Những hàng quán thuộc dạng “độc nhất” ở Hà Nội, tìm mỏi mắt cũng chưa thấy hàng thứ 2
Cùng dắt tay nhau khám phá những hàng quán có món ăn hay cách chế biến độc lạ để làm trọn vẹn hơn bản đồ ẩm thực Hà Nội nhé!
Ở Hà Nội, có những món ăn thân thuộc đến mức chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là ngay lập tức bạn có thể tìm thấy vài hàng bán. Nhưng trái lại, cũng có những hàng quán thuộc dạng “độc nhất” bởi tìm khắp mọi ngóc ngách cũng khó có nơi nào tương tự. Đó có thể là do những món ăn độc đáo có một không hai, cũng có thể là nhờ việc gìn giữ cách chế biến truyền thống vốn đã không còn phổ biến. Dù cho lý do là gì thì việc lang thang khám phá những hương vị độc đáo ấy vẫn là một thú vui khó bỏ với những con người muốn cảm nhận trọn vẹn ẩm thực Hà Nội.
Bánh bèo Chợ Đêm
Mỗi buổi tối 3 ngày cuối tuần tại ngã tư Hàng Mã – Đồng Xuân, bạn có thể tìm thấy một hàng bánh bèo cực khác biệt mà không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Bánh không làm riêng trong từng chiếc đĩa như bánh bèo Huế, mà là những lát bánh mỏng to chồng lên nhau.
Khi ăn, người bán hàng sẽ cắt nhỏ bánh, thêm topping gồm thịt băm, mộc nhĩ, su hào nạo sợi và hành khô lên phía trên. Thực khách dùng thìa xắn từng miếng bánh, xúc thêm thịt, su hào rồi chấm vào bát nước mắm chua ngọt và ăn kèm các loại rau sống. Hương vị không phải quá xuất sắc, nhưng lại hài hòa, mát mẻ đưa miệng, nhất là phần su hào giữ lạnh ăn giòn giòn sần sật.
Bánh đúc tàu – 111K7 Thành Công
Sau thời gian “tung hoành” khắp các list đồ ăn ngon ở Hải Phòng và khiến các tín đồ ẩm thực thủ đô không ngừng “thèm thuồng”, bánh đúc tàu cuối cùng cũng đã xuất hiện tại Hà Nội. Hàng bánh đúc tàu này mới mở trong khu thiên đường ẩm thực Thành Công, bán cả bánh đúc tàu, bánh bò bông và tàu hũ dẻo.
@banhductau_
Đến đây, bạn có thể tìm thấy những bát bánh đúc tàu có hình thức gần như giống hệt nguyên gốc ở thành phố Cảng, với bánh đúc cắt nhỏ, thịt và tôm rán kĩ, đu đủ thái hạt lựu và mộc nhĩ thái sợi. Tuy nhiên thì hương vị của hàng bánh đúc tàu này chưa sát với nguyên gốc Hải Phòng lắm, đặc biệt là sự đậm đà thì thiếu hụt hẳn. Vậy nên, nếu nói có thật sự “chuẩn” Hải Phòng hay không thì chắc chỉ có những người con Hải Phòng hoặc người nào đã từng ghé qua Hải Phòng mới biết chính xác. Nhưng nếu tò mò về món ăn này thì đây là địa chỉ duy nhất ở Hà Nội mà bạn có thể ghé qua đó!
Đậu phụ cay “ca la thầu” Nguyễn Biểu
Có lẽ sự “độc nhất” của quán ăn này thể hiện ngay ở cái tên của món ăn nổi tiếng nhất ở đây – đậu phụ cay “ca la thầu”. Nghe có vẻ phức tạp nhưng ca la thầu đơn giản chỉ là củ cải muối thái nhỏ đặc trưng Trung Hoa, được cô bán hàng tự biến tấu, thêm thắt vào trong món đậu phụ cay.
Nguồn ảnh: @fuhjp, @ngngmylinh2502
Video đang HOT
Niêu đậu phụ cay cay còn có rất nhiều nguyên liệu khác, như đỗ tương tẩm thuốc bắc, đậu, nấm hương cùng các loại gia vị độc đáo mà chỉ có cô Mai – cô chủ quán mới biết được. Món ăn mang hương vị cay đặc trưng, thơm nồng và khi bưng ra vẫn sôi sùng sục bốc khói. Ăn cùng bún và một chút rau sống vào ngày gió lạnh về là hợp nhất.
