Những loài rắn hổ mang cực độc phân bố tại Việt Nam
Tại Việt Nam có sự phân bố của 4 loài rắn hổ mang, tất cả đều sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.
Hổ mang (danh pháp khoa học: naja) là một chi rắn độc thuộc họ rắn hổ, được phân bố khắp châu Á và châu Phi. Rắn hổ mang không được phân bố tại châu Úc, Mỹ và Âu, mặc dù những châu lục này cũng có những loài rắn độc khác nhau thuộc họ rắn hổ.
Đặc điểm chung của các loài rắn hổ mang đó là có thân dài, đầu to và khả năng phình mang ở cổ để đe dọa kẻ thù. Một số loài rắn hổ mang ngoài cách tấn công và tiêm nọc vào kẻ thù bằng răng nanh còn có thể phun nọc độc để tấn công kẻ thù từ xa.
Ban đầu, các nhà khoa học ước tính có từ 20 đến 22 loài rắn hổ mang, nhưng những nghiên cứu mới đây đã cho thấy chi rắn hổ mang có 38 loài. Tại Việt Nam có sự phân bố của 4 loài rắn hổ mang và tất cả đều sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.
Dưới đây là những loài rắn hổ mang cực độc đang được phân bố tại Việt Nam.
Rắn hổ mang Trung Quốc
Rắn hổ mang Trung Quốc, có tên khoa học Naja atra, còn được biết đến với tên gọi hổ mang bành, hổ mang thường… Loài rắn này được phân bố chủ yếu tại khu vực đông nam Trung Quốc, đảo Hải Nam, đảo Đài Loan, phía Bắc Việt Nam và một phần nhỏ phía bắc của Lào.
Tại Việt Nam, loài rắn này có nhiều ở các tỉnh thành ở phía Bắc, kéo dài đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và xuất hiện rải rác tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Các tỉnh thành phía nam từ Thừa Thiên-Huế trở vào hầu như không ghi nhận sự xuất hiện của rắn hổ mang Trung Quốc.
Nhiều cư dân mạng chia sẻ về hình ảnh rắn hổ mang Trung Quốc họ bắt gặp tại khu dân cư ở các tỉnh, thành phía Bắc (Ảnh: Nhóm Facebook “Nhận diện rắn và sơ cứu rắn cắn tại Việt Nam”).
Rắn hổ mang Trung Quốc là một trong những loài rắn độc phổ biến nhất tại khu vực miền Bắc Việt Nam. Chúng thường được tìm thấy ở nhiều môi trường sống khác nhau, bao gồm đồng cỏ, rừng cây, đất cây bụi, đầm lầy, ven sông suối, khu vực ruộng lúa canh tác nông nghiệp…
Thậm chí, loài rắn này còn có thể được tìm thấy cả ở những khu dân cư sinh sống, những nơi có đất bỏ hoang cây cối mọc um tùm tại các thành phố…
Rắn hổ mang Trung Quốc là loài rắn độc kích thước trung bình, với chiều dài khoảng từ 1,2 đến 1,5m, đôi khi có thể dài đến 2m nhưng rất hiếm gặp. Loài rắn này hoạt động cả ngày, nhưng chủ yếu săn mồi vào ban đêm. Thức ăn chính của chúng là cóc, ếch, thằn lằn, chuột và cả các loài rắn khác. Rắn non chủ yếu ăn ếch, nhái.
Một vài kiểu hoa văn khác nhau phía sau cổ của rắn hổ mang Trung Quốc (Ảnh: HongKong SnakeID).
Rắn hổ mang Trung Quốc trưởng thành giao phối vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, sau đó đẻ trứng vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 7. Mỗi lứa rắn mẹ sẽ đẻ từ 6 đến 20 trứng. Trứng sẽ nở sau 50 đến 57 ngày, nghĩa là con non sẽ xuất hiện vào giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9. Đây là thời điểm thường bắt gặp rắn hổ mang Trung Quốc non, ngay cả tại những khu dân cư.
