Những loài vật luôn “xả thân vì nghĩa lớn”
Trong thế giới động vật, có những loài luôn luôn xả thân vì sự sống của cá thể khác. Đó có thể là vì cộng đồng của chúng hoặc vì sự sinh tồn của hậu duệ đời sau.
Theo tờ theguardian, dưới đây là 5 loài tiêu biểu cho hành động hy sinh vì nghĩa.
Kiến tự nổ
Tháng 4/2018, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện loài kiến mới ở Đông nam Á có tên khoa học là Colobopsis explodens. Khi bị kẻ thù tấn công, kiến thợ của loài này sẽ tự động xả thân, chết tại chỗ để bảo vệ cộng đồng của chúng.
Kiến thợ có khả năng tự kích hoạt cơ chế khiến cơ thể nổ tung trong lúc xáp lá cà với đối thủ. Khi nổ, phần bụng của chúng phun ra một dạng chất độc dính nhớp nháp trên cơ thể đối phương.
Mối tự hủy
Mối tự hủy có tên khoa học là Neocapritermes taracua, thường hoạt động sinh sống ở khu vực Guyane thuộc Pháp. Trên lưng chúng luôn sẵn có “ba lô” chứa chất lỏng màu xanh có độc suốt thời gian sống.
Khi tổ bị tấn công, những con mối thợ già hơn tiết ra chất dịch trong miệng hòa lẫn với chất lỏng này để tạo ra hỗn hợp chất độc mạnh hơn trước khi nổ tung để đẩy lùi kẻ tấn công.
Chuột
Theo lẽ thường, chuột rất sợ mèo, chỉ cần đánh hơi thấy mèo là chuột bỏ chạy để thoát thân. Tuy nhiên,có một số loài chuột lại có hành động hoàn toàn dửng dưng trước sự có mặt của mèo.
Hành động kỳ lạ này thường xuất hiện ở một số loài chuột nhiễm ký sinh trùng gọi là Toxoplasma gondii, khiến chúng mất đi bản năng quan trọng liên quan đến sự sống còn. Chúng sẽ bị kẻ địch tấn công, những con chuột khác sẽ thoát nạn.
Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương
Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương chỉ đẻ duy nhất một lần trong đời. Khi nhiệm vụ di truyền nòi giống đã hoàn thành, chúng chuyển sang trạng thái thoái hóa. Cá thể đực khi đó sẽ di chuyển một cách vô vọng trong môi trường sống, dễ dàng trở thành mồi ngon cho các động vật săn mồi. Trong khi đó, bạch tuộc cái sẽ tuyệt thực và chết gần như ngay sau khi trứng nở.
Ong
Mỗi lần ong thợ tấn công con người, châm vòi đồng thời với việc phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Khi đó, đầu móc của vòi đốt dính vào da chúng ta, đồng thời làm phần bụng ong bị rách toạc.
Tuy nhiên, con ong vẫn bảo toàn được mạng sống nếu đối thủ cũng là côn trùng.
Theo Hoàng Dung/Infonet
Các nhà khoa học vừa tạo ra loài sứa nửa robot
Sứa thường bơi được khoảng 1,2 m/phút, nhưng trong thí nghiệm, sứa cyborg tăng tốc gần gấp ba lần. Các xung điện làm cho mạch đập thân sứa nhanh hơn, từ đó tăng tốc độ bơi.
Các nhà khoa học tại California đã tạo ra thứ dường như chỉ tồn tại trong phim Hollywood: sứa cyborg. Loài sinh vật kỳ lạ nửa sứa, nửa robot có thể bơi nhanh gần ba lần so với sứa thông thường.
Các kỹ sư tại Đại học Stanford và Caltech cho biết loài sứa này giúp con người mở rộng hiểu biết về những vùng biển sâu. Song những robot sinh học này cũng đặt nhiều nghi vấn về đạo đức công nghệ bên cạnh tiềm năng của chúng.
"Chúng tôi cố gắng tận dụng hết mức đặc tính sinh học tự nhiên và kết hợp những gì tốt nhất chúng tôi có thể tạo ra", John Dabiri, Giáo sư lâu năm mảng Hàng không và Kỹ thuật Cơ khí tại Đại học Caltech cho biết.
Sứa là động vật nguyên thủy không xương sống, hầu như không thay đổi trong 500 triệu năm qua. Ảnh: Getty.
