Những hiện tượng tưởng hiếm gặp nhưng lại xảy ra phổ biến không ngờ
Nhật thực toàn phần, cỏ 4 lá hay nhìn thấy ma và các hiện tượng khác tưởng hiếm gặp nhưng lại có xác suất xảy ra nhiều đến không ngờ.
Nhật thực toàn phần: Mặc dù nhật thực toàn phần vẫn được coi là trải nghiệm “nghìn năm có một” trong đời song thực tế là chúng không hề hiếm xảy ra. Theo trang Space.com, “có một hiểu lầm phổ biến là mọi người coi nhật thực toàn phần là một hiện tượng hiếm gặp. Trái lại, trung bình, hiện tượng này xảy ra 18 tháng/lần và nó đều có thể trông thấy từ nơi nào đó trên bề mặt Trái Đất”.
Sao băng: Hiện tượng sao băng xảy ra khi những viên đá nhỏ va chạm với bầu khí quyển Trái Đất và bốc cháy thành những tia sáng. Điều này có vẻ như không xảy ra hằng ngày song thực tế là sao băng xảy ra vài lần trong 1 tiếng. Theo Khoa Thiên văn học tại Đại học Cornell, bạn có thấy thấy sao băng 10 – 15 phút/lần khi nhìn lên bầu trời không bị ô nhiễm ánh sáng.
Núi lửa phun trào: Bạn thường nghĩ rằng núi lửa phun trào là một hiện tượng hiếm gặp khiến toàn thế giới phải chú ý? Tuy nhiên, có khoảng 50 – 60 vụ phun trào mỗi năm trên Trái Đất. Dù vậy, trong nhiều trường hợp, rất khó để xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của 1 vụ phun trào.
Gặp một người lạ có cùng ngày sinh với bạn: Điều này luôn rất thú vị nhưng không phải là hiếm. Trên thực tế, điều này thậm chí chắc chắn xảy ra trong những trường hợp nhất định. Các nhà toán học đã gọi đây là “bài toán ngày sinh”, tức là bạn phải tập hợp một nhóm bao nhiêu người để có xác suất 50-50 hai người có cùng ngày sinh?”, nhà phân tích Ana Swanson cho biết trên tờ Washington Post. Cô cũng khẳng định thêm rằng: “Nếu bạn tập hợp 1 nhóm 366 người, 100% khả năng là có 2 người sẽ có cùng ngày sinh, bởi vì chỉ có 365 ngày trong năm, ngoại trừ năm nhuận”.
Chết vào ngày sinh: Một nghiên cứu năm 2012 trên Annals of Epidemiology đã chỉ ra rằng mọi người có 14% khả năng sẽ chết vào ngày sinh của họ thay vì bất kỳ ngày nào khác trong năm. Mặc dù có một số lý thuyết đã giải thích điều này nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng là gì.
Mù màu: Bạn có thể bắt gặp ai đó không thể nhìn thấy toàn bộ dải màu sắc 1 lần/ngày. Theo Viện Mắt Quốc gia Mỹ, 8% đàn ông có tổ tiên là người Bắc Âu bị mù màu xanh lá cây và đỏ, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ là 5%.
Sinh đôi: Theo The Atlantic, từ năm 1915 – 1980, cứ 50 trẻ em thì lại có 1 cặp sinh đôi với tỷ lệ là 2%. Năm 1995, tỷ lệ này là 2,5% trong khi năm 2010, tỷ lệ này là 3,3%. Điều này tức là cứ 30 em bé thì lại có 1 cặp sinh đôi.
Sinh ra trên đường tới bệnh viện: Tất cả chúng ta đều biết các em bé không phải lúc nào cũng chào đời chính xác như chúng ta tính toán. Đó là lý do tại sao một nghiên cứu ở Australia thu thập dữ liệu từ năm 2000 – 2011 công bố trên tạp chí BMJ Open cho thấy cứ 1.000 trẻ thì lại có 4,6 trẻ được sinh ra trước khi mẹ của chúng được đưa tới bệnh viện.