Rắn hổ đất, còn có tên gọi là rắn hổ mang một mắt kính, rắn hổ phì… có tên khoa học Naja kaouthia. Loài rắn này được phân bố từ Ấn Độ, Bangladesh đến một phần nhỏ phía Tây Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam…
Khác với rắn hổ mang Trung Quốc ở trên, tại Việt Nam rắn hổ đất chỉ phân bố tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh thành ở phía Nam.
Rắn hổ đất có thể sống ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả rừng ngập mặn, ruộng lúa, đầm lầy, đồng cỏ, khu vực đất nông nghiệp… Rắn hổ đất cũng có thể bắt gặp ở những khu vực con người sinh sống, bao gồm cả ở những thành phố, do vậy chúng có thể chạm mặt với con người.
So với rắn hổ mang Trung Quốc, rắn hổ đất có kích thước lớn hơn đôi chút, thường dài từ 1,3 đến 1,5m và có khả năng dài đến 2,3m, dù hiếm gặp. Màu sắc da của rắn hổ đất cũng thường đậm hơn so với màu của rắn hổ mang Trung Quốc, đôi khi có màu đen tuyền.
Khi cảm thấy bị đe dọa, rắn hổ đất thường ngóc cao đầu và phình rộng mang. Phía sau của phần mang có thể quan sát thấy một hoa văn hình tròn giống như mắt kính. Thức ăn của loài rắn này bao gồm động vật gặm nhấm, cá, ếch và cả một số loài rắn khác…
Rắn hổ đất cũng có thể phun nọc để tấn công kẻ thù, nhưng chúng chủ yếu sử dụng răng nanh để cắn và tiêm nọc độc.
Rắn hổ đất thường có màu sắc tối hơn so với hổ mang Trung Quốc (Ảnh: ResearchGate).
Rắn hổ đất cái thường đẻ trứng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, mỗi lứa đẻ từ 16 đến 33 trứng. Thời gian ấp trứng sẽ kéo dài trong khoảng từ 55 đến 73 ngày, do vậy rắn non thường xuất hiện trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và đây có thể là thời điểm thường xuyên bắt gặp rắn hổ đất.
Ban đầu, rắn hổ mang Phục Hy được xem là một phần của rắn hổ mang đất. Tuy nhiên, phải đến năm 2022, khi các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn về các hình thái sinh học và di truyền, hổ mang Phục Hy mới được công nhận là một loài riêng biệt, với tên khoa học Naja fuxi.
Tên gọi Phục Hy của loài rắn này được cho là bắt nguồn từ Phục Hy trong thần thoại Trung Quốc, một trong những tổ tiên của loài người và có hình dạng nửa người, nửa rắn.
Hổ mang Phục Hy từng được xem là một phần của hổ đất, nhưng sau đó được xác định là một loài riêng biệt (Ảnh: ResearchGate).
Hổ mang Phục Hy thường sống ở những khu rừng ở độ cao từ 1.000 đến 1.400m, những sườn dốc thoải hoặc bìa rừng. Loài rắn này được phân bố tại khu vực phía tây nam Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, loài rắn này thường được tìm thấy ở khu vực miền núi phía Tây Bắc.
Rắn hổ mang Phục Hy có kích thước trung bình, với chiều dài cơ thể từ 70 đến 140cm. Loài rắn này thường có cơ thể màu nâu hoặc tối màu, trong đó con non thường có màu sẫm hơn cá thể trưởng thành.
Nhìn chung, việc phân biệt giữa rắn hổ mang Phục Hy và hổ đất là điều không hề dễ dàng và cần phải có những kiến thức chuyên sâu.
Thức ăn của rắn hổ mang Phục Hy là các loài lưỡng cư, chim, động vật gặm nhấm hoặc một số loài rắn khác. Đôi khi rắn hổ mang Phục Hy cũng xuất hiện ở khu vực con người sinh sống để săn mồi hoặc ăn thịt gia cầm được con người nuôi.
