Những lần tác nghiệp vạch mặt thủ đoạn phá rừng thông Tây Nguyên
Cùng với những cư dân nặng lòng với Đà Lạt, cánh PV thường trú tại vùng cao nguyên như chúng tôi luôn ý thức rằng: Để có một vùng đất nên thơ, trữ tình và được mệnh danh là “Tiểu Paris” ở Đông Dương, những cánh rừng xa, hay gốc thông già chính là một phần làm nên linh hồn, sức hấp dẫn mãnh liệt, thôi thúc du khách trong và ngoài nước ít nhất một lần tìm lên miền đất này.
Với người Đà Lạt, một cây thông ngã xuống, dù bất kể lý do gì cũng khiến nhiều người xót xa, tiếc nuối. Thế nhưng, vì lợi ích kinh tế và lòng tham vật chất khôn lường của con người, không ít vụ triệt phá rừng thông quy mô lớn hoặc theo kiểu “gặm nhấm” vẫn thường xảy ra. Một khi giá trị của đất đai trên thành phố du lịch càng tăng thì cuộc chiến bảo vệ rừng thông cũng vì thế mà gian nan thêm bội phần.
Nhận thức được điều đó và để thể hiện trách nhiệm góp phần gìn giữ bình yên cho những cánh rừng, cùng với một số đồng nghiệp, tôi luôn trong tâm thế “chiến đấu”, đương đầu tới cùng với “ lâm tặc”, bất chấp những hành vi đe dọa, có thể bị gây nguy hiểm tới chính mình và những người thân trong gia đình.
Phóng viên Báo CAND tại hiện trường một vụ khai thác gỗ thông bất hợp pháp.
Và thế là tôi quyết tâm đồng hành cùng các cơ quan chức năng làm sáng tỏ nhiều vụ phá rừng, khai thác gỗ thông bất hợp pháp xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt và các vùng lân cận; đưa các đối tượng ra xử lý trước ánh sáng pháp luật và cũng để tạo sự răn đe, giáo dục chung cho toàn thể cộng đồng.
Còn nhớ cách đây tròn 10 năm, khi đó tôi vẫn còn là một sinh viên Văn khoa năm 4 và có “thâm niên” viết báo cộng tác được 2 năm. Đó là một buổi chiều Đà Lạt đầy nắng vàng, với chiếc xe máy cũ vừa mua được từ tiền gom góp nhiều năm nhuận bút mà mỗi khi nổ máy khiến cả nhà trọ phải thức giấc, tôi rong ruổi xuống vùng Xuân Thọ, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 15km, rồi đi thẳng vào rừng sâu theo hướng thác Hang Cọp.
Lần theo vết xe ôtô “cày” trên đường rừng, tôi men theo con đường mòn giữa rừng già, một bên đồi cao, bên kia là vực sâu hun hút. Chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ rơi xuống vực, một thân một phận giữa rừng già, khó ai đảm bảo rằng tôi có thể bình an trở về. Bây giờ nghĩ tới, lại thấy trong người mình có ít “máu liều”, có chút phiêu liêu, non nớt của kẻ đang thử dấn thân vào nghề làm báo lắm vinh quang và cũng nhiều cay đắng.
Qua thác Hang Cọp khoảng 2km đường rừng hun hút, lởm chỏm sỏi đá, bỗng trước mắt tôi là cánh rừng thông bị cưa hạ, gỗ xẻ la liệt. Rõ ràng đây là công trường thác gỗ lậu với quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà tôi từng thấy và biết tới.
Từng cây thông cổ thụ, đường kính gốc lên tới hơn 1m, cao 20m bị cưa hạ không thương tiếc, trong đó có những cây vừa cưa đổ khoảng chừng tối hôm trước, lá vẫn còn tươi nguyên, nhựa ứa trào xuống mặt đất trắng long lanh. Những khoảnh rừng thông bị khai thác bất hợp pháp kéo dài cả cây số.
“Lâm tặc” không cưa trắng mà chỉ chọn những cây cao to, thẳng, có chất lượng gỗ tốt nhất để khai thác. Ước tính có hàng trăm cây thông cổ thụ khoảng 60 năm tuổi đã bị triệt hạ. Quanh khu vực, các đối tượng còn dùng xe cơ giới san ủi làm đường để vận chuyển gỗ ra ngoài.
