Những lỗ hổng khiến ‘Mẹ chồng’ bị khán giả bắt bẻ đủ điều
Bộ phim điện ảnh mới của đạo diễn Lý Minh Thắng có khởi đầu tốt nhưng khép lại bằng một cái kết nhạt nhòa.
Mẹ chồng là dự án điện ảnh Việt gây chú ý trong dịp cuối năm ngay từ khi mới tung trailer. Những mâu thuẫn bí ẩn giữa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được nhà làm phim hé lộ khiến khán giả trông ngóng.
Tuy nhiên, khi ra mắt, nội dung bộ phim chưa đạt được kỳ vọng của khán giả. Quá tham lam khai thác nhiều câu chuyện và nhiều nhân vật, Mẹ chồng để lộ những lỗ hổng khiến khán giả thắc mắc.
1. Ba Trân bị phạt kiểu gì?
Ngay đoạn đầu phim, nàng dâu cả Ba Trân ( Thanh Hằng) đã bị mẹ chồng bắt phạt vì không sinh được con trai và sử dụng huyền hương thảo để làm phép. Bà Hai Lịnh (Diễm My) biết huyền hương thảo là thứ bùa phép tà đạo nguy hiểm nhưng chỉ phạt nhốt con dâu sang dãy nhà phía hồ sen.
Dù bị phạt, cô Ba Trân sống còn tự do tự tại hơn lúc thường, cũng chẳng có gia nhân nào canh chừng, ngăn cản sự tự do của Ba Trân, thậm chí chồng vẫn có thể sang thăm cô thoải mái. Cho đến khi chồng Ba Trân gặp tai nạn, khán giả cũng không rõ rốt cuộc Ba Trân đã được mẹ chồng “thả” chưa vì cô vẫn sinh hoạt thoải mái vô cùng.
2. Gia đình hội đồng Lịnh giàu đến mức nào?
Trong phim, gia tộc này được mô tả như một gia đình đại địa chủ, ruộng đồng bạt ngàn để cho tá điền thuê ruộng cấy lúa. Gia đình sống trong căn biệt thự rộng lớn, quần áo và đồ trang sức của những người phụ nữ trong nhà cũng rất sang trọng. Giàu có là vậy nhưng khán giả phát hiện gia đình này hơi… tiết kiệm người làm.
Điều dễ thấy nhất trong phim là sự xuất hiện duy nhất của một cô bé người ở – bé Hai Thơ (Hồng Nhung) – và bà của em. Hai bà cháu phải chạy đi chạy lại khắp cả nhà để làm việc. Bà Hai Lịnh bị liệt, chỉ có thể ngồi một chỗ nhưng cũng không có người hầu nào đứng gần đó chăm sóc. Thậm chí đến cuối phim, biến cố khủng khiếp xảy ra nhưng nhà cửa vẫn vắng lặng như tờ, chỉ có mấy người phụ nữ xử lý nhau.
3. Bảo vệ đâu?
Lại một câu hỏi nữa về sự giàu có và độ an toàn của gia đình hội đồng Lịnh mà khán giả đặt ra. Trong Mẹ chồng, kho thóc của gia tộc Hai Lịnh bị cướp đến 2 lần. Một gia đình giàu có, thóc lúa đầy kho, vàng bạc châu báu đầy nhà nhưng hầu như không thấy bóng dáng người đàn ông nào làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ.
4. Mối quan hệ giữa Tuyết Mai và Thiện Khiêm
Sự oái oăm trong mối quan hệ tình cảm là tình huống đã quá cũ trên phim. Tuyết Mai ( Midu) và Thiện Khiêm (Song Luân) quen biết nhau, yêu nhau say đắm trên Sài Gòn. Một ngày biến cố xảy ra, nàng vì tiền mà chấp nhận lấy một người đàn ông khác và trở thành… chị dâu của chàng. Khi chàng về quê, hai người gặp lại nhau và “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, dẫn đến mâu thuẫn và bi kịch cho cả gia đình.
