Những lần sao Việt bị cắt vai vào phút chót
Trước Dustin Nguyễn, không ít ngôi sao khác cũng bị loại khỏi các dự án điện ảnh ngay trước giờ bấm máy vì nhiều lý do khác nhau.
Tinna Tình trong Để M ai tính (2010): Ban đầu, đạo diễn Charlie Nguyễn tính mời Tinna Tình sắm vai nữ chính tên Mai trong Để M ai tính. Nhưng đến gần ngày quay, sức khỏe của nữ diễn viên liên tục giảm sút. Ê-kíp đồng thời nhận được một số tin nhắn không hay về nữ diễn viên. Cuối cùng, nhà sản xuất đành chuyển vai Mai cho Kathy Uyên đảm nhận. Để M ai tính rốt cuộc gặt hái thành công vang dội tại phòng vé và góp phần tạo nên tên tuổi cho nữ đạo diễn Chị chị em em. Sau này, Tinna Tình giải thích rằng mình bị chơi ngải và có người hãm hại nên mới để vụt mất cơ hội vàng.
Trần Bảo Sơn trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015): Vốn là đôi bạn thân thiết, Victor Vũ nhắm Trần Bảo Sơn cho vai Thiều lúc trưởng thành trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tuy nhiên, nhân vật sau đó bị loại khỏi dự án. Trần Bảo Sơn chia sẻ rằng chính anh là người đề xuất cắt vai với nhà làm phim. Theo nam diễn viên, nhân vật của mình có phần thừa thãi và khó đóng góp được gì nhiều cho tác phẩm trong trẻo về tuổi thơ.
Trường Giang trong Hy sinh đời trai (2015): Trường Giang là cái tên nhà sản xuất ban đầu chọn cho vai chính trong Hy sinh đời trai. Nhưng chỉ ít ngày trước khi bấm máy, anh bị đạo diễn Lưu Huỳnh thẳng tay loại bỏ và thay bằng Tấn Beo. Lý do được ông xã của Đinh Y Nhung đưa ra là thái độ ngôi sao và cách làm việc vô trách nhiệm của danh hài xứ Quảng. Tuy nhiên, phía “Mười Khó” lại tuyên bố cả hai không thống nhất được lịch quay và tố ngược rằng phía Lưu Huỳnh mới thiếu chuyên nghiệp. Cuối cùng, Hy sinh đời trai trở thành tác phẩm thảm họa bởi chất lượng không khác gì một chương trình ca nhạc tạp kỹ.
Diệp Bảo Ngọc trong Lời nguyền gia tộc (2017): Vai nữ chính An Nhiên trong Lời nguyền gia tộc vốn được đạo diễn Đặng Thái Huyền nhắm cho Diệp Bảo Ngọc. Đoàn phim đã tổ chức họp báo, đầu tư kinh phí về trang phục cho nữ diễn viên. Nhưng chỉ một tuần trước khi bấm máy, Đặng Thái Huyền tuyên bố ngừng hợp tác với người đẹp vì thái độ thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng ê-kíp. Nhiều nguồn tin cho rằng ngôi sao Ải mỹ nhân không chịu đóng cảnh nóng để giữ hình ảnh “sạch”. Cái tên được lựa chọn để thay thế là Phi Huyền Trang. Song, đây có lẽ là lựa chọn đúng đắn của Diệp Bảo Ngọc khi Lời nguyền gia tộc là bộ phim kinh dị mắc phải rất nhiều thiếu sót.
Video đang HOT
Huỳnh Anh trong Truyền thuyết về Quán Tiên (2019): Hồi tháng 4, cộng đồng mạng xôn xao việc Huỳnh Anh bị cắt vai trong Truyền thuyết về Quán Tiên đúng ngày khởi quay. Theo biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, đoàn phim có đặt vé để nam diễn viên bay cùng ê-kíp đến Đồng Hới nhằm chuẩn bị bấm máy. Song, chàng “hot boy” bỗng nhiên biến mất mà chẳng hề có lý do. Cả đoàn phim liên tục liên lạc với anh mà không được, nên buộc phải chờ đợi suốt ngày dài. Phía Huỳnh Anh giải thích rằng bản thân bị ngộ độc thực phẩm, phải cấp cứu ở bệnh viện sau khi đi ăn mừng vào đêm hôm trước. Do mê man, anh không thể gọi điện báo cho đoàn phim.