Rắn hổ mang phun nọc Đông Dương
Rắn hổ mang phun nọc Đông Dương (tên khoa học Naja siamensis) hay còn gọi là rắn hổ mang Xiêm hoặc được biết đến nhiều nhất với tên gọi rắn hổ mèo, là loài rắn hổ mang được phân bố rộng tại khu vực Đông Nam Á. Loài rắn này được tìm thấy tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar.
Tại Việt Nam, loài rắn này thường được phân bố ở các tỉnh thành thuộc khu vực miền Tây và phía Nam như Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, TPHCM…
So với các loài rắn hổ mang khác, rắn hổ mèo thường có màu sắc sáng hơn, trên cơ thể thường xuất hiện các đốm và sọc trắng. Chúng có chiều dài từ 0,9 đến 1,2m và có thể dài tối đa 1,6m.
Khoảnh khắc rắn hổ mèo hung dữ phun nọc độc về phía camera ( Video: DemonLDR).
Đúng như tên gọi “Rắn hổ mang phun nọc độc”, rắn hổ mèo ngoài khả năng tấn công bằng nanh độc, chúng có thể phun ra nọc độc để tấn công kẻ thù từ xa. Khoảng cách phun nọc độc có thể lên đến 2m. Thông thường, rắn sẽ dùng cách phun nọc độc để đe dọa kẻ thù trước khi sử dụng biện pháp cắn để tấn công.
Nếu người hoặc các loài động vật khác bị phun nọc độc trúng vết thương hở sẽ bị nhiễm độc tương tự như bị rắn cắn. Trong trường hợp bị phun nọc độc vào mắt sẽ dẫn đến đau rát, mù tạm thời hoặc thậm chí mù vĩnh viễn. Nếu người bị phun nọc độc trúng mắt cần lập tức rửa sạch mắt dưới dòng nước chảy liên tục để làm sạch chất độc.
Rắn hổ mèo có môi trường sống trải rộng, có thể được tìm thấy ở các vùng đất thấp, đất ngập nước, đất nông nghiệp, rừng cao su, đất trồng cây… do vậy chúng có thể đụng độ với con người khi xâm nhập vào những khu vực con người sinh sống để săn chuột.
Thức ăn của rắn hổ mèo là động vật lưỡng cư, thú gặm nhấm, chim, thú ăn thịt nhỏ…
Rắn hổ mèo mỗi lứa đẻ được từ 13 đến 20 trứng. Trứng sẽ nở sau 48 đến 70 ngày, tùy thuộc vào nhiệt độ của ổ ấp. Rắn non mới nở sở hữu nọc độc nguy hiểm tương đương với rắn trưởng thành, đủ giết chết người lớn sau một phát cắn.
Tại sao rắn hổ chúa không nằm trong danh sách rắn hổ mang phân bố tại Việt Nam?
Sau khi đọc danh sách liệt kê ở trên, nhiều độc giả sẽ thắc mắc tại sao chỉ có bốn loài rắn hổ mang được phân bố tại Việt Nam, còn loài rắn hổ chúa thì sao?
Rắn hổ chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah), thường được gọi là rắn hổ mang chúa tại Việt Nam, nhưng đây không phải là loài thuộc chi rắn hổ mang thực sự (Naja) mà là loài duy nhất của chi Ophiophagus.
Sở dĩ rắn hổ chúa cũng được gọi là hổ mang chúa vì cũng có thể ngóc cao đầu và bành mang để đe dọa kẻ thù, nhưng phần mang của rắn hổ chúa thường nhỏ hơn so với rắn hổ mang thực sự.
Rắn hổ chúa không thuộc loài hổ mang thực sự, dù vẫn có khả năng bành mang và ngóc cao đầu (Ảnh: Wikipedia).
