Những khoảnh khắc điện ảnh gây tranh cãi trong năm qua
Trong năm 2019, “ Avengers: Endgame”, “ Joker” hay “Captain Marvel” có thể ăn khách, nhưng vẫn gây ra những tranh cãi nhất định về mặt tình tiết.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước nội dung nhiều bộ phim
John Connor bỏ mạng trong Terminator: Dark Fate: Ngay đầu Terminator: Dark Fate, khán giả biết rằng John Connor (Edward Furlong) đã bị hạ sát bởi một người máy T-800 (Arnold Schwarzenegger) sau những sự kiện ở Terminator: Judgment Day (1991). Đây là một quyết định táo bạo của đội ngũ sản xuất. Song, những gì diễn ra sau đó như chỉ “xào nấu” từ ba tác phẩm Kẻ hủy diệt gần nhất, và nhân loại lại sớm có một thủ lĩnh mới. Rốt cuộc, cái chết của John Connor không mang quá nhiều ý nghĩa, thậm chí còn hạ thấp giá trị nhân vật đối với thương hiệu. Cá nhân tài tử Edward Furlong sau đó cũng bóng gió lên tiếng phản đối tình tiết này.
Trận đấu giành danh hiệu WWE Divas trong Fighting with My Family: Fighting with My Family là tác phẩm tiểu sử xoay quanh cựu ngôi sao WWE Paige (Florence Pugh). Một cao trào của bộ phim là trận đấu giữa cô với AJ Lee (Zelina Vega). Nhiều fan WWE cực lực chỉ trích trường đoạn bởi những gì diễn ra trên màn ảnh hoàn toàn sai khác so với sự thật, từ trang phục của hai vận động viên cho đến thái độ trên sàn đấu của cả hai. May mắn thay, tổng thể Fighting with My Family vẫn được số đông báo chí đánh giá cao.
Trường đoạn Can You Feel the Love Tonight? trong The Lion King: Phiên bản mới của The Lion King thu 1,65 tỷ USD phòng vé và vẫn sử dụng nhiều ca khúc quen thuộc từ tác phẩm hoạt hình năm 1994. Tuy nhiên, cách sử dụng ca khúc nổi tiếng Can You Feel the Love Tonight? gây ra nhiều tranh cãi. Đạo diễn Jon Favreau đã cho nhạc phẩm xuất hiện vào giữa ban ngày, tức hoàn toàn trái với tựa đề bài hát. Nhìn chung, tuy ăn khách, nhưng phiên bản mới của Vua sư tử vấp phải sự ghẻ lạnh từ giới phê bình và luồng chỉ trích từ fan của nguyên tác.
Cái chết của Mystique trong X-Men: Dark Phoenix: Số phận của dị nhân sở hữu khả năng biến hình do Jennifer Lawrence thể hiện đã phần nào được dự báo từ trailer của X-Men: Dark Phoenix. Tuy nhiên, khi mọi chuyện diễn ra trong phim, nhiều người vẫn cảm thấy ngán ngẩm. Cái chết của Mystique quá đơn giản, vội vã, và như dành cho một dị nhân “hạng B”. Chưa kể, ngay trước đó, nhân vật còn có nhiều câu thoại tôn vinh nữ quyền lộ liễu. Có cảm tưởng rằng JLaw muốn chia tay vai diễn càng sớm càng tốt và đội ngũ biên kịch đã “chiều lòng” cô. Cần nhớ rằng Mystique là trụ cột của loạt X-Men kể từ năm 2011, và cô xứng đáng nhận được nhiều hơn thế.
Nguyên nhân Nick Fury bị chột mắt trong Captain Marvel: Ở Captain Marvel, người đứng đầu tổ chức S.H.I.E.L.D. vẫn còn là một mật vụ trẻ, với đầy đủ hai con mắt. Bộ phim hé lộ lý do Nick Fury sau này chỉ còn lại một bên mắt. Đó là do Goose trong một lần ông chơi đùa với chú mèo. Đoạn kết phim tiết lộ đây thực chất là một sinh vật ngoài hành tinh. Nhưng điều đó vẫn khiến một bộ phận khán giả cảm thấy không hài lòng. Họ cho rằng lý do Nick Fury chột mắt thực sự lãng xẹt.
