Những kiều nữ tạo ’sức nặng’ cho ‘Cánh đồng bất tận’
Dù gặp nhiều ý kiến trái chiều về vai diễn nhưng Hải Yến là hình tượng rất thuyết phục cho bộ phim. Lan Ngọc có thể coi là một phát hiện mới của điện ảnh, duy có Tăng Thanh Hà phải chăng chỉ một chiêu PR vì cô là gương mặt hot?
Đỗ Thị Hải Yến
Trước, trong và sau khi Cánh đồng bất tận hoàn thành, Đỗ Thị Hải Yến là diễn viên được nhắc đến nhiều nhất. Bởi Hải Yến là một diễn viên mà tên tuổi cô gắn với những vai diễn nặng kí trong những bộ phim đình đám như Người Mỹ trầm lặng, Chuyện của Pao, Chơi vơi…
Khi bộ phim được công chiếu, vai Sương của cô trở thành một trong những tâm điểm gây tranh cãi. Bỗng nhiên Hải Yến tham gia vào việc sửa kịch bản biến Sương từ cô gái điếm miền Tây thành cô gái làm tiền gốc Bắc. Những câu thoại cụt ngủn, thiếu tự nhiên, thêm vào giọng Bắc có vẻ lạc lõng với không khí trong phim khiến Yến hứng chịu không ít lời chê của giới phê bình và khán giả. Tuy nhiên liệu có quá áp đặt khi cho rằng nhân vật của Yến phải giống hệt như trong nguyên tác, rằng cô phải như thế này, như thế kia hay không? Liệu rằng vai diễn của Hải Yến có “đáng thất vọng”, “phá hỏng tất cả” nhưng người ta nói?
Nhưng khó có thể tìm được diễn viên nào thuyết phục hơn Yến từ ngoại hình cho tới bản lĩnh diễn xuất. Yến có khuôn mặt đẹp ở mọi góc quay, và khả năng biểu cảm tinh tế. Quan trọng hơn nữa là cô tâm huyết và hết mình vì vai diễn. Cô khiến người ta bật cười khi đang đau vẫn nhổm dậy, ánh mắt mơ màng nhìn Út Võ nói: “Ba mấy cưng đẹp trai ghê!” Yến lột tả được tâm trạng thay đổi khi Sương tràn trề hi vọng, xăng xái chuẩn bị bữa cơm sau đêm ân ái với Út Võ tới đôi mắt rưng rưng, nụ cười cay đắng khi bị Út Võ ném tiền trước mặt: “Trả cho hồi hôm!”
Cảnh nóng của Hải Yến và Dustin cũng là cảnh quay đẹp. Có ý kiến cho rằng nó đẹp quá, Hollywood quá, nhưng quả thực nó không thể trần trụi và bạo liệt hơn vì bị ràng buộc bởi yếu tố thẩm mĩ và phong tục. Chi tiết hai nhân vật chuyển đổi tư thế, chi tiết Sương cố gắng hôn Út Võ cho thấy cảnh nóng trong phim không đơn thuần để câu khách mà mang nhiều dụng ý nghệ thuật. Có thể có những đoạn mà kịch bản và bàn tay đạo diễn xử lí còn lúng túng khiến cho vai diễn của cô còn sượng sùng và vô duyên, nhưng Yến đã làm tốt hết mức có thể vai trò của mình.
Ninh Dương Lan Ngọc
Video đang HOT
Lan Ngọc trong vai Nương được coi là phát hiện mới của điện ảnh Việt Nam. Không được xuất hiện trên poster, không đi được tới dự LHP Pusan 2010 là thiệt thòi lớn cho vô chỉ vì cô không phải diễn viên ngôi sao. Lan Ngọc có ngoại hình đẹp và phù hợp với vai diễn. Khuôn mặt phúc hậu giống như tính cách bao dung của cô. Ánh mắt biết nói, cùng nụ cười rạng rỡ. Nụ cười ấy khiến cho khán giả cũng bớt đi bất an trước cái kết cô ôm bụng bầu đi giữa cánh đồng bất tận. Có thể nói vai diễn của cô tròn trịa tới mức dường như bù đắp được nhiều thiếu sót đáng tiếc trong phim. Lan Ngọc đã diễn đầy cảm xúc, với giọng kể buồn bã đi vào lòng người. Không cần lên gân, nhăn nhó như bệnh trầm kha của một bộ phận không ít diễn viên Việt Nam hiện nay. Cảnh bị làm nhục cũng được Lan Ngọc diễn rất đạt. Không quằn quại khóc lóc, đôi mắt thất thần của Lan Ngọc đã lột tả được nội tâm giằng xé của nhân vật. Tất cả những xúc cảm thảng thốt, đau đớn, bất lực, tủi nhục được thể hiện rất rõ, khiến cho người ta xót thương thực sự. Dường như không ai có thể cầm được nước mắt trước bi kịch mà Nương phải gánh chịu.
