Những hiểu lầm “chết người” về trẻ tự kỷ
Tự kỷ có phải là bệnh “hết thuốc chữa”? Do thiếu sự quan tâm của phụ huynh mà số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng? Xét nghiệm máu, vân tay để chẩn đoán trẻ tự kỷ?… Rất nhiều những “hiểu lầm chết người” chúng ta đang mắc phải khi sống chung, đối mặt, giúp đỡ một trẻ bị tự kỷ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
1. Tự kỷ là loại bệnh không thể chữa
Bác sỹ Orly Attia Dafni, chuyên ngành nhi khoa và Trẻ tự kỷ đến từ Hanoi Family Medical Practice cho biết: “Nếu gọi là bệnh tự kỷ thì đúng là không có thuốc chữa nhưng nếu xem đây là một tình trạng rối loạn về giao tiếp thì nếu xác định được mức độ sẽ đưa ra được các biện pháp can thiệp phù hợp”.
Tự kỷ là một hội chứng phức tạp cả về tâm thần, tâm lý, vận động. Khoa học gọi là rối loạn phổ tự kỷ. Hội chứng tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi song thường được phát hiện khá muộn. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng can thiệp sớm và hiệu quả có tác dụng cải thiện chức năng não. Trẻ từ 18-36 tháng tuổi nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì khoảng 30% sẽ trở lại bình thường, có thể hòa nhập với cộng đồng. Quá 3 tuổi, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.
2. Trẻ tự kỷ ngày càng tăng là do phụ huynh thiếu quan tâm tới con
Theo thông tin từ dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ, thống kê trên thế giới năm 2014 cứ trong 68 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ, trong khi tỷ lệ trẻ tự kỷ năm 2000 là 1/150.
Tuy nhiên chúng ta không thể nhìn từ con số và thực tế để kết luận ngày càng nhiều trẻ mắc tự kỷ vì tỷ lệ này tăng do nhận thức của cộng đồng nâng cao, tiêu chí chẩn đoán thay đổi, số lượng trẻ được đưa đi chẩn đoán nhiều hơn. Trước đây chúng ta không hiểu về rối loạn tự kỷ nên thường quy là trẻ bị bệnh khác.
Đây là quan niệm sai lầm về tự kỷ. Bản chất tự kỷ là tự nhiên chứ không phải do cha mẹ thiếu quan tâm hay tác động của ngoại cảnh, môi trường sống.
Hiện tại chúng ta không biết tất cả những nguyên nhân gây ra tự kỷ. Tuy nhiên khoa học cũng thống kê được nhiều nguyên nhân dẫn tới tự kỷ. Có một vài yếu tố dẫn tới trẻ có xu thế mắc tự kỷ bao gồm môi trường, sinh học và di truyền.
Video đang HOT
3. Trẻ đang bình thường tự nhiên bị tự kỷ do không được quan tâm
Phần lớn trẻ tự kỷ có vẻ ngoài bụ bẫm, dễ thương, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt cho tới khi 18-24 tháng. Nhiều bé chỉ đến khi 2 tuổi vẫn không chịu nói gì hoặc không nói nữa dù trước đó đã bập bẹ và có những ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi.
Đây là một dạng biểu hiện của tự kỷ chứ không phải do môi trường sống tác động khiến trẻ đang bình thường lại bị tự kỷ.
4. Mọi đứa trẻ bị tự kỷ đều có biểu hiện giống nhau
Một trẻ bị mắc rối loạn tự kỷ thường gặp khó khăn trong kỹ năng xã hội, giao tiếp, hành vi và sở thích bất thường. Có thể coi tự kỷ là một dạng khuyết tật về giao tiếp. Tuy nhiên theo Ths. về giáo dục đặc biệt Nguyễn Thị Nha Trang, quản lý dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ) thì toàn bộ trẻ tự kỷ đều gặp ba vấn đề chính trên nhưng các triệu chứng xuất hiện khác nhau với tính chất nghiêm trọng khác nhau ở từng đứa trẻ riêng biệt. Không có hai đứa trẻ tự kỷ nào biểu hiện giống hệt nhau.