Sinh ra thừa 1 ngón tay hoặc 1 ngón chân: Hầu hết mọi người đều sinh ra có mỗi bàn tay và mỗi bàn chân 5 ngón, song hiện tượng thừa ngón cũng không phải là hiếm. Theo Viện Boston Children’s Hospital, cứ khoảng 500 – 1.000 trẻ sinh ra thì lại có 1 em bé bị thừa 1 ngón tay hoặc 1 ngón chân.
Thuận cả 2 tay: Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, cứ 100 người thì lại có 1 người thực sự thuận cả 2 tay.
Có dòng màu Hoàng gia: Nhiều người mơ ước về việc họ có dòng máu hoàng gia song theo Popular Science, việc này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Nếu bạn ngược về quá khứ khoảng 30 thế hệ, bạn sẽ có khoảng 1,073 tỷ tổ tiên. Do đó, bạn có thể dễ dàng thấy rằng mọi người đều có liên hệ với hoàng gia ở một số điểm nào đó.
Trải qua hiện tượng Déjà Vu: Déjà Vu là một từ tiếng Pháp với nghĩa là “đã từng nhìn thấy”. Hiện tượng này đề cập đến việc bạn thấy một thứ gì đó rất quen thuộc dù bạn tiếp xúc với nó lần đầu tiên. Theo một nghiên cứu từ trường Đại học Texas A&M, khoảng 60 – 80% dân số thế giới trải qua hiện tượng này.
Video đang HOT
Phát hiện ra loài mới: Còn rất nhiều điều chúng ta vẫn chưa biết về Trái Đất, trong đó có cả việc có bao nhiêu loài sống trên hành tinh này. Theo một bài báo năm 2011 xuất bản trên PLOS Biology, 86% loài đang tồn tại trên mặt đất và 91% các loài dưới đại dương vẫn đang chờ được xác định. Do vậy việc phát hiện ra 1 loài mới không phải điều hiếm gặp bởi BBC cho biết trên thực tế, 15.000 – 20.000 loài mới đã được thống kê mỗi năm
Sống sót trong 1 vụ tai nạn máy bay: Theo thống kê của trường Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts: “Nếu bạn đi 1 chuyến bay mỗi ngày, bạn sẽ bay hằng ngày trong khoảng trung bình 55.000 năm trước khi liên quan đến một vụ tai nạn chết người”. Theo National Transportation Safety Board, tỷ lệ sống sót trong các vụ tai nạn máy bay là 95,7%.
Thiên thạch va vào Trái Đất: Có rất nhiều vật thể đang bay trong không gian và điều đó cũng đồng nghĩa với việc hành tinh của chúng ta khó có thể tránh được việc va chạm với chúng. Theo NASA, “Cứ 1 năm/lần, một thiên thạch lại đi qua bầu khí quyển trái đất và tạo nên một quả cầu lửa ấn tượng trước khi rơi xuống bề mặt hành tinh”.
Xác tàu: Nếu bạn cho rằng những xác tàu chỉ là những vật thường xuất hiện trên phim ảnh hoặc truyền thuyết thì bạn đã lầm. Nếu bạn có máy dò tìm xác tàu công nghệ cao, bạn thực sự có thể phát hiện ra rất nhiều xác tàu dưới các đại dương. Theo giám đốc Chương trình Di sản Hàng hải tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia James Delgado, ước tính có khoảng 1 triệu xác tàu dưới nước hiện nay. “Với những con số được thống kê hiện nay và phần còn lại, tôi có thể nói rằng phần lớn chúng vẫn chưa được phát hiện”, ông Delgado nhận định trên Popular Mechanics.
Nhìn thấy ma: Dù bạn có tin hay không thì có thể ai đó quanh bạn từng nhìn thấy hoặc tin rằng họ gặp ma. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2015, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người ở Mỹ nói rằng họ từng trông thấy ma.
