Những “góc khuất” trong ngày Tết !
Khi dân phố thị nườm nượp nối nhau đi dự các lễ hội hay ngao du đây đó để tận hưởng không khí ngày Tết… thì đâu đó trong cuộc sống vẫn còn một vài “góc khuất” của những thân phận, những người lao động tự do vẫn lặng lẽ, lầm lũi với kiếp mưu sinh…
Chuyện những người lái đò, bán đèn hoa đăng ước nguyện…
Đêm Dạ hội chào năm mới 2015 tại phố cổ Hội An, Quảng Nam diễn ra trong bầu không khí nhộn nhịp, khác hẳn với ngày thường. Khi hàng ngàn du khách thập phương đổ về Quảng trường sông Hoài, nơi diễn ra những sự kiện chính trong chương trình dạ hội. Cùng lúc đó, đâu đó những phận đời vẫn “lầm lũi” với kiếp mưu sinh…
Cách đó không xa, trên con sông Hoài thơ mộng, hàng chục chiếc thuyền nhỏ, vẫn cố níu hy vọng đợi từng lượt khách ghé đến, tìm thuê. Tất cả những người lái đò trên sông Hoài đều là những phụ nữ tuổi đã ngoài 30. Trong cái rét lạnh của tuyết trời mùa đông, họ liên tục mời gọi du khách để rồi môt nỗi buồn vời vợi theo con nước…vắng khách rồi!
Bà lão bán đèn hoa đăng bên cạnh em bé nước ngoài (ảnh: N.T)
Chuyện đầu năm người ta đem nguyện ước thả xuống sông – những người đi bán nguyện ước đã thuộc làu làu nhưng vẫn mòn mỏi… chờ và chỉ đề kiếm “dăm ba đồng” bạc lẻ! Bà Phạm Thị Bảy, đã gần 70 tuổi, TP.Hội An, cho biết: “Tôi đi bán đèn hoa đăng đã 2 năm nay, mỗi chiếc đèn chỉ có 3.000 đồng nhưng chẳng được mấy khách”.
Cùng đi bán với bà là 2 người thân cùng nhà, bà Phạm Thị Sa và Phạm Thị Trô, đấy là cả nhà cùng “dõi mắt” theo đèn hoa đăng.
Bé gái cùng mẹ bán hoa đăng dọc sông Hoài (ảnh: N.T)
Bà Sa cho biết: “Nhà khó khăn, nên cả nhà chúng tôi cứ tối đến kéo nhau ra quảng trường để bán cho những ai thích thả đèn hoa đăng”. Theo bà thì mỗi đèn được làm bằng giấy màu cứng và thắp một ngọn đèn sáp. Khách ghi ước nguyện lên đèn và thả trôi theo dòng sông. Mỗi đêm như vậy, cả gia đình chỉ bán được chừng 20 cái, nhiều lắm cũng chỉ thế. Bà bảo: “Người ta gọi chúng tôi là người đi bán nguyện ước cho người khác”.
Vậy nguyện ước của bà là gì? – tôi hỏi, bà Sa đáp: “Tôi chỉ cầu cả nhà bình yên, cầu cho có khách đến mua đèn để kiếm chút ít”.
Còn bà Bảy, chỉ cầu cho mình sống thật lâu để nhìn thấy Hội An phát triển hơn nữa,”Tôi là người gốc Hội An, chứng kiến nơi đây thay đổi từng ngày, đến giờ dù tôi vẫn đi bán đèn nhưng chỉ cần bước qua mỗi con phố, với tôi đều là kỷ niệm”.
Khi dòng người vẫn đổ về để xem biểu diễn lễ hội, thì ngồi dưới chỏm đá là một bà lão, bà khoác lên mình chiếc áo mưa đã rách, trên tay bà là một chiếc đèn hoa đăng và một túi xách, bà là Nguyễn Thị Sơ, TP.Hội An.
