Những lần lễ trao giải Nobel bị hủy
Chiến tranh, bê bối, tranh cãi ngoại giao từng khiến các lễ trao giải Nobel bị hủy và quy mô sự kiện năm nay cũng bị thu hẹp do Covid-19.
Các giải thưởng Nobel sẽ được công bố trong tuần này, tuy nhiên sự kiện trao giải vào tháng 12 không thể diễn ra như thông lệ. Các buổi lễ và tiệc trao giải Nobel truyền thống vào ngày 10/12 tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, sẽ được thay thế bằng sự kiện truyền hình trực tiếp, trong đó những người đoạt giải trong lĩnh vực y học, vật lý, hóa học, văn học và kinh tế sẽ nhận giải thưởng từ quê nhà.
Buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình ở Oslo được tổ chức cùng ngày vẫn sẽ diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ hơn và phần tiệc chiêu đãi bị hủy.
Huy chương Nobel bằng vàng, chạm hình nhà sáng lập giải thưởng Alfred Nobel được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học ở Singapore năm 2015. Ảnh Shutterstock.
Trong quá khứ, giải thưởng Nobel từng nhiều lần bị hủy do các lý do khác nhau. Năm 1948, vài tháng sau khi Mahatma Gandhi qua đời, giải Nobel Hòa bình đã không được trao để tỏ lòng kính trọng đối với ông, người chưa bao giờ đoạt giải, điều mà nhiều người coi là một thiếu sót lịch sử. Ủy ban Nobel khi đó cho hay “không có ứng viên còn sống nào phù hợp” để nhận giải thưởng này.
Tổng cộng 49 giải thưởng đã không được trao kể từ các giải Nobel đầu tiên vào năm 1901, hầu hết là trong lĩnh vực hòa bình với 16 lần.
Việc trao giải cũng có thể bị hoãn giống trường hợp năm 2018, khi bê bối nhấn chìm Viện Thụy Điển trong việc lựa chọn người giành giải Nobel Văn học. Giải thưởng Nobel Văn học 2018 sau đó được trao vào năm 2019 cho tác giả người Ba Lan Olga Tokarczuk.
Dù Thụy Điển giữ vị trí trung lập trong hai cuộc thế chiến, các ủy ban Nobel vẫn hạn chế trao giải trong thời kỳ này, nhất là trong Thế chiến II. Họ viện dẫn cả lý do về đạo đức và hậu cần, cũng như thực tế là các ủy ban ở Stockholm không còn được tiếp cận với các ấn phẩm khoa học.
Video đang HOT
Na Uy, nơi trao giải Nobel Hòa bình, bị Đức Quốc xã chiếm đóng từ tháng 4/1940, vì thế giải thưởng này đã không được trao từ năm 1939 đến 1945. Giải thưởng năm 1944 đã được trao lại cho Hội Chữ thập đỏ.
Tại Stockholm, các giải thưởng được trao lại từ năm 1944, dù lễ trao giải vào tháng 12 năm đó vẫn bị hủy.
Năm 1924, ban tổ chức đã hủy bỏ các buổi lễ trao giải chính thức ở Stockholm và Oslo do nhiều người đoạt giải bị ốm, trong đó có nhà văn Ba Lan Wladyslaw Reymont, và các giải thưởng Hóa học và Hòa bình không được trao cho ai. Đó là lần duy nhất các buổi lễ bị hủy trong thời bình.
Nhà hóa học Frances Arnold nhận giải Nobel 2018 từ Quốc vương Carl XVI Gutaf của Thụy Điển. Ảnh: AFP.
Một số người đoạt giải qua nhiều năm không thể dự lễ trao giải Nobel vì lý do chính trị. Nhà báo kiêm nhà hòa bình Đức Carl Von Ossietzky bị giam ở một trại tập trung của Đức Quốc xã và đã không thể nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1936. Ông qua đời hai năm sau đó.
Lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi cũng bị quản thúc tại gia khi đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 và không thể trực tiếp nhận giải cho đến năm 2012.
Trong khi đó, nhiều giải thưởng không được trao do người đoạt giải từ chối nhận. Nhà triết học Pháp Jean-Paul Sartre đã từ chối giải thưởng văn học vào năm 1964.
Năm 1973, đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình để ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973, theo đó Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa lập lại tại Việt Nam. Còn Kissinger yêu cầu đại sứ Mỹ tại Na Uy thay mặt mình nhận giải.
Vào những năm 1930, ba nhà khoa học Đức được trao giải Nobel là Richard Kuhn, và Adolf Butenandt trong lĩnh vực hóa học, và Gerhard Domagt trong ngành y. Tuy nhiên, Hitler cấm bất kỳ người Đức nào được nhận giải. Ba nhà khoa học trên phải nhận giải Nobel sau khi chiến tranh kết thúc.