Rắn hổ chúa cũng có nhiều sự khác biệt về hình thái và đặc điểm sinh học so với rắn hổ mang, như kích thước lớn hơn, dài hơn (rắn hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, có thể dài đến hơn 5m). Rắn hổ chúa là loài ăn thịt rắn, kể cả các loài rắn độc lẫn không độc. Trong điều kiện thiếu thốn thức ăn, rắn hổ chúa ăn thịt cả chính đồng loại của mình.
Rắn hổ chúa có tác dụng kiểm soát số lượng rắn trong phạm vi chúng sinh sống và kiểm soát chính số lượng của loài rắn hổ chúa trong trường hợp số lượng rắn trong khu vực bị giảm sút.
Cần làm gì nếu rắn hổ mang bò vào nhà?
Trên đây là 4 loài rắn hổ mang được phân bố tại Việt Nam. Các loài rắn này đều sở hữu đặc điểm chung đó là có khả năng bành mang, ngóc cao đầu và đặc biệt đều sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.
Việc phân biệt giữa các loài rắn hổ mang là điều không dễ dàng gì với những người không có kiến thức chuyên sâu. Do vậy nếu bắt gặp bất kỳ con rắn nào có thể bành mang và ngóc cao đầu, bạn có thể dễ dàng biết được đó là rắn hổ mang nên hãy tìm cách tránh xa chúng nhất có thể.
Không nên cố gắng bắt giữ rắn hổ mang khi chúng bò vào nhà vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị rắn cắn, gây tai nạn nguy hiểm (Ảnh: SIFASV).
Trong trường hợp rắn hổ mang bò vào nhà, bạn cần phải hết sức bình tĩnh, giữ khoảng cách an toàn với rắn, sử dụng điện thoại hoặc thiết bị ghi hình để lưu giữ hình ảnh của rắn, sau đó gửi hình ảnh này đến với những người có chuyên môn về rắn hoặc lực lượng cứu hộ địa phương để nhờ giúp đỡ.
Hình ảnh về các loài rắn ghi được cũng rất hữu ích trong trường hợp không may bị rắn cắn, sẽ giúp các bác sĩ có phương án điều trị và sử dụng loại huyết thanh kháng nọc độc phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Trong khi chờ lực lượng cứu hộ hoặc nhóm giải cứu rắn đến hiện trường, người dân cần phải luôn để mắt đến rắn, tránh để con vật chạy khỏi tầm mắt và lẩn trốn vào những góc khuất trong nhà.
Nếu không thể liên lạc với lực lượng cứu hộ hoặc các chuyên gia bò sát, người dân có thể sử dụng sào, cán chổi dài… và một cái thùng để đựng rắn. Sau đó, sử dụng sào hoặc cán chổi để lùa hoặc móc rắn cho vào thùng, đậy nắp chặt để tránh rắn trốn thoát.
Nếu không thể bắt giữ hoặc di dời rắn đi nơi khác để tránh gây nguy hiểm, người dân có thể chọn giải pháp cuối cùng đó là tìm cách tiêu diệt con vật để đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân và gia đình.
Nếu không may bị rắn cắn, cần trấn an nạn nhân bình tĩnh, tránh vận động nhiều khiến tim đập nhanh, đặt vị trí vết cắn thấp hơn tim để tránh nọc độc lan truyền nhanh hơn, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Những biện pháp như rạch vết thương, hút chất độc, đắp lá thuốc… có thể khiến tình trạng nạn nhân càng thêm nghiêm trọng.
Rắn hổ mang hai đuôi và bí mật 'kinh dị' đằng sau
Tham ăn thịt đồng loại và cái kết.
Rắn hổ mang chúa là loại rắn độc có kích thước lớn nhất, có tên khoa học "Ophiophagus hannah" mang ý nghĩa "loài chuyên ăn thịt rắn" theo tiếng Hy Lạp.