Nhìn thấy UFO: Nhìn thấy ma không phải là hiện tượng bí ẩn duy nhất mà nhiều người trải qua bởi từ năm 1947 – 1969, chính phủ Mỹ đã điều tra được 12.618 trường hợp nhìn thấy UFO. Mặc dù hầu hết trong số đó đều được giải thích là các hiện tượng liên quan đến thời tiết song 701 trường hợp xảy ra không thể lý giải được, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cho biết.
Tìm thấy cỏ 4 lá: Mặc dù cứ 10.000 cỏ 3 lá thì mới có 1 cỏ 4 lá song thực tế là hiện tượng này không phải là quá hiếm. Một người phụ nữ Australia được cho là vô cùng may mắn khi cô tìm thấy 21 lá cỏ 4 lá chỉ trong khoảng vườn trước sân nhà cô.
Tìm thấy điểm cuối cùng của cầu vồng: Theo truyền thuyết, nếu bạn tìm được điểm cuối của cầu vồng, bạn sẽ may mắn thấy được một kho báu ở đó. Nghe thì có vẻ điều này hiếm xảy ra song các chuyên gia trên trang Weather.com đã giải thích rằng: “cầu vồng được hình thành khi những giọt nước trong không khí khúc xạ hoặc bẻ cong ánh sáng mặt trời trong những điều kiện thích hợp.
Tuy nhiên, nếu bạn tìm được một góc nhìn phù hợp bạn sẽ trông thấy điểm cuối cùng của cầu vồng”. Điều đó cũng có nghĩa là mặc dù có thể trông thấy điểm cuối của cầu vồng song bạn không thể đến chỗ đó bởi khi bạn tiến gần đến thì nó dường như lại càng dịch chuyển ra xa. Các chuyên gia thời tiết cũng giải thích thêm rằng: “dựa vào cách bạn nhìn nó, cũng có thể có vô số điểm cuối của cầu vồng trên bầu trời khi gặp những điều kiện phù hợp. Có thể bạn đang đứng ở điểm cuối của một cầu vồng ngay lúc này”./.
Kiều Anh/VOV.VN
Theo vov.vn
Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn?
Siêu bão Dorian xác lập kỷ lục là trận bão mạnh nhất trong lịch sử Quần đảo Bahamas; đồng thời là siêu bão mạnh thứ hai trong lịch sử Đại Tây Dương.
Sáng ngày 2/9/2019, siêu bão Dorian Cấp 5 (cấp thảm họa, mạnh nhất trên thang đo bão Saffir-Simpson) đã đổ bộ miền Bắc Quần đảo Bahamas và tàn phá quốc gia vùng Caribe nặng nề với sức gió hủy diệt lên đến 290 km/giờ.
Sự xuất hiện của siêu bão Dorian ngay lập tức xác lập kỷ lục là siêu bão mạnh nhất trong lịch sử Quần đảo Bahamas; đồng thời là siêu bão mạnh thứ hai trong lịch sử Đại Tây Dương.
Ngày 28/8, vệ tinh thời tiết Aqua của NASA cung cấp những hình ảnh đầu tiên về bão Dorian. Theo phân tích của NASA thời điểm đó, bão Dorian mới chỉ đạt Cấp 1 (sức gió từ 119 đến 153 km/giờ).
Chỉ vài ngày sau, từ cơn bão Cấp 3 (ngày 30/8), Dorian đã tăng cấp dữ dội, đạt cực đỉnh để trở thành siêu bão Cấp 5 (ngày 1/9) với sức gió trên 250 km/giờ, càn quét dữ dội ở những nơi mà nó đi qua.
CNN ngày 6/9 thông tin, hậu quả mà siêu bão mạnh nhất lịch sử Quần đảo Bahamas để lại rất tàn khốc: Số người chết không ngừng tăng lên, đặc biệt là hòn đảo Great Abaco và quần đảo Grand Bahama, nơi tâm bão đổ bộ đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.