"Sứa là động vật nguyên thủy không xương sống, hầu như không thay đổi trong 500 triệu năm qua. Chúng không có não, phổi hay hệ thần kinh trung ương. Đặc biệt, chúng cũng không bị tổn hại gì trong suốt thời gian thí nghiệm tại Stanford", giáo sư Dabiri nói.
Dabiri cùng cộng sự đã tạo ra thiết bị kích thước bằng đồng xu, chứa vi mạch và cục pin nhỏ. Sử dụng một thanh gai, nhóm gắn thiết bị vào mặt dưới cơ thể sứa mặt trăng. Sau đó, những dòng điện nhỏ chạy từ thiết bị đến các điện cực trên mô cơ sứa.
Sứa thường bơi được khoảng 1,2 m/phút, nhưng trong thí nghiệm, sứa cyborg tăng tốc gần gấp ba lần. Các xung điện làm cho mạch đập thân sứa nhanh hơn, từ đó tăng tốc độ bơi. Các động vật thường giải phóng chất nhầy khi căng thẳng. Điều này lại không xảy ra trong các thí nghiệm, cũng không có tổn hại cho vật thử nghiệm khi thiết bị được gỡ bỏ.
Nếu so với robot biết bơi, sứa cyborg mang lại hiệu quả cao hơn 1.000 lần. "Điều này cho thấy sứa sở hữu nhiều khả năng để bơi nhanh hơn, hiệu quả hơn mà ta vẫn chưa khai thác", Dabiri nói. Nguyên nhân cơ bản được cho là vì chúng không có lý do để phải bơi nhanh như vậy.
Thiết bị mang vi mạch kích thước bằng đồng xu được đeo cho sứa. Ảnh: Caltech.
Dabiri cũng lưu ý việc vận hành một tàu nghiên cứu khoa học trên biển trong một ngày có thể tốn đến khoảng 20.000 USD trở lên.
Nếu các nhà khoa học tiếp tục tinh chỉnh thiết bị điều khiển sứa nhằm thu thập dữ liệu như nhiệt độ nước, độ mặn, độ pH và một số dữ liệu khác, chúng ta có thể dễ dàng khám phá các đại dương sâu thẳm đến ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã đặt thiết bị theo dõi lên nhiều động vật to lớn dưới đại dương. Một số nhà khoa học tại Đại học Stanford đã gắn máy quay thu nhỏ và máy đo tốc độ lên cá ngừ vây xanh khổng lồ ở Đại Tây Dương nhằm tìm hiểu cách chúng di chuyển trong nước. Họ đặt các cảm biến điện tử lên cá mập trắng lớn, rùa biển và các động vật biển khác để theo dõi chuyển động và thói quen của chúng.
Quá trình kết hợp, cấy thiết bị điện tử vào những mô sống nhằm thay đổi cách động vật di chuyển đưa chúng ta đến giới hạn mới.
Sứa cyborg mở ra tiềm năng lớn cho việc tạo ra các loài sinh vật cơ khí khác. Ảnh: Caltech.
Năm 2018, một số nhà khoa học tại Đại học Tokyo đã lấy tế bào cơ ở loài chuột để nuôi cấy. Sau đó, họ đưa các tế bào cơ này vào bộ khung ngón tay robot. Kết quả, khi được kích thích bằng điện, các cơ này có thể co lại và mở rộng như ngón tay con người.
Trong tương lai, nhiều khả năng công nghệ nhân tạo được sử dụng để thay thế những bộ phận như ngón tay, cánh tay, chân bị khuyết hoặc liệt. Ấn tượng hơn, các robot sinh học siêu nhỏ trong tương lai có thể được cấy vào cơ thể người để tiêu diệt khối u ung thư hoặc theo dõi bệnh tim mạch.
Về sứa cyborg, các nhà khoa học cho rằng cần cân nhắc hơn nếu những tác động nhân tạo thúc đẩy khả năng bơi nhanh có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sinh sản. Vấn đề đạo đức cần được quan tâm hàng đầu trong suốt quá trình nghiên cứu.
Theo news.zing.vn
Sự thật 'Kinh hoàng' về đội quân đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng Theo một số tài liệu lịch sử, Tần Thủy Hoàng còn chuẩn bị cho mình cả những phi tần bằng đất nung để chôn trong lăng mộ. Đội quân đất nung của Trung Quốc được những nông dân địa phương phát hiện vào năm 1974 tại Tây An, Trung Quốc. Những nông dân đã có phát hiện tuyệt vời này khi họ đang...