Những kiểu ngược đãi du khách chỉ có ở Việt Nam
Ném tiền bo vào mặt khách, đe dọa hoặc lừa đảo họ là những thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt khiến du khách một đi không trở lại.
Ném tiền bo vào mặt khách
Một du khách người Pháp lần đầu tiên tới Việt Nam vào đầu tháng này để khám phá những địa danh nổi tiếng đã bị làm phiền bởi một đội quân xích lô, đặc biệt là ở Huế. Đáng chú ý, sau chừng 20 phút ngồi trên xích lô, vị khách này trả tiền và “bo” 20.000 đồng cho người lái thì bị quăng tờ tiền vào mặt và nghe mắng xối xả.
“Không ngờ anh ta quăng tờ tiền vào mặt tôi và lẩm bẩm gì đó trong miệng khiến tôi sốc vô cùng. Sau này, tôi mới biết được, họ chê tiền bo ít nên mới có hành động như vậy”, du khách này chia sẻ.
Không những vậy, tại nhiều điểm du lịch khác như Hoa Lư – Ninh Bình, nhiều du khách cũng phàn nàn vì những “thói hư tật xấu” của người Việt. Chỉ có quãng đường vào trong động bơi thuyền rồi đi lên bờ mà du khách đã bị làm phiền hết lần này đến lần khác.
Một du khách người Pháp lần đầu tiên tới Việt Nam bị người đạp xích lô ném tiền bo vào mặt vì…chê ít (Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet)
Lúc ở trong hang động, người lái thuyền đòi khách cho 1 USD. Lên trên bờ chưa được ít phút họ lại vòi khách mua lon Coca rồi mua quần áo lưu niệm với giá trên trời (20 – 30 USD) khiến khách phát hoảng.
Hôm 23/4, tại Hà Nội, 3 mẹ con người Australia đi xích lô từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phố Hàng Trống đã bị người lái xích lô đòi đủ 1,3 triệu đồng.
Tuy không nói ra với hướng dẫn viên ngay lúc đó, song khi phải mất tiền kiểu như vậy, nhiều người đã “một đi không trở lại”.
Chèo kéo, bắt chẹt khách
Tình trạng những người bán hàng rong đeo bám khách du lịch để vòi tiền lâu nay diễn ra trên nhiều tuyến phố, khu vực đông người nước ngoài qua lại.
Video đang HOT
Tỏ vẻ tốt bụng khi cho những vị khách nước ngoài mượn quang gánh và nón chụp ảnh, nhóm phụ nữ ở phố cổ Hà Nội đã chèo kéo khách phải mua những túi dứa gọt sẵn với giá vài chục nghìn cho tới cả trăm nghìn.
Công an quận Hoàn Kiếm đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm nhưng với mức phạt 80.000 đồng cho hành vi gây rối trật tự công cộng, tình trạng người bán hàng rong đeo bám, bắt chẹt khách nước ngoài vẫn tái diễn.
Cảnh chèo kéo, chặt chém khách du lịch ở Hội An (Ảnh: Minh Quân)
Tại nhiều điểm du lịch khác như Vũng Tàu, du khách vẫn phàn nàn về tình trạng bị hàng rong đeo bám, bị chặt chém trong giá cả dịch vụ, các ứng xử còn thiếu văn minh cùng những người kinh doanh theo kiểu chụp giật… Nhất là đối với mặt hàng hải sản, nhiều đơn vị thực hiện cân “điêu” hoặc tăng giá vô tội vạ.
Một số quán ăn tung đội ngũ “cò” chạy xe gắn máy phát tờ rơi mời mọc khách với lời lẽ ngọt ngào. Các chủ quán sẵn sàng chi hoa hồng cao từ 20 – 30% cho một tài xế taxi, xích lô nếu đưa được khách đến quán… Vì vậy mà đội ngũ này rất nhiệt tình trong việc chèo kéo và đưa du khách đến quán ăn “chặt chém”.
