Những lời nói sau cùng đẫm nước mắt trong các phiên tòa
Trong các phiên tòa, giây phút bị cáo nói lời nói sau cùng là khoảnh khắc nặng nề nhất, phòng xử án như lặng đi trong tiếng khóc nấc của bị cáo và người thân của họ. Còn những người dự khán, có lúc không dám nhìn bởi sợ chứng kiến cảnh tượng đau lòng.
Huỳnh Thị Ngọc Mai buồn bã sau khi nghe tuyên án – Ảnh: Ngọc Lê
Tham dự hàng trăm phiên tòa, theo dõi không ít vụ án li kì nhưng cũng đầy bi đát. Những vụ án ấy khiến những người dự khán như chúng tôi không ít lần phải rơi nước mắt theo bị cáo. Chỉ vì phút nông nổi không kiềm chế được bản thân mà họ đã gây ra tội lỗi.
Nhớ lại phiên tòa ngày 13.4, TAND TP.HCM xét xử vụ án giết chồng đối với Huỳnh Thị Ngọc Mai (35 tuổi, ngụ An Giang). Khi được nói lời sau cùng, Mai khóc nấc lên, rồi nhớ lại giây phút đã cầm dao đâm chết chồng và nói: “Chỉ vì phút sai lầm và nông nổi nên tôi mới hành động dại dột. Dù có mang bản án như thế nào đi nữa thì chồng tôi cũng không sống lại được…”, bỏ dở câu nói, bị cáo khuỵu xuống, còn người thân của chị lấy tay áo quệt nước mắt.
Một phiên tòa khác mà tôi không thể nào quên, đó là phiên xử Đặng Hùng Phương (28 tuổi, ấp Long Hiệp, xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), kẻ giết cha ruột rồi nhét vào giỏ để ngoài đường.
Trước vành móng ngựa, bị cáo nói: “Chỉ vì bố tôi thường đưa người phụ nữ lạ về nhà, thương mẹ nên tôi không kìm lòng và đã ra tay giết bố ruột. Chính tôi đã khiến mẹ tôi mất chồng và tôi mất cha”.
Người mẹ đáng thương cố nài nỉ hội đồng xét xử (HĐXX) giảm án cho con. Nhưng rồi giọt nước mắt của cả 2 cũng không thể cứu vãn, Phương bị tuyên án tử hình và người đàn bà hiền lành kia vừa mất chồng, lại mất thêm người con. Đau đến tan nát lòng, người mẹ gục ngay trên hàng ghế dự khán.
Hay trong phiên tòa xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 4.000 tỉ đồng, đã có những lời nói cuối cùng dài và đẫm nước mắt. Hơn nửa tháng, phiên tòa luôn nóng về câu chuyện toàn bộ số tiền Như chiếm đoạt là của khách hàng hay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và ai sẽ bồi thường? Tuy nhiên, đến phần các bị cáo được nói lời nói sau cùng, không khí trong phòng xử chùng xuống, những giọt nước mắt trào ra.
Huỳnh Thị Huyền Như sau một phiên xét xử – Ảnh: Lê Quang
Chính những điều tra viên trực tiếp thụ lý án cũng tỏ ra thương cảm với hoàn cảnh của các bị cáo trong nhóm giúp việc cho Như. Bởi, có những bị cáo chỉ vừa tốt nghiệp, đi làm chưa đến 1 năm thì phải mang bản án gần 10 năm tù. Thậm chí rất nhiều bị cáo còn chưa được một lần làm mẹ hay chưa có gia đình.
Như bị cáo Trần Thị Tố Quyên (nhân viên của Như) nói trong nước mắt: “Mức án hơn chục năm tù với bị cáo là quá lớn. Giờ đây bị cáo phải rời xa gia đình, xa đứa con thơ rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Rồi 10 năm khi bị cáo chấp hình phạt tù xong, không biết con bị cáo sẽ ra sao, ai sẽ chăm lo cho nó. Liệu nó có nhận ra bị cáo là mẹ nó không, bị cáo cũng không biết khi nó biết mẹ mình vừa đi tù ra liệu nó sẽ thế nào?”.
Cũng trong phiên xử này, không ít người dự khán đã rơi nước mắt cùng bị cáo khi nghe: “Vì bản án trước mắt mà họ bị tước đi quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của một người mẹ, họ lo lắng không biết có cơ hội làm vợ, làm mẹ hay không?”.
Bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (nhân viên của Như) òa khóc, nói rằng, bị cáo luôn day dứt bởi mình là đứa con bất hiếu của cha mẹ, bất nghĩa với chồng, với gia đình chồng, vô cùng có lỗi với hai đứa con còn nhỏ. Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã đánh mất một đứa con khi chưa kịp sinh ra do phải chịu nhiều áp lực. Bị cáo rất hối hận và rất tiếc cho cuộc đời mình. Sai lầm nào cũng phải trả giá nhưng chỉ vì lòng tin mà bị cáo đã phải trả giá quá đắt.
