Những lời khai khó tin về vụ chìm tàu
Chiều 6/8, Cảng vụ Hàng hải TP HCM đã tiến hành lấy lời khai của máy trưởng tàu bị nạn. Hai tài công của hai chiếc ca nô cùng đi với tàu gặp nạn sau nhiều lần triệu tập cũng đã đến làm việc.
Quy trình nghiêm nhưng… để lọt 60 người qua cảng (!)
Cảng vụ Hàng hải TP HCM đã thành lập đoàn điều tra về nguyên nhân tai nạn. Tại buổi tiến hành lấy lời khai, một cán bộ của Sở GTVT Tiền Giang cho biết, bến của Công ty CP Sản xuất ống thép Dầu khí là bến thủy nội địa do Sở GTVT Tiền Giang cấp phép hoạt động, để vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ nhà máy. Đây là bến thủy chuyên dùng cho nội bộ chứ không phải bến khách. Ngay kế bên bến này là Cảng xăng dầu Hiệp Phước do Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho quản lý.
Các nhân chứng cho biết, chiều 2/8, 3 chiếc ca nô cập vào Cảng Xăng dầu Hiệp Phước để đón 60 công nhân, vì bến của nhà máy thép không có cầu tàu. Tuy nhiên, ông Võ Thanh Tiến – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho cho biết, cán bộ cảng vụ báo cáo không tiếp nhận bất cứ thông tin nào về việc có 3 ca nô cập cảng đón khách. Mặc dù, tại cảng Hiệp Phước có một trạm đại diện của cảng vụ với 2 cán bộ túc trực để làm thủ tục ra, vào cảng.
Trả lời về việc tại sao có hơn 60 công nhân đi vào cảng để xuống ca nô mà Cảng vụ không hề biết? Ông Tiến cho biết, theo quy trình, tàu ra, vào bến sẽ làm thủ tục ở văn phòng của trạm đại diện. Mà văn phòng lại cách cầu tàu hơn 1km nên những tàu ra, vào mà không báo thì cảng vụ cũng không thể nắm (?).
“Nếu phát hiện có tàu cập cảng đón khách, chắc chắn Cảng vụ sẽ không cho phép. Hơn nữa đây là một cảng xăng dầu nên quy trình ra, vào rất nghiêm ngặt. Muốn ra, vào cảng phải qua sự kiểm soát của biên phòng, bảo vệ cảng, nhưng không biết vì sao mà các lực lượng này cũng không phát hiện và ngăn cản”- ông Tiến nói.
Trước đó, ông Phan Hồng Châu – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Tiền Giang cũng xác nhận 3 chiếc ca nô vào bến không báo biên phòng.
Các điều tra viên lấy lời khai của thợ máy và tài công chiều 6/8
Cho mượn tàu vì quen biết (!)
Video đang HOT
Bên ngoài phòng lấy lời khai, trao đổi với PV Báo Giao thông, thợ máy Nguyễn Văn Dương – người trực tiếp làm việc trên chiếc tàu gặp nạn cho biết không nhớ chính xác lúc nào tàu chìm. Tuy nhiên, khoảng 19h thì gọi được điện báo cho ông Đảo biết là tàu gặp nạn. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt – Séc cho biết là có nhận được tin báo tàu bị nạn và đã báo cho Biên phòng Vũng Tàu.
Trả lời câu hỏi tại sao tàu đang hư hỏng mà lại cho thuê đi chở khách, ông Đảo khẳng định chiếc tàu này không hỏng bị Biên phòng trả lại mà đang trong quá trình bảo dưỡng thường xuyên. Ông Đảo cũng cho PV xem biên bản nhận bàn giao tàu bảo dưỡng từ phía Hải quân.
Ông Đảo nói do có quen biết với bên Công ty Du lịch Vũng Tàu Marine nên khi họ gọi điện mượn thì đồng ý bằng miệng chứ không có hợp đồng cho thuê tàu. Đáng lưu ý là ông Đảo đồng ý cho mượn tàu KH0606 nhưng khi thuyền trưởng đến lấy tàu lại chọn chiếc H29BP. “Có thể tàu H066 ca bin hở nên thuyền trưởng thay đổi, chọn tàu H29BP có ca bin kín để khỏi bị mưa gió”- ông Đảo phỏng đoán.
Sau vụ việc, Công ty đã làm việc với 2 lái tàu đi cùng hôm tàu H29BP gặp nạn và được biết họ nhận được tin báo thì quay lại tìm, “nhưng do sóng gió to, mất phương hướng, không xác định được vị trí tàu chìm nên buộc phải chạy về”- ông Đảo cho biết.
Tàu gặp nạn làm bằng vật liệu chưa được công nhận tiêu chuẩn
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trịnh Ngọc Giao cho biết: Tàu H29BP được Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc chế tạo bằng vật liệu Polypropylen copolymer (PPC) chứ không phải bằng composite như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu. Cũng theo ông Giao, các tổ chức đăng kiểm hàng đầu trên thế giới đều chưa có tiêu chuẩn, quy phạm đóng tàu bằng vật liệu này.