Nếu không tìm ra hướng đi đúng cho bài toán nan giải “cò mồi”, “chặt chém” thì chúng ta sẽ bất lực đứng nhìn sự tuột dốc của du lịch nước nhà.
Đe dọa du khách
Nhân viên một khách sạn tư nhân ở Hà Nội bồi thường cho du khách (Ảnh: Internet)
Sáng 24/4, 3 khách du lịch quốc tịch Pháp đáp xuống sân bay Nội Bài để bắt đầu tour dài hơn một tháng tại Việt Nam. Họ bắt taxi về một khách sạn 3 sao trên phố cổ Hà Nội, nơi đã đặt phòng từ trước, tuy nhiên tài xế lại đưa đến khách sạn trên phố Hàng Thùng. Ở được một đêm, nhóm khách phát hiện đây không phải khách sạn đã đặt phòng từ trước nên muốn dời đi.
Khi họ trao đổi với lễ tân khách sạn, nhân viên này đã dọa đánh, thậm chí đe dọa có người đang đến để giết họ.
Sau nhiều nhiều giờ làm việc ở công an phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), nhân viên lễ tân của một khách sạn tư nhân trên phố Hàng Thùng đã nhận lỗi và đồng ý bồi thường 10 triệu đồng cho nhóm du khách Pháp về những tổn thất trước đó nhân viên lễ tân này và khách sạn đã gây ra.
Lừa đảo tiền từ thiện từ du khách
Lừa tiền từ thiện từ du khách (Ảnh: Internet)
Thấy người nước ngoài đi trên phố vắng, nam thanh niên dừng xe để cô gái bước tới chìa tờ giấy khổ A4 ép plastic kèm tấm thẻ rồi mời chào bằng tiếng Anh. Nhiều du khách đã ủng hộ 500.000 đồng, thậm chí cả 100 USD.
10h sáng 8/5, khi đang mồi chài khách tại sân tượng đài Lê Nin, đôi nam nữ đã bị cảnh sát ập tới tóm gọn. Bị phát hiện, cô gái kịp ném chiếc thẻ Hội viên Hội chữ thập đỏ vào bụi cây.
Kiểm tra túi xách của Thủy – cô gái nói trên, công an phát hiện quyển sổ ghi chép số tiền khách du lịch ủng hộ lên tới cả chục triệu đồng, trong số đó trên 10 trang ghi kín tên du khách, có người nộp 500.000 đồng, thậm chí có người đưa 100 USD.
Theo vietbao
Những phận đời xích lô ở Huế
Ở TP Huế có nhiều người phu xe đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Hằng ngày họ phải gòng mình đạp xe xích lô chở hàng, chở khách để mưu sinh, kiếm sống.
Các chú xích lô đang đứng đón khách ở ngã tư.
Ngày trước nghề đạp xích lô dễ thở, khách khứa đi nhiều, phương tiện lại ít nên người phu xe chỉ cần đạp mối quen cũng đủ sống. Nhưng giờ đây khách đi xích lô ngày một ít, người đạp xe thì nhiều, việc thì ít người thì đông nên kiếm được đồng tiền càng nhọc nhằn, khó khăn...