Bà Sơ cho biết: “Năm nay tôi đã 70 tuổi, tôi đi bán hoa đèn hoa đăng đã 2 năm nay”. Hiện bà Sơ đang ở với 1 người con, nhưng hằng ngày bà vẫn đến Quảng trường để bán, bán đến cái cuối cùng…Trời bắt đầu mưa, nhưng bà vẫn ngồi đấy, bán cho bằng được hoa đăng cuối cùng của năm, bán cho được nguyện ước cuối năm.
Nói về mong ước đầu năm, bà Sơ nói: “Tôi chỉ muốn sao năm tới cuộc sống ổn định và sức khỏe dồi dào để đi bán tiếp”.
Khi đồng hồ điểm 0 giờ đêm, trời Hội An bỗng đổ mưa, mưa không ngớt, cái rét của mùa đông khiến cho từng lượt người nép vào nhau vội vã rời đi. Trong khi đó, trên sông Hoài, những chiếc thuyền nhỏ bỗng vội vã chèo lái đến dưới những cây cầu nối đôi bờ sông Hoài. Một số người “liều mình” vừa chèo thuyền vừa run vội vã quay về nhà.
Cùng lúc đó, những chiếc đèn hoa đăng do các em nhỏ bán vẫn thả trôi trên dòng sông Hoài. Những chiếc còn chưa bán được, bỗng nhiên vụt tắt… và rồi nhiều em co ro tìm chỗ trú mưa.
Video đang HOT
Bà lão bán hàng rong lúc này lại cặm cụi chạy từng bước chân thật …chậm rãi. Bước vội qua cơn mưa, qua cái rét để bà lại trở về đón năm mới bên người thân.
Đến những nữ cửu vạn, anh đánh xe thồ
8h sáng, ngày đầu tiên của năm mới, 1/1/2015. Trời hửng nắng, nhưng tiết trời vẫn lạnh buốt. Một hình ảnh quen thuộc ở góc hành lang đường Nguyễn Du nối với Quốc lộ 1A, vốn được người dân TP Hà Tĩnh xem là “chợ cửu vạn”, đó là hàng chục con người mà phần lớn là các chị phụ nữ đến từ nhiều vùng ven thành phố này vẫn đang ngồi đợi việc. Những khuôn mặt buồn rầu, thi thoảng lại thấp thỏm ngước nhìn mong có người đến tìm thuê giúp việc. Chiếc ô tô cà tàng của chúng tôi dừng lại, hình ảnh các chị lại càng tội nghiệp hơn. Cùng lúc 4,5 chị đứng bật dậy, chạy ùa ra. “Chú cần giúp việc chi rứa? Giọn nhà, giọn vườn, đào đất, xúc cát, cả giọn nhà vệ sinh nữa, chú cần chi các chị đây đều mần được hết”- giọng một chị có vẻ trưởng nhóm nói với tôi. Khuôn mặt các chị biến sắc hẳn, khi thấy tôi nói chỉ muốn tìm hiểu việc làm của các chị.
Trong nhóm lao động tự do đầu tiên mà phải có “nghề” lắm tôi mới được tiếp xúc và nghe họ trải lòng này, có chị đã gần 60, đến từ vùng diêm dân Hộ Độ (huyện Lộc Hà). Cuộc sống mưu sinh khốn khó, tấm thân cày ải dưới mọi điều kiện thời tiết khiến các chị ai cũng già hơn so với nước tuổi của mình. “Nỏ ai muốn như ri mô chú ạ. Muối mất mùa, rớt giá nên ruộng muối đều phải bỏ hoang, diêm dân người khỏe mạnh đi lại được thì người vào Nam, người ra Bắc, các chị đây sức yếu, lại phải chăm nom gia đình nên rảnh thời gian thì lên đây lam lũ kiếm sống. Ngày có việc được mấy ký gạo, không việc thì chỉ có nước rỗng túi về nhà. Cuộc sống, công việc bấp bệnh lắm” – chị Hoa, người già nhất trong nhóm buồn rầu nói với tôi.
