Những khoảnh khắc giao tranh ác liệt ở Ukraine
Những thời khắc giao tranh đẫm máu và căng thẳng nhất tại Ukraine kể từ khi nước này giành độc lập được lưu lại trong các tấm ảnh báo chí.
Cảnh sát lập đội hình che khiên trong cuộc đụng độ với người biểu tình chống chính phủ ở Kiev hôm 18/2. Lực lượng an ninh bắn đạn cao su, quăng bom khói vào người biểu tình sau khi bị ném đá gần tòa nhà Quốc hội Ukraine ở Kiev. Ảnh: AFP
Một người biểu tình bị lửa vây quanh khi đụng độ ngoài tòa nhà quốc hội ở Kiev. Ảnh: AP
Người biểu tình chống chính phủ bị thương sau vụ đụng độ với cảnh sát tại Kiev hôm 18/2. Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi chính phủ của Tổng thống Yanukovych gác lại một hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11/2013, thay vào đó thúc đẩy quan hệ với Nga. Hàng nghìn người giận dữ đổ ra trung tâm Kiev biểu tình và bắt đầu chiếm Quảng trường Độc lập kể từ đó. Ảnh: AFP
Người biểu tình xung đột với cảnh sát khi ùa vào Văn phòng Cảnh sát Thành phố tại thành phố Lviv, miền tây Ukraine, hôm 18/2. Khoảng 500 người biểu tình đột nhập trụ sở chính quyền khu vực sau khi kiểm soát sở cảnh sát địa phương ở thành phố nơi hầu hết người dân ủng hộ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: AFP
Video đang HOT
Một người đàn ông bị thương được đưa đi sơ tán sau cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo loạn ở Quảng trường Độc lập, Kiev. Ảnh: AFP
Người biểu tình đập gạch vỉa hè làm vũ khí chống cảnh sát tại Quảng trường Độc lập hôm 19/2. Ảnh: AFP
Người biểu tình dùng súng cao su bắn cảnh sát. Ảnh: AFP
Người biểu tình Ukraine hôm 19/2 tự bảo vệ bằng những tấm khiên, rào chắn tự chế tại quảng trường. Các cuộc đụng độ chết người ở thủ đô Kiev khiến Washington chỉ trích quyết liệt, EU bàn về việc trừng phạt và Kremlin đổ lỗi cho châu Âu cùng phương Tây. Ảnh: AP
Quảng trường Độc lập nhìn từ trên cao, trong cuộc xung đột giữa người biểu tình chống chính phủ và cảnh sát của Bộ Nội vụ tại trung tâm Kiev hôm 19/2. Tổng thống Viktor Yanukovich cảnh báo phe đối lập rằng ông có thể sử dụng vũ lực chống lại họ, sau khi ông chỉ trích âm mưu “chiếm quyền lực” bằng việc “đốt phá và giết người”. Ảnh: Reuters
Ảnh chân dung ông Yanukovich bị cháy gần tòa nhà cơ quan an ninh ở Lviv hôm 19/2. Phe đối lập tuyên bố tự trị chính trị ở thành phố Lnày sau một đêm bạo lực khi người biểu tình chiếm các tòa nhà công, buộc cảnh sát đầu hàng. Ảnh: Reuters
Khung cảnh tan hoang tại Quảng trường Độc lập. Ảnh: Reuters
Người biểu tình dính lửa khi đứng đằng sau rào chắn bốc cháy hôm 20/2. Vụ đổ máu hôm 20/2 khiến tình hình trở nên tồi tệ nhất, khi Bộ Y Tế Ukraine tuyên bố 77 người chết trong vòng 48 giờ, và gần 600 người bị thương. Ảnh: AFP
Ukraine chưa nguôi sóng gió
Chỉ trong một ngày, bức tranh chính trị - xã hội ở Ukraine đã đổi màu hoàn toàn với sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych.
Phe đối lập đang kiểm soát nhiều khu vực ở Kiev - Ảnh: AFP
Ngày 23.2, các nghị sĩ thông qua nghị quyết bổ nhiệm Chủ tịch quốc hội Oleksander Turchynov làm Tổng thống tạm quyền Ukraine, sau khi bỏ phiếu cách chức ông Yanukovych, theo AFP. Quốc hội nước này cũng quyết định sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trước hạn vào ngày 25.5. Như vậy, thỏa thuận sơ bộ được các thủ lĩnh phe đối lập ký kết ngày 21.2 với ông Yanukovych đã "chết yểu" trước những diễn biến lớn.
Cuối tuần qua, nhiều người dân Ukraine đã xếp hàng để "tham quan" tư dinh sang trọng rộng 140 ha với bãi đáp trực thăng, vườn thú, sân golf, bộ sưu tập siêu xe... của ông Viktor Yanukovych ở cách Kiev 25 km. Quốc hội Ukraine ngày 23.2 đã quyết định sung công lâu đài này và cho người canh gác để chống hôi của.
