Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới?
“Không nhất thiết đến cuối tháng 9, có thể có những địa bàn, những ngành nghề nếu đủ điều kiện sẽ được mở lại dần tùy theo tình hình, mức độ của dịch bệnh”, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.
Lãnh đạo UBND TPHCM đã chính thức công bố việc tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn sau ngày 15/9, nhằm đạt những kết quả ổn định, đảm bảo sự an toàn cần thiết trước khi khôi phục lại hoạt động nền kinh tế. Đợt giãn cách tiếp theo của thành phố dự kiến sẽ kéo dài thêm 2 tuần.
Tuy nhiên, với những dấu hiệu khả quan về tình hình dịch tễ thời gian gần đây, thành phố đã từng bước tính toán để khởi động lại một số hoạt động, dịch vụ trong giai đoạn ngắn hạn sau ngày 15/9.
Trong thực tế, sau ngày 6/9, TPHCM đã từng bước tạo tiền đề tiến tới giai đoạn “bình thường mới” ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Thành phố sẽ tính toán để mở lại những hoạt động tùy theo tình hình, mức độ của dịch bệnh. Có thể có những địa bàn, những ngành nghề nếu đủ điều kiện sẽ được mở lại dần, không nhất thiết phải đợi hết tháng 9″, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh về phương châm: “an toàn mới mở lại, mở lại phải an toàn” của thành phố.
Đợt giãn cách tiếp theo của thành phố dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 9 (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Khôi phục nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân
Nửa đầu tháng 7, cả 3 chợ đầu mối của TPHCM đồng loạt đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh khi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 liên tiếp. Là nguồn cung chính cho toàn địa bàn, khi còn hoạt động, 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức cung ứng cho các tiểu thương, chợ truyền thống, chợ dân sinh tại các quận, huyện, phường, xã hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm mỗi ngày.
Sau hơn 2 tháng đóng cửa các chợ đầu mối, ngày 13/9, Sở Công Thương đã có công văn gửi các quận, huyện, đơn vị quản lý chợ về việc chuẩn bị cho công tác mở cửa hoạt động lại các chợ đầu mối trên địa bàn. Các đơn vị quản lý chợ được yêu cầu cho ý kiến góp ý về dự thảo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trước khi chính quyền thành phố cho phép mở cửa hoạt động 3 khu chợ trên.
Việc chuẩn bị cho các chợ đầu mối hoạt động trở lại mang ý nghĩa lớn trong việc giải quyết nguồn cung hàng hóa cho người dân thành phố trong thời gian tới.
Khi chợ đầu mối hoạt động lại, vấn đề nguồn cung hàng hóa cho người dân sẽ được giải quyết.
Cụ thể, kênh phân phối mà người dân TPHCM dễ dàng tiếp cận nhất là chợ truyền thống gần như đã ngừng hoạt động suốt thời gian qua vì dịch Covid-19. Tại nhiều buổi họp, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hay ngưng hoạt động hình thức này, việc các chợ ngưng hoạt động là do phát hiện ca mắc Covid-19; các chợ cũng chưa đáp ứng được tiêu chí an toàn để mở cửa.
Như vậy, khi các chợ đầu mối được mở cửa trở lại, nguồn cung hàng hóa cho các khu chợ nhỏ khác sẽ được khôi phục. Khi tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến khả quan và các chợ truyền thống đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch, người dân tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ dễ dàng tiếp cận với cách thức mua hàng trước đây.
Shipper sẽ được chạy liên quận
Tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 13/9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, dự kiến từ 16/9 thành phố sẽ cho phép shipper hoạt động liên quận nếu đáp ứng được các tiêu chí an toàn. Việc mở rộng phạm vi hoạt động của các shipper sẽ giúp giảm chi phí đặt hàng đối với người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho lực lượng này đến hết tháng 9.
TPHCM tạo điều kiện để các shipper hoạt động trở lại theo cách an toàn trong thời gian giãn cách xã hội (Ảnh: Hữu Khoa).
Trong thực tế, shipper là lực lượng được TPHCM bổ sung vào nhóm đối tượng được ra đường sớm nhất trong quãng thời gian siết chặt giãn cách xã hội. Trước nhu cầu về nhu, yếu phẩm của người dân, những người vận chuyển này được thành phố xác định là lực lượng đóng vai trò quan trọng và được phép hoạt động có điều kiện từ ngày 30/8.
Video đang HOT
Sau 7 ngày hoạt động trở lại, khoảng 10.000 shipper đã giải quyết hơn một triệu đơn hàng của người dân. Cùng với đó, nhu cầu của người dân đối với công tác đi chợ thay của chính quyền cũng giảm đi từng ngày.