Ba đời "nối nghiệp" xích lô
Ông Lê Khanh, tổ trưởng tổ xích lô 12 - khách sạn Duy Tân là người có thâm niên và uy tín trong nghiệp đoàn xích lô. " Nhà tui có ba đời theo nghiệp xích lô. Ngày trước cha tui đạp xe xích lô nuôi anh em tui, giờ tui tiếp tục đạp xích lô nuôi các con và con trai tui cũng theo nghiệp xích lô kiếm sống"-ông Khanh tâm sự. Ông kể rằng, ngày trước cha ông nói đạp xe xích lô vất vả nên cho ông học nghề thợ mộc, thế nhưng thời điểm đó nghề mộc làm không đủ sống nên ông Khanh lại gắn với chiếc xích lô nối nghiệp cha. "Nghề xích lô bấp bênh, vất vả nhưng phải bám riết lấy nó để kiếm miếng ăn. Tui có bốn người con, giờ chỉ hi vọng vào hai đứa đang học phổ thông, phải cho chúng được học hành, sau này kiếm cái nghề để có tương lai"-ông Khanh giọng buồn rầu. Ông tâm sự rằng, mấy năm nay xích lô du lịch "đói" khách bởi các tour du lịch trong và ngoài nước khi đến Huế đều bị các trưởng đoàn chèo kéo tranh giành khách. " Họ nói những điều không tốt về xích lô tụi tôi nhằm "hốt" hết khách. Các trưởng đoàn đã dẫn khách đi bằng xe du lịch tới những địa điểm bán đặc sản không có thương hiệu nhưng được thỏa thuận từ trước để lấy phần trăm hoa hồng"-ông Khanh chia sẻ. Ông Khanh với vẻ mặt khắc khoải âu lo, đôi mắt sâu thẳm đăm chiêu nhìn ra đường phố hi vọng có khách hàng thuê đạp xe.
Đoàn xe du lịch chở khách vòng quanh cố đô.
Ở nghiệp đoàn xích lô du lịch của TP Huế có nhiều gia đình có hai ba đời theo nghiệp xích lô. Trước đây, khi nghề xích lô du lịch làm ăn thịnh vượng nghiệp đoàn có đến 240 thành viên, sống nhờ du khách đến Huế chọn xích lô làm phương tiện đi lại. Thế nhưng hiện nay nghiệp đoàn này chỉ còn 190 thành viên bám trụ với nghề, bởi nghề xích lô du lịch ngày càng vắng khách. Nhiều người đã phải rẽ sang nghề khác để kiếm miếng ăn.
12h trưa, Chú Nguyễn Hữu Phước (40 tuổi), tổ xích lô 12 khách sạn Duy Tân vẫn đợi khách trước cổng khách sạn. " Mấy ngày ni tui không đạp được "cuốc" nào, nản lắm! - Chú Phước bắt đầu câu chuyện. Chú nói rằng ông ngồi chầu chực cả ngày để đạp xe cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, chỉ đủ nuôi sống bản thân, vợ con phải tự bươn chải kiếm sống. Những ngày ế khách, chú Phước phải đi chở hàng, không có hàng thì đi làm phụ hồ để kiếm ít tiền sống qua ngày. Bao nhiêu năm theo nghiệp xích lô đắng cay đếm đủ, chú vẫn cảm ơn và gắn bó với nghề này. Chú nói rằng nghề xích lô ít vốn liếng, nếu chịu khó cày cuốc cùng với may mắn thì cũng sống được bằng nghề.
Ông Trần Hữu Tý (51 tuổi), đạp xích lô ở chợ Đông Ba ngồi nép mình ở cổng chợ chờ khách. Suốt cả buổi sáng ông mới được một người thuê đạp, kiếm được 15 ngàn đồng. " Mỗi ngày tui đạp xe kiếm được năm bảy chục ngàn. Ngày mô hên lắm thì được 100 ngàn, cũng có ngày đạp xe không chẳng có đồng nào, nhiều khi xe hư phải đi vay nợ để sửa chữa"-ông Tý tâm sự.
Ông Trân gồng mình với chuyến xe nặng cuối ngày.