Siêu bão Dorian đã gây nên một bi kịch lịch sử chưa từng có với người dân quốc đảo vùng Caribe: Hội Chữ thập đỏ ước tính, có tới 13.000 ngôi nhà tại đảo Grand Bahama và Abaco bị phá hủy và hư hỏng nặng sau khi Dorian đổ bộ; Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 60.000 người dân nước này cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu khẩn cấp.
Siêu bão Dorian đã gây nên một bi kịch lịch sử chưa từng có với người dân Quần đảo Bahamas. Photo: Jose Jimenez / Getty Images
Tính đến ngày 6/9, đã có 30 người thiệt mạng, hàng trăm (thậm chí hàng nghìn) người mất tích, AP thông tin. Hệ thống điện, thông tin liên lạc và giao thông của quốc đảo này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cơ quan cứu nạn của Quần đảo Bahamas vẫn tiếp tục tìm kiếm cư dân mất tích sau trận siêu bão lịch sử.
Hiện tại, siêu bão Dorian đã hạ cấp dần (xuống Cấp 2), với sức gió mạnh nhất đạt 161 km/giờ khi đổ bộ vào các bang miền nam của Mỹ (như Florida, Virginia, Georgia, Carolinas...). Bão tiếp tục gây mưa lớn, mất điện trên diện rộng, theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm Dự báo bão Quốc gia Mỹ (NHC).
Lý giải nguyên nhân cụ thể tăng tốc sức mạnh 'quái vật' của siêu bão Dorian, National Geographic cung cấp bài viết tựa đề "How warm oceans supercharge deadly hurricanes", mời độc giả theo dõi.
Sau khi đạt đỉnh, trở thành siêu bão Cấp 5 ngày 1/9, siêu bão Dorian đổ bộ miền bắc Quần đảo Bahama. Liên tiếp trong 24 giờ sau khi đổ bộ, siêu bão Dorian tàn phá quốc đảo này với sức gió hủy diệt, gây nên những trận mưa dữ dội, cuồng phong và lụt lội gần biển nhiều nơi.
Washington Post nhận định, siêu bão Dorian còn có thể lập thêm kỷ lục là siêu bão duy trì sức mạnh Cấp 4 và Cấp 5 lâu nhất khi tấn công (đổ bộ) một địa điểm thuộc Bắc Đại Tây Dương (Quần đảo Bahamas) kể từ buổi bình minh của kỷ nguyên vệ tinh. Nghĩa là bão di chuyển chậm hơn nhưng vẫn duy trì sức mạnh. Tuy nhiên, vì dữ liệu lịch sử tương đối thưa thớt nên kỷ lục này cần có thêm minh chứng.
Từ lâu nay, giới chuyên gia khí tượng thế giới rất thận trọng khi đưa ra nhận định về sự gia tăng sức mạnh của các cơn bão gần đây (bất thường về cường độ và số lượng) gắn với vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, như nhận định của Washington Post, sức mạnh hủy diệt kèm tốc độ tăng cấp khác thường của siêu bão Dorian PHÙ HỢP với những tiên liệu sẽ có trong một trận bão dữ dội ở thời của một thế giới khi mà sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nói về sức mạnh tăng tốc của siêu bão Dorian, NASA miêu tả: "Nguồn nhiên liệu" gia tăng thêm sức mạnh cho siêu bão Dorian đến từ những vùng nước ấm rộng lớn ở Quần đảo Bahamas và phía nam bang Florida (Mỹ).
Trong bản phúc trình lần thứ 4 của cơ quan Đánh giá Khí hậu Quốc gia Mỹ (NCA) đề cập đến vấn đề: Các cơn bão trong tương lai có thể dữ dội hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn trong bối cảnh khí hậu ấm hơn. Một số nghiên cứu đã cho thấy, bầu không khí nóng hơn có thể làm cho gió chậm hơn, từ đó khiến bão di chuyển chậm hơn và ẩm ướt hơn.
Để hiểu được điều này, phải hiểu mối liên hệ giữa nước (đại dương) ấm và bão.
