Những hình ảnh nhói lòng sau nửa năm “bão” dịch tả tấn côngNhững hình ảnh nhói lòng sau nửa năm “bão” dịch tả tấn công
Sau khi tấn công gây thiệt hại nặng cho các trang trại, đến giờ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang tiếp tục càn quét vào các “thành trì” cuối cùng của ngành chăn nuôi lợn. Những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nơi tưởng chừng sẽ an toàn nhất cũng bị dịch “công phá” tan hoang, mọi thứ chỉ còn lại là vôi trắng và nước mắt.
Chuồng trại tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn ở Bình Lục ( Hà Nam) trắng xóa vôi sau “bão” dịch.
Sau gần 5 tháng bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công đến nay nhiều chuồng trại chăn nuôi tại các “thủ phủ” chăn nuôi ở miền Bắc như Hà Nam, Nam Định, Hải Dương… đều đã tan hoang, xơ xác.
Là địa phương cuối cùng của huyện Kim Thành (Hải Dương) bị DTLCP ngày 21/5, xã Lai Vu đang có tổng đàn lợn nhiều nhất huyện Kim Thành với khoảng 13.000 con lợn. Đến nay, theo ghi nhận của chúng tôi, lực lượng chức năng của xã đã tiêu hủy gần 3.000 con lợn do bệnh DTLCP với tổng trọng lượng hơn 172 tấn, chiếm 23% tổng đàn lợn của xã.
Ông Phạm Văn Thuận, một chủ trang trại ở huyện Kim Thành cho biết, chưa bao giờ người chăn nuôi lại bị thiệt hại nặng như đợt dịch lần này. Từ trang trại lớn đến gia trại nhỏ đều bị DTLCP tàn phá khủng khiếp, thiệt hại nặng nề.
“DTLCP như một cơn sóng thần cuốn trôi mọi thứ, giờ bà con ở đây nợ nần chồng chất, không còn việc gì để làm, nhiều người đã phải dời quê đi nơi khác kiếm sống”, ông Thuận nói.
Ông Đinh Văn Hùng ở Nho Quan (Ninh Bình) lầm lũi xách những con lợn cuối cùng bị chết vì dịch tả lợn châu Phi tại trang trại của mình đi tiêu hủy.
Từng được coi là trang trại khép kín, đầu tư chăn nuôi bài bản nhất, nhì xã Lai Vu, hàng ngày bên cạnh việc rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng bà Nguyễn Thị Phượng cũng quản lý chặt người ra vào. Đặc biệt, các công nhân làm việc tại trại cũng được bà sắp xếp ăn, ngủ tại chỗ trong suốt thời gian có dịch.
Dù đã nỗ lực hết sức, làm mọi cách có thể nhưng mới đây, trang trại của bà Phượng cũng đã bị dính DTLCP. “Cả đàn lợn hàng trăm con, có nhiều ô chuồng chuẩn bị xuất bán vẫn không thể thoát được “án tử”, chúng tôi “trắng tay” thật rồi”, bà Phượng nói.
Chia sẻ với chúng tôi về sự thất bại của gia đình mình trong chăn nuôi lợn, bà Nguyễn Thị Thảo ở Bình Lục (Hà Nam) cứ khóc rưng rức, bà bảo: “Sau khi đàn lợn hơn 200 con của gia đình bị dịch phải đưa đi tiêu hủy, toàn bộ tài sản bao nhiêu năm gây dựng tiêu tan theo đất, hai vợ chồng tôi suy sụp hoàn toàn”.
Video đang HOT
Sau khi dịch tả tấn công, trang trại của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thuận ở Kim Thành (Hải Dương) thiệt hại nặng nề.
Nhiều chuồng trại nuôi lợn giống ở Kim Thành (Hải Dương) bỏ hoang sau khi dịch tấn công.
Cảnh trang trại hoang tàn sau “bão” dịch tả ở Kim Thành (Hải Dương).
Các trang trại trắng xóa vôi…
… các vật dụng, thiết bị chăn nuôi… đang hư hỏng dần.
Số lượng lợn bị dịch tả tại các xã của Kim Thành vẫn tăng lên từng ngày.
Theo Danviet
Sau "bão" dịch tả lợn châu Phi: Kẻ trốn nợ, người làm xe ôm...
Sau "bão" dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều vùng nông thôn từng là "thủ phủ" chăn nuôi lợn ở miền Bắc như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam... nay đều đã tan hoang, hàng triệu hộ dân lâm cảnh nợ nần phải chật vật mưu sinh kiếm sống, trả nợ.
Các chuồng trại của gia đình anh Tho tan hoang sau "bão" dịch tả lợn châu Phi.
