Những hành vi cấm kỵ nếu game thủ yêu game online
Chỉ cần có đôi chút ích kỷ hay tư lợi cá nhân, thì số phận của game online bạn ưa thích rất có thể sẽ bị đe dọa.
Bên cạnh những động thái của các nhà phát hành, thì chính hành vi ứng xử trong game online của các game thủ cũng là điều mấu chốt quyết định sự tồn vong của bất kỳ tựa game nào. Chỉ cần có đôi chút ích kỷ hay tư lợi cá nhân, thì số phận của game online bạn ưa thích rất có thể sẽ bị đe dọa.
Từ trước tới nay, không thiếu những lần những game online Việt Nam phải đóng cửa một cách ngậm ngùi mặc cho nhà phát hành cố gắng nhưng lực bất tòng tâm, đơn giản vì “sức công phá” từ những hành vi tiêu cực của game thủ Việt tới cộng đồng tham gia tựa game đó quá lớn.
Dưới đây là những cách game thủ Việt “có thể thực hiện” để góp phần giết chết một game online hay, nếu các nhà phát hành không có những biện pháp mạnh tay.
Cày vàng
Không phải tự nhiên mà không ít các nhà phát hành nước ngoài có những động thái cực kỳ cứng rắn, thậm chí ban account thẳng tay những nông dân cày cuốc trong game của họ. Cày vàng trong game online, theo quan niệm của nhiều người lầm tưởng là chẳng có gì xấu. Thay vì làm nhiệm vụ, game thủ bỏ thời gian đi cày cuốc nâng level, tiện thể kiếm thêm chút vàng trang trải cho “cuộc sống trong game”.
Video đang HOT
Thế nhưng khi tư duy như thế này, thật không may, game thủ lại rơi vào tình trạng “ngây thơ” khi nghĩ rằng việc cày vàng trong game online là vô hại. Kỳ thực, nếu theo dõi tin tức game online nước ngoài, mà gần nhất chính là thị trường Trung Quốc, các bạn có thể nhận ra những dân cày vàng nhiều khi sống không khác gì những kẻ ngoài vòng pháp luật khi những chiến dịch truy quét đã khiến các “trung tâm cày cuốc” của không ít gamer bị triệt phá, thậm chí đưa lên những phương tiện thông tin đại chúng.
Chắc chắn những mỏ cày vàng quy mô lớn như thế này không đơn thuần chỉ để… kiếm tiền mua đồ trong game. Trái lại, không ít những tựa game online có sự hiện diện của cày vàng chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, thị trường trong game đã có những xáo trộn đến mức… vỡ chợ. Khi đó, giá mua bán vàng trong game quá rẻ mạt đã khiến tình trạng lạm phát trong game lên đến mức không thể kiểm soát được.
Bán account và item phá giá
Đây cũng là một trong những cách khiến cho tình trạng lạm phát trong game hình thành. Hoặc bạn không biết giá trị thực của món hàng khủng mình sở hữu, hoặc lý do khác là bạn nghĩ rằng với cái giá giật mình như thế, món vật phẩm của bạn sẽ dễ bán hơn trên thị trường đầy rẫy những “thương gia” với những món hàng không chênh lệch nhiều về chỉ số.
Tương tự như vậy, với việc bán tài khoản game của mình với cái giá rẻ hơn nhiều so với cái giá lẽ ra chúng có được, thì ngay cả khi nghỉ game, bạn cũng đang góp phần gây tổn hại cho thị trường trong game. Và nếu không có những biện pháp cứng rắn từ nhà phát hành, thì giống như bất kỳ quốc gia nào, “ thế giới” trong game sẽ hoàn toàn có khả năng sụp đổ ngay từ nền kinh tế.
Phá game
Nếu như bạn là game thủ thường xuyên gắn bó với những game online thể loại MOBA như Dota hay Liên Minh Huyền Thoại thì những tình huống trẻ trâu phá game bằng cách afk hay quit game ngay lập tức không phải là hiếm gặp.
Thông thường thì chỉ sau một vài pha cãi vã, bất đồng với team mate trong một vài tình huống đơn giản hoặc bị “đàn áp” quá ác liệt đầu game thì các nhân vật này sẽ tìm cách chuồn và bỏ mặc đồng đội muốn làm gì thì làm. Tất nhiên thì những trường hợp này còn dễ chịu hơn là những trẻ trâu max level xông thẳng vào team địch để feed mạng.
Trong khi đó, trong những tựa game nhập vai, việc một thành viên chẳng làm gì trong những chuyến raid boss hay đi dungeon nhưng lại rất “nhiệt tình” nhặt đồ sau khi boss bị hạ gục cũng khiến nhiều game thủ cảm thấy chán nản vì sự mất công bằng.
Một thể loại phá game khác cũng rất đáng lên án là những thành phần thích bắt nạt kẻ yếu bằng cách tùy ý đồ sát các nhân vật level thấp hơn mình rất nhiều dù rằng họ chẳng đụng chạm gì đến mình. Tệ hại hơn, nhiều gamer thích quấy phá còn thường xuyên “ks” boss để không cho các account yếu hoàn thành nhiệm vụ, đùa giỡn với một thái độ hết sức… sung sướng.
Những game thủ như thế này vô tình khiến cho người chơi mới cảm thấy chán nản và mất hứng thú khám phá game, từ đó dẫn tới việc người chơi trong game hao hụt dần, gây ảnh hưởng tới chính NPH.
Hack cheat
Đây lại là một trong những tệ nạn bị không ít người chơi game online Việt Nam nhiễm phải nhiều nhất. Chẳng riêng gì thị trường Việt Nam, mà hack, cheat đã từ lâu là một vấn nạn cũng như một căn bệnh mãn tính chưa tìm ra thuốc chữa đối với thị trường game trực tuyến. Có thể nói, rất khó tìm ra một tựa game online nào mà không có những người chơi muốn vượt lên những game thủ khác bằng những phương pháp không được cho phép, hay nói cách khác là hack, cheat.
Một trong những lý do cho tình trạng này đó chính là tính a dua, hiếu thắng của một bộ phận game thủ Việt Nam. Bạn bè họ sử dụng hack, vì tò mò họ cũng sẽ dùng thử. Dần dà, việc sử dụng hack cũng “gây nghiện”, giống như auto vậy. Sẽ đến một lúc nào đó game thủ khó có thể rời khỏi phần mềm hack khi chơi mỗi tựa game, đơn giản vì họ đã quá quen với chiến thắng dễ dàng, cũng như kỹ năng chơi game đã bị những phần mềm độc hại này bào mòn. Đó là lỗi, là trách nhiệm trực tiếp của những người chơi game online sử dụng hack cheat.
Chiến thắng trong game, dù thoải mái và yêu cầu nhiều kỹ năng, nhưng cũng chỉ là niềm vui ảo, nhanh tới, nhanh qua. Thế nhưng tai tiếng sau khi bị gán cho cái danh “cheater” sẽ đi theo game thủ một thời gian rất dài. Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người chơi.
Theo Gamek