Được biết, theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Việt Nam, tàu biển phải được thiết kế và đóng theo các tiêu chuẩn và quy phạm được công nhận, trong đó đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn về vật liệu và quy cách, kết cấu thân tàu. “Trong trường hợp tàu đóng bằng vật liệu phi truyền thống, tức là chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật được công nhận, IMO cho phép áp dụng phương pháp thiết kế dựa trên rủi ro. Thực chất của phương pháp này là quá trình nghiên cứu và thử nghiệm lâu dài, ứng dụng nhiều phương pháp lý thuyết và thực tiễn khác nhau nhằm xác định tất cả các rủi ro mà tàu dự kiến đóng có thể gặp phải trong quá trình đóng mới và hoạt động như cháy, nổ, đâm va, mắc cạn, mất ổn định, chìm đắm…). Đối với vật liệu PPC, chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện phương pháp thiết kế này” – ông Giao nhấn mạnh.
Một thông tin khác được ông Giao tiết lộ là tàu bị tai nạn H29BP có thiết kế gần như tương đồng với mẫu thiết kế tàu H790 mà Công ty Việt Séc (đơn vị chế tạo tàu H29BP) đã từng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận trước đó, chỉ ngắn hơn chừng 30cm. Đáng nói hơn, theo Hồ sơ đăng kiểm của Tổ chức Đăng kiểm Séc CS Lloyd thì tàu H790 được chứng nhận là… phương tiện vui chơi giải trí (!).
T.B (ghi)
Theo Phan Tư – Mai Huyên (Giaothongvantai.vn)
Vụ chìm tàu: Tiễn biệt một người cao thượng
Lúc 8h15 phút sáng 6/8, thi thể anh Trần Hữu Hiệp, người cởi áo phao, nhường mạng sống cho bạn gái đi cùng trong vụ ca nô gặp nạn tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) được đưa về quê nhà tại thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Lỡ hẹn
Anh Hiệp là con thứ 3, cũng là con út, trong gia đình thuần nông. Bố là ông Trần Hữu Trọng (SN 1957), bộ đội phục viên; mẹ là Nguyễn Thị Thìn (SN 1958) làm nông. Ở vùng quê còn nhiều khó khăn này, ngoài việc trồng lúa đủ gạo ăn, người dân không có nhiều nghề phụ để mưu sinh. Gia đình anh Hiệp cũng vậy. Để nuôi được ba anh em Hiệp ăn học, ngoài 6 sào ruộng lúa, gia đình ông Trọng phải vay mượn, chăn nuôi thêm. Trong ba anh em trai thì anh Hiệp được mọi người khen đẹp trai nhưng ít nói nhất nhà.
Người thân, bạn bè... xót thương tiễn đưa anh Hiệp, sáng 6/8. Ảnh: Hoàng Lam
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ năm 2008, anh Hiệp làm việc tại Hà Nội một thời gian, năm 2011, được nhận vào làm tại Công ty Sản xuất ống thép dầu khí Tiền Giang.
Mới đi làm được hơn 2 năm, anh Hiệp hẹn sẽ gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ lo đám cưới cho anh trai. Vất vả với ruộng đồng, chăn nuôi thì liên tục bị thiệt hại nên ông bà Thìn- Trọng già trước tuổi. Ông Trọng thì bị bệnh cột sống, bà Thìn bị bệnh tuần hoàn não, sức khỏe đã yếu. Chưa kịp mừng cho con tìm được công việc nơi xứ người thì chuyện đau buồn xảy ra.
Nghe tin anh tử nạn trên biển, người thân đau đớn. Khi chiếc xe chở quan tài Hiệp nằm vừa dừng lại trước cổng ngôi nhà cấp 4 mái ngói cũ kỹ của gia đình, hàng trăm người gọi tên anh trong nước mắt. Bà Thìn gượng dậy chạm tay vào quan tài con lần cuối, ông Trọng thì thất thần đứng nhìn mọi người làm lễ tiễn đưa con. Trong số những người đến đưa tiễn Hiệp, có nhiều bạn trẻ, học sinh trên địa bàn huyện, xã. Những bạn trẻ này lặng lẽ tham gia các công việc khênh vòng hoa, bát hương, di ảnh... Cũng trong tang lễ của Hiệp, đại diện lãnh đạo xã Thạch Long, Huyện Đoàn Thạch Thành... cũng có mặt phúng viếng, đưa tiễn.
