Những hình ảnh đầu tiên bên trong Nhà thờ Đức bà Paris sau hỏa hoạn
Mặc dù phần mái và tháp nhọn bị hủy hoại, cấu trúc chính gồm 2 tòa tháp đôi của Nhà thờ Đức bà Paris không bị ảnh hưởng sau vụ cháy.
Lửa vẫn cháy âm ỉ bên trong Nhà thờ Đức bà Paris.
Vụ hỏa hoạn tối 15/4 gần như thiêu rụi mái vòm Nhà thờ Đức bà Paris, làm đổ sập phần tháp nhọn. Ngọn tháp đổ sập ở phút thứ 63 sau khi đám cháy được phát hiện. Sau đó không lâu, phần mái vòm của nhà thờ cũng bị đổ sập, khiến ngọn lửa lan tràn xuống phần khung bên dưới của tòa nhà.
Đến 0h ngày 16/4 (giờ địa phương), lính cứu hỏa đã khống chế được ngọn lửa và tiến vào được bên trong nhà thờ.
Lính cứu hỏa phun nước dập tắt lửa trên mái vòm nhà thờ.
Phần cấu trúc quan trọng nhất của Nhà thờ là 2 tòa tháp đôi 850 năm tuổi may mắn không bị ảnh hưởng. Trong nhiều thế kỷ, 2 tòa tháp đôi này từng là công trình cao nhất tại Paris trước khi tháp Eiffel được xây dựng.
“Ít nhất thì 2 tháp đôi vẫn còn đứng vững. Chúng phải đứng vững để Nhà thờ Đức bà có thể tái sinh”, một người dân địa phương có tên Pascal Boichut (52 tuổi) cho biết.
Video đang HOT
Gian chính điện nhà thờ không chịu nhiều thiệt hại.
Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa Paris Jean-Claude Gallet cũng xác nhận: “Chúng tôi cho rằng cấu trúc chính của Nhà thờ Đức bà đã được bảo vệ”.
Nhiều báu vật có giá trị lịch sử, văn hóa vô giá đã được di chuyển ra khỏi nhà thờ trước và trong khi vụ hỏa hoạn xảy ra.
Bên trong nhà thờ sau vụ hỏa hoạn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã coi vụ hỏa hoạn là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông cũng nhấn mạnh nước Pháp sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức bà bởi đây là “lịch sử của chúng ta, trí tưởng tượng của chúng ta, nơi chúng ta đã sống những giây phút tuyệt vời nhất và là trung tâm cuộc sống của chúng ta. Đó là câu chuyện trong những cuốn sách, những bức tranh của chúng ta. Đó là nhà thờ của tất cả người dân Pháp, cho dù nhiều người trong số họ chưa từng đặt chân tới”.
Theo Danviet
Nhà báo Trương Anh Ngọc: "Tim nhói đau khi Nhà thờ Đức Bà cháy rụi"
Tim nhói đau khi sáng dậy, đọc tin Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy đêm qua, tháp mũi tên và một phần mái đã sập trong ngọn lửa điêu tàn.
Đơn giản vì yêu Paris và nước Pháp, vì đã bao lần đến Paris đều đặt chân đến đây, rảo bước bên bờ sông Seine, đứng tư lự trên những cây cầu và ngắm nhà thờ cùng với những hàng hàng lớp lớp mái nhà của trung tâm thành phố từ xa, và chụp những tấm ảnh để lưu làm kỉ niệm.
Ảnh nhà báo Trương Anh Ngọc chụp ở Nhà thờ Đức Bà (Paris, Pháp) hè 2016 và 2017.
Không phải những tấm ảnh có mặt mình trong đó như cách người ta vẫn làm, để khẳng định đúng là mình đã đến đó, mà đơn giản là để lưu lại những cảm xúc của bản thân mình lúc đó. Với mình, nơi ấy gắn với nhiều kỷ niệm Paris hơn là tháp Eiffel.
Tiểu thuyết bất hủ "Nhà thờ Đức bà Paris" của Victor Hugo đã góp phần khiến công trình huyền thoại ấy trở thành một di sản của nhân loại. Trong tác phẩm ấy, nhà thờ tượng trưng cho những gì thuộc về thần quyền và cường quyền, cho cái ác và sự đè nén về tinh thần, về sự bất công giáng xuống những người dân thường chất chứa những uất ức.
