Những hủ tục hãi hùng ở vùng rừng Nghệ An
Người Đan Lai (Nghệ An) có phong tục, sau khi đứa trẻ ra đời một ngày phải tắm nước lạnh, nếu chết hoặc bệnh thì đó là… ý trời.
Đến nay người dân Đan Lai vẫn chưa từ bỏ tục tắm cho trẻ
sơ sinh dưới dòng nước lạnh.
Sống biệt lập với xã hội bên ngoài, người Đan Lai không có những nét văn hóa riêng, thay vào đó là hàng loạt hủ tục trải qua hàng trăm năm nay vẫn tồn tại.
Cuộc sống hàng ngày của người Đan Lai chủ yếu gắn liền với vò rượu. Theo các già làng ở đây, khi vò rượu trong nhà vẫn còn đủ cho những lần say, không mấy ai lên nương làm rẫy, lên rừng đốn củi. Chỉ khi nào vò rượu đã cạn và không còn gì ăn, lúc đó người Đan Lai mới chịu vào rừng kiếm củi, săn thú về làm thức ăn hay bán kiếm tiền đong gạo. Người dân có thói quen uống rượu thay cơm. Già trẻ, trai gái trong làng đều biết uống và coi rượu như thứ nước uống hàng ngày.
Đói nghèo và không việc làm, trẻ con sinh ra mới khoảng 12-13 tuổi đã được bố mẹ lo dựng vợ gả chồng với người trong làng. Theo tục người Đan Lai, điều kiêng kỵ nhất là không ai được nhìn thấy “những chỗ nhạy cảm” trên người phụ nữ. Người chồng cũng không ngoại lệ, trừ những lúc cả hai gần gũi khi “tối lửa tắt đèn”.
Theo già Quyết, người dân Đan Lai sinh đẻ nhiều và không theo phép tắc. Họ không quan niệm nhiều về việc sống chết bởi nếu đứa con này chết sẽ có con khác. Đứa trẻ nào sống được đó là sự chọn lọc của tự nhiên và người con đó lớn lên sẽ khỏe mạnh như con hươu, con nai trong rừng. Trung bình mỗi cặp vợ chồng đẻ khoảng 6-7 người con, có gia đình lên đến 10-12 con.
Một trong những nguyên nhân khiến người Đan Lai có nhiều trẻ sơ sinh chết yểu là do hủ tục phụ nữ không được cho người khác nhìn thấy chỗ kín của mình. Vì vậy ít bà mẹ mang thai đến trạm xá thăm khám.
Mỗi khi chuyển dạ, sản phụ ngồi ngay trên sàn nhà sinh con, có người tự đỡ đẻ cho mình. Một số phụ nữ nhờ bà đỡ, tuy nhiên những lúc ấy tuyệt nhiên không được có mặt người đàn ông nào, kể cả chồng.
5 năm trước, nhiều phụ nữ sinh tại nhà bị băng huyết và qua đời. Nhiều đứa trẻ sinh ra cũng bị nhiễm trùng vì không đảm bảo vệ sinh. Những năm trở lại đây, người dân Đan Lai có nhận thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe và sinh sản nhưng vẫn giữ nhiều hủ tục lạc hậu. Trạm y tế tuyên truyền cho phụ nữ Đan Lai về việc sinh nở nhưng người dân không mấy mặn mà với việc đến trạm xá.
Chị La Thị Sao (18 tuổi) có ba đứa con nhỏ cho biết chưa từng đến trạm xá để đẻ. Lý giải về điều này, chị Sao cho rằng đến trạm xá đẻ mất thời gian, không có ai lên nương, lại tốn kém tiền nong.
Những đứa trẻ nào chịu được “thử thách” tắm sông ấy được xem là
sẽ khỏe mạnh như con thú trong rừng.
Theo phong tục, mỗi lần sinh con, chỉ sau một ngày sản phụ sẽ mang ngay đứa con nhỏ xuống dòng sông Giăng nhúng xuống nước lạnh. Người Đan Lai cho rằng, sông Giăng là nguồn sống của cả bộ tộc, vì vậy những đứa trẻ sinh ra đều phải được tắm dưới sông để sau này lớn lên chúng thích nghi được với môi trường tự nhiên. Những đứa trẻ nào sau khi sinh ra tắm dưới sông không chịu được thiên nhiên thì theo người Đan Lai, đó là ý trời.
Trên dòng sông Giăng, ba bốn người lớn đang xúm lại tắm cho đứa trẻ đang khóc thét. Nhóm người đứng phía ngoài cười sảng khoái vì như vậy là đứa bé đã sống. Mấy phút sau tắm xong, toàn bộ người cậu bé tím tái, tay chân co quắp vì lạnh, tiếng khóc không còn ré lên như lúc đầu, thay vào đó là tiếng kêu bẹ bẹ phát ra từ cổ họng.
Anh Thau, chú của đứa trẻ, vui mừng nói: “Lần nào có trẻ con tắm là chúng tôi lo lắm, lo chúng không trụ được với sự chọn lọc của thiên nhiên thì gia đình lại mất đi một người, mẹ nó sẽ khổ lắm”.
Người chú ấy cho biết thêm, mùa đông ở đây lạnh tê người nhưng nếu vợ chồng nào sinh con mùa này vẫn phải theo tục nhúng con xuống sông tắm.
Theo thống kê của các y tá xã Môn Sơn, thường những đứa trẻ sinh vào mùa đông sau khi tắm dưới sông Giăng lên đều bị chết, đứa khỏe cũng bị viêm phổi dẫn đến bệnh tật, còi cọc. Vì vậy tuổi thọ trung bình của người Đan Lai rất ngắn, chỉ khoảng 50 tuổi.