Chuyện tình giữa Tuyết Mai và Thiện Khiêm là mấu chốt để kết lại bộ phim nhưng được xử lý quá nhanh. Hai người yêu nhau ra sao cũng không được thể hiện rõ khiến khán giả chỉ thấy sự hời hợt của Tuyết Mai khi chấp nhận làm vợ lẽ cho cậu Hai Phước nhưng tối ngày cứ trốn ra trò chuyện với Thiện Khiêm. Người xem chưa thể cảm nhận được sự dằn vặt giữa bên tình, bên hiếu của Tuyết Mai khi phải từ bỏ người mình yêu vì gia đình nhưng không thể chôn chặt tình cảm trong tim.
5. Tuyết Mai ra hồ sen làm gì?
Vừa được vợ cả Tư Thì (Lan Khuê) dẫn đi quanh nhà và cảnh báo không được đi ra hồ sen vì mẹ chồng không thích, y như rằng tối hôm đó, Tuyết Mai lẻn ra hồ sen. Chi tiết này khiến khán giả thắc mắc không biết mình có bỏ qua nguyên nhân nào để Tuyết Mai nửa đêm rời chăn ấm đệm êm đi ra hồ sen hóng gió bất chấp được cảnh báo. Liệu đây có phải là ý đồ của đạo diễn khi xây dựng hình tượng cô con dâu bé Tuyết Mai không sợ trời, không sợ đất, càng cấm thì càng làm tới, dù chẳng có mục đích gì?
6. Tư Thì tìm hòm gia bảo ‘quá nhanh quá nguy hiểm’
Suốt 16 năm, cô Ba Trân luôn miệng hỏi mẹ chồng (dù bà đã bị liệt và không thể nói được) chỗ giấu chìa khóa gia bảo. Khán giả tò mò không biết gia bảo nhà họ Huỳnh là gì mà khiến Ba Trân thèm khát đến thế. Thậm chí, món đồ này được giấu kỹ đến mức khi đã nắm quyền trong tay, Ba Trân vẫn không thể lục tung cả nhà mà tìm ra món đồ gia bảo mình cần.
Ấy vậy mà sau một đêm “truất ngôi” mẹ chồng, Tư Thì (Lan Khuê) đã ngay lập tức tìm được hòm gia bảo, tìm thấy cả chìa khóa để mở trong sự ngỡ ngàng của tất cả khán giả. Món đồ cô Ba Trân suốt đời đi tìm, con dâu cô chỉ mất một đêm là tìm ra. Nếu biết sự thật này, liệu cô Ba có uất ức mà chết thêm lần nữa không?
Theo VNE
"Mẹ chồng": Đúng công thức nhưng chưa đủ sáng tạo
Phim "Mẹ chồng" có những thành công nhất định trong việc xây dựng kết cấu, nhân vật, không khí nhưng đi sâu về chi tiết lại chưa được thuyết phục.
Tháng 4/2017, phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng tạo nên cơn sốt mạnh mẽ khi đề cập thẳng thừng chủ đề mẹ chồng - nàng dâu, chuyện của mọi nhà. Có lẽ thành công đó đã tạo một nguồn cảm hứng cho đạo diễn Lý Minh Thắng nên không lâu sau đó, anh công bố phim điện ảnh Mẹ chồng với dàn diễn viên "nặng kí".
Thế nhưng, chuyện mẹ chồng nàng dâu trong phiên bản điện ảnh không còn là những mâu thuẫn thường nhật trong cuộc sống vợ chồng, hay chuyện bếp núc nội trợ nữa mà được đẩy lên thành những cuộc đấu đá có thể trả giá bằng cả tính mạng. Với bối cảnh giả tưởng Đại Điền những năm 1950, bức màn của gia đình Hội đồng Lịnh dần được vén lên bằng những bi kịch nối tiếp.