5. Muốn phát hiện tự kỷ hãy đưa trẻ đi xét nghiệm máu và kiểm tra vân tay
Ths. Nguyễn Thị Nha Trang khẳng định: “Đây là quan niệm không có cơ sở khoa học. Hiện nay chỉ có thể phát hiện trẻ bị tự kỷ bằng cách đưa con tới các trung tâm, phòng khám, bệnh viện có chuyên khoa, chuyên môn chẩn đoán. Bác sỹ, các nhà chuyên môn sẽ quan sát hành vi và sự phát triển của trẻ để chẩn đoán.
Phụ huynh có thể dựa vào các dấu hiệu sớm để sàng lọc bệnh tự kỷ của trẻ từ 6 tháng tuổi và bảng kiểm M chat. Tuy nhiên chỉ có quá trình chẩn đoán chuyên sâu của nhà chuyên môn mới đánh giá chính xác.
Theo Phương Linh
Baophapluat
Tự kỷ: Bệnh của thời hiện đại và 6 dấu hiệu nhận biết
Mấy năm gần đây, bệnh tự kỷ đã trở thành mối quan tâm, lo ngại chung của toàn xã hội và đây không còn là chứng bệnh lạ hiếm gặp nữa.
Bởi vậy, không thể trì hoãn việc nâng cao nhận thức về chứng bệnh này.
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Bệnh của thời hiện đại
Một thống kê gần đây của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ trẻ bị bệnh tự kỷ đang ngày càng tăng. Cứ 88 trẻ thì có một em bị bệnh tự kỷ. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỉ lệ cao nhất ở trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường, nhưng con số đó cũng chưa nói lên hết thực trạng vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường khi đến tuổi đi học. Điều đáng lo ngại hơn là thông đến căn bệnh này ở châu á nói chung và ở Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế, vì vậy có thể ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ.
Thực tế bệnh tự kỷ không phân biệt trẻ em nhà giàu hay nghèo. Tuy nhiên, các bác sĩ ghi nhận, phần lớn trẻ tự kỷ là con các gia đình giàu có, cha mẹ thành đạt, nổi tiếng hoặc luôn bận rộn với công việc, ít có thời gian dành cho con. Theo giải thích của các chuyên gia, về mặt phân tâm học, tách trẻ ra khỏi hơi ấm của cha, mẹ quá sớm sẽ khiến trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, trẻ dần dần tự cô lập, nếu có sẵn những yếu tố tự kỷ thì bệnh sẽ mau nặng lên. Trẻ được bao bọc quá kỹ lưỡng trong điều kiện vật chất dư thừa, nhưng không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, không được hoạt động, tương tác với trẻ khác, cũng khiến hội chứng tự kỷ thêm trầm trọng.
Có thể lý giải hiện tượng trẻ em nông thôn ít bị tự kỷ hơn là bởi trẻ nông thôn có điều kiện giao tiếp với cộng đồng thuận lợi hơn, được vận động, vui chơi với những trẻ em khác thoải mái hơn, từ đó sẽ phát triển bình thường, hoặc bị tự kỷ nhẹ thì bệnh có thể hoàn toàn tự khỏi.
Theo bác sĩ Lý Trần Tình - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, chứng tự kỷ là một rối loạn phát triển kéo dài suốt đời, ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp xã hội, ngôn ngữ và hành vi, hiện chưa rõ nguyên nhân và chưa tìm được cách chữa trị hiệu quả. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa căn bệnh tự kỷ. Trong khi đó, căn bệnh này ở trẻ em khi phát hiện muộn, việc điều trị gần như vô hiệu. Cuộc chiến với căn bệnh tự kỷ thường kéo dài và rất gian nan, việc phát hiện sớm là rất quan trọng, vì phát hiện càng sớm thì việc can thiệp, khắc phục sẽ có kết quả cao hơn, trẻ càng có nhiều cơ hội hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống.
