Những hạt giống trên nương
Năm 1998 khi tôi đang theo học lớp 4, gia đình tôi chuyển từ Đồng Nai lên ĐăkLắk lập nghiệp. Một vùng đất quá đỗi lạ lẫm với đứa trẻ lên 10 như tôi. Đến nỗi cái tên xã Cư Ewi, tên huyện Krông Ana (nay tách huyện thành Cư Kuin) phải mất vài tháng trời tôi mới nhớ để có thể viết đúng và đủ các chữ cái.
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn nằm khuất sau một rừng tre nứa, lồ ô rậm rạp. Đập ngay vào mắt tôi là những mái nhà lợp ngói cũ kỹ, màu tường phủ đầy rong rêu, hoen ố theo thời gian. Lớp 4B mà tôi được xếp vào học có sỉ số 28 và 100% là học sinh dân tộc thiểu số. Tôi còn nhớ, cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Điệp đã nói với mẹ tôi: “Ở đây toàn học sinh dân tộc thiểu số, liệu em có thích nghi được không”?
Mẹ tôi trấn an: “Cứ để cháu theo học, từ từ rồi sẽ quen mà”.
Học lực của tôi tương đối ổn định bởi tôi đã có nền tảng từ trước đó. Còn các bạn của tôi thì có phần thiệt thòi hơn khi vừa học vừa phải lên nương phụ giúp cha mẹ. Có bạn nói tiếng Kinh còn chưa sõi nên nhiều từ trong sách giáo khoa khó hiểu, cô Điệp lại giảng bằng tiếng Tày (cô là người dân tộc Tày). Những lần như thế, cô lại hỏi tôi: “Em hiểu từ này rồi để cô giảng lại cho các bạn”.
Trong suốt ba tháng vụ mùa, lớp 4B của tôi cứ vơi dần, hầu như không hôm nào duy trì đủ sỉ số. Tôi đã hiểu, các bạn của tôi giờ này đang cặm cụi trồng tỉa trên những quả đồi trọc lóc phía rừng xanh kia. Con chữ cũng vì thế mà ngày càng chắt lọc đi trong bộ nhớ các bạn. Rồi vì hoàn cảnh, một số bạn đã phải dừng lại con đường học vấn của mình ở bậc tiểu học như Khánh, Lợi, Tài…
Tôi là người Kinh duy nhất trong lớp nên được các bạn dành hết tình cảm cho. Tôi về kể với mẹ là tôi rất thích đến lớp, thích được ăn thắng cố (món bánh làm bằng ngô) mà mỗi dịp cúng giỗ, các bạn không quên để dành mang tận vào lớp cho tôi. Những buổi tan học sớm, tôi được bạn Nông Thị Minh dẫn lên rẫy chơi. Sức sống tươi non của những vạt ngô, đậu xanh có thấm mồ hôi, nước mắt của sức người trong đó có cả giọt mồ hôi nhỏ bé của bạn tôi những ngày nghỉ học đang hứa hẹn cho vụ mùa bội thu.
Chúng tôi chơi trốn tìm trong nương ngô quên cả thời gian về nhà. Vui nhất là ngày rằm tháng bảy. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây xem ngày rằm hơn là ngày tết, vì thế mà có câu “tết cả năm không bằng rằm tháng bảy”. Tôi được các bạn tranh nhau dẫn về nhà ăn rằm và tham gia những trò chơi dân gian.
Video đang HOT
Một năm học trôi đi nhanh. Có lẽ do tôi đã có quá nhiều kỷ niệm với lớp học này nên thấy thế. Tôi đã khóc khi nghe cô Điệp thông báo lên lớp 5, lớp 4B của tôi do sỉ số quá ít nên phải sáp nhập lớp khác. Minh thì thầm với tôi rằng Minh sẽ không theo học tiếp được nữa để ở nhà làm rẫy vì người anh cả vừa lấy vợ, nhà không có ai làm.
Buổi chia tay vào một ngày mưa buồn trong lớp học vắng hẳn tiếng cười. Phần lớn các bạn lớp 4B của tôi đã phải nghỉ học khi con chữ chưa tròn nghĩa, khi tiếng Kinh còn lơ lớ văng vẳng đâu đó ngoài hiên trường. Những năm tháng rời xa mái trường tiểu học đong đầy kỷ niệm ấy, dù học ở đâu, dù đi bất cứ nơi nào, tôi vẫn không bao giờ quên được có một ký ức ngọt ngào, thấm đậm tình nghĩa của những người bạn xóm núi dành cho tôi.
Tôi biết được tin, trong số một vài học sinh còn theo học cùng tôi năm đó nay có Ma Văn Tí đang làm bí thư đoàn xã Cư Êwi, Hoàng Văn Tân làm phó bí thư, Nông Thị Vui làm giáo viên, Lương Thị Hướng cũng vừa tốt nghiệp sư phạm ra trường. Đó là những hạt giống hiếm hoi của ngôi trường tiểu học tôi từng gắn bó.
Theo người lao động
Tớ đã đi qua tuổi học trò như thế đấy
Tuổi học trò của bạn có những gì vui vui và đáng nhớ? Còn đây là những gạch đầu dòng tớ rất nhớ mỗi khi ai đó nhắc đến thời đi học.