Với chiếc máy ảnh kỹ thuật số vừa bằng lòng bàn tay, tôi miệt mài ghi lại cảnh “tang thương” này mà lòng đau nhói. Càng vào sâu, càng nhiều cây thông lớn bị cưa hạ ngổn ngang, cảnh tàn phá càng xảy ra khốc liệt. Tôi đoán chắc, đêm nay “lâm tặc” sẽ quay lại để xẻ và trở số gỗ thông vừa hạ này.
Để có tư liệu sinh động cho bài báo đã hình thành trong đầu, tôi quyết ở lại qua đêm một mình trong rừng sâu giữa cái lạnh giá Đà Lạt cuối năm. Sự đam mê và quyết tâm để có một bài viết tạo được sức hút, tác động mạnh tới các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng khiến tôi quên cả đói, quên nỗi sợ hãi đang rình rập trong bóng đêm đen kịt.
Video đang HOT
Giấu xe máy vào bụi rậm ở một nơi cách xa hiện trường, tôi hồi hộp chờ đêm rơi xuống trong tiếng gió rừng rên rít lên từng hồi. Đêm rừng già khủng khiếp hơn những gì tôi mường tượng, chẳng thể trông thấy gì ngoài bóng đen và tiếng côn trùng rên rỉ. Cặp mắt dù tinh sáng đến mấy cũng không có giá trị trong trường hợp này.
Phóng viên Báo CAND đã đồng hành cùng các cơ quan chức năng địa phương trong cuộc chiến bảo vệ rừng.
Để tránh va đập vào cây rừng và vấp ngã, tôi buộc phải ngồi yên một chỗ để cho đám muỗi rừng đang khát máu đua nhau “mở tiệc”. Nhưng không bao lâu, sức tấn công không mệt mỏi của cánh muỗi đói, tôi buộc phải bò lết trên mặt đất dùng tay cào gom lá thông khô thành một đống lớn và chui người vào.
Khoảng 19h30, từ phía rừng xa, tiếng xe cơ giới dồn dập vọng tới. “Lâm tặc” xuất hiện! Tối hôm đó, tôi nằm bất động trên một cao điểm kề hiện trường để chứng kiến cảnh khai thác gỗ lậu với khoảng 10 đối tượng, cùng xe ôtô có máy tời bốc gỗ, cưa máy… Nhiều cây thông tiếp tục bị cưa hạ, gãy đổ ầm ầm trong ánh sáng le lói của những chiêc đèn pin được gắn trên đầu của mỗi “lâm tặc”. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau, chiếc xe tải nặng trịch gỗ thông cùng nhóm “lâm tặc” ì ạch rời rừng sâu.
Chỉ hai ngày sau, bài viết lớn chạy trên trang nhất của một tờ báo tôi cộng tác đã được xuất bản với những tư liệu ngồn ngộn, tái hiện lại cảnh khai thác gỗ thông bất hợp pháp quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại TP Đà Lạt. Bài báo được công bố đã thực sự gây sốc dư luận địa phương. Khó ai có thể tin được tại Đà Lạt lại có thể xảy ra cảnh khai thác gỗ thông quy mô lớn và trong thời gian kéo dài đến vậy.
Ngay khi báo đăng, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt lập tức vào cuộc xác minh. Quyết định khởi tố vụ án được Công an TP Đà Lạt ban hành ngay sau đó để phục vụ công tác điều tra, truy bắt những kẻ đã sát hại rừng thông. Liên quan đến vụ việc này, giám đốc một công ty lâm nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khu vực để xảy ra khai thác rừng thông cũng bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Một lần khác, gần giữa năm 2016, từ nguồn tin báo của quần chúng, tôi khi ấy đã là PV thường trú của Báo CAND đã tiếp cận khu vực núi Hòn Bồ, thuộc phường 12, TP Đà Lạt và phát hiện hàng chục cây thông cổ thụ khoảng 60 năm tuổi đã bị cưa hạ. “Lâm tặc” phân gỗ thành từng lóng và chuyển khỏi hiện trường. Những gì còn sót lại cho thấy, cảnh khai thác gỗ thông tại đây đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương và chủ rừng không hề hay biết.
Trước khi đăng trên báo giấy, một loạt hình ảnh về những gốc thông cổ thụ bị cưa hạ kèm theo thông tin về vụ phá rừng này đã nhanh chóng được xuất bản trên Báo CAND điện tử. Rất nhiều phản hồi của bạn đọc sau khi báo đăng cho thấy sự quan tâm đặc biệt lớn của dư luận về vụ phá rừng này.