Tăng Thanh Hà
Có lẽ đạo diễn mời Tăng Thanh Hà vì cô là cái tên ăn khách. Cũng có thể vì cô có khuôn mặt… giống Lan Ngọc. Đành rằng đất diễn của Tăng Thanh Hà cũng hạn chế, nhưng ngay từ ngoại hình cũng thấy là “ngọc nữ” của điện ảnh Việt Nam không thuyết phục được khán giả trong vai diễn này. Cái nhíu mày đáng yêu, nụ cười hồn nhiên mà Hà bê nguyên xi từ Bỗng dưng muốn khóc hay Đẹp từng centimet qua đây không phù hợp với hình ảnh của một bà mẹ hai con.
Sự xuất hiện của Tăng Thanh Hà mờ nhạt, quá đẹp và trôi lướt qua như một đoạn clip ca nhạc về cuộc sống sông nước miền Tây được lồng vào phim. Nhân vật người mẹ không phải một nhân vật sâu sắc. Theo ông Võ khi chưa biết đi đâu về đâu. Chồng đi biền biệt, gạo hết và không biết phải làm gì, thế là dễ dàng ngã vào tay người đàn ông khác. Cũng không đủ bản lĩnh để đối diện với sai lầm của chính mình trước các con. Mọi việc diễn ra trong khoảng thời gian rất nhanh, nhanh như quyết định của người mẹ bé Nương, quyết định trốn chạy. Nhưng cho dù chỉ xuất hiện trong ít phát qua dòng hồi ức của Nương thì Tăng Thanh Hà vẫn chưa thể hiện được phần nào nội tâm của người mẹ khi phản bội chồng vì thèm khát một cuộc sống tốt hơn, tâm trạng khi bị con phát hiện ra việc làm tội lỗi của mình dẫn đến việc rũ bỏ lại tất cả. Hà đúng như một khách mời hồn nhiên khoe vẻ tươi tắn, xinh đẹp của mình vậy.
Chỉ vì cô là cái tên nóng, được kì vọng nhiều, chỉ vì người ta ra sức PR cho vai diễn của cô như một cách để câu khách, vì vậy nên khán giả mới thất vọng, xem ra, đây cũng là một chiêu PR phản tác dụng.
Cô Chín là một vai phụ, chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn phim nhưng vai diễn này của Mỹ Uyên lại khiến nhiều khán giả có ấn tượng sâu sắc. Mặc dù ban đầu cô từng xin casting vai Sương của Hải Yến, nhưng sau đó khi được mời đóng vai cô Chín, Mỹ Uyên cũng vui vẻ nhận lời và rất hài lòng với vai diễn của mình. Cô đã diễn tả được hình ảnh người đàn bà nhẹ dạ và khát thèm tình yêu. Cô Chín là một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ. Khi gặp ông Út Võ, trước ánh mắt say đắm và nụ cười tình tứ của ông, cô tin rằng Út Võ yêu mình nên đã bỏ lại hai đứa con để theo Út Võ sống cuộc sống trôi nổi. Để rồi khi biết mình chỉ là một người đàn bà như rất nhiều người đàn bà khác, cô đứng như chết trân, bẽ bàng trong ánh sáng hoàng hôn nhập nhoạng. Cô khiến khán giả giận mà vẫn thương, vì xét cho cùng, chỉ vì cô đã trao gửi trái tim nhầm người.
Những vai nữ chính trong bộ phim đã khắc họa lên số phận của những người phụ nữ muốn yêu và được yêu. Họ đều thành công ở một mức độ nào đó vì khiến cho khán giả thực sự xót thương và trân trọng.
Minh Phương
Theo Bưu điện Việt Nam
Cánh đồng bất tận "hút hồn" đông đảo dân Hàn Quốc
Cánh Đồng Bất Tận là bộ phim duy nhất của Việt Nam tham gia tranh giải Liên hoan phim quốc tế Pusan lần thứ 15 - Liên hoan phim lớn nhất của Châu Á diễn ra từ ngày 7 tới 15/10/2010 tại thành phố Pusan của Hàn Quốc. Phim được chiếu vào lúc 21h30 tối ngày 9/10 (theo giờ Hàn Quốc) và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Trên một trang twitter cá nhân, một cư dân mạng đã nhận xét rằng anh không thể rời mắt khỏi một giây nào của phim Cánh Đồng Bất Tận.