Ba Trân (Thanh Hằng) là một cô gái xinh đẹp, được gả vào làm dâu nhà họ Huỳnh là Hội đồng Lịnh quyền uy nhất Đại Điền (bối cảnh giả định trong phim). Thế nhưng, cô lại sơ sẩy khiến mình mất đứa con đang mang trong bụng. Từ đó, Ba Trân sống trong sự khinh ghét của bà Hội đồng (Diễm My). Không chỉ bị "đày ra lãnh cung", Ba Trân còn phải chứng kiến chồng mình lấy vợ hai là Bảy Loan (Ngọc Quyên).
Nhưng Ba Trân không bỏ cuộc, cô đã tìm cách để vượt qua những biến cố, sinh được đứa con trai và trở thành mợ cả quyền lực nhà họ Huỳnh. Con dâu Tư Thì (Lan Khuê) lặp lại bi kịch của Ba Trân khi không thể sinh con nối dõi, nên lại phải chứng kiến mẹ chồng cưới thêm vợ cho chồng. Để rồi khi Tuyết Mai (Midu) xuất hiện, nhà hội đồng Lịnh bắt đầu bước vào một cơn bão thật sự, mọi nền nếp trước kia có thể đảo lộn bất cứ lúc nào.
Kịch bản phim tuy khá phức tạp nhưng chủ đích được chia thành 4 hồi xuân - hạ - thu - đông với ý muốn thể hiện một vòng tròn không điểm dừng của định kiến và nỗi đau của người phụ nữ thời phong kiến. Về phần chìm, Mẹ chồng truyền đạt khá tốt những uẩn ức, đau thương lẫn sự trói buộc của lề thói và xã hội lên cuộc đời phụ nữ. Từng nỗi thống khổ từ khi bước chân về nhà chồng, gánh nặng sinh con nối dõi, niềm đau khi phải chịu kiếp chồng chung cho đến khi trở thành những bà mẹ chồng tiếp tục áp đặt điều đó lên đời sau đều được thể hiện rõ ràng thông qua mối quan hệ chồng chéo của các nhân vật.
Giống như câu hát vang lên từ những phút đầu tiên: "Bông xanh, bông trắng, bông vàng, xuân tàn còn lại mấy bông?". Nó không chỉ khái quát được những cảm xúc hỉ nộ ái ố trong cuộc sống của người phụ nữ khi về nhà chồng mà còn ngầm chỉ ra sự đấu đá đến một mất một còn của những người phụ nữ dòng họ Huỳnh.
Lý Cây Bông - Nhạc phim Mẹ Chồng
Áp dụng chính xác công thức phim cung đấu
Và những cuộc tranh đấu này chính là phần nổi của phim. Áp dụng công thức của phim "cung đấu" rất phổ biến trong điện ảnh truyền hình Trung Quốc, TVB, Mẹ chồng thể hiện sự khéo léo nhất định trong chú trọng xây dựng đường dây kịch bản giữa nhiều nhân vật khác nhau. Nếu xem Huỳnh gia là một hậu cung thì Ba Trân chính là hoàng hậu nương nương, nắm quyền cai quản tam cung lục viện, chỉ cần một tiếng bước chân, một cái liếc mắt cũng khiến tất thảy khiếp sợ. Trên Ba Trân chính là bà Hội đồng dù đã bị liệt nhưng vẫn còn giữ gia bảo nên vẫn là Thái Phật gia quyền uy nhất. Dưới Ba Trân chính là tất cả những người còn lại: Tư Thì, Tuyết Mai, Bảy Loan, nô bọc. Ai nấy đều phải sống trong cảnh nhìn sắc mặt Ba Trân mới dám thở, có kẻ ngấm ngầm ủ mưu đoạt quyền, có người chỉ muốn yên thân, cũng có người non dạ cho rằng cuộc sống "cấm cung" không kinh khủng như người ta nghĩ.
Bên cạnh những mỹ nữ, chính cánh mày râu cũng không kém phần phức tạp. Không tham gia trực tiếp vào cuộc đấu đá, nhưng những gã đàn ông trong phim "cung đấu" luôn có những tác động không nhỏ dẫn đến những cuộc thay đổi lớn. Có thể là tình yêu, cũng có khi là quyền lực. Những gã đàn ông như Hai Đìa, Chín Tị, Hai Phước, Thiện Khiêm trong Mẹ chồng tác động đến cả hai thứ quan trọng ấy. Từng bước dẫn đến những xung đột lớn ở cuối phim, và vạch ra một âm mưu bất ngờ.