Khi một cơn bão đổ bộ đất liền như cơn bão Harvey ở bang Houston (Mỹ) năm 2017 và cơn bão Florence ở Carolinas (Mỹ) năm 2018, nó thường suy yếu nhanh chóng vì không còn nước biển ấm để cung cấp nhiên liệu.
Đối với siêu bão Dorian, khi đi đến vùng biển ngoài khơi Quần đảo Bahamas, nó đã được nạp năng lượng dồi dào từ khối không khí nóng ẩm (di chuyển theo mùa) từ Đại Tây Dương thổi vào.
Nguyên lý: Khối khí nóng khiến cho nhiệt độ ở bề mặt đại dương và sâu dưới biển ấm lên rõ rệt. Không những thế, khi thổi qua đại dương, khối không khí nóng này làm cho nước bốc hơi mạnh và bay vào bầu khí quyển nơi nó nguội đi, ngưng tụ và tạo thành những đám mây bão.
Dorian nhanh chóng có được sức mạnh từ đây, để rồi đổ bộ đất liền với sức hủy diệt khủng khiếp.
Theo NASA, nhiệt độ bề mặt đại dương phải ở khoảng 26 độ thì một cơn bão mới có thể hình thành.
Với siêu bão Dorian ở Quần đảo Bahamas, sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó, trong khi gió trong bầu khí quyển sẽ quyết định tốc độ của bão di chuyển trên đại dương nhanh hay chậm. Những cơn bão hút được nhiều hơi nước ấm hơn sẽ gây mưa nhiều hơn.
Khi một cơn bão gặp phải một vùng nước biển lạnh, sức mạnh tự nhiên của bão có thể bị suy giảm do chúng không còn nhận được nguồn nhiên liệu để duy trì hệ thống.
Hiện nay, dù Dorian đã giảm cấp song các nhà khí tượng Mỹ vẫn theo sát sức mạnh và đường đi của Dorian khi nó tiến vào Bờ Đông nước Mỹ cuối tuần này.
Các nhà khoa học Trái Đất lo ngại, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người phát thải (chủ yếu) ra bầu khí quyển đang khiến cho sự nóng lên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kết quả, không chỉ khiến băng ở hai cực tan nhanh mà còn khiến cho đại dương ngày càng nóng lên, góp phần tăng tốc sức mạnh của các cơn bão.
Viện Vật lý Khí quyển (IAP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc năm 2018 báo cáo: Năm 2018, nhiệt độ đại dương giữ kỷ lục nóng nhất trong lịch sử 70 năm trở lại đây.
Cụ thể, phần trên cùng của đại dương thế giới đã hấp thụ lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 (Mức nhiệt "quái vật" này bằng 19,67 x 1022 Joules).
Lý giải nguyên nhân khiến đại dương năm 2018 giữ mức kỷ lục về hấp thu nhiệt, các nhà khoa học cho biết, vì sự nóng lên toàn cầu được thúc đẩy bởi "sự mất cân bằng năng lượng" của Trái Đất do có nhiều khí nhà kính trong không khí, nên có đến hơn 90% nhiệt lượng nóng lên toàn cầu được lắng đọng trong các đại dương trên thế giới.
Việc nước đại dương càng ngày càng ấm lên sẽ khiến cho chúng ta hứng chịu nhiều cơn bão, siêu bão mạnh và khó lường trong tương lai.
Những hình ảnh bi kịch tại Quần đảo Bahamas sau khi siêu bão Dorian càn quét:
Photo: Dante Carrer / Reuters
Photo: Handout / Getty Images
Photo: Dante Carrer / Reuters
Photo: Marco Bello / Reuters
Photo: Ramon Espinosa / AP
Photo: Dante Carrer / Reuters
Cứu trợ lương thực thiết yếu cho người dân vùng bão. Photo: Miami Herald / Getty Images
Bài viết sử dụng nguồn: AP, CNN, Washington Post, National Geographic
Theo Helino