Bà Thìn đau đớn gọi tên con. Ảnh: Hoàng Lam
Hành động đẹp lan tỏa
Ông Lê Đức Thủy - trưởng thôn 4, xã Thạch Long (là một trong những người tham gia công việc tang lễ của anh Hiệp) cho biết: "Hiệp được tìm thấy lúc 17h20 phút ngày 4/8. Đến 2h ngày 5/8, sau khi làm xong thủ tục khâm liệm tại bệnh viện, Hiệp được phía Công ty, cơ quan chức năng cùng người thân đưa về quê. Người thân trong gia đình kể lại rằng, khi gia đình đang làm thủ tục khâm liệm tại bệnh viện, thì có một phụ nữ trẻ đang mang thai được chồng đưa đến, khóc thương Hiệp. Người phụ nữ này kể trong nước mắt rằng, chị là một trong những người được Hiệp kéo vào thành ca nô để bám giữ, khỏi bị sóng cuốn đi. Chị này cũng kể cho người thân của gia đình Hiệp biết là, ngoài việc cởi áo phao cho một phụ nữ trên cùng chuyến đi gặp nạn, anh Hiệp cũng tìm cách kéo 3 người khác đang chới với, đưa vào bám thành ca nô để đợi cứu hộ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Đình Nguyệt - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Long cho biết: Những ngày qua, cấp ủy, chính quyền địa phương có mặt kịp thời để động viên, chia sẻ cũng như hỗ trợ những công việc cần thiết đối với gia đình ông Trọng trong việc tang lễ cho Hiệp. Qua phương tiện thông tin, lãnh đạo và nhân dân xã Thạch Long xúc động trước hành động cởi áo phao nhường mạng sống cho người khác. Chúng tôi mong muốn, việc làm của Hiệp sẽ được ghi nhận như một tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay.
Trò chuyện với Tiền Phong, ông Trần Hữu Trọng bùi ngùi: Vừa qua, trong dịp làm lễ ăn hỏi của anh trai, Hiệp có điện thoại về cho gia đình hẹn sẽ về để dự đám cưới của anh vào cuối năm. Ai ngờ, cháu lại trở về nhà sớm theo cách này.
Đề nghị khởi tố vụ lật tàu khiến 9 người chết
Nhận định vụ chìm tàu H29-BP tại biển Cần Giờ, TPHCM ngày 2/8 là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hôm qua 6/8, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TPHCM có công văn khẩn gửi Bộ Công an đề nghị xem xét khởi tố vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công văn trên cũng đồng thời gửi cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về việc xử lý vụ chìm tàu.
Theo UBND TPHCM, vụ chìm tàu diễn ra lúc 21h38 ngày 2/8 tại cửa biển khu vực Cồn Ngựa, vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 10km và cách bờ biển Cần Giờ khoảng 20km. Những thông tin thu thập được cho thấy tàu chở 30 người của Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí VN ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đơn vị này thuê tàu của Công ty Việt - Czech Technology J.S ở TP Vũng Tàu do tài công Phạm Duy Phúc và thợ máy Nguyễn Văn Dương điều khiển, chở công nhân đi dự đám cưới và nghỉ mát tại Vũng Tàu. Trên đường từ Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang về Vũng Tàu đến khu vực Cồn Ngựa thì bị chìm. Lực lượng chức năng cứu sống được 21 người, 9 người thiệt mạng. L.N
Triệu tập tài công để lấy lời khai
Chiều 6/8 tại trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, Cảng vụ TPHCM đã triệu tập 2 tài công là Lê Văn Hiếu và tài công tên Bảo lái ca nô BP14.04.01 và một ca nô khác do Công ty Cổ phần Việt- Séc đóng mới chưa bàn giao để làm rõ một số vấn đề xung quanh việc điều khiển sử dụng ca nô chở người từ Gò Công Đông (Tiền Giang) tới TP Vũng Tàu và ngược lại... Được biết hai ca nô trên cùng ca nô H29-BP chở tổng cộng 65 người của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV Pipe) từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu chiều tối 2/8. Ca nô H29-BP chở 30 người đã bị chìm khiến 9 người chết. Một số nhân chứng cho biết 2 ca nô trên đã không cứu giúp ca nô H29-BP bị nạn. Công ty cổ phần Việt - Séc thì cho biết, tài công Phạm Duy Phúc, SN 1959 lái ca nô H29-BP đã chết trong vụ tai nạn này là người rủ hai tài công Hiếu và Bảo lấy ca nô sang Gò Công Đông chở CBCNV của PV Pipe (ông Phúc hợp đồng thử việc thời gian 1 tháng ở Công ty Việt - Séc và chưa lĩnh lương lần nào). Còn theo một báo cáo của cơ quan chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu, 15giờ ngày 2/8 ông Quyết (Đinh Văn Quyết) Công ty Vũng Tàu Marina( KCN Đông Xuyên TP Vũng Tàu) hỏi mượn ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty công nghệ Việt - Séc 3 ca nô để đi đón công nhân của PV Pipe tại KCN Soài Rạp, Kiến Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang. Phạm Hùng
Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)
Chuyện cảm động về chàng trai cứu 5 người Trong lúc chuyến xe chở quan tài đặt thi thể anh Hiệp đang dần lăn bánh về quê, cả gia đình anh ngóng trông, chờ đợi trong niềm xúc động khó tả. Anh Trần Hữu Hiệp (SN 1988, trú thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là một trong 9 nạn nhân bị rớt xuống biển trong vụ chìm ca...