Từ ngày 7/9, lực lượng shipper đã được mở rộng thời gian hoạt động trong ngày từ 6h đến 21h. Cùng với đó, lực lượng này cũng đóng vai trò chính trong việc đảm bảo hàng hóa đến tay người dân khi TPHCM cho phép các loại hình kinh doanh ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) hoạt động lại bằng hình thức bán mang đi.
Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống tại TPHCM vẫn đóng cửa sau khi TPHCM cho phép hoạt động bán mang đi (Ảnh: Đại Việt).
Dù UBND TPHCM đã chính thức cho phép, nhưng những ngày qua, phần lớn hộ kinh doanh đều dè chừng mở cửa bởi cân nhắc những hiệu quả mang lại khi chỉ tiếp cận được khách hàng trong một phạm vi hẹp. Những ngày tới, các shipper được hoạt động liên quận, đồng nghĩa với việc các cửa hàng, hộ kinh doanh mở rộng đối tượng khách hàng có thể tiếp cận, tăng khả năng có lợi nhuận khi mở cửa trở lại.
Thí điểm mở lại nhiều hoạt động ở 3 quận, huyện
Với việc đạt mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19 theo tiêu chí của Bộ Y tế, Quận 7 và huyện Cần Giờ, Củ Chi được lựa chọn là khu vực để TPHCM thực hiện thí điểm từng bước mở lại các dịch vụ. Việc mở cửa trở lại ở các địa phương này dựa trên thử nghiệm áp dụng “thẻ xanh Covid” của thành phố.
Tại Quận 7, khi dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, chính quyền địa phương đã khởi động quá trình trở lại trạng thái “bình thường mới” thông qua việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế – Xã hội, để sẵn sàng phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Quận 7 tính toán các phương án mở lại các dịch vụ khi chủ hộ kinh doanh tiêm đủ 2 mũi.
Theo phương án từng bước mở lại các hoạt động, Quận 7 đề xuất UBND TPHCM bắt đầu giai đoạn một từ ngày 20/9 đến ngày 20/10. Trong quãng thời gian trên, địa phương sẽ ưu tiên mở cửa lại đối với các ngành nghề như lương thực, thực phẩm, các dịch vụ ăn uống nếu chủ hộ kinh doanh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Sau khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, huyện Cần Giờ cũng lên kế hoạch xây dựng tour du lịch với lộ trình khép kín. Dự kiến từ nay đến ngày 30/9, tour du lịch đầu tiên của huyện sẽ được khởi động với điều kiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn.
Tại buổi làm việc với huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch trên. Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc mở tour du lịch an toàn vừa giúp địa phương tận dụng, phục hồi kinh tế, vừa chia sẻ khó khăn với các địa phương, giúp người dân thành phố giảm bớt áp lực tâm lý sau quãng thời gian giãn cách kéo dài.
Huyện Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch an toàn trong tháng 9.
Khi đạt được những tiêu chí là vùng xanh của thành phố, huyện Củ Chi cũng đặt mục tiêu khôi phục lại các hoạt động theo tiêu chí “mở cửa tới đâu chắc tới đó”. Hiện nay, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch khung, từ đó các xã, thị trấn tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng địa bàn để tiến tới mở cửa, trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Với những kịch bản, kế hoạch chi tiết, Quận 7 và huyện Củ Chi, Cần Giờ sẽ là tiền đề và thử nghiệm quan trọng của TPHCM trong việc phân tích, xem xét những bước mở cửa lại các hoạt động đã đủ an toàn hay chưa.
Đối với tổng thể TPHCM, chính quyền thành phố cam kết sẽ cân nhắc, đánh giá từng ngày giữa việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát, phục hồi các hoạt động với việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Cụ thể, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè và Quận 5, 7, 11, Phú Nhuận có thể nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội từ nay đến cuối tháng 9.
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch TPHCM cho biết thành phố đang từng bước xây dựng 8 tiêu chí của 8 ngành là công thương, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, lao động, thương binh, xã hội.
“Các tiêu chí sẽ được thí điểm ở những nơi kiểm soát được dịch bệnh. Khu vực nào đảm bảo an toàn, thành phố không ngại để tạo điều kiện mở cửa”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cam kết.
Chịu khó thêm thời gian để có kết quả bền vững
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ như trên với báo chí về những chính sách, kế hoạch liên quan COVID-19 mà TP thực hiện sắp tới, đặc biệt xoay quanh mốc thời gian 15-9.
Chốt kiểm soát bảo vệ "vùng bình thường mới" tại phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Tuy vậy, TP.HCM vẫn cố gắng lo các gói an sinh để người dân khó khăn yên tâm chống dịch.
Khi thực hiện gói hỗ trợ thứ nhất đã phát sinh số người dân khó khăn nhiều hơn thống kê. Do đó TP đã thực hiện gói hỗ trợ thứ hai nhưng vẫn phát sinh thêm. Bên cạnh cập nhật ngay người cần hỗ trợ, TP đang tính toán cho gói hỗ trợ thứ ba. Dự kiến gói hỗ trợ thứ ba lên gần chục ngàn tỉ đồng, vượt rất nhiều khả năng ngân sách nhưng đây là việc phải làm để đảm bảo cuộc sống cho bà con TP.