Không phải ngẫu nhiên chúng có có tên gọi như vậy bởi thực tế món ăn yêu thích của rắn hổ mang chúa chính là đồng loài của nó.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tượng động vật ăn thịt chính đồng loại của mình không phải là điều hiếm gặp trong tự nhiên. Ăn thịt đồng loại có thể cực kỳ phát triển trong trường hợp bị giam cầm hay không chịu nổi tình trạng thiếu thức ăn, đóng một phần trong chu kỳ sống của các loài động vật hoang dã.
Rắn hổ mang chúa chỉ là một trong tổng số hơn 1.500 loài động vật có hành vi ăn thịt đồng loại.
Nhờ khả năng kháng độc rắn mạnh mẽ, rắn hổ mang chúa có thể săn các loài rắn độc như rắn Mamba đen hay rắn đuôi chuông mà không có lo ngại gì. Không những thế, chúng còn ăn thịt những con rắn hổ mang chúa khác nữa. Với cơ thể khỏe khoắn, rắn hổ mang chúa có thể hạ được các loài rắn khác kể cả những con trăn và nuốt sống con mồi.
Tuy nhiên, trong thế giới tự nhiên muôn hình vạn trạng, thói quen nuốt chửng con mồi của rắn hổ mang tình cờ lại đem đến một điều thú vị. Điều này đã được chị Marietjie Hattingh vô tình bắt gặp trong chuyến đi trải nghiệm tuyệt vời đến lục địa đen.
Theo trí nhớ của vị khách du lịch, vào ngày lặng gió hôm đó, chị đang cùng những người bạn vi vu lái xe trên những con đường nông trại bình yên nơi đây. Đây là một con đường vắng vẻ và dường như nó đã bị người đời quên lãng trong khoảng thời gian dài. Điều này càng khiến vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của vùng đất trở nên dung dị hơn bao giờ hết.
Chiếc đuôi con rắn mọc ra từ bụng rắn hổ mang.
Bất ngờ, một vật thể lạ giữa đường khiến chị Hattingh chú ý. Đến khi lại gần hơn, chị mới có thể nhìn kỹ nó. Thì ra đấy là một con rắn, chính xác hơn là một con rắn hổ mang chúa to lớn đang vật lộn nơi đồng không mông quạnh.
Tuy nhiên, con vật có vẻ như có nhiều đuôi hơn những con rắn bình thường. Vị khách du lịch vì tò mò đã quyết định xuống xe để tìm hiểu. Thật bất ngờ, con rắn hổ mang đã không còn sống và đang bị rạch ở giữa bụng, lòi ra một chiếc đuôi của con rắn khác.
Theo các nhà khoa học, rắn hổ mang với chất độc chết người và bộ hàm đặc biệt mạnh mẽ khiến nó là hung thần của tất cả những loài rắn khác.
Nguyên nhân cái chết của hai con rắn vẫn là điều bí ẩn.
Nọc độc của rắn hổ mang chủ yếu thuộc nhóm neurotoxin gồm các độc tố thần kinh, cytotoxin và một vài hợp chất khác. Những chất này có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào. Rắn hổ mang chúa có khả năng tiêm một lượng lớn nọc độc với liều khoảng 200 đến 500 mg vào nạn nhân trong một vết cắn. Nọc độc sẽ khiến con mồi giảm thị lực nhanh chóng, gây tê liệt, sau đó là suy hô hấp và tim ngừng đập và tử vong.
Chưa rõ lý do tại sao cả 2 con rắn lại chết. Nhưng nhìn vào hiện trường, Hattingh suy đoán đã có một trận đấu khốc liệt xảy ra.
'Dựng tóc gáy' trước cảnh rắn hổ mang chúa nôn ra trứng Một người dân ở Ấn Độ đã ghi lại được khoảnh khắc rắn hổ mang chúa cố nôn ra 6 quả trứng chim do không thể tiêu hóa hết vì tham ăn. Con rắn hổ mang chúa tham lam đã cố gắng nuốt hết 7 quả trứng chim quá khổ so với dạ dày của nó. Tuy nhiên, do không thể tiêu hóa...