Những “kẻ ăn cắp điện” trong nhà mà bạn không bao giờ nghĩ đến
Dù không dùng nhưng vẫn kết nối với nguồn điện, các đồ điện tử như TV, điện thoại, laptop vẫn âm thầm “rút hầu bao” của người sử dụng đấy!
Công tơ điện quay “nhanh như gió” khiến cho số tiền điện cuối tháng tăng chóng mặt. Điều này khiến không ít hộ gia đình “méo mặt” khi rút ví trả tiền.
Thế nhưng bạn có hay biết rằng trong gia đình chúng ta ẩn chứa rất nhiều “ kẻ ăn cắp điện” giấu mặt không? Nói đơn giản đó là có nhiều vật dụng trong nhà nhìn tưởng “hiền” nhưng lại ngốn điện nhà bạn “ác” lắm đấy. Đó là tên trộm nào? Cùng check nhé!
1. Ti vi
Không ít người có thói quen tắt TV bằng điều khiển để cho tiện và tiết kiệm thời gian. Thế nhưng bạn có hay biết rằng, trong trường hợp này, thiết bị sẽ được chuyển sang chế độ chờ và vẫn liên tục tiêu thụ một lượng điện không hề nhỏ. Qua các thí nghiệm, con số này có thể lên đến hơn 24W mỗi ngày cơ đấy.
Sạc điện thoại là vật dụng cực gần gũi, nếu không muốn nói là gần bất ly thân với nhiều người. Dẫu vậy, bạn có tin chiếc sạc điện thoại vẫn luôn âm thầm ngốn điện nhà bạn, cho dù bạn không kết nối với chiếc máy của mình.
Dù mức công suất này khá thấp, chỉ khoảng 1,2 W nhưng qua thời gian đây không còn là con số nhỏ, nhất là khi trong nhà bạn sở hữu nhiều hơn một chiếc smartphone.
Video đang HOT
3. Đầu kỹ thuật số của TV
Theo tính toán, nếu chỉ tắt mà không rút điện, mỗi ngày bộ thu kỹ thuật số của TV tiêu tốn mức điện năng khoảng 22 W. Nhân lên với cả tháng 30 ngày quả là con số không nhỏ, phải không?
4. Máy tính, laptop
Hẳn nhiều người sẽ “ngã ngửa” với sự thật máy tính để bàn hay laptop vẫn sẽ hoạt động ngầm ngay cả khi bạn tắt chúng với lệnh “Turn off”.
Trung bình, các thiết bị này, sử dụng khoảng 96W mỗi ngày, tức là mỗi tháng, lượng điện tiêu thụ của cả gia đình sẽ bị đội lên khoảng 3 số điện “vô ích” cho mỗi chiếc máy tính trong nhà. Ngoài ra, với những người hay để máy của mình ở chế độ chờ, con số này cao gấp 1,5 lần.
5. Thiết bị có màn hình hiển thị giờ
Đồ điện gia dụng có màn hình hiển thị giờ như máy giặt, lò nướng, lò vi sóng, bếp từ, nồi cơm điện… thực sự là thiết bị “ngốn” điện nhà bạn ác liệt đấy.
Những chiếc màn hình “nhỏ tí xíu” này lại sử dụng đến 108 W điện trong 24 tiếng, bởi ngoài chức năng hiển thị giờ, nó còn giữ một sự kết nối đến toàn bộ hệ thống của thiết bị nữa. Bằng cách rút phích cắm của thiết bị này, bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá trả tiền điện đó nha.
Theo afamily
Thanh toán điện tử ngày càng dễ
Chưa bao giờ người dùng có thể dễ dàng sử dụng các kênh thanh toán điện tử thay cho tiền mặt từ ngân hàng điện tử, ví điện tử, QR Code, thẻ thanh toán... như hiện nay
"Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt" là chủ đề của Diễn đàn Banking Vietnam 2019, sáng nay 30-5 ở Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức.
Thanh toán qua di động tăng vọt
Rất nhiều vấn đề sẽ được đưa ra bàn luận tại diễn đàn trong bối cảnh xu hướng thanh toán qua điện thoại di động đang trở nên ngày càng phổ biến. Chị Ngọc Lam (làm việc tại quận 3, TP HCM) khoảng 1 năm nay mỗi khi đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay nhà hàng, quán cà phê... chị không còn cầm tiền mặt nhiều như trước, thậm chí chẳng cần tới thẻ ATM, thay vào đó mọi thanh toán đều được thực hiện thông qua chiếc điện thoại thông minh tích hợp nhiều loại ví điện tử của các hãng khác nhau. Khi nhân viên thông báo số tiền phải trả, chị mở ứng dụng ví điện tử ra và quét mã QR để thanh toán. Việc thanh toán qua điện thoại không chỉ tiện lợi, an toàn mà chị còn tiết kiệm được một khoản kha khá nhờ biết lựa chọn những cửa hàng có ưu đãi, giảm giá khi trả tiền qua ví.