Ông PHAN VĂN MÃI nói về chính sách an sinh để người dân an tâm ở nhà chống dịch.
Dự kiến tiếp tục giãn cách đến hết tháng 9
Theo chủ tịch UBND TP, đến nay TP ghi nhận các tín hiệu đáng mừng, tích cực nhưng cũng có một số tiêu chí chưa đạt được. Để đảm bảo tiêu chí chống dịch bền vững hơn, hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch với nhu cầu mở lại một số hoạt động, TP quyết định tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội trên địa bàn toàn TP theo tinh thần chỉ thị 16 thêm một thời gian nữa, dự kiến đến hết tháng 9.
Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như quận 5, 7, 11, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè... có thể áp dụng giãn cách theo tinh thần chỉ thị 16- hoặc 15.
Từ nay đến cuối tháng 9, TP sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin với mục tiêu phấn đấu mũi 1 đạt tỉ lệ cao nhất và đẩy nhanh tiêm mũi 2. TP cũng xác định đây là điều kiện để nhanh chóng mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tập trung củng cố năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, đầu tư phát triển thêm y tế dự phòng, y tế công cộng, nâng cao năng lực điều trị ở tầng 2, tầng 3 nhằm tăng cường khả năng tiếp nhận và điều trị của hệ thống y tế khi TP tiến hành mở cửa.
Bên cạnh đó, TP sẽ chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9 trở đi. TP cũng sẽ lấy ý kiến cộng đồng các doanh nghiệp, các chuyên gia, người dân để làm sao kế hoạch phải đáp ứng được mục tiêu vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa phục hồi các hoạt động trong điều kiện có dịch.
TP sẽ tiếp tục mở rộng thí điểm thêm một số dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của người dân và cộng đồng doanh nghiệp như sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, vận tải, hệ thống ngân hàng, viễn thông...
Về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi cho rằng việc hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ doanh nghiệp. TP đang tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để một phần đề xuất với trung ương như chính sách về thuế, phí, tín dụng, bảo hiểm... TP sẽ có các gói kích cầu phục hồi sản xuất, hỗ trợ cho người lao động với phương châm sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của TP.
Cảnh sát giao thông Cần Giờ, TP.HCM kiểm soát người lưu thông ra vào địa bàn huyện bằng quét mã QR đi lại nội địa - Ảnh: TỰ TRUNG
Nguy cơ bùng phát dịch khi mở cửa là có thật
Ông Phan Văn Mãi cho rằng rất nhiều quốc gia phát triển, có độ tiêm chủng bao phủ cao hơn, có hệ thống y tế tốt hơn, nhưng khi xuất hiện biến chủng Delta thì số ca mắc đã có sự tăng vọt, phải áp dụng biện pháp khẩn cấp. Dưới sức ép của giãn cách kéo dài, sức ép của sự phát triển kinh tế - xã hội, TP buộc phải mở cửa. Tuy nhiên, khi mở cửa thì nguy cơ bùng phát là có thật và đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, không loại trừ Việt Nam.
Lãnh đạo TP.HCM bày tỏ sự thấu hiểu mong muốn sớm mở lại các hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp. Song, mở cửa phải đảm bảo an toàn. Kết quả TP đạt được có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được tiêu chí kiểm soát. "Để bảo vệ kết quả này, chúng ta chịu khó thêm một thời gian nữa để kết quả bền vững hơn. Nếu đến cuối tháng 9, tình hình ở một số địa bàn tốt hơn thì TP sẽ mở dần ở địa bàn đó" - ông Mãi nói.
Từ đó Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP, ban chỉ đạo các cấp mong muốn cả hệ thống chính trị và người dân TP cùng nhau thực hiện đồng bộ nhất, hiệu quả nhất để đạt được kết quả cao nhất.
"TP sẽ tiếp tục tập trung, nỗ lực hết sức mình, mong muốn đến cuối tháng sẽ có được kết quả phòng chống dịch tích cực hơn, toàn diện hơn, để có đủ cơ sở, đủ tự tin mở từng bước, phù hợp với tình hình. Hy vọng thời điểm đó chúng ta không còn phải chần chừ, không còn phải quá nhiều cân nhắc để quyết định như thời điểm này" - ông Mãi chia sẻ.