Điệu nhảy của Arthur Fleck trong Joker: Trường đoạn Arthur Fleck (Joaquin Phoenix) nhảy múa trên cầu thang là hình ảnh biểu tượng của bộ phim Joker. Đây là thời khắc biến chuyển của nhân vật chính, từ chỗ là một kẻ yếu đuối, bị chèn ép nay trở thành tên tội phạm khét tiếng thành phố Gotham. Chỉ có điều, nhạc nền sử dụng là Rock and Roll Part II – một ca khúc của Gary Glitter. Glitter vốn là một tội phạm và việc sử dụng nhạc phẩm làm dấy lên nhiều câu hỏi từ phía công chúng. Dẫu sao, nam ca sĩ đã bán bản quyền ca khúc từ lâu, và sẽ không nhận được chút tiền bản quyền nào từ doanh thu khổng lồ của Joker.
Các nữ hùng tụ họp trong Avengers: Endgame: Trận đại chiến giữa các siêu anh hùng với binh đoàn đông đảo của Thanos (Josh Brolin) ở bom tấn Avengers: Endgame thực sự mãn nhãn, hoành tráng, và giàu cảm xúc. Song, ở giữa trường đoạn, có một cảnh toàn bộ các nữ hùng tập hợp trong một khung hình. Chi tiết khiến nhiều fan Marvel phấn khích, nhưng đồng thời khiến không ít người cảm thấy chưa hài lòng. Phe chỉ trích cho rằng khoảnh khắc quá gượng ép, mang đậm tính fan service (chiều fan), và lạc lõng nếu đặt trong bối cảnh cuộc chiến. Họ đồng thời chỉ trích đây là nỗ lực tôn vinh nữ quyền có phần lộ liễu của Marvel Studios.
Chuỗi tình tiết xung quanh Rey trong Star Wars: The Rise of Skywalker: Sau cùng, Star Wars: The Rise of Skywalker tiết lộ rằng Rey là cháu gái của Thống chế Palpatine (Ian McDiarmid). Ở đoạn cao trào, cô và Kylo Ren (Adam Driver) trao nhau một nụ hôn. Và tới cuối phim, cô tự nhận mình mang họ Skywalker, bởi mối quan hệ thân thiết với Luke (Mark Hamill) và Leia (Carrie Fisher). Hàng loạt tình tiết xung quanh Rey bị fan của Star Wars lên án vì thiếu cơ sở và mang nặng tính gượng ép. Nhìn chung, Star Wars: The Rise of Skywalker cho thấy Lucasfilm và Disney đã không lên một kế hoạch kỹ lưỡng về mặt kịch bản dành cho chuỗi bom tấn.
Trailer Star Wars: The Rise of Skywalker
Theo zing
Nhóm người máy hủy diệt đến từ loạt phim 'Terminator'
Loạt phim "Kẻ hủy diệt" từng giới thiệu cho khán giả nhiều cỗ máy đến từ tương lai với khả năng chiến đấu, biến hóa đáng sợ và khó lường.
T-1: T-1 là nguyên mẫu đầu tiên của "kẻ hủy diệt" và xuất hiện trong tập Terminator: Rise of the Machines (2003). Chúng được cơ sở nghiên cứu chiến tranh mạng CRS chế tạo trong quá trình xây dựng trí tuệ nhân tạo Skynet. Tuy bị T-850 (Arnold Schwarzenegger) đánh bại, T-1 tiếp tục được phát triển thành xe tăng tự động HK và những người máy hủy diệt đời tiếp theo.
T-600: Xuất hiện trong Terminator: Salvation (2009), T-600 đóng vai trò quân chủ lực của Skynet trong cuộc chiến với loài người. Đám người máy sở hữu khung xương kim loại cùng lớp da cao su tổng hợp nên dễ dàng bị quân Kháng chiến phát hiện. Các T-600 có khả năng tự sửa chữa, nhưng không thể tư duy tác chiến độc lập.
T-800: T-800 của Arnie là phiên bản người máy nổi tiếng và xuất hiện trong nhiều phần phim Terminator nhất. Kẻ hủy diệt này sở hữu khung xương kim loại, lớp da sinh học tân tiến, cùng khả năng tư duy, thích nghi cao để có thể xâm nhập vào xã hội loài người. Ở tập đầu, T-800 được Skynet cử về quá khứ để ám sát Sarah Connor (Linda Hamilton). Nhưng sang Terminator: Judgment Day (1991), nhân vật trở thành "người tốt" khi được John Connor tái lập trình trong tương lai.