Cũng như nhóm lao động tự do tại “chợ cửu vạn” ở góc đường Nguyễn Du, nhóm cửu vạn của chị Thanh cùng quê Hộ Độ mà tôi gặp gỡ trên tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Bắc Hà) cũng chẳng khá hơn. Đã hơn 9h, nhưng các chị vẫn ngồi lặng lẽ chờ đợi trên thềm nhà của một gia đình. Mỗi chiếc xe lần lượt đi qua, nỗi buồn, sự ưu tư của các chị càng thêm.
Ngay cạnh đó, 6 nữ lao động vẫn chưa kiếm được việc gì để làm. Cứ ngóng đợi hoài mà vẫn không có chiếc xe máy, hay ô tô nào dừng lại, các chị đành “túm 5 tụm 3″ để… giết thời gian! Tôi đến trò chuyện, rồi chào các chị, không biết ngày hôm nay, may mắn có đến với các chị?
Chị Nguyễn Thị Lành, mặc áo ấm cho biết, dù trời rét, nhưng vì ngày đầu năm thường đông người nhưng ít việc, nên chị và nhóm của mình tranh thủ lên thành phố sớm. Dẫu đã ngồi đợi suốt cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng chị và các chị trong nhóm vẫn chưa gặp may kiếm được việc làm. Chị cho biết, vị trí mà nhóm của chị đang ngồi đợi việc ở đường Nguyễn Huy Tự này là điểm thứ 2 mà nhóm của chị di chuyển tới. Hỏi chị, có biết hôm nay là Tết dương lịch, ngày đầu năm mới không? Chị Lành buồn bã, “Tết mà như thế này thì chú nhìn cũng biết rồi. Các chị chỉ quan tâm có ai thuê làm việc gì không thôi. Đừng nói chi Tết mà buồn chú ạ!”.
Ngày đầu năm, không có việc, ngồi không thế này nỗi buồn của các mẹ, các chị lại càng tăng thêm. “Có việc, các chị làm bở cả hơi tai, quên hết mọi phiền muộn, có đâu thời gian mà ngẫm nghĩ sự đời. Nhưng ngồi rảnh như buổi sáng đầu năm này, nhìn các bà mẹ chở con đi, nhìn các cặp vợ chồng rải bước trên phố, ngắm những ngôi nhà cao tầng, các chị lại thêm buồn, thêm suy nghĩ. Nhìn quanh mình đâu cũng thấy khó khăn, nên trong đầu cứ lan man, thấy đời vất vả quá “- chị Trần Thị Cúc, xã Mai Phụ buồn rầu.
Do nhiều công ty, đơn vị nghỉ tết dương lịch, các công trình xây dựng tạm nghỉ khiến cho các cửa hàng VLXD không xuất được hàng. Lao động tự do, như các bác đánh xe ngựa, xe ba gác tự chế… là những người chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Trường hợp anh Công, một bác đánh xe ngựa đến từ xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) mà chúng tôi gặp sáng nay là một ví dụ. Bình thường mỗi ngày anh Công chở hàng tấn xi măng cho các cơ sở VLXD, nhưng sáng nay, đợi suốt cả buổi sáng, anh Trung không chạy được chuyến nào, đành chạy về tay không.
Một lao động tự do đánh giấc vì không có ai thuê mướn
May mắn hơn các nhóm cửu vạn mà tôi đã gặp. Tại một góc đường Xuân Diệu (phường Bắc Hà) một nhóm cửa vạn đã kiếm được việc làm, đó là thu dọn bùn đất cho chủ một ngôi nhà nằm phía trong con hẻm: 2 người xúc, 4 người đẩy, cứ thế các chị lặng lẽ với công việc của mình.
Đã quá quen việc tự túc bữa trưa trên các vỉa hè, gốc cây, nhưng bữa trưa hôm nay, trưa đầu tiên của năm 2015, bữa trưa mà không một đồng dắt túi sau nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, hình ảnh các chị hành nghề cửa vạn càng thêm ảm đạm, ưu tư.