Từ trước đến nay, phiên xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là phiên tòa đầy nước mắt nhất mà tôi tham dự. Tôi tự hỏi, rồi không biết cha mẹ, chồng (vợ) con họ sẽ sống như thế nào khi mỗi người mang một bản án dài dằng dặc như thế. Rồi sau này ra tù, họ sẽ bắt đầu lại ra sao?
Ngọc Lê
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Bầu Kiên, Huyền Như: Bản chất tham tiền và những trò ma mãnh
Trong năm 2014, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên - 2 "đại án" của ngành ngân hàng đã được đưa ra xét xử đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cả hai vụ án có một đặc điểm chung: Những người phạm tội đều là người có chức sắc trong ngành ngân hàng với đầy đủ hiểu biết pháp luật. Nguyễn Đức Kiên - "ông bầu" quyền lực
Thiếu tá Phạm Văn Thành, Phó trưởng Phòng 10, C46 đánh giá, đặc thù &'trí tuệ - quan hệ - tiền tệ' được tội phạm kinh tế lợi dụng khai thác tối đa trong quá trình phạm tội và đối phó với cơ quan điều tra.
Thậm chí khi không tiếp cận, mua chuộc được cán bộ điều tra, đối tượng dùng dư luận, báo chí để tạo sức ép. Nguyễn Đức Kiên là điển hình cho loại tội phạm này.
Có ảnh hưởng lớn đối với giới truyền thông nên trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, một số tờ báo có quan hệ với bầu Kiên đã cố ý đưa tin "cắt khúc" vụ án theo hướng bầu Kiên không có tội, khiến dư luận hiểu sai bản chất của vụ việc.
Trước khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt, một số điều tra viên của C46 từng có dịp làm việc với Kiên trong những vụ việc khác có liên quan đến Ngân hàng ACB nhận xét:
Bầu Kiên là người thích nói, nói nhiều, luôn luôn có tư tưởng lấn át người khác, thích thể hiện quyền lực "ông chủ". Bản chất "ông chủ" của Nguyễn Đức Kiên thể hiện mọi lúc, mọi nơi.
Việc truy tố, xét xử các đối tượng gây ra những vụ "đại án" trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như được dư luận đồng tình ủng hộ.
Theo thiếu tá Phạm Văn Thành, khi bị bắt giam, Kiên thuê 4 luật sư, nhưng thực tế trong suốt quá trình điều tra đến xét xử, các luật sư này không có sự độc lập bảo vệ thân chủ như những vụ án khác. Kiên chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng luật sư.
Nhưng để chỉ đạo được cả luật sư, Nguyễn Đức Kiên là người rất hiểu biết pháp luật. Quá trình điều tra cho thấy Nguyễn Đức Kiên chịu khó tìm hiểu pháp luật, đặc biệt tìm hiểu những vấn đề còn tranh luận giữa các cơ quan pháp luật để khai thác, "lách luật" trong quá trình phạm tội.
Nên khi ra tòa, Kiên rất biết cách trích dẫn những quy định của pháp luật để bao biện cho bản thân và "lái" dư luận ủng hộ những điều mà ông ta trình bày theo kiểu "hùng biện" trước tòa.
Như trích dẫn quy định "doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì luật pháp không cấm" được Nguyễn Đức Kiên nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng ông Kiên lại cố tình lờ đi quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước.
Đó là "Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh" (Điều 9 Luật Doanh nghiệp) và "Người nào kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký là kinh doanh trái phép" (tội Kinh doanh trái phép - Điều 159 Bộ luật Hình sự)...
Để đấu tranh với Nguyễn Đức Kiên, ngoài kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, các điều tra viên còn tham kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để chứng minh hành vi phạm tội của Kiên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật nêu rõ, trong quá trình Ngân hàng ACB hoạt động, lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng, Kiên và đồng phạm đã thực hiện các thủ đoạn kinh doanh không đúng quy định của pháp luật về cạnh tranh lành mạnh, tạo ra dòng tiền và tài sản ảo, tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác làm tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và tăng giá trị cổ phiếu ảo.
Tiền mặt được Ngân hàng ACB huy động từ người dân, sau đó lại được ngân hàng này giao cho nhân viên gửi vào các ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất đã vi phạm Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.
Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên một quy luật thông thường của Kiên và đồng phạm nhằm phục vụ lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân. Trong hành vi đầu tư cổ phiếu, Kiên và đồng phạm đã tự nâng giá trị cổ phiếu bằng việc tự đầu tư trực tiếp vào vào cổ phiếu của mình.