Dustin Nguyễn trong Bóng đè: Mới đây, Dustin Nguyễn tỏ ra bức xúc khi bị cắt vai đầy bất ngờ trong dự án kinh dị mới của Lê Văn Kiệt. Theo đó, anh và đạo diễn Hai Phượng đã thỏa thuận xong về vai diễn, mức cát-xê. Dustin Nguyễn cũng đã có những bước chuẩn bị, tập kịch bản với ê-kíp trước khi khởi quay. Tuy nhiên, ngôi sao Dòng máu anh hùng bỗng nhiên bị cắt vai khi đang chuẩn bị về Việt Nam bấm máy với lý do nhà sản xuất không thích ý tưởng của anh, cùng lời giải thích rằng tài tử không đúng độ tuổi nhân vật. Câu chuyện hiện còn chưa ngã ngũ.
Theo zing
Việc làm phim ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức
Đối mặt với thị trường, việc làm phim của chúng ta hiện nay là một bài toán khó tìm ra lời giải. Những khó khăn do chính người Việt gây ra, những thách thức do người nước ngoài áp đặt cùng một số vấn đề khác đã làm cho công việc làm phim của người Việt không khác gì một sự đầu tư mạo hiểm với nhiều rủi ro.
NHỮNG KHÓ KHĂN NỘI TẠI
Sự nghèo nàn về thể loại
Trước đây khoảng mười năm, phim Việt có nhiều thể loại. Nào phim chính kịch, phim nghệ thuật, phim thiếu nhi, phim trinh thám, phim ca nhạc v.v... Những thể loại này đã đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp khán giả. Nhưng từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, thì vấn đề thể loại của phim Việt lại nghèo nàn hơn. Các Hãng phim Nhà nước ít được đầu tư. Và nếu có được đầu tư thì chỉ tập trung làm phim tuyên truyền, phim chính kịch. Và khi các Hãng phim Nhà nước lui về phạm vi hẹp thì một loạt các Hãng phim tư nhân bung ra. Nhưng các Hãng phim tư nhân hầu như chỉ làm một thể loại. Đó là phim hài. Và sau khi có làn sóng Việt kiều về nước làm phim, ngoài thể loại hài, còn có thêm một thể loại nữa là loại phim võ thuật - hành động. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, cho đến tận bây giờ. Sự đơn điệu về thể loại đã làm cho thị hiếu của khán giả cũng nghèo nàn hơn.
Song Lang thất bại có phải bởi thị hiếu người xem quá nghèo nàn
Bây giờ, người xem rất khó tiếp cận với các thể loại khác. Chẳng hạn như phim nghệ thuật hay phim chính kịch. Việc khán giả không hưởng ứng với phim Song Lang đã chứng minh điều này. Tuy còn một vài hạt sạn mà lẽ ra không nên có, tuy nhiên, phim Song Lang vẫn được giới chuyên môn có trách nhiệm đánh giá là một phim nghệ thuật tốt, cần được tôn trọng và khích lệ. Nhưng một phần giới truyền thông và đa số khán giả lại không hưởng ứng. Có lẽ, thị hiếu của người xem đã mặc định trong hai thể loại trên. Điều đó như dấu hiệu đáng lo ngại cho một số phim Việt của các Hãng phim Nhà nước sắp ra mắt như Truyền thuyết về Quán Tiên, Hợp đồng bán mình và Lính chiến .
