Những “hạt sạn” cần bỏ trong triển khai Chiến lược biển Việt Nam
Chiến lược biển Việt Nam đúng hướng và xứng tầm, nhưng trong thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều hạt sạn do nhận thức chưa đầy đủ, mơ hồ về luật pháp quốc tế.
Đánh giá một cách khách quan, chúng tôi nhận thấy rằng các văn kiện chính trị và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian qua là khá nhiều vế số lượng; trong số đó, hầu hết đều đã đóng vai trò quan trọng, có tác dụng điều chỉnh tổng thể các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo.
Hình minh họa, nguồn: Cảng Vĩnh Tân.
Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo của Việt Nam bước đầu đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc quản lý nhà nước về biển, đảo; làm cơ sở điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển, đảo.
Trong đó, phải kể đến các văn bản quy phạm pháp luật bước đầu đã xác định phạm vi và chế độ pháp lý của từng vùng biển cụ thể; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với từng vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam; tăng cường quản lý nhà nước về biển, đảo.
Giải quyết vấn đề hoạch định ranh giới giữa các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn với một số nước láng giềng; tạo cơ sở và điều kiện cho việc phát triển các ngành kinh tế biển;
Tăng cường hợp tác quốc tế trên biển, bảo vệ môi trường và sinh thái biển, thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ biển.
Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành về cơ bản phù hợp với các quy định của các Điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia…
Tuy nhiên, cho đến nay, trong thực tế đã có không ít những hồ sơ, tài liệu, thậm chí đến cả những văn bản quy phạm pháp luật được chính thức ban hành bởi các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; được đăng tải trên các phương tiện thông tin tuyên truyền, giáo dục… vẫn còn những nội dung, quy định không phù hợp với Luật Biển Quốc tế và Luật Biển Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng này chính là xuất phát từ nhận thức mơ hồ, nhầm lẫn, sai lệch của không ít người, trong đó có cả những cán bộ đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương…
Chính vì vậy, hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về biển của ta vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập như sau:
Một số chủ trương, chính sách phát triển và quản lý biển được ban hành còn chưa sát với tình hình thực tế, thiếu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, do quá trình xây dựng và ban hành, các cơ quan chức năng chưa nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế – xã hội, hoặc nếu có nghiên cứu, đánh giá thì cũng chưa toàn diện, dẫn tới tình trạng lúng túng hoặc giải thích sai trong áp dụng.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo tuy nhiều về số lượng, nhưng chất lượng thì vẫn chưa đầy đủ và còn manh mún, chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của từng ngành, từng lĩnh vực, thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết.
Video đang HOT
Một số văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính định hướng, nguyên tắc chung chung… nên các cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo các cấp khó có thể thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương và giữa các ngành với nhau chưa thực sự nhuần nhuyễn do chưa có một tổ chức quản lý nhà nước tập trung thống nhất, có đủ năng lực và quyền hạn để quản lý và điều phối chung.
Việc quy định phạm vi giới hạn quản lý, bảo vệ và hoạt động giữa các lực lượng chức năng (hải quân, biên phòng, cảnh sát biển…) còn chồng chéo, chưa được rõ ràng và cụ thể.
Việc hệ thống hóa, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về biển đảo đã được tiến hành nhưng chưa thường xuyên, rộng khắp, còn bị động, chạy theo sự kiện.
Cho đến nay vẫn còn nhiều sai sót gây bất lợi cho công cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp phức tạp, nhạy cảm.
Điều đáng lưu ý là, mặc dù đã có chiến lược biển khá đúng hướng, xứng tầm và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển được ban hành khá nhiều và khá đầy đủ, nhưng triển khai và áp dụng trong thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân của thực trạng này có lẽ xuất phát từ năng lực quản lý, tổ chức thực hiện của cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế và cơ chế tổ chức quản lý nhà nước về biển, đảo còn thiếu tập trung, thiếu đồng bộ, chạy theo lợi ích cục bộ ngành, địa phương…
Thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển, nhất là trong tình hình khu vực và quốc tế đang có nhiều biến động phức tạp.
Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với ổn định xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trong Biển Đông trước những thách thức to lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do trong Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp phức tạp về địa – chính trị, địa – kinh tế, địa – chiến lược giữa các siêu cường, tiêu biểu là giữa Trung Quốc và Mỹ;
Tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực và do phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tài nguyên và môi trường bị phá hoại nghiêm trọng…
Tài liệu tham khảo:
1. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
2. Vũ Quang Việt (2005),”Vấn đề tranh chấp biển Đông”, tạp chí Thời Đại Mới Số 4 – Tháng 3/2005.
3. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, “Các vùng khai thác chung trong Luật Quốc tế hiện đại”, tạp chí Khoa học.