Bác sỹ Lý Trần Tình - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Hành động vì trẻ bị tự kỷ
Vì sự cần thiết của việc giúp trẻ em và người mắc chứng tự kỷ cải thiện cuộc sống, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia về căn bệnh này, bên cạnh những bậc phụ huynh lo lắng về tình trạng tự kỷ ở trẻ thì hầu hết phụ huynh đều không muốn tin con mình bị tự kỷ. Nhiều bậc phụ huynh mang tâm lý quá nặng nề khi con mắc bệnh tự kỷ. Trong khi đó, hội chứng tự kỷ lỗi không hoàn toàn từ cách chăm sóc của cha mẹ. Nên nhiệm vụ của các bậc phụ huynh khi có trẻ nhỏ là cần theo dõi sự phát triển của con cái, phát hiện "giai đoạn vàng" để điều trị cho trẻ kịp thời. Theo đó, giai đoạn điều trị cho trẻ tự kỷ 18-36 tháng tuổi là tốt nhất.
Theo kinh nghiệm thực tế điều trị chứng tự kỷ trẻ em tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, bác sĩ Lý Trần Tình cho biết, hiện tại, cả nguyên nhân và các phương pháp điều trị cho trẻ bị tự kỷ đều chưa đưa ra được những yếu tố chính xác. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy nếu trẻ được phát hiện và can thiệp sớm sẽ đem lại kết quả khả quan. Những trường hợp trẻ được đưa đến kịp thời sẽ được điều trị theo lộ trình test kiểm tra tình trạng bệnh nhân và mỗi người sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Dù khá hiệu quả nhưng phác đồ này cũng chủ yếu là do các bác sĩ "đúc rút" kinh nghiệm.
Còn trăn trở nhiều với căn bệnh này, muốn khống chế tình trạng gia tăng trẻ bị tự kỷ, bác sĩ Lý Trần Tình khuyến cáo nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất khi phát hiện trẻ có hiện tượng. Việc điều trị bệnh tự kỷ đòi hỏi quá trình lâu dài, thêm đó rất tốn kém về mặt tiền của thì dù đã có chủ trương nhưng các ngành liên quan như: Y tế, giáo dục, tâm lý học, xã hội học... cũng cần có động thái tích cực hơn nữa để hỗ trợ cũng như kế hoạch, hành động cụ thể để ứng phó với hội chứng tự kỷ. Một khi tạo được những cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội để giúp những người không may mắn có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
BS. Lý Trần Tình đã nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý bởi những cống hiến thầm lặng của ông đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe tâm thần cho người dân. Song với ông, phần thưởng lớn nhất chính là hình ảnh của các bệnh nhân tâm thần được chữa trị khỏi bệnh, đặc biệt là trẻ em, trở lại với cuộc sống tươi sáng, sống có ích cho xã hội.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ
- Thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác.
- Thể hiện, hành động rất giống nhau trong cách chọn lựa các thói quen hàng ngày.
- Không hề nói năng hoặc cách nói rất kỳ dị, nói tuỳ thích.
- Rất thích xoay chuyển các đồ vật và thao tác khéo léo hoặc có những động tác định hình.
- Có kỹ năng cao về ý thức không gian, có trí nhớ vẹt trong khi lại rất khó khăn trong việc học tập các lĩnh vực khác.
- Bề ngoài có vẻ nhanh nhẹn, thông minh, dễ thương. (Những biểu hiện như trên có thể nhận biết từ khi trẻ 12 tháng cho đến khoảng 30 tháng tuổi).
Theo Đời Sống Pháp Luật
Trẻ tự kỷ bị 'kì thị' từ bậc mầm non Mất cả chục triệu đồng "lót tay" xin học mầm non cho con nhưng chỉ hai tháng sau bé N.N.Th đã bị trả về với lý do "trường không nhận trẻ tự kỷ". Đó là trường hợp của bé N.N.Th (4 tuổi, ở Minh Khai - Hà Nội). Phải vất vả lắm chị Thương (mẹ bé Th) mới xin học được cho cậu...