Những phim này, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, còn có nhiều ý nghĩa xã hội khác. Song giới truyền thông và khán giả lại không chú ý, không phân biệt sự khác nhau giữa nhiệm vụ của các Hãng phim Nhà nước và các Hãng phim tư nhân. Họ chỉ có một cái nhìn duy nhất, nếu không nói là thiển cận và áp đặt. Sự định kiến này đã kéo dài nhiều năm. Cái nhìn hẹp hòi và thiếu hiểu biết của họ đã gây ra nhiều phiền lụy không đáng có đối với nhiều bộ phim chân chính. Trong khi đó, chính họ lại cổ vũ một cách mạnh mẽ cho những bộ phim lai căng, bạo lực. Chính sai lầm một cách cố tình như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc đưa phim Việt ra ngoài biên giới. Một đạo diễn Việt kiều đã phải cay đắng thừa nhận: "Phim chúng tôi làm ở Sài Gòn nhưng chết ở Cà Mau!".
Phim hài có vẻ là công thức quen thuộc và an toàn cho các nhà làm phim Việt
Lượng khán giả hạn chế
Khán giả điện ảnh của chúng ta hôm nay là ai? Đa số là những người trẻ. Tuổi của họ khoảng từ 15 đến 25. Phải nói rằng, họ cũng yêu phim Việt. Bằng chứng là họ đổ xô đi xem các phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hoặc Hai Phượng... Nhưng số lượng phim Việt hấp dẫn không nhiều. Thị hiếu người xem lại quay về với phim ngoại mang phong cách Hollywood. Số khán giả này hầu như chỉ thích xem phim giải trí. Những bộ phim đặt ra những vấn đề nghiêm túc không làm họ quan tâm. Họ đã hình thành thói quen hưởng thụ, thích xem những gì dễ dãi, không phải suy nghĩ.
Vì vậy, khi các số liệu thống kê hàng năm đưa ra là thị trường phim Việt có doanh thu hàng trăm triệu USD hay số lượng khán giả lên đến hàng chục triệu lượt người v.v... hầu như hết sức phiến diện. Bởi những người xem như vậy không thể là đại diện cho khán giả Việt Nam. Người xem Việt vẫn rất cần những bộ phim đề cập đến đời sống của chính mình, nói lên những tâm tư của họ, với yêu cầu là những phim đó phải hay.
Phim hành động Hai Phượng hiện đang giữ kỷ lục doanh thu của phim Việt
Hiện tượng nhiều khán giả trung niên, đứng tuổi đi xem phim Ký sinh trùng ( Parasite) của Hàn Quốc vừa qua là một minh chứng. Chính vì số lượng khán giả hạn chế về độ tuổi, hạn chế về thói quen thẩm mỹ đã như những barie ngáng trở những bộ phim chính kịch, những bộ phim nghệ thuật của chúng ta đến với thị trường. Trong khi chính họ mong muốn có được lòng tự hào dân tộc, nhưng do cái nhìn hạn chế và bị động, bị giới truyền thông bất lương dẫn dắt, chính họ đã tự bắn vào trái tim mình.
Sự bắt chước phim nước ngoài và lạm dụng công nghệ
Đây là một hạn chế mà những người làm phim không dễ vượt qua. Nhiều khán giả yêu phim đã lên tiếng về sự giống nhau một cách cố ý giữa nhiều phim Việt với phim Mỹ hay phim Hàn Quốc. Người viết bài này luôn khích lệ các nhà làm phim của chúng ta cần học hỏi đồng nghiệp quốc tế. Nhưng quan trọng hơn là sự sáng tạo. Trong thời đại internet, không dễ gì qua mắt được người xem về các tình tiết, các bối cảnh hay các cốt truyện v.v... mà họ đã gặp đâu đó nhưng còn sờ sờ trên mạng. Chính sự nghèo nàn về tư duy và cảm xúc của các nhà làm phim Việt đã dẫn đến những sự bắt chước. Điều này đã hạn chế phim Việt tiếp cận thị trường quốc tế, dù phim nào chúng ta cũng làm phụ đề tiếng Anh.
