Những hãng xe ôtô có hệ thống hỗ trợ giữ làn đường tốt nhất
Theo một khảo sát cho tạp chí Consumer Reports tiến hành, 4 hãng ô tô có hệ thống hỗ trợ giữ làn đường tốt nhất tính đến thời điểm tháng 11/2021 là Tesla, Cadillac, Hyundai và Volvo.
Xe ôtô ngày càng có nhiều hệ thống an toàn và hỗ trợ người lái tân tiến hơn. Hiện nay, không chỉ xe sang mà ngay cả ôtô phổ thông cũng đã được “phổ cập” những tính năng an toàn chủ động ADAS, ví dụ như hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (Lane Keeping Assist). Tuy nhiên, không phải hệ thống hỗ trợ giữ làn đường trên xe nào cũng phát huy tác dụng tốt. Thậm chí, có hệ thống còn khiến người dùng cảm thấy phiền trong quá trình sử dụng.
Nếu không muốn bị bực mình vì hệ thống hỗ trợ giữ làn đường, người dùng ôtô nên mua xe của hãng nào? Nghiên cứu của tạp chí Consumer Reports sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường là gì?
Lane Keeping Assist trên ôtô (LKA) là hệ thống hỗ trợ đánh lái để ngăn xe lệch khỏi làn đường đang chạy. Hệ thống sẽ tự động đánh lái hoặc phanh khi xe chèn lên vạch kẻ đường nếu người lái không bật đèn báo rẽ.
Nút bấm của hệ thống LKA và LDW
Nhiều người thường nhầm lẫn hệ thống hỗ trợ giữ làn đường với cảnh báo lệch làn đường Lane Departure Warning (LDW) và hỗ trợ đưa xe vào giữa làn đường Lane Centering Assist (LCA). Tuy nhiên, 3 hệ thống này trên thực tế không hoàn toàn giống nhau.
Hệ thống LDW sẽ cảnh báo người lái bằng hình ảnh, âm thanh hoặc xúc giác (rung vô lăng, rung ghế) khi xe đến gần hoặc chèn qua vạch kẻ đường. Hệ thống này sẽ không can thiệp nếu đèn xi-nhan bật lên. Trong khi đó, hệ thống LCA sẽ tự động đánh lái để xe lúc nào cũng chạy giữa làn đường.
Nút bấm của hệ thống LCA trên xe Acura
Cả 3 hệ thống LKA, LDW và LCA đều sử dụng camera phía trước để phát hiện vạch kẻ đường xung quanh xe. Trong đó, LDW và LKA thường “liên kết” với nhau nên hay được sử dụng trên cùng một mẫu xe. Hệ thống LDW và LKA thường được bật lên một cách mặc định. Tuy nhiên, người lái có thể tắt 2 hệ thống này đi bằng nút bấm nếu muốn. Nút bấm của hệ thống thường đi kèm biểu tượng xe chèn lên 1 trong 2 vạch kẻ đường bên cạnh.
Trong khi đó, hệ thống LCA phải được kích hoạt thông qua nút bấm trên vô lăng. Nút bấm này đi kèm biểu tượng vô lăng hoặc xe nằm giữa 2 vạch kẻ đường. Một số hãng xe còn yêu cầu người lái phải bật hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng khi dùng hệ thống LCA.
Nút bấm của hệ thống LCA trên xe Kia
4 hãng ôtô có hệ thống hỗ trợ giữ làn đường tốt nhất
Video đang HOT
Theo một khảo sát cho tạp chí Consumer Reports tiến hành, 4 hãng ôtô có hệ thống hỗ trợ giữ làn đường tốt nhất tính đến thời điểm tháng 11/2021 là Tesla, Cadillac, Hyundai và Volvo. Trái ngược với 4 cái tên này, Honda, Ford, Volkswagen và Lincoln lại là những hãng ôtô có hệ thống hỗ trợ giữ làn đường kém nhất.
Tesla, Cadillac, Hyundai và Volvo là 4 hãng ôtô có hệ thống hỗ trợ giữ làn đường được người dùng đánh giá tốt nhất
Để đưa ra kết quả trên, Consumer Reports đã thu thập dữ liệu từ trải nghiệm của người dùng với hơn 84.000 chiếc xe. Những chiếc xe tham gia khảo sát phải có các tính năng an toàn chủ động ADAS. Ngoài ra, người tham gia khảo sát cũng phải từng sử dụng những tính năng ADAS này.
Theo Consumer Reports, so với những tính năng an toàn ADAS khác như phanh tự động khẩn cấp hay cảnh báo điểm mù, hệ thống hỗ trợ giữ làn đường khiến người dùng ít hài lòng nhất. LKA có tác dụng giữ xe ở giữa làn đường được người dùng đánh giá tốt hơn những hệ thống chỉ đơn thuần là phản ứng khi xe đến gần vạch kẻ đường. Các hệ thống cung cấp cảnh báo thay vì can thiệp cũng được người dùng thích hơn khi chạy trên cao tốc. Tuy nhiên, người tham gia khảo sát của Consumer Reports lại cảm thấy phiền vì cảnh báo của hệ thống LKA trên đường tốc độ thấp. Do đó, nhiều người đã tắt hệ thống LKA đi.
