Những lá bài còn lại để Mỹ “dằn mặt” Triều Tiên
Giới chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa trong những tuần gần đây, bao gồm tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản vào sáng 29/8, sẽ khiến Bình Nhưỡng phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Chưa đầy một tuần sau khi Mỹ tuyên bố Triều Tiên dường như đã dừng “các hành động khiêu khích”, Bình Nhưỡng ngay lập tức phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản vào sáng sớm ngày 29/8. Vụ phóng này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng liên tiếp 3 tên lửa tầm ngắn hơn vào cuối tuần trước.
“Động thái khiêu khích mới nhất của Triều Tiên sẽ càng khiến Mỹ và các nước đồng minh tiến hành thêm các biện pháp để gây sức ép với Bình Nhưỡng, cũng như chính phủ các nước và các doanh nghiệp làm ăn với Triều Tiên”, Giám đốc Nhóm Âu – Á Scott Seaman nhận định.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/8 đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Nghị quyết này nhắm đến mục tiêu giảm 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên bằng cách cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu các mặt hàng như than đá, quặng sắt và hải sản.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngay cả các biện pháp trừng phạt trên cũng chưa đủ mạnh để buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, vốn đang phát triển ngày càng nhanh của nước này.
Vậy Tổng thống Donald Trump còn có thể nhắm tới những gì ở Triều Tiên để tiếp tục trừng phạt?
Dệt may
Các công nhân Triều Tiên làm việc bên trong một nhà máy sản xuất giày tại ngôi làng gần thành phố Đan Đông, Trung Quốc – khu vực giáp biên giới với Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Video đang HOT
Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 90% kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên, và Bắc Kinh cũng đóng vai trò cầu nối then chốt giữa chính quyền Triều Tiên với nền kinh tế toàn cầu. Các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc đã cấm 3 trong số 5 nhóm sản phẩm mà Trung Quốc mua nhiều nhất từ quốc gia láng giềng. Theo đó, vẫn còn 2 nhóm sản phẩm khác chưa nằm trong nhóm bị trừng phạt là vải vóc và quần áo.
Hiện vẫn chưa rõ ngành công nghiệp dệt may của Triều Tiên đang phát triển ở mức nào. Trong khi đó, theo giới phân tích, một số dữ liệu thương mại cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên trong ngành công nghiệp này đã giảm vào năm ngoái.
Tuy nhiên, một báo cáo mới được Reuters ghi nhận gần đây từ khu vực gần biên giới Trung Quốc – Triều Tiên cho thấy các công ty Trung Quốc đang tăng cường tận dụng các nhà máy Triều Tiên để sản xuất quần áo, sau đó gắn mác sản xuất ở Trung Quốc (Made in China) và xuất khẩu ra nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng quy mô của ngành công nghiệp dệt may Triều Tiên sẽ biến ngành này trở thành mục tiêu “tiềm năng” của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước đồng minh tính áp đặt lên Bình Nhưỡng trong tương lai.
Dầu thô
Công nhân Triều Tiên làm việc trong một nhà máy (Ảnh: China Dailymail)
Các mặt hàng xuất khẩu từ Triều Tiên sang Trung Quốc đã giúp Bình Nhưỡng có được nguồn thu quan trọng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng xuất khẩu sang Triều Tiên những mặt hàng mà Bình Nhưỡng cần để duy trì hoạt động của nước này.
Đứng đầu trong danh sách các mặt hàng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên hiện nay là dầu thô. Các chuyên gia trước đó đã tranh luận rằng dầu thô lẽ ra phải nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
Mặc dù vậy, gần như không thể tính toán chính xác khối lượng dầu thô mà Trung Quốc đã bán cho Triều Tiên vì Bắc Kinh không đưa mặt hàng này vào các số liệu hải quan từ cách đây vài năm.
Việc thiếu minh bạch trong các số liệu về dầu thô giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã làm dấy lên sự hoài nghi trong giới chuyên gia. Nhiều người cho rằng Bắc Kinh có thể vẫn ngầm bán dầu cho Triều Tiên và không thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Các ngân hàng Trung Quốc
Khu vực biên giới Triều Tiên – Trung Quốc (Ảnh: AFP)
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực thi các biện pháp để trừng phạt các công ty Trung Quốc có quan hệ làm ăn ngầm với chính quyền Triều Tiên.
Tuần trước, một loạt công dân và tổ chức Trung Quốc đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen vì quan hệ bất hợp pháp với Triều Tiên. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 6 đã phong tỏa một ngân hàng Trung Quốc, không cho ngân hàng này tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ vì làm ăn với Triều Tiên.
Tuy nhiên, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Anthony Ruggiero cho rằng Mỹ cần hành động mạnh tay hơn nữa đối với các ngân hàng Trung Quốc, bao gồm việc áp đặt các khoản phạt lớn.
“Các ngân hàng Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong hoạt động của mạng lưới ngầm với Triều Tiên và chính quyền Tổng thống Trump cần nhắm mục tiêu tới các ngân hàng này để nâng sức ép lên một cấp độ mới”, ông Ruggiero nhận định.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đẩy Triều Tiên tới bờ vực sụp đổ kinh tế và buộc Bình Nhưỡng phải thay đổi lập trường về vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, Trung Quốc vẫn muốn Triều Tiên đóng vai trò như một vùng đệm chiến lược nhằm chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Á. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không muốn đối mặt với một kịch bản hỗn loạn trong trường hợp chính quyền Triều Tiên sụp đổ.
Trong khi đó, một số chuyên gia cảnh báo nếu Tổng thống Trump gây áp lực quá mạnh với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, thì chính Washington sẽ phải chứng kiến sự phản kháng của người Trung Quốc nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Guam không bất ngờ trước tên lửa bay qua Nhật của Triều Tiên
Giới chức Guam cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên không làm gia tăng các mối đe dọa với hòn đảo này.
Căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại Guam. Ảnh: USAF.
Các quan chức Guam hôm nay tuyên bố mức độ đe dọa đối với hòn đảo không thay đổi và người dân trên lãnh thổ thuộc Mỹ này vẫn an toàn sau khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản và rơi xuống khu vực phía bắc Thái Bình Dương, theo AP.
Truyền thông Triều Tiên hôm nay dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng cuộc phóng thử tên lửa Hwasong-12 bay qua Nhật Bản này là "bước khởi đầu để kiềm tỏa Guam".
Tuy nhiên, George Charfauros, cố vấn An ninh Nội địa Guam, nói rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không gây bất ngờ vì Bình Nhưỡng có truyền thống tăng cường các hành động và lời lẽ mang tính chất "đe dọa" trước mỗi đợt tập trận chung thường niên của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Một người dân trên đảo Guam khẳng định không cảm thấy quá lo lắng trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhưng cho rằng việc Bình Nhưỡng ngày càng hoàn thiện công nghệ tên lửa là dấu hiệu đáng quan ngại.
Trước đó, Triều Tiên từng đe dọa tấn công Guam bằng 4 tên lửa đạn đạo Hwasong-12 nhằm đáp trả những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau đó tuyên bố hoãn kế hoạch này.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Triều Tiên nói sẽ buộc Mỹ phải "ngoan ngoãn nghe lời" Hãng thông tấn Triều Tiên khẳng định nước này sẽ "mài sắc thanh kiếm hạt nhân" để chống Mỹ. Tên lửa Triều Tiên đạt được nhiều bước tiến quan trọng thời gian qua. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) vừa phát đi thông báo mới nhất, tuyên bố sẽ "mài sắc thanh kiếm hạt nhân", đề phòng cuộc chiến với Mỹ...