Những hủ tục mai táng người chết rùng rợn nhất thế giới
Để kền kền ăn rỉa xác, ăn thịt người chết, lấy xương người chết làm đồ dùng gia đình… là những hủ tục mai táng người chết rùng rợn nhất.
Thiên táng – làm “thức ăn” cho kền kền
Thiên táng (điểu táng) là hình thức mai táng nổi tiếng “rùng rợn” của người Tây Tạng. Thay vì chôn cất người chết trong lòng đất, người Tây Tạng đưa thi thể lên núi làm mồi cho đàn kền kền đói.
Có hai hình thức thiên táng: cơ bản và long trọng. Những người dân du mục và dân làng ở vùng hẻo lánh thường sử dụng thiên táng cơ bản. Người chết đơn giản được mang lên núi để bọn kền kền tự tìm đến.
Video đang HOT
Đàn kền kền bu vào thi thể người chết.
Cách thứ hai phức tạp và mang tính nghi thức hơn. Các Lạt Ma sẽ cầu nguyện cho người quá cố được đặt ở tư thế ngồi suốt 24 giờ. Thi thể được cầu nguyện, tắm rửa sạch sẽ và bọc trong vải trắng. Cuối cùng, người ta sẽ phá vỡ xương cột sống của cái xác để thuận tiện cho việc mang tới nơi an táng. Một người bạn thân hay thành viên trong gia đình sẽ đeo cái xác trên lưng.
Thiên táng là hình thức mai táng rùng rợn của người Tây Tạng.
Hành trình đến nơi an táng bắt đầu lúc sáng sớm. Các thành viên trong gia đình đi cùng để tụng kinh và chơi nhạc đám ma nhưng phải giữ một khoảng cách nhất định với người chết. Thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống mặt đá, các rogyapa (người xử lý xác chết) hoặc những bậc thầy chôn cất sẽ đốt cây bách xù để tạo mùi thu hút đàn kền kền và bắt đầu công việc của mình với con dao sắc bén. Từ tóc đến nội tạng, cuối cùng là các chi của người quá cố được bóc tách và ném cho đám kền kền đói xúm lại. Rogyapa tiếp tục đập dập bộ xương còn lại, sau đó trộn với bột lúa mạch để đàn chim dễ “tiêu thụ hơn”.
Nghi lễ ăn thịt người
Tục ăn thịt người chết thường bị xem là dã man và mọi rợ. Tuy nhiên, ở bộ tộc Wari, lưu vực sông Amazon, đó lại là biểu hiện cao quý nhất về tình yêu và lòng tôn kính đối với người đã khuất. Nghi lễ ăn thịt ông bà giúp con cháu có thể lưu giữ mãi mãi hình ảnh của tiền thân trong mình.
Họ cho rằng, ăn thịt hoặc nội tạng của người chết, đặc biệt là gan hoặc não có thể thu nhận được trí tuệ, sức mạnh, lòng dũng cảm. Có dòng họ chỉ ăn thịt kẻ địch, có gia đình chỉ ăn thịt người thân. Cũng có nhóm người cùng lúc chấp nhận 2 loại hình trên.
Người Wari quan niệm: con cháu sẽ phạm tội bất hiếu nếu đem thân xác của người chết chôn xuống đất bẩn và để thối rữa ở đó. Linh hồn con người ngự trị ở thân xác, vì vậy việc tiếp nhận xác chết bằng cách ăn thịt là để “giữ mãi linh hồn và trí tuệ của người chết ở thân xác của người sống”.
Tục lệ Wari cho rằng, điều dằn vặt người chết lớn nhất là nỗi nhớ về trần thế. Vì vậy, cùng với việc ăn thịt, tất cả những thứ liên quan đến người chết như nhà cửa, đồ đạc… đều bị đốt hết, nhằm giúp linh hồn không nhớ về thân xác và các vật dụng của mình nữa. Nhờ vậy, người chết có thể yên nghỉ dưới âm phủ (người Wari cho rằng, người chết sẽ về cõi thần tiên ở dưới đất, chứ không phải ở trên trời).
Chôn hai lần
Ở Melanesia, cư dân của quần đảo Trobriand chôn người chết đến hai lần. Đầu tiên, họ chôn những người chết xuống đất, sau một thời gian, họ lại đào lên và dùng xương để làm thành các vật dụng gia đình như thìa (muỗng), hay các đồ dùng khác.
Những đồ dùng được làm từ xương người quá cố được đặt trong hang đá
như một sự tưởng nhớ thiêng liêng.
Những cư dân này sẽ đặt những đồ dùng làm từ xương người chết trong các hang động đối diện với biển. Họ tin rằng đây là một hành vi hiếu thảo. Vì sau này khi con cái bạn hỏi về một người nào đó đã khuất, bạn chỉ cần nói rằng cha ông của chúng là một cái thìa và nhìn hướng ra biển. Như vậy người ta sẽ không có gì phải sợ hãi mỗi khi nhắc đến những người đã mất.
Theo Vietbao