Nhưng vẫn còn thiếu đột phá
Thoạt nghe qua thấy Mẹ chồng đang xây được một kịch bản rất "chuẩn phim cung đấu", giải được kết quả một bài toán phức tạp, nhưng thực chất chỉ mới hoàn thành bước một, những nút thắt còn lại sẽ phản ứng và tạo ra điều gì hoàn toàn bị bỏ sót. Những mâu thuẫn của từng cặp nhân vật đối đầu chỉ được mô tả tuyến tính, đúng theo những gì người ta có thể mường tượng từ trước. Cụ thể hơn, căng thẳng ngầm giữa Ba Trân và Tư Thì từ đầu đến cuối chỉ là chuyện nối dõi tông đường, một người thị uy - một người nhẫn nhịn mà không có nhiều biến chuyển trong chi tiết để khán giả bị cuốn vào. Hay như mối quan hệ giữa Tuyết Mai và Thiện Khiêm cũng không tạo ra điều gì bất ngờ từ khi được công bố cho đến hết phim. Thậm chí, những chi tiết như xuất thân của Tư Thì, vì sao cô lại lấy Hai Phước cũng được bỏ qua vì vấn đề thời lượng.
Đường dây can thiệp giữa các nhân vật nam vào câu chuyện chính cũng chỉ được khai thác ở bề mặt. Lý ra Hai Phước và Thiện Khiêm phải có nhiều tương tác và mâu thuẫn hơn. Hai Đìa và Chín Tị, Chín Tị và Ba Tuông, Ba Tuông và Thiện Khiêm, có rất nhiều "đất" để câu chuyện được thêm thắt gia vị, hòng tạo ra một sự âm ỉ luôn tồn tại trong cách "trị vì" của Ba Trân, để đoạn kết trở nên thật hùng tráng và ấn tượng.
Nhưng vì thời lượng ngắn mà nhân vật lại nhiều, tham nhiều thứ đã xuất hiện "nhẵn mặt" trong các phim cùng thể loại nên yếu hẳn về chi tiết. Một người hạ độc, một người rình mò, một người ương ngạnh, một người cam chịu... các nhân vật trong phim được xây dựng đúng một chiều, không có sáng tạo về chi tiết, khiến cho cách mà các cô hung ác hay hiền lành cũng bị cũ hẳn.
Trailer Mẹ chồng
Quần là áo lượt, nhưng cảm giác... sai sai
Phần hình ảnh của phim được khen ngợi hoành tráng, chỉn chu từ bối cảnh đến trang phục. Không sai! Nhưng việc tạo ra bối cảnh giả tưởng vẫn không thể xua đi cảm giác "sai sai" cho người xem khi nghĩ đến tương quan thực tế giữa xã hội trên phim và xã hội Việt Nam thực thời đó. Những bộ trang phục trên phim được chăm chút hoành tráng đến từng chiếc trang sức nhưng tiếc thay lại không cho cảm giác muốn ứng dụng, muốn khoác vào như Cô Ba Sài Gòn đã làm được, dù những bộ cánh của cả hai phim đều đến từ nhà thiết kế Thủy Nguyễn.
Bối cảnh phim chủ yếu cũng chỉ xoay quanh căn nhà cổ, lặp đi lặp lại đôi lúc khiến khán giả có cảm giác phim bị "truyền hình". Tuy nhiên, phải khen ngợi ekip khi đã phục dựng những đại cảnh hoành tráng rất bắt mắt như hội cướp thóc, hát Hồ Quảng và cảnh nổi loạn ở kho thóc.
Âm nhạc được tính toán tốt
Nhạc phim cũng đa dạng từ cải lương, thơ, vè, nhạc cụ dân tộc đến cả nhạc trẻ được tính toán thời điểm để vang lên khiến cảm xúc phim được bồi đắp thêm nhiều phần.