Hồi chuông báo thức 'tuyệt vời nhất' với chủ nhân giải Nobel Y Sinh
Harvey Alter, chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đang ngủ khi Hội đồng Nobel gọi điện báo tin ông là một trong ba người nhận giải Nobel Y Sinh.
"Đây là hồi chuông báo thức tuyệt vời nhất từ trước đến nay", nhà khoa học 85 tuổi chia sẻ ngày 5/10. Ông lập tức báo tin vui với vợ.
"Tôi đánh thức bà ấy dậy. Bạn biết đấy, cảm giác như ở thế giới khác. Đây là điều bạn chưa từng tưởng tượng sẽ xảy ra, đôi khi bạn không nghĩ rằng mình xứng đáng. Và nó ập trên trong 'năm Covid', khi mọi thứ bị đảo lộn. Điều này thật tuyệt vời".
Tiến sĩ Harvey Alter. Ảnh: NIH
Ba nhà khoa học Michael Houghton, Charles Rice và Harvey Alter chung nhau giải thưởng Nobel Y Sinh 2020 cho công trình nghiên cứu tìm ra virus viêm gan C. Họ nói rằng "giải Nobel là thành tựu lớn sau hơn 20 năm miệt mài làm việc".
Michael Houghton, người Anh, 70 tuổi, là chuyên gia vi sinh làm việc cho Đại học Alberta ở Canada. Chiều 5/10, trong cuộc phỏng vấn với Adam Smith, giám đốc khoa học của Nobel Media, ông cho biết quá trình tìm ra virus viêm gan C vô cùng gian nan và gặp nhiều thách thức.
"Chúng tôi đã áp dụng những phương pháp hiện có, sử dụng ít nhất 30 cách tiếp cận khác nhau, mất khoảng 7 đến 8 năm cho công trình này. Sau khi nhân bản hàng trăm triệu mẫu, chúng tôi thu được duy nhất một virus hoàn chỉnh", ông nói.
Ông nhớ lại những ngày tháng dài lái xe trên con đường đến Đại học Alberta để làm việc cùng đồng nghiệp của mình. Có thời điểm, cả nhóm cảm thấy vô cùng áp lực.
"Nhìn những khách sạn đang khởi công xung quanh Viện, tôi nghĩ mình sẽ hoàn tất dự án trước khi chúng được xây dựng xong. Nhưng khi chúng tôi thành công, có lẽ họ đã xây được 10 khách sạn rồi", giáo sư chia sẻ.
Sau khi tìm ra virus C, các nhà khoa học lập tức nghiên cứu kit xét nghiệm máu siêu nhạy. Houghton cho rằng đây là công việc vô cùng cấp thiết, giúp bảo vệ nguồn máu cứu sinh. Giai đoạn diễn ra khá nhanh chóng, song thách thức tiếp theo là tìm phương pháp điều trị virus. Điều này tốn nhiều thời gian hơn.
"Toàn giới y khoa đã mất 20 năm để đạt được thành tựu đó. Giờ chúng ta có loại thuốc hiệu quả, an toàn và dùng được cho tất cả mọi người", ông nói.
Giáo sư Charles Rice (phải) làm việc tại phòng thí nghiệm với một sinh viên. Ảnh: Rokefeller University
Tuy nhiên, viêm gan C vẫn là mầm bệnh nguy hiểm, giết chết hơn 400.000 người mỗi năm. Theo giáo sư Houghton, cách tối ưu để diệt trừ hoàn toàn virus là sử dụng vaccine. Ông và các đồng nghiệp ở Đại học Alberta đang nghiên cứu phiên bản hiệu quả hơn của các liều tiêm ngừa viêm gan C.
Charles Rice, giáo sư tại Đại học Rockefeller ở New York, đồng chủ nhân giải Nobel Y Sinh năm nay, chia sẻ cảm thấy rất vui mừng khi được làm việc trong cộng đồng chuyên gia. Đạt giải Nobel khi Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, ông nhận định: "Đại dịch đang thay đổi cách giới khoa học làm nghiên cứu. Nó cho thấy con người có thể giành được những thành tựu gì nếu đồng lòng làm việc".
Campuchia tiếp tục đóng cửa các trường học để ngăn chặn dịch Covid-19 Các công tố viên Thụy Điển sẽ đưa ra kết luận về cuộc điều tra vụ Thủ tướng Olof Palme bị ám sát năm 1986 vào ngày 10/6. 34 năm sau khi Thủ tướng Olof Palme qua đời, người Thụy Điển đều hy vọng cảnh sát cuối cùng có thể tìm ra kẻ đã ám sát ông khi ông đang đi bộ từ...