Sáng hôm sau (20-5-2016), UBND TP Đà Lạt đã ra văn bản chỉ đạo Công an phối hợp với Hạt kiểm lâm khẩn trương vào cuộc, làm rõ nội dung phản ánh của Báo CAND. Lực lượng chức năng xác định khối lượng lâm sản bị thiệt hại gần 40m và đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về vụ phá rừng trên.
Trong nhiều vụ phá và lấn chiếm đất rừng khác, tôi cùng các đồng nghiệp tại Lâm Đồng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nhất là khi phải đi tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt của mùa mưa Tây Nguyên.
Càng ngày, tôi càng tự cảm thấy trách nhiệm của mình khi đứng chân tác nghiệp trên đại ngàn Tây Nguyên, đó là cùng chung tay giữ vững màu xanh của những cách rừng thông, giữ lấy bản sắc và một phần linh hồn của Đà Lạt…
Ngô Khắc Lịch
Theo cand.com.vn
Những chuyến thâm nhập "vùng nóng" miền Tây Quảng Nam
Đã gần 2 năm cộng tác cho Báo CAND, tôi đã có những chuyến tác nghiệp vào "vùng nóng" ở khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam.
Những chuyến hành trình là một câu chuyện dài đầy nguy hiểm, bởi "lâm tặc", hay "vàng tặc" luôn sẵn sàng dùng các thủ đoạn hiểm ác khi bị cản trở công việc "làm ăn" của họ, trong khi tôi lại là thân phận nữ nhi.
Khó khăn là vậy nhưng để có những tư liệu, hình ảnh chân thật nhất thông tin đến bạn đọc, tôi đã không ngần ngại cùng các đồng nghiệp khác tiếp cận hiện trường các vụ phá rừng, khai thác vàng trái phép để thực hiện phóng sự điều tra, góp phần giúp cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm...
Vụ phá rừng quy mô lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (huyện Nam Giang), sau khi tiếp nhận nguồn tin của người dân, tôi cùng 3 đồng nghiệp tìm cách tiếp cận hiện trường vào đầu tháng 4-2019. Với những thông tin rất chung chung, trong khi đường vào rừng phải vượt qua nhiều dốc cao, suối sâu đầy hiểm trở, gian nan, nên tôi bàn với các đồng nghiệp phải tìm một người thông thuộc địa hình để dẫn vào rừng.
Tuy nhiên, để thuyết phục người dẫn đường không phải là chuyện dễ dàng, vì họ sợ bị "lâm tặc" trả thù. Sau nhiều lần hẹn gặp, trao đổi, chúng tôi mới được hai người đồng bào dân tộc ở thôn Pà Xua, xã Bhing, huyện Nam Giang, đồng ý dẫn đường với giá thuê 1 triệu đồng. Bản thân là nữ, lại không phải người địa phương nên để vào rừng mà không bị "lâm tặc" phát hiện, tôi và các đồng nghiệp "đóng vai" thành những người đi hái nấm lim xanh.
Chuẩn bị đầy đủ tư trang, vật dụng, sáng sớm 5-4-2018, từ thôn Pà Xua chúng tôi men theo con đường mòn trơn trợt, leo qua những dốc đá cheo leo để vào hiện trường vụ phá rừng.
Khi tận mắt chứng kiến hàng trăm cây gỗ lim, sến, dổi... đường kính từ 1-1,5m bị "lâm tặc" đốn hạ chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều cây gỗ bị xẻ ra từng phách nằm rải rác khắp bờ sông chưa kịp chuyển đi, một số nơi "lâm tặc" đã lấy hết số gỗ chỉ để lại hiện trường những gốc cây trơ trọi.
Không chỉ riêng tình trạng sát hạ cây rừng, sau hơn 2 ngày tiếp cận rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, chúng tôi còn chứng kiến tình trạng tàn sát thú rừng quý hiếm một cách dã man. Trong khu rừng đặc dụng này, hàng trăm bẫy thú được đặt khắp nơi. Các lán trại được dựng lại trong rừng để phục vụ cho các đối tượng hoạt động săn bắn trái phép.
Tác giả tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Đăk Mi.
Khoảng 16h10 ngày 5-4-2019, tại một lán trại của người đàn ông tên Kh. chúng tôi gặp 4 người đàn ông đang làm thịt những con thú vừa mới săn bắt được; trong đó, có một con khỉ đầu chó trên 2kg, một con voọc chà vá chân xám vừa bị các đối tượng trên bắn chết để ngay trước lán trại.
