Những loại ung thư thường gặp
Theo khảo sát về tình trạng ung thư ở TP.HCM trong 5 năm trở lại đây, với nam gặp nhiều nhất là ung thư phổi, gan…; với nữ nhiều nhất là ung thư vú, cổ tử cung…
Một khâu trong điều trị bệnh ung thư – Ảnh: Thanh Tùng
Báo cáo tại hội thảo về phòng chống ung thư vào trung tuần tháng 12 vừa qua của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy: Qua khảo sát về xuất độ ung thư trên địa bàn TP trong 5 năm trở lại đây trên 33.126 bệnh nhân ung thư, kết quả ghi nhận 5 loại ung thư gặp hàng đầu ở nam giới là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày, vòm hầu. Còn 5 loại ung thư gặp nhiều nhất ở nữ gồm vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi, tuyến giáp. Đồng thời khảo sát cũng ghi nhận ở cả nam và nữ các bệnh ung thư tăng nhanh từ tuổi 40 trở đi.
Các bác sĩ trong nhóm khảo sát – nghiên cứu của bệnh viện trên cho rằng về cơ bản đã nhận diện được những loại ung thư hàng đầu ở cư dân TP. Tuy nhiên, với một TP lớn và có nhiều biến động về dân số và môi trường như TP.HCM, thì việc ghi nhận ung thư vẫn phải tiến hành liên tục nhằm cập nhật về những thay đổi ở xuất độ ung thư.
Trong số 15.232 trường hợp ung thư ở nam giới được khảo sát cho thấy, chỉ với 5 loại ung thư gặp nhiều nói trên đã chiếm hơn 57% trong tất cả các vị trí ung thư trên cơ thể nam. Còn trong số 17.894 trường hợp ung thư ở phái nữ, thì 5 loại ung thư gặp nhiều nói trên đã chiếm gần 62% trong tổng số các vị trí ung thư mà giới nữ mắc phải.
Khảo sát còn ghi nhận, ở nhóm tuổi từ 25 – 34, ung thư tuyến giáp là một trong những loại gặp nhiều ở cả hai giới. Cũng trong nhóm tuổi này, ung thư đại trực tràng, ung thư gan bắt đầu xuất hiện ở nam; còn ở nữ là ung thư vú. Từ 35 đến dưới 65 tuổi, thì định hình rõ những bệnh ung thư thường gặp nhất ở cả hai giới như nói trên. Trong đó ung thư vú tăng nhanh từ sau tuổi 35 và đạt mức cao nhất ở nhóm tuổi 55 – 59, sau đó giảm dần. Ung thư cổ tử cung cũng tăng nhanh từ tuổi 35, và đạt mức cao nhất từ 60 – 64 tuổi, sau đó giảm dần. Còn đại trực tràng, phổi, dạ dày, gan (ở cả hai giới) thì thường tăng nhanh từ tuổi 40.
Cũng như các bệnh khác, các bác sĩ thường nói “ung thư biết sớm chữa lành” – ý nói nếu phát hiện và chữa trị sớm, chữa trị đúng thì tỷ lệ lành bệnh rất cao, lên đến 80 – 90%.
Theo TNO
Video đang HOT
Sai lầm thường gặp khi dùng thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau có tác dụng giảm đau, nhưng nếu sử dụng thuốc không đúng cách thì bạn lại chuốc thêm nhiều đau đớn. Dưới đây là một số sai lầm khi dùng thuốc giảm đau mà các chuyên gia của Hiệp hội Dược sĩ Mỹ đã chỉ ra, những sai lầm này cũng rất thường gặp ở Việt Nam chúng ta.
Thói quen tiết kiệm không đúng cách như tích trữ thuốc hết hạn, chia sẻ đơn thuốc với người khác...là những sai lầm thường gặp trong sử dụng thuốc giảm đau. Uống thuốc giảm đau cần theo chỉ định của bác sĩ, không dùng quá liều chỉ định.
Nếu 1 là tốt, 2 có lẽ tốt hơn
Thuốc giảm đau phải sử dụng đúng liều lượng. Tâm lý càng nhiều càng tốt khi sử dụng thuốc là một quan niệm rấ sai lầm. Nhiều người khi dùng thuốc viên đầu tiên để giảm đau nhưng chưa dứt cơn đau liền uống thêm một viên nữa. Dùng thuốc như vậy rất dễ đưa bạn đi thẳng đến phòng cấp cứu.
Thông thường khi bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau cho bạn, họ đã phải cân nhắc về lợi ích và tác hại để đưa ra liều cho tác dụng tốt nhất với tác dụng phụ ít nhất. Việc tăng gấp đôi hoặc gấp ba liều lượng sẽ không làm tăng tác dụng điều trị mà ngược lại nó có thể làm tăng tác dụng phụ có hại.