Bữa ăn của các chị sau một buổi sáng trắng tay là một ổ bánh mì không tí rau, tí thịt. Các chị nói rằng, có bánh mì ăn thế này cũng tốt lắm rồi, khô cũng cố nuốt để lấy sức nuôi hi vọng vào buổi chiều có việc, để tiếp tục con đường mưu sinh đầy gian truân, vất vả.
Văn Dũng – Tiến Hiệp – Nguyễn Trang
Theo dantri
Người tử tế ở Sài Gòn: Tủ thuốc từ thiện và xe cấp cứu 2 bánh
Một người hành khất lỡ bước bị nhức đầu ngồi đờ đẫn, một chị bán hàng rong ngang qua bất chợt đau bụng... Những trường hợp như thế, tủ thuốc được mở ra... và khi cơn đau dịu xuống họ lại lao vào cuộc mưu sinh.
Tủ thuốc nghĩa tình
Qua nhiều đợt đổi thay, hẻm 96 chỉ còn chưa đầy 200m. Nhà cửa hai bên giờ khang trang hơn. Ghé vào một hàng nước, qua câu chuyện trao đổi thêm về những phận người trong con hẻm này, chị chủ hàng chỉ ngón tay về phía đầu hẻm: "Anh có thấy 2 tủ thuốc trên vách không?".
Chúng tôi hướng mắt nhìn ra. Đúng là có 2 tủ thuốc treo trên vách cùng với bàn thờ ông địa...
Tủ thuốc từ thiện.
"Tủ thuốc này có từ nhiều năm nay rồi". Chị chủ hàng nước nói tiếp. Trước đây, con đường Phan Đình Phùng còn cho xe 4 bánh chạy 2 chiều nên tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. . .
Có lần, một chiếc taxi quẹt vào xe của một phụ nữ. Chị này ngã xuống đường, chân bị một vết thương ra máu khá nhiều. Bà con trong hẻm và mấy anh xe ôm chạy đến. Anh Phúc, một người chạy xe ôm phải mất nhiều thời gian để vào tiệm thuốc mua bông băng đến cầm máu cho chị rồi cùng bà con trong xóm đưa chị lên xe ôm đến bệnh viện cấp cứu.
Bông băng hôm ấy dư ra, anh Phúc cho vào chiếc tủ nhỏ. Từ đó tủ thuốc phát triển. Nhờ tấm lòng của bà con trong hẻm và những người hảo tâm đóng góp, tủ thuốc đầy thêm ra để bây giờ 2 tủ thuốc không còn chỗ chứa.
Hiện giờ, trong tủ thuốc không chỉ có bông băng mà còn có nhiều loại thuốc thông thường khác. Một người hành khất lỡ bước bị nhức đầu ngồi đờ đẫn, một chị bán hàng rong ngang qua bất chợt đau bụng... Những trường hợp như thế, tủ thuốc được mở ra... và khi cơn đau dịu xuống họ lại lao vào cuộc mưu sinh.
Anh Út lấy thuốc cho một chị bán báo bị đau đầu.
Có ngồi đây mới chứng kiến được hết những cảnh ngặt nghèo của những người cùng khổ. Giúp đỡ người hoạn nạn là những người làm mai, ăn chiều. Không giàu nhưng họ có tấm lòng. Giúp được ai thì giúp, không cần ai biết, chẳng cần ai trả ơn. Chỉ cần mỗi hành động mỗi nghĩa cử được đáp trả bằng chút thanh thản, chút bình an là họ vui lắm rồi.
"May mà nghĩa cử này được nhiều người biết đến ủng hộ tiếp sức thêm. Như ông chủ trại hòm Vạn Phúc đó và còn nhiều người nữa anh ạ, họ đã sát cánh cùng anh Út vá xe, anh Phúc xe ôm vực dậy những mảnh đời mất mát, bất hạnh...", chị chủ hàng nước vừa nói vừa dõi mắt nhìn ra đầu hẻm.