Bún giả ba ba Cầu Gỗ
Trên con phố Cầu Gỗ sầm uất bậc nhất khu phố cổ có một hàng bún có lẽ là duy nhất ở Hà Nội bán món bún giả ba ba. Quán lâu năm rồi, nhưng không gian thì chẳng được chăm chút, vẫn là cái vẻ xưa cũ của Hà Nội những năm 80 – 90, mộc mạc sơ sài và có vẻ… tuềnh toàng. Gọi là bún giả baba vì những miếng “baba” ở đây thực chất là sườn sụn non, thêm móng giò, chuối xanh, đậu phụ nướng, hành lá, tía tô ẩn trong thứ nước dùng chua dịu từ mẻ, rất kích thích vị giác. Nếu có thời gian, hãy cứ gọi bún chấm và nhẩn nha từng miếng đậu, miếng chuối đậm đà thanh thanh, ăn thi vị vô cùng.
Nguồn ảnh Facebook: Vu Trong Cuong
Cà phê rang củi – Cà phê Thái
Có lẽ với nhiều người Hà Nội, thói quen ngồi nơi góc phố, nhâm nhi một lý cà phê rang xay ngắm phố phường buổi sáng đã trở thành một thói quen đặc trưng khó bỏ. Những quán bán cà phê rang xay thì nhiều, nhưng cà phê rang bằng củi đượm mùi khói thì chắc chỉ có ở cà phê Thái.
Quán nhỏ nhưng luôn đông đúc, ồn ào bởi từng nhóm khách bàn bạc về đủ thứ chuyện trong đời. Người ta đến đây một phần bởi cà phê ngon, ngoài hương vị đậm đà từ những hạt cà phê được chọn lựa kĩ lưỡng còn vương chút hương thơm từ tự nhiên. Một phần khác cũng quan trọng không kém là bởi cái tâm của người pha chế, khi vẫn lưu giữ nét truyền thống đặc trưng qua chiếc máy rang cà phê trên lò củi truyền từ nhiều thế hệ.
Doner kebab nhân thịt xay Trần Huy Liệu
Ở một hàng Kebab có tuổi đời hơn 12 năm trên phố Trần Huy Liệu, bạn có thể tìm thấy những chiếc doner kebab đặc biệt nhất Hà Nội. Nói là đặc biệt bởi phần nhân ở đây không gồm thịt miếng nướng như những chiếc bánh quen thuộc chúng ta hay ăn mà là hỗn hợp thịt cừu, lợn, bò xay nhuyễn nêm nếm cùng gia vị, bơ và phô mai.
Các loại nguyên liệu ăn kèm cũng có đôi chút khác, khi không có xà lách và ngoài sốt còn có thêm ớt bột cay nồng. Theo chú chủ quán, đây là kiểu doner kebab đặc trưng của Đức, mang hương vị đặc biệt nhờ phần thịt được chăm chút, ăn thơm mềm đậm đà, khác hẳn so với thịt miếng thông thường. Nếu là fan của kebab và muốn tìm tòi một hương vị mới lạ hơn, đừng ngại ghé qua đây để thử nhé!
Dù cùng tên nhưng ở mỗi vùng miền, các loại bánh này lại có kiểu dáng và cách ăn đầy khác biệt
Ở các vùng miền khác nhau, những món mang tên bánh bèo hay bánh cuốn tưởng quen thuộc hóa ra lại cực kì khác biệt đó nhé!
Ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng vô cùng, đến độ dù sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, bạn cũng không thể biết được hết các món ăn nơi đây. Thậm chí, có một số món ăn nghe tên thì rất quen thuộc, nhưng ở mỗi vùng miền lại có kiểu dáng và cách ăn khác nhau rõ ràng. Xem hết bài viết dưới đây, có lẽ bạn sẽ phải ngạc nhiên vì những loại bánh vẫn thường thấy ở vùng miền khác lại có vẻ ngoài mới lạ vô cùng đó!
*Bánh bèo:
Hải Phòng
Người Hải Phòng "ăn sóng, nói gió" nên bánh bèo ở đây cũng không giống với các món bánh bèo ở nơi khác. Bánh được gói trong những chiếc lá chuối cắt xếp như những chiếc thuyền - biểu tượng đặc trưng của người dân xứ cảng. Lớp bột mềm thơm không nát, hòa quyện cùng vị ngọt mặn hài hòa của nhân thịt, ăn kèm với nước hầm xương cay ngọt nên đặc biệt vô cùng.
Huế
Bánh bèo Huế thường được gọi là bánh bèo chén, bởi phần bánh được đựng trong những chiếc chén nhỏ xinh rồi bày thành mâm. Từng chiếc bánh trắng ngần, mỏng mịn dai dai, phủ bên trên là tôm chấy đo đỏ, mỡ hành và tóp mỡ giòn giòn béo ngậy. Thêm một chén nước mắm pha ngon là đủ để "quét" sạch hàng chục chiếc chén.
Nghệ An
Ở xứ Nghệ, bánh bèo lại được làm từ bột lọc, như một phiên bản tí hon của bánh bột lọc Huế mà chúng ta thường ăn. Bột phải được nhào nhiều lần mới cho ra được một mẻ bánh ngon. Khéo léo nặn vỏ bánh, gói trọn nhân tôm thịt xào săn ngấm vị rồi luộc chín là có thể cho "ra lò" một chiếc bánh bèo Nghệ An đậm đà hấp dẫn. Ăn một miếng, thực khách sẽ cảm nhận được vị dai của bột lọc, bùi của tôm thịt, giòn giòn của hành khô và thanh mát của rau sống hòa quyện trong khoang miệng.