4. Nguyễn Hồng Thao, “Nhứng điều cần biết về Luật Biển”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997.
5. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến (chủ biên), Hợp tác khai thác chung trong Luật Biển quốc tế”, NXB Tư pháp, 2009.
6. Biển Đông và tầm quan trọng chiến lược của các nước trong khu vực, đăng tải trên trang web https://www.nhontrach-dongnai.gov.vn.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2007. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hà Nội.
8. Nguyễn Thanh Minh, 2011. Tiềm năng biển Việt Nam và chính sách hợp tác quốc tế về biển trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 2011. Bàn về các nguyên tắc cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam trong thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7.
9. Vũ Dương Ninh, 2007. Việt Nam – Thế giới và sự hội nhập (một số công trình tuyển chọn). Nxb. Giáo dục, Hà Nội; Những định hướng cơ bản của chiến lượcbiển Việt Nam.
10. Infonet : “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 như thế nào?” 10:27 – 05/05/2014 Hồng Chuyên (chọn đăng),
11. Ban Biên giới của Chính phủ, 1994, “Cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam”,Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao, “Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam”, NXB: Chính trị Quốc gia, 2004.
12. Vụ Biển, Ban Biên giới của Chính phủ (2000), Tài liệu nghiên cứu về hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn Việt Nam – Malaysia,
13. HỒNG THỦY, giaoduc.net.vn, 19/03/18: “Đánh giá của học giả Trung Quốc về chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông.”
14. Tiệp Nguyễn / Viet times, Thư Hai, ngày 25/6/2018 – 04:22 Báo Mỹ: “Việt Nam đã có chiến lược chiến thắng kẻ địch trên Biển Đông”.
Tiến sỹ Trần Công Trục
Theo giaoduc.net
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý biển và hải đảo
Với quyết tâm đưa nước ta trở thành nước mạnh về biển, năm 2007, Đảng và Nhà nước đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và ngày 9-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020".
Một trong những thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện chiến lược này là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo hướng tới quản lý tổng hợp biển và hải đảo với phương thức tiếp cận hệ sinh thái. Nhờ đó, diện mạo kinh tế - xã hội khu vực biên giới biển, đảo có sự thay đổi rõ rệt, việc thực thi pháp luật trên biển được tăng cường.
BĐBP Hải Phòng phối hợp với lực lượng Vùng Cảnh sát Biển 1 tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: Sơn Hà
Sau khi Nghị quyết 09-NQ/TW được ban hành, Chiến lược biển Việt Nam đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định như: Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12-6-2009 "Về một số giải pháp cấp bách trong quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường biển"; Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23-3-2010 về "Phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam"; Quyết định số 1353/QQĐ-TTg ngày 23-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020"; Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 6-9-2013 "Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và Chỉ thị số 06 của Chính phủ về việc "Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, an ninh chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông".
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 6-3-2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về biển của Việt Nam, nhằm khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn trên các vùng biển xa, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo.
Tiếp đó, ngày 21-6-2012, Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Luật Biển Việt Nam bao quát các vấn đề quy chế pháp lý trên vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của nước ta.
Hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo tiếp tục được hoàn thiện với việc Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo (năm 2015). Luật đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng, là bước đột phá trong quản lý Nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo Việt Nam. Theo ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là luật đầu tiên của Việt Nam "luật hóa" các quy định, phương thức về "quản lý tổng hợp".
Việc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo mang lại hiệu quả vượt trội so với các phương thức quản lý trước đây. "Phương thức quản lý tổng hợp giúp chúng ta khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo" - Ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm thể chế hóa cơ chế phối hợp trong quản lý biển và đảo, đặc biệt là trong thực thi pháp luật trên biển. Giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã có sự phân công rõ ràng trong việc thực thi pháp luật trên biển đối với từng hoạt động, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.
Việc hoàn thành hệ thống chính sách, pháp luật đã tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi để các bộ, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các địa phương biển đã đầu tư nhiều tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế đứng ổn định, vững chắc, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp có thể xảy ra trên biển. Hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện, đã tạo cơ sở pháp lý để các lực lượng chức năng như Cảnh sát Biển, BĐBP, Kiểm ngư, Hải quân thực thi pháp luật trên biển, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trật tự trên biển, đảo.
Kết quả, các lực lượng chức năng đã phối hợp có hiệu quả trong quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường biển, đảo; bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Bích Nguyên
Theo bienphong
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Hàng triệu người dân và lực lượng chức năng hoạt động trên biển đang đói thông tin PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng, hàng triệu người dân và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển đang thiếu đói thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. VTC News xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Thế...