Cảm giác về một bộ phim "Thanh Hằng và những người bạn"
Diễn xuất của các diễn viên cũng là một điểm đáng nói, khi hơn nửa dàn nhân vật chính đều là những người không thường xuyên đóng phim. Bên cạnh vai diễn được xây dựng chi tiết và màn lột xác thành công của Thanh Hằng thì vai Tuyết Mai của Midu cũng là một nhân vật dễ được yêu thích. Vốn gắn liền với hình tượng tiểu thư hiền lành, nhưng lần này Midu gây ấn tượng khá tốt với vai một cô gái tân thời có cá tính, không phục tùng tuyệt đối những luật lệ cổ hủ.
Trong khi đó, vai của Lan Khuê lại gây ra nhiều bối rối cho khán giả bởi chính phong thái "người mẫu" hàng ngày của mình, khiến nhân vật càng trở nên khó hiểu một cách không cần thiết. Hơn nữa, sự điềm tĩnh trong tính cách Tư Thì khi được Lan Khuê thể hiện, lại khiến khán giả cảm giác như xem những đoạn... "slo-mo", đôi khi không thấy cô nhẫn nhịn từ tốn nữa mà chỉ thấy chậm một cách khó hiểu. Cách diễn xuất của Lan Khuê trong đoạn tay đôi cuối phim khiến nhiều người phì cười dù đó lí ra phải là một phân đoạn căng thẳng. Ngọc Quyên với vai Bảy Loan cũng không tạo được ấn tượng gì, một vai mà kiểu ai cũng sẽ diễn được.
Ngoài ra, Lâm Vinh Hải, Song Luân cũng chỉ ở mức vừa đủ vì tuyến nhân vật nam dù chiếm vai trò quan trọng nhưng lại được xây dựng nửa vời. Vì thế, đối với những gương mặt còn mới ở điện ảnh như Lan Khuê, Song Luân, Lâm Vinh Hải, có thể nói ở dự án này, bộ bốn chỉ thể hiện nhân vật vừa đủ cho khán giả nắm bắt thay vì những cao trào kịch tính từ những mâu thuẫn, tham sân chồng chéo của các lớp nhân vật. Vậy nên, theo dõi phim, điều mà ai cũng thấy là "spotlight" (đèn rọi) gần như chỉ chiếu vào mỗi Thanh Hằng.
Cảnh nóng này không xuất hiện trong bản phim chính thức
Tạm kết
Tóm lại, từ đầu, ta luôn hiểu cả biên kịch lẫn đạo diễn đều đang hiểu rõ mình đang làm gì và hào hứng với cuộc chơi này. Tuy nhiên, họ lại không đủ bình tĩnh để giải quyết bài toán khó nhất về thời lượng, khiến cho những sáng tạo vô tình bị kiềm lại, khiến câu chuyện nhà chồng này không biết nên khen chê thế nào, vì nó chưa "đã" đến mức gọi lại hay, cũng khó thể nào chê dở khi mà Mẹ Chồng được góp vào phần diễn xuất tốt đặc biệt từ Thanh Hằng. Giống như một tòa nhà được xây thật cao trên nền móng chưa thực sự vững chãi, nếu may mắn, những người trong căn nhà đó vẫn có thể sống an nhàn nhưng nếu xui rủi, một cơn bão thổi qua thì có thể sụp đổ như chính vận mệnh nhà họ Huỳnh ở cuối phim.
Mẹ Chồng được khởi chiếu chính thức từ ngày 1/12/2017.
Theo Trí Thức Trẻ
Đạo diễn "Mẹ Chồng" Lý Minh Thắng chia sẻ gì về cảnh nóng bị cắt trong phim? Việc nam diễn viên Song Luân khoe trọn "vòng 3" trong cảnh nóng với Thanh Hằng được nhiều người chú ý trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bản phim chính thức của "Mẹ chồng", cảnh này đã bị cắt bớt. Cách đây ít lâu, cảnh nóng giữa Thanh Hằng và Song Luân trong phim Mẹ chồng được nhà sản xuất tung ra,...