Theo ông Mãi, hiện tỉ lệ "vùng đỏ", "vùng cam" đã thu hẹp khá rõ và "vùng xanh" mở rộng hơn. TP đang tiến hành rà soát, vẽ lại bộ bản đồ "vùng xanh", kết quả đến giờ này có 53% tổ dân phố, tổ nhân dân đã là "vùng xanh", tỉ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua 3 đợt xét nghiệm. Về công tác tiêm vắc xin, đến nay TP đã đạt được trên 6,5 triệu liều vắc xin mũi 1 (hơn 90% dân số trên 18 tuổi), trên 1,3 triệu mũi 2 (19% dân số trên 18 tuổi).
Người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thẻ xanh không thể thay 5K và xét nghiệm
Trao đổi về "quyền lực" của thẻ xanh mà người dân đang quan tâm, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng thẻ xanh không thay thế cho giải pháp quan trọng nhất là 5K và xét nghiệm, người dân tránh hiểu lầm là có thẻ xanh thì không cần 5K và xét nghiệm.
Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - chia sẻ sinh hoạt của người dân trong thời gian tới dựa trên những tiêu chí an toàn để kiểm soát và quản lý. Một trong những biện pháp để giám sát an toàn cho người dân là thẻ xanh COVID-19 và thẻ xanh này hiển thị trên một ứng dụng chứ không phải thẻ được cấp để đeo.
Ứng dụng này sẽ tích hợp tất cả dữ liệu như tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm, cấp mã QR khai báo y tế và các phương tiện vận tải... để tạo sự thuận lợi cho người dân và thuận tiện hơn trong công tác quản lý.
Nguồn: Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phong chống dịch COVID-19 TP.HCM - Tổng hợp: XUAN MAI - Đồ họa: T.ĐẠT
Tiêu chí nào để có "bình thường mới"?
Lý giải về tiêu chí mà TP.HCM chưa đạt được trước 15-9, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP - cho biết trong tiêu chí của Bộ Y tế có 1 tiêu chí rất khó, hiện nay TP chưa đạt được đó là số ca mắc phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất. Theo ông Thượng, hiện nay biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 - 6.000 ca.
"Căn cứ vào dữ liệu, dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng khả quan. Một số chuyên gia dịch tễ cho hay rất khó để làm sạch F0 trong cộng đồng. Chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp tục các giải pháp Bộ Y tế đưa ra, đồng thời sẽ có kiến nghị với bộ để có những tiêu chí phù hợp" - ông Thượng thông tin.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Liên Hương - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, nơi này hiện đang xây dựng hướng dẫn "Lộ trình từng bước trở lại trạng thái bình thường mới tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16".
Hướng dẫn được xây dựng căn cứ trên các quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền và các hướng dẫn chuyên môn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và Bộ Y tế; các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm triển khai của gần 40 quốc gia/bang/tỉnh trên thế giới, cũng như kinh nghiệm triển khai tại các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 như Bắc Ninh, Bắc Giang. Các tiêu chí hiện đang được xây dựng bao gồm: kiểm soát dịch, tỉ lệ giường hồi sức tích cực (ICU), tỉ lệ tiêm vắc xin, mức độ nguy cơ.
Trước đó, trong tháng 8 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại TP.HCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 với một số tiêu chí mà ông Thượng đã cho biết như trên. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, TP.HCM đã giảm rõ rệt ở 2 tiêu chí số ca nhiễm tại cộng đồng và số ca tử vong.
Được biết, trong số 23 địa phương đã và đang thực hiện chỉ thị 16, có 8 địa phương gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau được xếp vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nhóm 2 đang tiếp tục lộ trình thực hiện các tiêu chí kiểm soát dịch gồm: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
3 tỉnh thành còn lại (nhóm 3) là TP.HCM, Bình Dương và Kiên Giang thuộc nhóm cần tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống dịch, tiến tới thực hiện các tiêu chí kiểm soát dịch.
Nhiều nước mở - siết là tình hình chung
Ông Lê Hải Bình - phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - nêu một loạt dẫn chứng tình hình dịch bệnh ở các nước tiên tiến trên thế giới như ở Mỹ, Đức, Úc, Singapore... khi xuất hiện biến chủng Delta thì số ca mắc tăng vọt, các quốc gia này cũng đã có các biện pháp khẩn cấp là "phanh (thắng) gấp".
Vì thế, quá trình mở cửa phải có lộ trình, có sự kiểm soát, đánh giá liên tục để điều chỉnh cho phù hợp. Người dân, doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế, đồng cảm, đồng hành với TP chống dịch. Căn cứ vào các điều kiện nhất định, điều kiện quốc gia và thế giới, nếu tốt hơn thì sẽ nới, nếu có gì bất thường phải siết chặt lại. Đây là nhận thức chung trên toàn cầu, cũng là nhận thức mà Thủ tướng đã nêu.
Vì sao TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội? Gần 30 ngày qua, TP HCM đạt được một số kết quả trong phòng chống Covid-19 nhưng chưa hoàn thành các tiêu chí Bộ Y tế đặt ra, nhất là giảm số ca mắc mới. Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm một thời...