Ngoài những hủ tục có này, ở tộc người Đan Lai còn tồn tại nhiều điều kỳ lạ khác trong các nghi thức như ma chay, cưới xin…
Việc ma chay của người Đan Lai cũng được coi là kỳ quái. Bình thường người Đan Lai hiếm khi nằm ngủ và thường quây quần bên bếp lửa để ngủ ngồi. Chỉ khi chết, người đó mới được nằm trên giường và mới được người thân mắc màn cho “ngủ”. Người chết được đem đi chôn không được bỏ vào quan tài. Xác chết được bó gọn trong những miếng mành làm bằng nứa, sau đó đem ra một khu rừng nào đó hạ xuống hố và lấp đất lại là xong.
Sau khi chôn, thân nhân không quan tâm tới người quá cố chôn ở chỗ nào bởi họ quan niệm chết là hết, không vướng bận trần gian. Các gia đình không nghĩ tới chuyện đắp mộ, sửa mộ, bốc mộ nên nhiều khi trên chính mảnh đất chôn người chết ấy, vài năm sau lại có cặp vợ chồng làm nhà ở ngay trên nóc mộ.
Bên cạnh tập tục trên người Đan Lai cũng còn nhiều điều lạ lẫm. Ở đây trai gái có thành vợ chồng được hay không đều phụ thuộc vào ông mối. Người Đan Lai cho rằng, ông mối là người quyết định tất cả việc hôn nhân của con cái.
Khi ông mối đồng ý, đồng nghĩa với việc hai bên gia chủ phải chấp nhận cho các con lấy nhau mà không cần đăng ký kết hôn. Nếu ông mối không tán thành, dù đôi trai gái đó yêu nhau đến chừng nào cũng phải ngậm ngùi chia tay.
Đám cưới của người Đan Lai được tổ chức linh đình. Trung bình mỗi đám uống rượu ăn thịt cả tuần. Trong nhà có trâu kéo, lợn gà sẽ được gia chủ mổ tưng bừng. Người Đan Lai quan niệm con cái cả đời chỉ có một ngày vui nên phải ăn chơi thật vui vẻ, sau cuộc vui sẽ tính tiếp. Sau mỗi đám cưới, gia đình thường hết sạch lương thực, tiền bạc và đôi vợ chồng mới cưới phải nai lưng đi làm kiếm tiền đong gạo, trả nợ…
Theo Đời Sống và Pháp Luật
100.000 bé gái bị cắt cửa mình bất hợp pháp tại Anh
100.000 bé gái ở độ tuổi lên 10 đã được tiến hành thủ thuật cắt cửa mình bất hợp pháp bởi các nhân viên y tế tại Anh - tờ Daily Mail trích dẫn một báo cáo mới phát hành cho biết.
Trong khi đó, các phóng viên điều tra của tờ Sunday Times tuyên bố họ đã bí mật ghi lại hình của một bác sĩ, một nha sĩ và các phụ tá, những người trực tiếp hoặc có thể gián tiếp tiến hành các thủ thuật trên ở các bé gái với giá từ 10 đến 750 bảng Anh. Những người này chối thừa nhận cáo buộc trên.
Hoạt động cắt cửa mình ở các bé gái thường được tiến hành theo phương thức cắt bỏ bộ phận sinh dục bên ngoài hoặc khâu cửa âm đạo, vốn được coi là bất hợp pháp ở Anh và có thể bị phạt tới 14 năm tù nếu bị kết án vi phạm.
Nạn nhân của hủ tục cắt cửa mình.
Tuy nhiên, nó vẫn được nhiều người nhập cư gốc châu Phi thực hiện vì lý do tín ngưỡng. Họ tin rằng, việc cắt bao quy đầu ở các bé gái là bằng chứng để chứng minh sự trinh tiết của họ trong ngày cưới. Nhưng các nạn nhân thường bị buộc phải làm phẫu thuật này trong tình trạng không được gây mê và bí mật.
Hủ tục cắt cửa mình còn khiến các bé gái phải đối mặt với các biến chứng lâu dài về cả thể chất và tinh thần, khiến họ gặp khó khăn trong việc đi đứng.
Theo một kết quả nghiên cứu vừa được công bố, hàng năm vẫn có khoảng 6.000 bé gái ở London có nguy cơ phải trải qua hủ tục có thể gây mất mạng này và lên tới hơn 22.000 nạn nhân trên khắp nước Anh.
Alison Byrne, một nữ hộ sinh tại bệnh viện Heartlands ở Birmingham cho biết cô đã từng giúp điều trị nhiều bệnh nhân ở độ tuổi từ 16 đến 40 phải chịu hậu quả của hủ tục cắt cửa mình. Trong số đó, có một bệnh nhân bị khâu cửa mình lại tới mức chỉ còn chừa ra một lỗ nhỏ bằng que diêm để đi tiểu và cho kinh nguyệt thoát ra ngoài.
Theo bà Byrne, nhiều bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng và có thể đối mặt với tình trạng chảy máu liên tục. Theo Forward, một tổ chức từ thiện vận động chống hủ tục cắt cửa mình cho biết, ước tính khoảng 100.000 bé gái ở Anh đã phải trải qua hoạt động đáng sợ này.
Theo GDVN
Người máy biết... xem bói Chỉ cần trả 5 rupi (gần 2 nghìn VND), bạn đã có thể được dự đoán vận may tài lộc. Ấn Độ là một quốc gia có nhiều nét văn hóa kỳ lạ. Trong đó, "xem bói" bằng nhiều hình thức khác nhau được người dân và cả khách du lịch hết sức ưa chuộng. Điều đặc biệt nhất trong lĩnh vực này...