Cảnh trong phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc
Một vấn đề khác khiến phim Việt gặp khó khăn, đó là sự lạm dụng công nghệ điện ảnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ xảo và âm thanh. Nhiều phim, việc sử dụng kỹ xảo rất phản cảm, gây khó chịu cho người xem. Chính những người làm kỹ xảo cũng không hiểu gì về nội dung của đoạn phim hay tâm trạng nhân vật. Họ chỉ thích làm cho sướng. Người xem đặt câu hỏi: Tại sao Nhà sản xuất và đạo diễn lại đánh mất quyền kiểm soát nội dung phim một cách dễ dãi như vậy? Về mặt âm thanh. Nhiều khi, âm thanh chói tai một cách quá đáng. Âm thanh lấn át cả phần âm nhạc, dìm hết đối thoại, thậm chí nổi bật hơn cả bối cảnh và nhân vật. Sự lạm dụng những yếu tố kỹ thuật khiến người xem không còn hứng thú với bộ phim. Và số phận bộ phim sẽ chết yểu.
Vấn đề quảng cáo - marketing cho phim
Vấn đề này, các Hãng phim tư nhân luôn dành một khoản kinh phí lớn để gây sự chú ý của người xem, kéo họ đến rạp. Song, đối với các Hãng phim Nhà nước, đây lại là vấn đề xa lạ. Bởi những người duyệt kinh phí làm phim lại không quan tâm đến việc quảng bá phim. Vì vậy, trong các khâu làm phim, các Hãng phim Nhà nước luôn không có khâu marketing. Nhưng giới truyền thông và khán giả lại không hiểu điều này. Thời buổi không quảng bá sản phẩm đã qua từ thế kỷ trước. Trách ai bây giờ? Bộ Tài chính chăng? Bộ Văn hóa chăng? Hay giới truyền thông? Hay người xem? Hay chính các Hãng phim? Một câu hỏi, một vấn đề ai cũng thấy rõ nhưng không ai giải quyết, không ai chịu trách nhiệm. Bao tội lỗi đổ lên bộ phim và đoàn làm phim!
Marketing và đấu tranh ở đầu ra cho phim Việt cũng là bài toán cần nhìn lại
NHỮNG KHÓ KHĂN BÊN NGOÀI
Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, đó là sự thống trị của các tập đoàn nước ngoài, tiêu biểu là CGV và Lotte. Theo Luật đầu tư, họ được chính phủ Việt Nam ưu đãi về nhiều mặt như vấn đề thuế, thuê mặt bằng và nhập khẩu phim. Trong khi đó, chính Nhà nước lại đặt ra nhiều quy định gây khó khăn cho các nhà sản xuất phim Việt, đặc biệt về thuế. Việc các Tập đoàn quốc tế áp đặt luật chơi đối với nền điện ảnh non trẻ Việt Nam buổi đầu tiếp cận cơ chế thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân điện ảnh Việt lao đao bên bờ vực phá sản. Chúng ta cần tập hợp lại dưới một tổ chức nghề nghiệp chính đáng, đấu tranh đòi lại quyền công bằng và bình đẳng trong việc kinh doanh, sản xuất phim, trong việc nhập khẩu phim, trong việc quy định thời lượng giờ chiếu dành cho phim Việt, trong việc bố trí những phòng chiếu thích hợp cho phim Việt v.v...
Những khó khăn của phim Việt nhắc tới trong bài không thể giải quyết nhanh được. Cũng không thể giao việc này cho ai. Nó cần sự nhận thức lại từ nhiều phía. Nó cần sự hành động một cách cụ thể. Và nó cần sự suy nghĩ và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Theo thegioidienanh.vn
Đạo diễn của những bom tấn siêu hot Victor Vũ: Tốt nghiệp xuất sắc trường Điện ảnh hàng đầu tại Mỹ, 7 tuổi đã huy động dòng họ đóng kịch, quay phim Victor Vũ đang được xem là "ông vua không ngai" của phòng vé bởi các bộ phim do anh làm đạo diễn đều tạo được tiếng vang lớn. Không nói chắc có lẽ các bạn cũng sẽ biết, bộ phim gây được tiếng vang lớn trong thời điểm mùa Giáng sinh năm 2019 tại các phòng vé là Mắt Biếc, được chuyển thể...