Mặt khác, lợi dụng là cổ đông lớn nên Kiên đã rút tiền một cách dễ dàng từ Ngân hàng ACB vào các công ty sân sau do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, từ đó thực hiện các hành vi kinh doanh trái pháp luật, với thủ đoạn dùng các công ty phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng.
Hành vi của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã làm lũng đoạn thị trường tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, chính sách quản lý thị trường tiền tệ trong nước.
Nếu không có sự phát hiện và can thiệp kịp thời của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì hậu quả xấu xảy ra với thị trường tín dụng, ngân hàng còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Qua vụ án Nguyễn Đức Kiên, Cơ quan điều tra đã vạch trần những thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, như khái niệm "sở hữu chéo" đang bị một số ông chủ ngân hàng thương mại cổ phần lợi dụng tạo ra vốn ảo, rút tiền thật để thâu tóm chiếm đoạt ngân hàng khác hoặc thâu tóm bất động sản, vàng, chứng khoán... để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm.
"Người đàn bà nghìn tỷ" Huỳnh Thị Huyền Như
Gần 4.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt đã đưa Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh Nhà Bè Vietinbank phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức" trở thành "đại án" tham nhũng trong ngành ngân hàng có số tiền thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.
Huyền Như quê ở Tiền Giang. Là một cô gái thông minh, có nghị lực nên mặc dù xuất thân từ một gia đình nông dân nhưng Như đã "thoát" ra khỏi lũy tre làng, trở thành một tấm gương về học tập cho bạn bè cùng trang lứa.
Năm 2007, tốt nghiệp loại giỏi, Như được Ngân hàng Vietinbank tuyển dụng.
&'Máu' kinh doanh, tham vọng trở thành "đại gia" trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, thực tế trong thời gian 2007-2009, là cán bộ ngân hàng nên Như đã vay khoảng 200 tỷ đồng của ngân hàng, các tổ chức và cá nhân để đầu tư, mua một loạt biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp ở vị trí đắc địa tại nhiều địa phương.
Như còn dùng tiền vay để đầu tư cổ phiếu và trở thành khách hàng "VIP" của nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng, là Phó chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Ngân hàng Phương Đông...
Tuy nhiên, thời điểm năm 2010-2011, khi bất động sản và chứng khoán tuột dốc, Huyền Như rơi vào tình trạng vỡ nợ, không có khả năng thanh toán.
Cùng thời điểm này, Việt Nam chịu ảnh hưởng từ khủng khoảng kinh tế thế giới, các ngân hàng lao vào cuộc đua tranh lãi suất. Có thời điểm lãi suất tiền gửi lên đến 20%, không kiểm soát được.
Để "lách" quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất không được vượt quá 14%, các ngân hàng tìm kế cho vay lãi suất cao để bù lại, trong đó có việc một số ngân hàng ủy thác cho nhân viên mang tiền gửi sang ngân hàng khác với lãi suất cao hơn so với quy định.
Hiểu rõ tình thế của các ngân hàng lúc đó, Huyền Như đã nhanh chóng lập kế chiếm đoạt tiền của các ngân hàng để trả nợ cá nhân.
Là Trưởng phòng giao dịch của Ngân hàng Công thương Vietinbank, hiểu biết rõ về nghiệp vụ ngân hàng, Như và đồng bọn đã trực tiếp dùng các hợp đồng giả và chữ ký giả huy động vốn từ các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty chứng khoán để vay vốn với những lời mời hết sức hấp dẫn như: Ngoài lãi suất 14% theo quy định còn trả thêm ngoài hợp đồng 8 - 10%/năm.
Nhiều doanh nghiệp đã theo nhau sập bẫy. Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Như làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị tạo lập nhiều giấy tờ, chứng từ, hợp đồng... lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền hơn 4.900 tỷ đồng.
Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi.
Nhắc đến con số thiệt hại "khủng" do Huyền Như gây ra, thiếu tá Phạm Văn Thành, Phó trưởng Phòng 10 C46, người trực tiếp tham gia chuyên án và đấu tranh với Huyền Như kể, đầu mối của vụ án xuất phát từ một tờ giấy vay nợ của Huyền Như với số tiền 820 tỷ đồng.
Một số tiền cực lớn như vậy được gói gọn trong một tờ giấy nhận nợ với chưa đầy 3 dòng chữ, nội dung đại ý: Tôi là Huyền Như... có vay của chị Lành 820 tỷ đồng...".
Thiếu tá Thành hỏi Huyền Như: "Chị vay làm gì mà... kinh thế?". Huyền Như giải trình rằng lúc đầu cũng chỉ vay vài chục tỷ để kinh doanh, không ngờ lãi mẹ đẻ lãi con nên mới nhiều đến thế. Khai một hồi, con số thiệt hại do Huyền Như đưa ra lên tới trên 4.000 tỷ đồng khiến các điều tra viên cũng phải giật mình, khó tin.