Hiện vẫn chưa biết ông Yanukovych sau khi rời Kiev đang tạm lánh ở đâu. Theo tờ Le Monde, nhiều khả năng ông đang ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine. Tổng thống tạm quyền Turchynov cho biết ông Yanukovych đã cố lên máy bay chạy sang Nga nhưng bị chặn lại. Trong khi đó, vào tối 22.2, ông Yanukovych xuất hiện trên một kênh truyền hình địa phương và cho biết xe của ông đã bị bắn nhưng không có ai bị thương. Vị Tổng thống bị truất phế này cũng khẳng định "không đầu hàng trước đảo chính". Tuy nhiên, khả năng ông Yanukovych có thể lật ngược thế cờ hầu như không có, khi tại Kiev ngoài quốc hội, hầu hết những trụ sở của các cơ quan hành chính trọng yếu đều do phe đối lập kiểm soát. Kể cả đảng Các khu vực của ông Yanukovych ngày 23.2 cũng ra thông cáo tuyên bố ông là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho tình trạng bạo lực đẫm máu vừa qua.
Một diễn biến quan trọng khác là cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko, đối thủ "không đội trời chung" với ông Yanukovych được trả tự do sau 30 tháng ngồi tù vì bị kết án lạm quyền. Chỉ trong phút chốc, bà Tymoshenko từ chỗ là tù nhân trở thành ứng viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo Ukraine. Theo Le Monde, với sự trở lại của cựu Thủ tướng, các thủ lĩnh phe đối lập từng được xem là những thuyền trưởng của phong trào chống đối đều trở thành "vai phụ".
Do lo ngại nguy cơ Ukraine lâm vào chia rẽ, thậm chí nội chiến giữa miền tây (thân EU) và miền đông (ủng hộ ông Yanukovych và Nga), nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức nhanh chóng kêu gọi các lực lượng chính trị "xây dựng đoàn kết dân tộc". Ngày 23.2, Ngoại trưởng Anh William Hague còn lớn tiếng cảnh báo Nga "không nên can thiệp vào tình hình Ukraine" còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhanh chóng điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP dẫn thông báo của Berlin cho biết 2 nhà lãnh đạo nhất trí các bên cần bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Những lo ngại về tình hình sắp tới không phải không có cơ sở khi lãnh đạo nhiều thành phố miền đông như Kharkov, Donetsk, Crimea... ra nghị quyết tuyên bố chính phủ trung ương đã tê liệt và họ sẽ áp dụng chế độ tự quản.
Trong khi đó, Nga cáo buộc phe đối lập Ukraine "không tôn trọng thỏa thuận" và tuyên bố hoãn giải ngân khoản cam kết 12 tỉ USD hỗ trợ kinh tế Ukraine cho đến khi tình hình ổn định trở lại, theo AFP. Trong khi đó, EU chỉ hứa hẹn một gói hỗ trợ 610 triệu euro, khiêm tốn hơn nhiều so với Nga. Vì thế, Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua cho biết đang cùng các ngoại trưởng châu Âu khác đề xuất Quỹ tiền tệ quốc tế giải ngân một khoản khẩn cấp cho Kiev.
Biểu tình lan xuống Kharkov, người Việt vẫn bình an Chiều qua, anh Nguyễn Minh Nam (22 tuổi, du học sinh ở thành phố Kharkov) cho Thanh Niên hay qua điện thoại rằng từ chiều 22.2 (giờ địa phương) sau khi biết Tổng thống bị quốc hội truất phế Viktor Yanukovych xuất hiện ở đây, phong trào biểu tình đã bắt đầu chuyển hướng và tập trung tại thành phố lớn thứ hai Ukraine. Theo mô tả của anh Nam, khoảng 10.000 - 15.000 người tụ tập ở Quảng trường Tự Do để biểu tình đến tối 23.2 (giờ địa phương) vẫn chưa chấm dứt. Anh Nam cho biết thêm người biểu tình đa số là dân ở Kiev và các địa phương khác kéo về nhằm phản đối ông Yanukovych, trong khi phần lớn người ở Kharkov thì lại ủng hộ ông. Cũng theo anh Nam, tại Kharkov có khoảng 5.000 - 6.000 người Việt đang sinh sống, đa số là du học sinh, còn lại thì buôn bán và kinh doanh. Bà con người Việt sống gần nhau và đa số ở trong làng Thời Đại, cách nơi xảy ra biểu tình khoảng 15 km. Ở trung tâm Kharkov cũng có một số ký túc xá của người Việt. Đến nay, mọi người vẫn đang an toàn, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Một người Việt khác là chị Kim Oanh dự đoán có thể biểu tình tại đây sẽ không nóng bỏng và bạo lực như ở Kiev. "Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Hy vọng tất cả mọi người Việt mình đều bình an", chị Oanh nói.
Theo TNO
Cựu tổng thống Ukraine bị truy nã Ukraine hôm nay ban bố lệnh truy nã tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych và điều tra ông với tội danh giết hại hàng loạt người biểu tình trong một tuần đẫm máu tại Kiev. Ông Yanukovych trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 22/2 trước khi bị phế truất. Ảnh:AP Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Arsen Avakov thông báo...