Hơn 5 năm xung phong ra vùng bãi lầy làm kinh tế trang trại, chưa khi nào hai anh Nguyễn Hồng Phúc và Nguyễn Đức Tho ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) lại chịu cảnh thất bại thê thảm như năm nay. Anh Tho cho hay: Trang trại của chúng tôi được đầu tư rất kỳ công, nằm biệt lập giữa cánh đồng nhưng vẫn bị DTLCP, đây thực sự là lần thất bại thảm hại và quá lớn với gia đình chúng tôi.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan các chuồng trại trắng xóa vôi bột của mình, anh Tho buồn rầu bảo: "Lợn mất rồi, giờ còn cả đống nợ hơn 500 triệu nữa chưa biết đến khi nào chúng tôi mới trả được". Từ ngày mất lợn đến giờ, vợ chồng anh Tho phải liều đi vay mượn thêm tiền từ anh em, bạn bè để đầu tư vào nuôi cá chép thương phẩm, nhưng từ lúc bỏ cá giống xuống ao đến giờ, thời tiết nắng nóng, mưa bão thất thường đang khiến cho anh Tho rất lo lắng, sợ lại thất bại tiếp.
"Đây là cơ hội cuối rồi, nếu thất bại tiếp thì coi như gia đình tôi hết đường sống", anh Thơ nói.
Anh Tho chăm sóc đàn cá chép thương phẩm tại ao của gia đình ở Ninh Bình.
Căng thẳng hơn hộ anh Tho, anh Phúc, sau khi mất lợn, ông Phạm Văn Hồ ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) gần như không còn "cửa" vay mượn làm lại mà phải dời quê hương lên Hà Nội hành nghề xe ôm kiếm sống.
"Riêng tiền nợ lãi tính ra chúng tôi đã nợ cả trăm triệu, giờ khó có khả năng chi trả, trong nhà còn cái gì bán được cũng đã đưa đi hết rồi, buồn lắm chú ạ", ông Hồ ngậm ngùi.
Dù đã xa nhà cả tháng nhưng hai vợ chồng ông Hồ cũng không dám về vì sợ chủ nợ bắt gặp siết nợ. "Thỉnh thoảng nhớ con, nhớ nhà nhưng cũng đành chịu vậy, cố chờ thêm thời gian nữa kiếm được tiền mới dám về", ông Hồ chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh với anh Tho, gia đình anh Phúc cũng đang vay mượn thêm để đầu tư vào chăn nuôi hơn 2 tấn cá chép thương phẩm, mong vớt vát lại chút vốn sau "bão" dịch.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Toàn - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho hay: Sau mấy tháng xâm nhập gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi lợn của huyện đến nay DTLCP vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. "Đến nay, các xã của huyện đã mất khoảng trên dưới 30% số lượng lợn nhưng hiện dịch vẫn tiếp tục tấn công và tàn phá các trang trại, gia trị còn sốt lại mà chúng tôi không có cách gì khống chế được", ông Toàn nói.
Để có tiền lo cuộc sống cho hai con và trả nợ lãi ngày, hai vợ chồng anh Phạm Tiến Minh ở Yên Khánh (Ninh Bình) đèo nhau đến các cánh đồng của huyện để mong có người thuê gặt, cấy. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, anh Minh bảo: "Vào ngày mùa có người thuê, hai vợ chồng còn kiếm được 500.000 đồng đến 600.000 đồng/ngày chứ ngày thường chỉ về không thôi, khổ lắm".
Khi được chúng tôi hỏi về dự định sắp tới của hai vợ chồng, anh Minh lại ấp úng: "Giờ chúng tôi đang lo chạy ăn từng bữa còn khó nói gì đến việc kiếm tiền cho con ăn học, trả nợ. Vợ chồng tôi đang túng quẫn lắm, không biết sắp tới đi đâu, làm gì nữa".
Ông Trần Văn Tự ở Bình Lục (Hà Nam) quét dọn chuồng lợn để chuẩn bị chuyển sang nuôi bò.
Niềm hy vọng cuối cùng của gia đình ông Đinh Văn Quyết ở Nho Quan (Ninh Bình) đang dồn vào đàn vịt 200 con.
Chuồng trại ở "thủ phủ" chăn nuôi lợn ở Bình Lục (Hà Nam) tan hoang sau "bão" dịch. Nhiều chủ trại đã phải phá chuồng để nghỉ nuôi.
Nhiều hộ "trắng tay" sau khi bị dịch tả lợn châu Phi tấn công nay phải chuyển sang buôn rau, tạp hóa để mưu sinh kiếm sống, trả nợ.
Theo Danviet
Vùng an toàn dịch bệnh "kiệt sức" vì dịch tả lợn châu Phi Dù đã đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn và được quy hoạch theo vùng an toàn dịch bệnh nhưng nhiều trang trại ở Thái Bình, Nam Định vẫn bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công, khiến cho người dân thiệt hại nặng nề. Trại lớn, thiệt hại càng lớn Là một trong những hộ tham gia vào đề án...