Huyền Như là người có trí nhớ đặc biệt. Như có thể đọc chính xác một lúc 50 số điện thoại, nhớ chính xác số điện thoại của những người mà Như đã vay tiền và thường xuyên có quan hệ giao dịch.
Làm việc tại Cơ quan điều tra, khi điều tra viên hỏi đến ai là Huyền Như đọc ngay, không cần mở danh bạ điện thoại, thậm chí Như còn đọc chính xác số tiền vay, lãi suất vay và công thức tính lãi suất cho từng người.
Một ngày, Như thực hiện tới vài chục giao dịch vay - trả nhưng đều nhớ hết, không cần ghi chép sổ sách. Thậm chí Như còn nhớ đặc điểm, sở thích của từng khách hàng. Sau này, tài liệu Cơ quan điều tra thu thập được hoàn toàn trùng khớp với lời khai của Như.
Trí nhớ thiên bẩm của Huyền Như khiến cho các điều tra viên kinh ngạc. Giá như năng khiếu ấy được vận dụng đúng chỗ, đúng hướng, Như đã trở thành nhân tài của ngành ngân hàng...
Có lần điều tra viên hỏi: "Chị có biết 200 tỷ đồng, nếu quy ra tiền mệnh giá 500.000 đồng thì là bao nhiêu cọc không?". Thực tế số tiền này phải chở một chuyến ôtô mới hết. Nhưng Huyền Như vẫn thản nhiên như không, nói rằng chưa bao giờ nhìn thấy số tiền lớn như vậy bởi chủ yếu giao dịch thông qua chuyển khoản.
Có lẽ phần lớn những giao dịch tiền tỷ được Như thực hiện trên máy tính nên tiền đối với Huyền Như chỉ là những con số.
Khi bị bắt giữ, làm việc với Cơ quan điều tra, Như không hề tỏ ra lo lắng, sợ hãi. Như một mực khẳng định cô ta sẽ trả nợ được cho mọi người. Hỏi Như trả nợ bằng cách nào, cô ta hồn nhiên bảo: Lấy tiền của người sau trả cho người trước (?!).
Không biết sợ nên mặc dù hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về nghiệp vụ ngân hàng, biết rõ những việc làm của mình là sai, là vi phạm pháp luật nhưng Huyền Như vẫn cố tình làm liều.
Biết hậu quả của những việc làm do mình gây ra, Như đã chủ động mang thai và bỏ ra 10 tỷ đồng để cho phí làm "thẻ xanh" đi Mỹ. Tuy nhiên hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như đã bị cơ quan công an kịp thời phát hiện. Huyền Như bị bắt khi chưa kịp nhận "thẻ xanh".
Xác định con số thiệt hại do Huyền Như và đồng bọn gây ra rất lớn nên Cơ quan điều tra đã huy động hàng chục điều tra viên, trinh sát viên giỏi, phối hợp các chuyên gia đầu ngành, các cán bộ ngân hàng có trình độ chuyên môn cao sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, tập trung truy xét dòng tiền mà Huyền Như chiếm đoạt.
Qua đó đã kịp thời thu hồi gần 1.000 tỷ đồng cho Nhà nước, bao gồm bất động sản, tiền mặt và phương tiện ôtô đắt tiền được Huyền Như dùng tiền chiếm đoạt mua sắm.
Năm 2014, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an thụ lý điều tra 50 vụ 184 bị can; phát hiện khởi tố mới 32 vụ 92 bị can; thu hồi, kê biên, tạm giữ tiền, tài sản trong các vụ án gần 2.000 tỷ đồng và nhiều bất động sản.
Trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Chính phủ, Quốc hội, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an và dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao.
Như vụ án Phạm Thị Bích Lương, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng; vụ án Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay gây thiệt hại 6.000 tỷ đồng; vụ Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank vi phạm các quy định về cho vay gây thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng.
Việc kiên quyết điều tra các vụ án tại ngân hàng nói trên đã góp phần kịp thời ngăn chặn hậu quả thiệt hại về kinh tế - xã hội, làm ổn định, lành mạnh thị trường tài chính - tiền tệ; đồng thời chứng minh hành vi lợi dụng vấn đề "sở hữu chéo" để thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng, phục vụ cho lợi ích nhóm.
Năm 2014 là năm thứ 7 Cục C46 được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ.
Theo An ninh Thế giới
Hủy một phần bản án vụ "siêu lừa" Huyền Như HĐXX đã quyết định tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại 5 công ty để điều tra lại. Sau hơn 1 tuần nghị án, sáng 7/1, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tại TP HCM đã đưa ra phán quyết cấp phúc thẩm đối với vụ án "siêu lừa" Huyền...