Trước cảnh các đối tượng sát hại động vật hoang dã quý hiếm, chúng tôi tìm cách ghi lại một số hình ảnh và chỉ biết nén lòng nhẫn nhịn. Vì nhìn vào trong lán của các đối tượng, chúng tôi phát hiện có một khẩu súng giống AK 47, 2 khẩu súng thể thao dùng để bắn thú rừng. Các đối tượng rất cảnh giác trước sự có mặt của người lạ, dò xét thông tin rất kỹ lưỡng, nhiều lúc còn yêu cầu kiểm tra điện thoại của chúng tôi. Lường trước tình hình, chúng tôi đã nhanh chóng lưu trữ được thông tin, hình ảnh, không để các đối tượng phát hiện...
Thú thật, trong chuyến đi đầu tiên xâm nhập hiện trường vụ phá rừng với bao gian nan, nguy hiểm, trong tôi không khỏi cảm giác lo sợ. Nhưng để đưa được thông tin đến bạn đọc, tôi phải quyết tâm vào rừng bằng được và đến khi mang được những hình ảnh và ra khỏi rừng an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Ngay sau khi có được đầy đủ thông tin, tôi đã nhanh chóng gửi về tòa soạn để đăng tải thông tin đến với bạn đọc. Một loạt tin, bài, phóng sự ảnh được Báo CAND đăng tải với đầy đủ nội dung, hình ảnh xác thực.
Với thông tin này, lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra tình hình, xác định toàn bộ số cây gỗ bị đốn tại hiện trường thuộc các khoảnh 4, 5, 7 của tiểu khu 309 (địa bàn các thôn Pà Xua, Pà Rồng của xã Ta Bhing) và xử lý theo quy định của pháp luật.
Riêng cá thể voọc chà vá chân xám bị giết hại, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã có công văn gửi Công an huyện Nam Giang nhờ xác minh đối tượng giết hại; đồng thời cử cán bộ phối hợp với UBND xã Ta Bhing xác minh các đối tượng khai thác, săn bắn trong rừng đặc dụng như Báo CAND đã phản ảnh...
Về sau, cũng từ nguồn tin người dân cung cấp, tôi đã tiếp cận hiện trường thêm nhiều vụ phá rừng tại các huyện vùng cao Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang... và đã có loạt bài phóng sự điều tra đăng trên Báo CAND.
Cụ thể như, các vụ phá rừng tự nhiên xã Phước Đức (huyện Phước Sơn), phá rừng phòng hộ Sông Tranh (huyện Bắc Trà My), rừng giáp ranh thôn 5 (xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My) với thôn 2 (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), phá rừng phòng hộ Đắk Mi (huyện Phước Sơn), rừng tự nhiên xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn), vụ phá rừng phòng hộ tại hai thôn Pà Căng và Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang).
Sau khi Báo CAND đăng tải, cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, ngăn chặn các vụ phá rừng và truy bắt các đối tượng. Từ vụ rừng phòng hộ Đắk Mi bị tàn phá được đăng tải, Công an huyện Phước Sơn đã xác định 2 đối tượng Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long (cùng trú thôn 4, xã Phước Đức) khai thác gỗ trái phép tại khu vực nói trên.
Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận vào tháng 3-2019, các đối tượng rủ nhau vào rừng phòng hộ Đắk Mi khai thác cây xoan đào nói trên. Hồ Văn Thanh là người trực tiếp cưa hạ cây, xẻ gỗ và thuê Hồ Văn Long phụ cưa xẻ với tiền công 200 nghìn đồng/ngày. Tại nhà đối tượng Thanh, tổ công tác thu giữ 0,624m gỗ xẻ, 1 máy cưa là công cụ Thanh dùng để cưa hạ cây. Công an huyện Phước Sơn đã hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án...
Những chuyến xâm nhập hiện trường phá rừng tuy khó khăn, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng, nhưng đó là những chuyến xâm nhập thực tế giúp bản thân tôi hoàn thiện, học hỏi nâng cao thêm trong nghề làm báo, đó là đi để viết và cung cấp những thông tin mới nhất, chính xác nhất đến bạn đọc...
Hà Vy
Theo cand.com.vn
Nhà báo Hùng Võ và hành trình "lật mặt" tội ác dưới tán rừng xanh Từ những tiếng khóc xé lòng giữa rừng xanh đại ngàn, đến những trận lũ lịch sử gây thiệt hại lớn về người và của, về lâm sản, "vàng đen"... đã thôi thúc nhà báo trẻ Võ Mạnh Hùng thực hiện nhiều loạt bài điều tra về đề tài môi trường và liên tiếp 6 năm liền giành nhiều giải thưởng báo chí......