2 loại hỗ trợ giữ làn đường
Theo tạp chí Consumer Reports, có thể chia hệ thống hỗ trợ giữ làn đường thành 2 loại là gián đoạn và duy trì liên tục, cụ thể như sau.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường gián đoạn
Hệ thống này sẽ can thiệp khi xe tới gần hoặc chèn qua vạch kẻ đường hay lề đường. Hệ thống có thể chỉ được kích hoạt khi xe vượt ngưỡng tốc độ nhất định khiến người dùng không biết tính năng này có hoạt động hay không. Dữ liệu của Consumer Reports cho thấy người dùng ô tô có xu hướng không thích hệ thống hỗ trợ giữ làn đường kiểu gián đoạn, một phần là vì những can thiệp không mong muốn. Do nhà sản xuất miêu tả không rõ nên nhiều tài xế kỳ vọng những hệ thống LKA này sẽ bám làn đường hơn là chỉ can thiệp khi xe lệch làn đường. Vì thế, người dùng cảm thấy không hài lòng với những hệ thống khiến xe đảo qua đảo lại trong làn đường như quả bóng bàn.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường duy trì liên tục
Những hệ thống LKA như thế này sẽ hỗ trợ giữ xe lúc nào cũng ở giữa hoặc gần giữa làn đường. Những hệ thống này thường được quảng cáo là giúp giảm căng thẳng cho người lái. Khi kết hợp với hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng, hệ thống LKA duy trì liên tục sẽ tự động thực hiện phần lớn nhiệm vụ lái xe nhưng tài xế vẫn phải quan sát đường và sẵn sàng can thiệp.
Khảo sát của Consumer Reports cho thấy khách hàng thường thích sự tiện lợi của các hệ thống LKA duy trì liên tục. Tuy nhiên, các hệ thống này lại dễ khiến người lái có tâm lý quá tự tin, ỉ lại và mất tập trung.
Sau đây là tên gọi của hệ thống hỗ trợ giữ làn đường gián đoạn và duy trì liên tục theo từng thương hiệu.
Có nên mua xe có hệ thống hỗ trợ giữ làn đường không?
Theo khảo sát của tạp chí Consumer Reports, phần lớn người dùng ô tô nhìn chung đều hài lòng với hệ thống LKA trên xe của mình. Chúng đặc biệt hữu dụng trên cao tốc nhưng lại gây cảm giác phiền phức, bực mình cho người lái khi dùng trong nội thành. Nguyên nhân là bởi với đường nội thành, xe thường xuyên phải đánh lái tránh người đi bộ, người đi xe đạp, những chướng ngại vật khác đồng thời phải chuyển làn hoặc chèn lên vạch kẻ đường.
Tạp chí Consumer Reports cho rằng hệ thống LKA duy trì liên tục có tiềm năng giúp người lái giảm căng thẳng nhưng những lợi ích về mặt an toàn thì chưa được chứng minh. Trong khi đó, hệ thống LKA gián đoạn có thể hữu dụng trên cao tốc nhưng lại gây phiền phức trong nội thành.
Tạp chí Consumer Reports khuyến khích người mua nên chọn ôtô có hệ thống cảnh báo tiền va chạm, phanh khẩn cấp tự động và cảnh báo điểm mù vì chúng có những lợi ích về mặt an toàn rõ ràng hơn.
Nên bảo dưỡng ôtô tại đại lý chính hãng hay xưởng dịch vụ ngoài?
Nhiều người dùng đắn đo có nên mang ôtô ra xưởng dịch vụ ngoài để bảo dưỡng thay vì đưa xe vào hãng để tiết kiệm chi phí? Mời bạn đọc cùng tham khảo những ý kiến sau đây.
Bảo dưỡng ôtô chính hãng mang lại sự yên tâm cao hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu mang xế cưng vào đây chủ xe thường phải chờ đợi lâu và giá thành bảo dưỡng, chi phí thay thế phụ tùng cũng cao hơn làm ngoài. Chính những điều này đã khiến nhiều chủ xe cảm thấy ngao ngán và lựa chọn các trung tâm dịch vụ bên ngoài.
Vậy ưu và nhược điểm của từng nơi là gì? Có nhất thiết phải bảo dưỡng chính hãng không?
Bảo dưỡng trong đại lý chính hãng
Ưu điểm khi bảo dưỡng xe chính hãng
- Chất lượng phụ tùng, phụ kiện đảm bảo, tay nghề của thợ sửa chữa trong xưởng đại lý chính hãng cũng mang lại sự yên tâm cho khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng khi mang xe đến đây cũng được hưởng những dịch vụ chuyên nghiệp hơn.
