Những kẻ “chết thuê”
Vận chuyển ma túy là khâu quan trọng và nguy hiểm nhất, dễ bị phát hiện. Vì vậy mà những “ông chủ” hầu như không bao giờ xuất đầu lộ diện. Chúng thường lợi dụng tâm lý cả tin và hám tiền của một số người để thuê họ mang ma túy, thậm chí sẵn sàng trả rất nhiều tiền thuê kẻ chết thay mình khi có “biến”.
Một số đối tượng bị bắt trong đường dây ma túy gốc Phi
Cách đây không lâu, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã xác lập chuyên án trinh sát để đấu tranh, làm rõ hoạt động của số đối tượng gốc Phi tại TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều tháng tập trung lực lượng, tích cực đấu tranh đã phá nhiều chuyên án, bắt giữ trên 30 đối tượng, trong đó tới 2/3 là đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là quốc tịch Nigiêria. Lợi dụng tình trạng có hàng trăm người da đen, gốc châu Phi sống lưu vong tại TP. Hồ Chí Minh, những tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đã tập trung lôi kéo họ vào việc mua bán, vận chuyển ma túy.
Để tổ chức các đường dây vận chuyển thuê ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước, số người gốc Phi này đã tìm cách làm quen, cặp bồ, thậm chí lấy vợ là những phụ nữ biết tiếng Anh làm ở các nhà hàng, quán bar. Sau đó, thông qua số người này, chúng tìm cách tuyển mộ các cô gái thích ăn chơi, đua đòi hoặc những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn, độ tuổi từ 20 – 45 tham gia vào đường dây. Chiêu bài của chúng là lo cho họ mọi thủ tục, từ hộ chiếu, vé máy bay, cả tiền tiêu vặt để đi… chơi, du lịch nước ngoài, tiện thể “xách giùm” ít hàng mẫu là quần áo, giày dép hoặc sách vở, tranh ảnh, thực phẩm đóng lon… Khi về, họ còn được “biếu” thêm 300 – 500USD. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng Việt Nam hay nước sở tại bắt giữ, họ mới biết trong đế giày dép, bìa sách, cúc áo váy, thậm chí cả trong từng sợi của tấm thảm gai mà người ta gọi là “hàng mẫu” ấy có chứa hàng ký heroin, đủ để họ phải lãnh án tử hình. Ông Lê Phong, trú tỉnh Lâm Đồng, đã gửi đơn đến Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đề nghị tìm vợ ông là Võ Phương Lam và chị vợ là Lê Uyên đã bị mất tích khi đi du lịch Trung Quốc. Ông Phong đâu có ngờ được rằng vợ mình cùng chị gái đã bị bắt ngay khi vừa đặt chân ra nước ngoài vì trong số “hàng mẫu” họ đem theo có chứa tới gần 10kg heroin và đã bị giam giữ chờ ngày lãnh án ở nước ngoài.
Cũng triệt để lợi dụng tâm lý hám lợi trước mắt của nhiều người này, những đường dây ma túy trong nước đã biến không ít nông dân thành những “cửu vạn ma túy”, đẩy họ và gia đình vào những cảnh ngộ éo le, bi kịch. Chiều 4-6-2011, ngồi tại trụ sở Công an huyện Phù Yên, Sơn La khai báo về hành vi phạm tội, Vàng A Số (SN 1989, trú xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, Sơn La) lấy tay lau nước mắt vì tiếc của khi nhắc tới chiếc xe Wave bị thu giữ, mà vẫn chưa ý thức hết những hậu quả lớn hơn rất nhiều khi tham gia vận chuyển ma túy. Nhà chỉ làm nương rẫy, dành dụm mãi vợ chồng Số mới mua được chiếc xe Wave cũ làm phương tiện đi lại và chở ngô, thóc đi bán. Cách đây ít ngày, một người đàn ông lạ mặt gặp Số làm quen. Anh ta bảo muốn kết tình anh em với Số, giúp Số thoát khỏi cảnh làm nương rẫy, chăn trâu bò. Cuối câu chuyện, anh ta bảo nếu giúp hộ anh ta đi từ Mộc Châu (Sơn La) sang Yên Bái, anh ta sẽ cho Số 15 triệu đồng.
Công việc của Số rất đơn giản, chỉ việc đưa xe máy cho anh ta mượn, sau đó Số đi chiếc xe đó sang Yên Bái đến địa điểm đã hẹn sẽ có người đón. Tới nơi, Số sẽ giao xe máy cho một người khác, nhận tiền công, vài ngày sau sẽ có người mang xe máy đến tận nhà Số để trả. Nghe thấy quá “ngon ăn”, Số đồng ý luôn. Thế là 13 giờ ngày 4-6-2011, khi đang chạy trên Quốc lộ 37, Số bị tổ công tác Công an huyện Phù Yên tuýt còi, ra lệnh dừng xe. Sợ hãi, Số bỏ xe chạy vào bìa rừng nhưng lập tức bị bắt giữ. Chiếc xe bị kiểm tra và chỉ vài phút, công an đã moi ra 2 bánh heroin đã bị cắt dọc thành bốn miếng bọc gói cẩn thận rồi cho vào ruột xe và bịt kín lại.
Hiện nay, bên cạnh việc vận chuyển heroin từ Việt Nam sang Trung Quốc theo hướng tất yếu là từ Tam giác vàng qua Lào, Campuchia sang Việt Nam, đi Trung Quốc rồi đi Hồng Kông, Ma Cao hoặc nước thứ 3 thì các lực lượng chức năng đã phát hiện ngày càng nhiều các vụ án vận chuyển ma túy tổng hợp từ Trung Quốc sang Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn, Lào Cai rồi vào TP. Hồ Chí Minh, sau đó vận chuyển đi Campuchia tiêu thụ với thủ đoạn vận chuyển ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Cũng vì lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy sang các nước và vùng lãnh thổ khác quá lớn, thường gấp 5 – 10 lần nếu trót lọt nên các tổ chức ma túy nước ngoài trả tiền công vận chuyển sang Việt Nam rất cao. Với một số người nhẹ dạ, chúng thường tìm cách tiếp cận, làm quen và nhờ hoặc thuê mang hành lý, hàng hóa qua biên giới. Chúng cũng lợi dụng sự bất cẩn, tham tiền của các đối tượng chuyên mang hàng thuê qua biên giới, thường là số cửu vạn ở vùng biên, mang hành lý có giấu ma túy bên trong để đưa qua biên giới. Chỉ đến khi bị bắt, họ mới biết mình đã vô tình phạm trọng tội. Thế nhưng, chính họ cũng không biết được ai đã thuê mình vì chúng đã có kế hoạch tạo lý lịch giả, địa chỉ giả và đã xa chạy cao bay. Không ít người, dù chỉ giao dịch qua điện thoại, dù kẻ thuê không nói rõ hàng gì, “cửu vạn” cũng ngầm hiểu đó là “hàng độc” và tất nhiên, mức giá cũng sẽ tương ứng.
Theo CATP