Quasimodo, nhân vật chính của tác phẩm, là một thằng gù xấu xí, mồ côi khốn khổ được người ta đưa về nuôi và trở thành người đánh chuông cho nhà thờ. Nhưng nó biết yêu, yêu say đắm một cô gái Digan có tên Esmeralda, và ở phần cuối tác phẩm, nó đã giết chết người đã cưu mang nó để cứu Esmeralda. Nàng vẫn phải chết, và thằng gù sau đó cũng chết theo.
Nhà thờ thì vẫn còn sừng sững ở đó. Ngoài đời thực, nhà thờ đã bị cháy trong những năm tháng mà nước Pháp chấn động bởi những mâu thuẫn xã hội, những cuộc biểu tình và đập phá, những nguy cơ khủng bố. Nhà thờ không cháy hết, may thay, nó đã được cứu, nhưng người dân Paris sáng sau thức dậy sẽ thấy ở chỗ của cái tháp đã tồn tại hơn 8 thế kỉ kia một khoảng trống rỗng đầy nhức nhối và đau đớn. Rồi họ cũng sẽ phải quen với điều đó, giống như người New York đã phải quen với việc ở chỗ của toà tháp đôi bây giờ là một khoảng không, sau khi nó bị tấn công khủng bố ngày 11.9.
Và trong một lúc bần thần vì nhớ Paris, mình nhớ lại những hành trình ở đó và cả trích đoạn này trong cuốn "Hẹn hò với Paris" của mình được xuất bản năm ngoái. Nhưng dù gì đi nữa, có một điều không bao giờ thay đổi, "chúng ta luôn có Paris"...
"Mới rồi, khi trở lại Paris cho một chuyến đi ngắn, tôi đã tới bên sông Seine và làm một điều tôi từng muốn làm từ lâu. Ngồi trên một con đường lát đá chạy dọc con sông, đoạn gần Nhà thờ Đức Bà, nhắm mắt lại, tôi bật một đoạn băng đã từng nghe trong những năm quá khứ. Bên tai vang lên tiếng hát của Yves Montand, bản "Sous le ciel de Paris" (Dưới bầu trời Paris): "Hàng nghìn người/Dưới bầu trời Paris/Sẽ hát đến tối/Bản hòa ca tình yêu/Với khu phố cổ"....
Trong "Casablanca", nhân vật chính có lần nói, "Chúng ta luôn có Paris", một cách để nhắn nhủ với người mình yêu, rằng dù có chuyện gì đi nữa, họ đã có với nhau rất nhiều kỉ niệm không thể nào quên.
Nhiều người dân Paris cảm thấy đau lòng khi chứng kiến ngọn lửa lớn thiêu rụi Nhà thờ Đức Bà.
Paris với tôi là kỉ niệm theo nghĩa đen của nó, kỉ niệm về thời quá khứ đã yêu nó mà chưa đặt chân đến đó, là kỉ niệm của những lần đã đến đây khi lớn và trở về, và sẽ là những kỉ niệm có được sau chuyến đi này. Suốt cuộc đời, tôi luôn có Paris, đơn giản vì tôi chưa từng mất nó.
Bonjour Paris..."
Nhà báo Trương Anh Ngọc là người gắn bó nhiều với nước Pháp, và qua các trang sách, đến với nước Pháp còn trước cả nước Ý. Cuốn "Hẹn hò với Paris" (xuất bản năm 2018) của anh tràn ngập những kỉ niệm và tình cảm với Paris và nước Pháp.
Theo Danviet
Ngọn lửa thiêu rụi Nhà thờ Đức Bà Paris đã được kiểm soát, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát Đám cháy nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame) đã được kiểm soát, các nhân viên cứu hỏa xác nhận đầu ngày 16/4. "Ngọn lửa đã hoàn toàn được kiểm soát và được dập một phần, vẫn còn những ngọn lửa nhỏ cần xử lý" - một người phát ngôn lực lượng cứu hỏa cho biết. Đám cháy tại nhà thờ Đức Bà...