Tòa soạn mini
Hằng tuần, mỗi lớp sẽ được phát hai tờ báo. Lớp trưởng sẽ đọc cho cả lớp nghe vào giờ truy bài mỗi sáng. Sau đó là cả lũ truyền tay nhau, tới buổi thứ ba trong tuần đã chẳng còn chi để đọc. Tớ và ban cán sự lớp đã nghĩ ra cách tự sản xuất báo cho lớp mình đọc. Bằng cách nào ư? Chúng tớ sưu tập giấy nháp còn trắng của các bạn, đóng ghim lại, chọn lọc những thông tin vui vui gom nhặt được, từ các lớp khác, từ sách vở trên thư viện, rồi cả những sáng tác của các bạn trong lớp cũng được đưa lên "báo". Có cả "họa sĩ" vẽ minh họa hẳn hoi đấy nhé! Chi phí được quỹ lớp "đài thọ". Tụi trong lớp thích mê, đứa nào cũng tranh nhau làm báo. Thành ra cả lớp cùng trở thành... ban biên tập. Nhưng đứa nào cũng hứng khởi đọc báo ra mỗi tuần đấy nhé!
Giẫm chân cậu bạn đằng sau
Dưới bàn tớ là bàn của một cậu bạn cao kều. Khi nào cậu ấy cũng duỗi đôi chân dài của mình lên tận lãnh địa của bàn tớ. Tớ liền giẫm chân thật mạnh và khiến cậu ấy kêu "Á!" một tiếng thật đau. Bữa đó hai đứa bị cô mắng một trận ra trò nhưng cậu ấy vẫn chứng nào tật ấy. Sau đó thì tớ nghĩ ra cách "tra tấn" ít... vang tiếng động hơn. Đó là dí dí vào chân câu ấy, day day từng chút một. Cậu ấy chỉ biết nghiến răng ken két mà không kêu nổi. Nhưng cũng nhờ thế mà hai đứa thân hơn. Giờ chẳng còn học chung với nhau nữa nhưng hai đứa thi thoảng gặp nhau lại chí chóe như chưa hề cách xa!
"Chơi... phường" trong lớp học
Đừng nghĩ chỉ người lớn mới chơi hội, chơi phường nhé! Từ năm tớ học lớp 8, tớ và lũ bạn đã rủ nhau góp tiền chơi phường. Số tiền mang ra đóng góp cũng không "nhiều" lắm! Mỗi tuần, mỗi đứa góp 1k đồng, sang tuần thứ hai thì tăng thêm 1 trăm đồng, cứ như thế cho đến tuần thứ 5 và cũng là tuần đứa cuối cùng được "lĩnh tiền". Giờ nghĩ lại thấy thật khờ và tiền sao mà ít, nhưng hồi đó, 1k cũng có giá trị "kha khá" đấy chứ nhỉ?
Quay bài bằng... bàn
Ngồi cạnh tớ là cô bạn lười học nhưng nhát cáy. Nghĩa là chẳng khi nào dám quay bài gì hết. Một hôm, tớ bày cách cho cậu ấy viết lý thuyết và công thức lên mặt bàn, bằng bút chì, đợi lát kiểm tra chỉ cần lật lên nghiêng nghiêng đầu một chút là soi được. Cô nàng chưa học bài nên cũng gật đầu làm theo. Nào ngờ lát sau, cô bạn run quá, toát mồ hôi khiến chữ mờ hết cả thảy. Hai đứa ngồi méo miệng cố nhớ lại vài chữ còn sót trong trí nhớ. Điểm bài kiểm tra thấp thảm hại!
Giả vờ đau bụng để trốn tiết
Mỗi khi chán học và muốn bùng tiết một cách "chính quy", tớ liền nhờ đứa bạn báo với cô rằng tớ xin nghỉ ốm và về kí túc xá nghỉ ngơi một chút. Xong xuôi, tớ nằm dài trên giường, nhớ ra đống quần áo chưa giặt nên tớ bê ra nhà tắm chung để giặt. Vừa đi vừa hát, đang đi thì gặp cô giáo chủ nhiệm đi ở hành lang. Cô nhìn tớ, ngạc nhiên và hỏi "Cô tưởng em ốm nên lên thăm!". Bữa đó không bị la, nhưng ngại quá trời. Từ sau, khỏi dám "ốm" nữa!
Còn bạn thì sao? Tuổi học trò của bạn đã đi qua những gạch đầu dòng đáng nhớ như thế nào? Chia sẻ với chúng tớ nhé! (Ảnh minh họa)
Theo TTVN
Gửi đến cô lời xin lỗi muộn màng 5 năm qua, em vẫn luôn nhớ và biết ơn cô, bởi lòng nhân ái, bao dung cô đã tha thứ cho những lỗi lầm của học trò nhỏ... Cô giáo kính mến! Đã 5 năm trôi qua, học trò nhỏ chưa một lần gặp lại cô, không biết giờ này cô thế nào, cô có khỏe không? Cô có còn nhớ đến...