Trường hợp dùng cùng lúc nhiều loại thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen và naproxen...,cũng làm gia tăng các tác dụng phụ có hại mà bạn có thể gặp phải.
Khi uống thuốc giảm đau đúng chỉ dẫn về liều lượng mà sau một thời gian nó vẫn không kiểm soát cơn đau, tuyệt đối không được tăng liều gấp đôi hoặc dùng thêm thuốc khác, mà cần gặp bác sĩ để bác sĩ có thể thay đổi phương thức điều trị cho bạn.
Quá liều do dùng thuốc cùng hoạt chất
Nhiều người thường dùng thuốc giảm đau OTC và thậm chí cả thuốc giảm đau theo đơn mà không đọc nhãn và thành phần của thuốc. Có nghĩa là họ thường không biết được loại thuốc họ đang dùng. Điều đó không bao giờ là một ý tưởng tốt, vì có thể bạn sẽ dùng các thuốc có cùng thành phần và gây nên tình trạng quá liều.
Uống thuốc giảm đau cùng với rượu, bia
Sai lầm này thường gặp ở cánh mày râu. Khi sẵn có hơi men trong người, mọi quyết định thường không chính xác. Có người đang say rượu và bị đau đầu nên đã tìm lấy thuốc giảm đau uống với hy vọng xóa bỏ được cơn đau. Nhưng bạn cần nhớ rằng, sử dụng kết hợp thuốc giảm đau và rượu sẽ làm tăng tác hại lên gan, vì bản thân rượu và thuốc giảm đau riêng rẽ đều là những thứ không tốt cho gan.
Đó là lý do tại sao nhiều loại thuốc được gán nhãn "no alcohol" (không dùng đồ uống có cồn). Nhãn này được ký hiệu bởi một cái ly rượu, xung quanh là ký hiệu "không" mang tính quốc tế với vòng tròn và dấu gạch chéo. Ký hiệu này được áp dụng cho cả rượu và bia.
Tương tác thuốc
Trước khi dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào, bạn hãy nghĩ xem mình có đang dùng một loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng nào khác hay không. Một vài loại thuốc và thực phẩm chức năng này có thể tương tác với thuốc giảm đau hoặc làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Ví dụ, aspirin có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc tiểu đường non-insulin; codeine và oxycodone có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống trầm cảm.
Uống thuốc khi lái xe
Thuốc giảm đau có thể làm cho bạn buồn ngủ và gây nguy hiểm khi lái xe. Nhưng không phải ai cũng có phản ứng giống nhau với các loại thuốc. Vì vậy các chuyên gia khuyên bạn nên thử trước loại thuốc đó ở nhà để xem nó có gây cho bạn cảm giác buồn ngủ hay không.
Chia sẻ đơn thuốc với người khác
Đây là điều rất phổ biến ở Việt Nam và thậm chí là cả ở những nước phát triển. Điều này rất nguy hiểm cho người được chia sẻ vì có thể gây ra cho họ tình trạng dị ứng, tương tác thuốc hoặc quá liều.
Không trao đổi với dược sĩ
Các quảng cáo giới thiệu thuốc đều khuyến cáo "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng", nhưng quả thật không phải dễ dàng để đọc và hiểu được các hướng dẫn đó. Bởi vậy, bạn nên đề nghị với dược sĩ hoặc người bán thuốc hướng dẫn bạn cặn kẽ cách dùng thuốc và các nguy cơ ngay tại cửa hàng.
Tích trữ thuốc hết hạn
Dùng thuốc quá hạn sẽ không còn tác dụng chữa bệnh, thậm chí bạn còn có thể bị ngộ độc do các sản phẩm phân hủy của thuốc. Thuốc trong hạn sử dụng nếu không được bảo quản đúng cách cũng không nên dùng.
Bẻ viên thuốc không được bẻ
Viên thuốc thực sự là những cái máy nhỏ để vận chuyển thuốc. Chúng sẽ không còn hữu dụng khi chúng bị bẻ ra theo cách không được phép. Cần lưu ý, chỉ những viên thuốc có khía rãnh mới được phép bẻ ra, còn tất cả các thuốc không có rãnh đều không được bẻ.
Theo PNO
9 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc Chia sẻ đơn thuốc với người khác, tích trữ thuốc đến hết hạn, dùng nhiều thuốc cùng hoạt chất... là những sai lầm thường gặp trong sử dụng thuốc giảm đau. Chuyện kể rằng, vợ Dâu có một số thuốc percocet (thuốc tổng hợp gồm paracetamol và oxycodone) còn lại từ một lần đi khám răng, cùng lúc có một lọ tylenol (paracetamol)...