Quảng Nam
Bánh bèo Quảng Nam là để ăn no, không như bánh bèo Huế ăn nhẩn nha, tinh tế cho biết mùi biết vị. Vẫn được làm từ bột gạo hấp chín nhưng phần nhân của bánh bèo nơi đây lại có đôi chút khác biệt. Người ta sử dụng thịt nạc xay, tôm bằm nhuyễn, mộc nhĩ thái nhỏ nấu cùng với nhau tạo nên thứ nước sốt đỏ au sanh sánh rồi rưới lên lớp bánh. Một thứ không thể thiếu khác là bát nước mắm pha đậm đà với vị cay xé lưỡi đặc trưng.
*Bánh cuốn:
Thanh Trì
Nhắc đến bánh cuốn Hà Nội là nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì - thứ đặc sản đậm nét dân dã của thủ đô. Bánh được làm từ gạo tẻ ngon, tráng mỏng tang rồi quết mỡ hành thơm phức chứ không thêm nhân thịt băm. Đưa đẩy cùng miếng chả quế thơm tho, nước chấm mằn mặn chua cay dậy mùi tinh dầu cà cuống đắt giá là đủ làm say lòng người.
Phủ Lý
Nếu hình dung một cách đơn giản nhất thì bánh cuốn Phủ Lý giống như một sự kết hợp tài tình giữa bánh cuốn Thanh Trì và bún chả Hà Nội. Một suất bánh cuốn thường gồm bánh cuốn chay trắng phau, chả mới nướng nóng hổi ngậy thơm mùi than hoa và nước mắm nêm nếm vừa miệng. Mọi nguyên liệu đều được chăm chút và xử lý một cách khéo léo để tạo ra món ăn trông đơn giản nhưng lại nức tiếng xa gần.
Lạng Sơn
Ở Lạng Sơn, bánh cuốn được ăn cùng với nước xương chứ không phải là nước mắm chua ngọt. Bát nước chấm hội tụ đủ vị ngọt từ nước xương ống ninh trong nhiều giờ, thịt băm ngầy ngậy beo béo và hương thơm từ gia vị hành mùi tươi nên ăn cực đã miệng. Bạn có thể chọn giữa bánh trứng kiểu ốp la, bánh trứng đánh hay bánh không trứng cuộn thịt nạc băm tùy sở thích, loại nào cũng thơm ngon bắt vị.
Cao Bằng
Nếu chỉ nhìn vào phần nước canh xương ăn kèm, bánh cuốn Cao Bằng rất dễ bị nhầm lẫn với bánh cuốn Lạng Sơn. Nhưng chỉ cần để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy phần canh xương này không có thêm thịt băm nên bớt đi độ ngậy béo hơn. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là những cây giò nhỏ xinh trong mỗi suất bánh, ăn cùng bánh cuốn làm tăng độ thơm ngọt và đậm vị lên rất nhiều.
*Bánh giò:
Hà Nội
Người Hà Nội ăn bánh giò quanh năm, nhưng hợp nhất và ngon nhất có lẽ là vào những ngày lạnh đầu mùa thế này. Vỏ bánh mềm mại núng nính, chạm nhẹ là khoe khéo phần nhân thịt ngầy ngậy thơm thơm bên trong. Bao quanh là đủ đầy đa dạng các loại topping từ chả cốm, xúc xích, thịt xiên hay chả quế, ăn một phần là đủ căng bụng cho bữa chiều.
Sài Gòn
Bánh giò Sài Gòn ít cầu kì hơn, nhưng tất nhiên vẫn... ngon và hội tủ đủ các yếu tố để trở thành một món "fast-food" thuần Việt xuất sắc. Bánh thường được bán chung trong những tiệm bánh mì, bánh bao hoặc xôi, nhân gồm một ít thịt băm và vài quả trứng cút. Người ta vẫn có thể ăn bánh kèm topping nếu thích, nhưng phổ biến hơn cả là mua vội một chiếc bánh để ăn dọc đường đi làm, đi học, vừa ngon lại vừa chắc bụng.
Theo Trí Thức Trẻ
Mẹ Bon gợi ý thực đơn cơm tối "chất" khỏi bàn Thực đơn cơm tối ngon miệng hấp dẫn sẽ là gợi ý hay ho cho gia đình bạn. 1. Nem rán Nguyên liệu: 200g thịt băm củ hành tây củ cà rốt 4 tai nấm hương 1 tai mộc nhĩ 1 quả trứng Một ít miến, rau mùi, hành lá Bánh đa nem Dầu ăn Cách làm: Hành tây, hành lá, rau mùi...