Phiên bản poster phim tại LHP Pusan.
Dựa trên giọng văn miêu tả sâu sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bộ phim Cánh Đồng Bất Tận nổi bật lên với những khung hình nghệ thuật về cuộc sống miền sông nước trong giai đoạn hiện nay. Sau 6 năm kể từ khi đọc được truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình mới bắt tay vào làm phim. Chính tác giả Nguyễn Ngọc Tư cũng từng thừa nhận rất khó khi chuyển tải truyện thành kịch bản làm phim, nhưng với những nỗ lực và niềm đam mê nghệ thuật của cả đoàn làm phim, bộ phim điện ảnh Cánh Đồng Bất Tận đã ra đời.
Cánh Đồng Bất Tận là những lát cắt về cuộc sống "theo vịt chạy đồng" của Điền và Nương - hai đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình thương, về người phụ nữ "ăn sương" dạt về miền quê nghèo kiếm sống, và ông Võ cọc cằn, cay đắng đàn bà khi vợ phản bội. Những mảnh ghép không lành lặn của cuộc đời đã đến với nhau, nhưng lại không thể ghép lại thành một gia đình trọn vẹn vì những mặc cảm cá nhân và định kiến xã hội.
Võ (Dustin Nguyễn thủ vai) cùng hai đứa con Điền và Nương dẫn đàn vịt của mình đi hết cánh đồng này tới cánh đồng khác trong sự đe dọa của nạn dịch lẫn sự truy đuổi gắt gao của cán bộ kiểm dịch. Nỗi cay đắng bị vợ phụ bạc đã biến Võ trở thành một người đàn ông cộc cằn và luôn là nỗi khiếp sợ của 2 chị em.
Một ngày kia, chiếc thuyền bé nhỏ của ba cha con họ bất đắc dĩ phải cưu mang thêm Sương (Đỗ Thị Hải Yến thủ vai) - một cô gái điếm bị dân làng đánh tơi tả. Sương nhẫn nhục chịu đựng mọi đắng cay để vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình. Tuy nhiên, ở một nơi khốn khó với bao nguy hiểm luôn rình rập như vậy, liệu Sương và ba cha con Võ có bao giờ được tận hưởng giây phút bình yên...
Bộ phim không hẳn là sự chuyển thể hoàn toàn từ truyện lên phim, mà là chắt lọc những góc nhìn nghệ thuật tinh tế của những nhà điện ảnh, những người làm phim Việt Nam về câu chuyện mang đầy tính hiện thực và nhân văn như Cánh Đồng Bất Tận. Kết cấu bộ phim không đi theo kết cấu truyện, có những chi tiết đã được thêm vào trong phim để làm nổi bật lên tính cách của nhân vật. Sức hấp dẫn của tác phẩm văn học, sự đầu tư nghiêm túc và quy mô về mặt sản xuất và đặc biệt là sự đánh giá cao của cộng đồng làm phim quốc tế càng làm tăng thêm sức nóng cho bộ phim.
Cánh Đồng Bất Tận có sự tham gia của nhiều nhà làm phim tên tuổi như nhà biên kịch nổi tiếng Ngụy Ngữ, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh, nhạc sĩ Quốc Trung, họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải... Cùng với sự hội tụ của dàn diễn viên điện ảnh nổi tiếng tại Việt Nam như Đỗ Thị Hải Yến, Dustin Nguyễn, Võ Thanh Hòa, Ninh Dương Lan Ngọc, Tăng Thanh Hà... Cánh Đồng Bất Tận là một trong những bộ phim nhựa Việt Nam được chờ đợi nhất năm 2010.
Sau lần công chiếu đầu tiên tại Liên hoan phim Pusan lần thứ 15, Cánh Đồng Bất Tận sẽ được chiếu tại Hà Nội trong khuôn khổ Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ 1 (diễn ra từ ngày 17 tới 21/10/2010).
Phim sẽ công chiếu chính thức tại các rạp ở Việt Nam từ ngày 22/10/2010.
Theo PLXH
Ngắm Dustin Nguyễn làm nông dân Nam Bộ Cứ tưởng anh chàng đã quen với việc mặc những bộ đồ vest chỉn chu, sang trọng, ấy vậy mà khi mặc bộ đồ nông dân vào, nhiều người đã trầm trồ khen Dustin Nguyễn chẳng khác một bác nông dân Nam Bộ là mấy. Dustin Nguyễn trong Cánh đồng bất tận Phim Cánh đồng bất tận xoay quanh cuộc sống mưu sinh...