T-850: T-850 (Arnold Schwarzenegger) được Kate Brewster (Claire Danes) gửi về quá khứ để bảo vệ bản thân và John Connor (Nick Stahl) trong Rise of the Machines. Đây vốn là cỗ máy đã lấy mạng thủ lĩnh phe Kháng chiến của nhân loại trước khi bị bắt giữ và tái lập trình. Dù sở hữu vẻ ngoài giống hệt T-800, T-850 có nhiều cải tiến như thấu hiểu tâm lý con người, tự ghi đè mệnh lệnh ban đầu...
T-900: T-900 (Summer Glau) là mẫu nâng cấp của T-800 và xuất hiện trong loạt phim truyền hình Terminator: The Sarah Connor Chronicles (2008). Được thiết kế để trà trộn, cỗ máy sở hữu lớp da và thể hữu cơ sống bọc quanh khung xương siêu hợp kim. Phiên bản người máy hủy diệt này còn được lập trình thêm nhiều hành vi xã hội phức tạp như khóc, cười, thể hiện cảm xúc, ăn uống...
T-1000: T-1000 (Robert Patrick) là kẻ hủy diệt hoàn toàn khác biệt so với các mẫu trước khi được cấu tạo từ kim loại lỏng. Nhờ đó, nó có thể biến hình hay giả dạng thành bất cứ ai, miễn nhiễm sát thương từ súng đạn thông thường, cũng như hồi phục vết thương nhanh chóng. Ngoài ra, T-1000 còn có khả năng tự biến cơ thể thành các loại vũ khí cơ bản như lưỡi kiếm, móc câu... Đây là kẻ gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhóm nhân vật chính ở Terminator: Judgment Day.
T-X: T-X (Kristanna Loken) là phiên bản kẻ hủy diệt cao cấp, được Skynet chế tạo để săn đuổi những người máy khác. Nó là sự kết hợp giữa T-800 và T-1000 với kim loại lỏng bọc quanh khung xương hợp kim chắc chắn. T-X nhanh hơn, mạnh hơn và bền bỉ hơn, cũng như có khả năng tái lập trình các cỗ máy đời cũ. Ngoài ra, nó còn là người máy hủy diệt đầu tiên được gắn hỏa lực mạnh với tay pháo plasma, súng phun lửa...
T-3000: Trong dòng thời gian bị xáo trộn của Terminator: Genisys (2015), John Connor (Jason Clarke) bị Skynet biến đổi thành T-3000 với cơ thể cấu tạo từ hàng tỷ nanobot. Người máy hủy diệt giữ nguyên ký ức con người, cũng như cảm xúc và hành vi của John Connor. T-3000 mạnh hơn hẳn các phiên bản trước về tốc độ, sức mạnh, kỹ năng chiến đấu. Song, liên kết giữa các nanobot lại dễ dàng bị phá hủy bởi từ trường.
Rev-9: Rev-9 (Gabriel Luna) là phản diện mới trong Terminator: Dark Fate, và giống như sự kết hợp giữa T-800, T-1000 và T-X. Nó có lớp vỏ ngoài carbon bọc quanh khung xương hợp kim, giúp mang đến khả năng hồi phục cực cao và biến đổi cơ thể thành nhiều loại vũ khí khác nhau. Ngoài ra, Rev-9 còn có thể phân tách thành hai cá thể độc lập và hoàn toàn lấn át đối phương trong các trận chiến tay đôi.
Trailer Terminator: Dark Fate
Theo zing
Loạt tình tiết thú vị ẩn giấu trong 'Kẻ hủy diệt: Vận mệnh đen tối' Là phần 6 của thương hiệu "Terminator" đã kéo dài hơn ba thập kỷ, "Dark Fate" chứa đựng nhiều tình tiết tri ân loạt phim hành động - giả tưởng. *Lưu ý: bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Terminator: Dark Fate Cái chết của John Connor: Trong Terminator: Rise of the Machines (2003), người máy T-850 (Arnold Schwarzenegger) - phiên bản...