn 70 triệu đồng. Cũng vì người hàng xóm này gần đây hay đến đòi Thành tiền, có ngày 2 lần nên con tôi mới bị áp lực để đi đến quyết định kết thúc cuộc đời của cả vợ con.
Trước đây, khi chưa xuất hiện số tiền 70 triệu đồng này, vợ chồng Thành cũng vay 1 khoản của ngân hàng và người thân quen nhưng cuộc sống vẫn trôi đi bình thường, không bị áp lực như số tiền 70 triệu này", ông Hà nói.
Theo ông Hà, mặc dù nghèo khó nhưng vợ chồng anh Thành rất yêu thương và biết bảo nhau chăm sóc các con.
"Thanh đã từng nói với tôi là chồng nó có lúc đem dây thừng vào định thắt cổ và nhờ tôi khuyên bảo hộ. Thấy con nói thế, tôi cũng đã khuyên con rể không nên nghĩ quẩn nhưng do không chịu được ngày nào cũng có người đến đòi 70 triệu nên vợ chồng, con cái nó mới chết như vậy. Sự việc xảy ra như này không ai biết trước được", ông Hà chia sẻ thêm.
Cũng chia sẻ về việc này, chị Nguyễn Thị Liễu (chị gái anh Thành) kể, anh Thành là con út trong gia đình có 3 chị em. Mồ côi bố mẹ từ lúc 8 tuổi, 3 chị em rau cháo nuôi nhau sống qua ngày.
Trưởng thành, chị gái đầu xuất giá. Còn chị Liễu do bị tật ở chân nên hiện ở một mình, sống với anh Thành tại căn nhà cũ của bố mẹ để lại.
Theo chị Liễu, anh Thành cưới vợ cách đây 8 năm nay, sau đó mở tiệm sửa xe đạp, xe máy để mưu sinh được một thời gian ngắn thì nghỉ. Do công việc không ổn định nên hai vợ chồng đi làm thuê nay đây mai đó, phải tằn tiện chắt bóp để nuôi con.
Chị Liễu cùng người dân thôn Minh Châu bất ngờ, đau xót trước cái chết của cặp vợ chồng cùng hai con nhỏ. Ảnh: Zing.vn
"Năm 2017, bão làm sập căn nhà cấp bốn của bố mẹ để lại. Cuối năm 2017, Thành được chính quyền hỗ trợ 40 triệu đồng và vay mượn thêm để làm nhà mới. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đến nay, ngôi nhà cũng chỉ mới xây xong phần thô", chị Liễu kể.
Cũng liên quan đến việc này, cùng ngày, cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân khiến gia đình có 4 người cùng tử vong là do nợ nần trong cuộc sống.
Như đã đưa tin, sáng ngày 20/10, người dân xã Kỳ Hợp phát hiện 4 người trong gia đình anh Nguyễn Tiến Thành chết trong tư thế treo cổ tại phòng ngủ.
Danh tính nạn nhân gồm: Anh Nguyễn Tiến Thành (29 tuổi), chị Nguyễn Thị Huyền Thanh (24 tuổi, vợ anh Thành) và hai người con là Nguyễn Đăng Khoa (6 tuổi), Nguyễn Thị Huyền Trang (4 tuổi).
Một người địa phương cho biết, trước khi chết chị Thanh mặc quần áo đẹp, đeo giày cho hai cháu nhỏ. Cả nhà treo dây vào thanh sắt giữa nhà rồi cùng thắt cổ.
Hiện sự việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ.
Theo Thu Hoài (Đất Việt)
Cuộc sống bế tắc của gia đình 4 người treo cổ tự tử "Cuộc sống này chán lắm mọi người à, bao nhiêu áp lực buồn phiền, bế tắc dường như không có lối thoát với chúng tôi...", thư tuyệt mệnh của vợ chồng và hai con treo cổ tự tử có đoạn. Chiều 20/10, hàng nghìn người dân xã Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tập trung đưa tiễn 4 người trong gia đình...