Còn với những khoản chi tiêu khác như tiền điện, nước, viễn thông hay mua thẻ cào điện thoại, đặt vé máy bay, khách sạn, tour du lịch... từ vài năm trước chị Ngọc Lam cũng không còn dùng tiền mặt để thanh toán nữa. Tất cả đều được chị trả qua Internet Banking, Mobile Banking và nay là ví điện tử, rất nhanh chóng và tiện lợi, không cần phải đến tận nơi xếp hàng, chờ đợi tới lượt như trước.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược NHNN, nhận xét xu hướng phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt đang nổi lên hết sức mạnh mẽ. Với sản phẩm dịch vụ tài chính ngày càng hiện đại, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử, các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế được cung cấp ngày càng nhiều các công cụ tiện ích cho những giao dịch hằng ngày mà không cần sử dụng tiền mặt. Việc giảm tiền mặt trong nền kinh tế còn giúp gia tăng tính minh bạch và hiệu quả, góp phần làm cho nền kinh tế vận hành tốt hơn.
Thanh toán qua di động ở các thành phố lớn chưa bao giờ phổ biến và dễ dàng như hiện nay
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán NHNN, đến cuối quý I/2019, cả nước có 18.668 máy ATM, 261.705 máy POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ NH tiếp tục tăng trong quý đầu năm, đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền 171.000 tỉ đồng. Các NH thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ NH để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời nâng cao tính an toàn thanh toán thẻ.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết thanh toán qua internet, điện thoại di động đạt kết quả đáng ghi nhận khi thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Chỉ tính trong quý đầu năm, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng tới 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ; còn giá trị giao dịch qua kênh di động tăng tới 232,3% so với cùng kỳ.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào thanh toán
Theo các chuyên gia, chất lượng cung ứng dịch vụ thanh toán được cải thiện là do nhiều đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như áp dụng xác thực sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt...), QR code, số hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment), sử dụng điện thoại thông minh làm thiết bị chấp nhận thanh toán (mPOS)... Những công nghệ, giải pháp mới này đã nâng cao độ an toàn, bảo mật giao dịch và đem lại sự tiện lợi, giảm chi phí, được người tiêu dùng và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ đón nhận tích cực.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đây là điều không hề dễ dàng nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm những mô hình thanh toán mới, buộc các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), ngành NH sẽ phải có nhiều giải pháp chủ động và đột phá hơn nữa, áp dụng công nghệ, các giải pháp sáng tạo để đạt được mục tiêu như đã đặt ra.
"Có thể coi đây là giai đoạn nước rút, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để vừa thực hiện thành công đề án, vừa bổ sung, hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc thực thi chiến lược này cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Banking Vietnam 2019 sẽ là diễn đàn thảo luận chuyên sâu, nhằm tìm kiếm những giải pháp công nghệ có tính thực tiễn cao, phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam hiện nay để giải quyết những vấn đề này" - bà Nguyễn Thị Hòa nhấn mạnh.
Thời gian tới, NHNN sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm cả trong lĩnh vực dịch vụ công. Các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ được triển khai gấp rút cùng với thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ.
Ngoài ra, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực dịch vụ công, bảo đảm kết nối với Cổng dịch vụ quốc gia và hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để các tổ chức, cá nhân có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.
Cùng với giải pháp thúc đẩy kênh thanh toán điện tử, NHNN sẽ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán cũng như giám sát các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động đúng quy định. Các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thanh toán điện tử cũng được chú trọng nhằm gia tăng niềm tin vào kênh thanh toán này.
Theo NLĐ
Có nên bật quạt trong phòng điều hòa? Nghe chuyên gia nói lý do mà sốc! Một nhược điểm khi sử dụng điều hòa là phải mất một thời gian khá dài để luồng không khí lạnh này lan tỏa đều khắp căn phòng, trong khi quạt lại làm rất tốt việc này. Điều hòa hay máy lạnh là thiết bị điện gia dụng giúp cho cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn, nhất là dưới nhiệt độ...