Xe cứu thương 2 bánh
Con hẻm vẫn bình lặng. Người ra kẻ vào, ai có công việc nấy. Chị hàng nước vẫn tiếp tục công việc của mình nhưng khi nghỉ tay chị lại tiếp tục câu chuyện.
Chị nói: "Tủ thuốc được hình thành nhằm giúp sơ cứu những nạn nhân tai nạn giao thông rồi từ đó mà phát triển ra. Nhưng cũng từ nguyên nhân đó con hẻm 96 này lại có thêm một nghĩa cử mới: xe cứu thương 2 bánh".
Nhóm xe ôm ở con hẻm này không đến 10 người. Họ thường đứng tập trung đón khách ở đầu hẻm. Trước đây tai nạn giao thông trên đường Phan Đình Phùng xảy ra rất thường xuyên. Cũng may là chưa có tai nạn nào chết người nhưng đổ máu thì rất nhiều. Mỗi lần có tai nạn, anh em xe ôm lao vào. Người thì bông băng lo cầm máu vết thương. Anh Phúc mang xe đến chờ sẵn. Nạn nhân được đưa lên xe và một anh khác ngồi phía sau ôm chặt nạn nhân, anh Phúc chạy thẳng đến bệnh viện gần nhất. Nhờ vậy mà nhiều người được cứu chữa kịp thời. Có người sau khi bình phục tìm đến cám ơn anh và ngỏ ý xin gởi lại tiền xe nhưng không anh nào nhận cả.
Anh Đỗ Văn Phúc, năm nay vừa tròn 60 tuổi cũng là cư dân trong hẻm. Tâm sự với chúng tôi, anh Phúc cho biết anh bắt đầu chạy xích lô rồi đến xe ôm vào những năm cuối thập niên 1970.
Anh cho biết, do xin không việc được nên đành phải chạy xích lô kiếm sống. Được vài năm thì chuyển sang chạy xe ôm. Chính cái nghề chạy xe này đã giúp anh hiểu rõ thân phận con người hơn. Một người nhặt phế liệu lỡ đường, một phụ nữ khuyết tật bị nạn, một cụ già quên đường về... anh đều chở giúp miễn phí. Tính đến nay sau mấy chục năm chạy xe, bao nhiều trường hợp như thế anh không thể nhớ hết.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh bị cắt đứt vì hai đứa trẻ. "Ông nội ơi" - một đứa gọi anh. Nó đưa hai tay đòi anh bế để lên đùi. Thì ra, vợ anh dẫn cháu ra gọi ông về ăn cơm.
Nội ơi... về ăn cơm!
"Anh thấy đó, các con tôi giờ đã yên phận. Chỉ con cô con gái bị tim bẩm sinh chưa có gia đình nhưng nó cũng tự sinh sống được bằng tủ thuốc lá. Chúng đều có công ăn việc làm ổn định. Vợ chồng tôi không còn nặng gánh con cái... Cái thanh thản của con người là biết đủ. Biết đủ nó sẽ đủ, không biết đủ không bao giờ đủ" - anh Phúc nói
Anh Phúc và cô con gái bị bệnh tim bẩm sinh.
Anh Út và anh Phúc không giàu sang, không địa vị nhưng các anh đã biết đủ. Những cái dôi dư ra sẵn sàng dành để chia sẻ với những người khốn khổ hơn mình. Chính nhờ vậy, các anh đã sống được một cuộc sống đầy ắp tin yêu hơn vạn lần những người giàu có.
Theo Trần Chánh Nghĩa
VietNamnet
Cái Tết buồn của người Nha Trang vì triều cường Chỉ vài giờ đồng hồ, triều cường đã đánh sập hoàn toàn 11 căn nhà chồ, nhà tạm ở ven sông Cái (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) trước sự bất lực của người dân. Nhà sập, tài sản bị cuốn trôi khiến người dân lâm cảnh "màn trời chiếu đất"... Không phải tất cả đều được bố trí tái...