Bảo dưỡng xe trong hãng đem tới cảm giác yên tâm cho khách hàng.
- Khi bảo dưỡng, sửa chữa tại đại lý chính hãng, khách hàng không lo bị đánh tráo phụ kiện, các quy trình bảo dưỡng, sửa chữa đều được giám sát chặt chẽ.
- Bảo dưỡng chính hãng giúp xe có được "lý lịch" sạch và đẹp hơn, có lợi cho chủ xe nếu sau này muốn bán lại.
Nhược điểm khi bảo dưỡng chính hãng
- Vì được đầu tư về cả mặt bằng, máy móc, nhân viên chuyên môn tốt nên chi phí thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa trong đại lý thường cao hơn ở ngoài.
- Thời gian đợi chờ sửa chữa lâu hơn và có thể nhiều thủ tục rườm rà hơn.
Bảo dưỡng ở gara ngoài
Ưu điểm của bảo dưỡng xe ở xưởng tư nhân
- Chi phí thay thế và sửa chữa thấp hơn đại lý chính hãng. Các sản phẩm dầu nhớt, phụ tùng thường có giá thấp hơn.
- Một gara ngoài sẽ sửa được nhiều mẫu ôtô đến từ các thương hiệu khác nhau, thay vì chỉ sửa một thương hiệu cố định như ở đại lý chính hãng. Do vậy, người dùng cũng dễ dàng tìm được các gara có vị trí thuận tiện cho mình hơn.
- Nhiều trường hợp, thợ ở xưởng ngoài "bắt bệnh" tốt hơn vì có kinh nghiệm sửa chữa đa dạng các loại xe.
- Thời gian đợi chờ và thủ tục làm việc được rút ngắn.
Nhược điểm của bảo dưỡng xe ở xưởng dịch vụ ngoài
- Khách hàng không dễ dàng tìm được gara uy tín, có nhiều trung tâm với chất lượng dịch vụ và sửa chữa kém, sử dụng phụ tùng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo.
- Có thể mất bảo hành chính hãng nếu trong quá trình bảo dưỡng có sự can thiệp (như thay dầu nhớt,...) làm hỏng động cơ của xe.
- Không phải xưởng dịch vụ nào cũng có thợ tay nghề tốt mà nhiều khi chỉ là học việc, thiếu kinh nghiệm. Một số gara còn "móc túi" khách hàng bằng cách thay thế và sửa chữa những bộ phận không cần thiết.
Chi phí bảo dưỡng, thay thế phụ kiện ở gara ngoài thường rẻ hơn trong hãng. Quan trọng nhất là chủ xe cần chọn được cơ sở dịch vụ uy tín.
Khi nào nên bảo dưỡng chính hãng và ở gara ngoài?
Nếu không quan tâm đến vấn đề chi phí thì tất nhiên, các chủ xe vẫn nên mang ô tô của mình đi bảo dưỡng chính hãng. Nhìn chung thì việc chọn bảo dưỡng ở đâu sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Theo lời khuyên của các "tài già", với xe mua mới vẫn còn bảo hành, chủ xe nên bảo dưỡng trong hãng. Ngoài ra, với những đầu mục liên quan đến phanh và động cơ, dầu máy thì cũng nên bảo dưỡng chính hãng, vì đó đều là bộ phận quan trọng, đảm bảo an toàn cho mọi người trên xe.
Cũng cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp, việc thay dầu máy bên ngoài không đảm bảo khiến cho động cơ bị hư hỏng và bạn sẽ bị từ chối bảo hành. Do đó, nếu cần thay dầu máy, dầu phanh, nước làm mát, dầu trợ lực, dầu hộp số,... thì nên vào hãng thay cho đảm bảo. Chi phí thay dầu tại đây cũng không chênh lệch quá nhiều so với bên ngoài.
Trong khi đó, với những chi tiết như ắc quy, lốp xe, lọc gió điều hòa,... các chủ xe có thể mang xe ra xưởng dịch vụ ngoài để thực hiện bảo dưỡng, như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.
Đối với các bộ phận nhỏ và đơn giản như cần gạt mưa, nước rửa kính thì chủ xe có thể tự mua và tự thay tại nhà, tiết kiệm được chi phí lẫn thời gian.
Những thói quen khiến ôtô nhanh hỏng mà nhiều tài xế hay mắc phải Tưởng chừng như không ảnh hưởng gì nhưng những thói quen khi lái xe này lại khiến cho chiếc ôtô của bạn nhanh xuống cấp, dễ bị hỏng hóc. Dù là xe sang hay xe phổ thông thì cũng sẽ xuống cấp sau một thời gian sử dụng. Tuy nhiên, nếu bạn lái xe cẩn trọng, không "phá" bằng những thói quen gây...