Những cuốc xe tuổi xế chiều
Ở chợ Đông Ba có nhiều người phu xe đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Hằng ngày họ phải gòng mình đạp xe chở hàng, chở khách để mưu sinh, kiếm sống. Ông Nguyễn Đình Tao, 72 tuổi, thân hình gầy gò, khuôn mặt đen sạm đang đạp xe quanh bến xe chợ để mong gặp người thuê chở hàng. "Ngày xưa nghề đạp xích lô dễ sống. Khách khứa đi nhiều, phương tiện lại ít nên tụi tui chỉ đạp mối quen cũng không hết. Rừa mà bây chừ khách đi xích lô ít lắm, người đạp xe thì nhiều, việc thì ít mà người thì đông nên kiếm được đồng tiền khó khăn..." - ông Tao chia sẻ. Ông Tao kể rằng gia đình ông vốn là cư dân vạn đò. Ông gắn bó với nghề xích lô hơn 50 năm nay. Nghèo khó nên cả chín người con, không có đứa nào được học hành. Năm 2011, ông Tao được hỗ trợ lên khu tái định cư Phú Hậu, nhưng vợ ông lại thường xuyên đau ốm, ông phải làm cả ngày lẫn đêm để kiếm thêm tiền thuốc men cho vợ. " Lớn lên mỗi đứa mỗi nơi, đứa thì đạp xích lô, đứa làm thợ hồ, không đưa nào giàu có cả" -ông Tao thủ thỉ.
Sẩm tối, ông Lê Văn An (74 tuổi), vẫn ngồi đợi khách ở bến xích lô gần khách sạn Sài Gòn Morin. Ông nói cố gắng đợi khách để mong có thêm ít tiền bởi cả ngày hôm nay mới chỉ kiếm được 30 ngàn đồng. Ông An kể hồi trẻ chạy xe ôm, sau đó chuyển sang đạp xích lô, thấm thoắt mà đã hơn 30 năm gắn bó với nghề. " Tuy mệt mỏi nhưng tui thấy vui, nghỉ đạp xe vài ngày là buồn, lại thích ra ngồi vỉa hè đợi khách. Mỗi lần được giới thiệu về Huế với du khách thập phương là tui thấy rất vui"- ông An bộc bạch.
Còn ông Bùi Hữu Trân (trú phường Phú Xuân, TP Huế) đã bước qua tuổi 80 nhưng ngày ngày vẫn phải oằn mình đạp xe xích lô khắp ngõ ngách kiếm tiền nuôi hai người con điên dại. Ông vốn là chiến sĩ Trung đoàn Trần Cao vân 101 tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 30 năm cầm súng "vào sinh ra tử", rời quân ngũ với quân hàm trung tá, ông chuyển ngành làm thợ máy một công ty cơ khí cho đến ngày về hưu. Vợ chồng ông Trân có ba mặt con, hai người con trai mắc bệnh tâm thần. Ông kể, 40 năm trước vì quá đói nghèo, vợ chồng ông đã phải bấm bụng để người con gái út đi làm con nuôi một người đồng đội. Đồng lương hưu ít ỏi của ông không đủ nuôi sống bốn miệng ăn, rồi tiền thuốc men, hiếu hỉ. Năm năm nay, căn nhà tình nghĩa - tổ ấm của gia đình ông trở nên lạnh lẽo bởi vợ ông chết vì bạo bệnh, ông rơi vào cảnh "gà trống nuôi con". Mới đây, ông đau đớn nhìn người con trai mắc bệnh tâm thần trút hơi thở cuối cùng. Thời gian này sức ông đã giảm nhưng phải gắng gượng kiếm mỗi ngày vài chục ngàn trang trải nợ nần. Nhiều người thương kêu ông chở ít vật liệu xây dựng, hay đồ dùng trong gia đình để ông có ít tiền, có người biếu ông bộ quần áo, đôi giày. "Còn chút sức lực thì tôi vẫn gắng mần mà nuôi con, trả nợ, ngả tay xin tiền thiên hạ răng được"- ông Trân tâm sự
Theo xahoi
Phạt 2 điểm trông xe tự phát, "chặt chém" Dự báo lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 gia tăng, CAP Điện Biên, quận Ba Đình đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo TTĐT, phòng ngừa tình trạng hàng quán, "xe ôm", xích lô "chặt chém" khách. Chỉ huy CAP Điện Biên cho biết: Tính đến...