Những giáo viên Ấn Độ chết sau khi phục vụ bầu cử giữa Covid-19
Arunoday Prakash Mishra, giáo viên trung học 52 tuổi, được huy động để phục vụ cuộc bầu cử của bang, ông sau đó qua đời với triệu chứng giống Covid-19.
Sau khi bang đông dân nhất của Ấn Độ Uttar Pradesh tiến hành bầu cử địa phương vào tháng trước, một loạt giáo viên được chính phủ huy động đến làm việc tại các điểm bỏ phiếu đã đổ bệnh. Nhiều người chết mà không được chăm sóc y tế hoặc xét nghiệm nCoV.
Người thân di chuyển thi thể một giáo viên qua đời vì nCoV vào tuần trước. Ảnh: AFP .
Trong thời gian chuẩn bị trước bầu cử, Mishra tham gia lớp tập huấn trong phòng nhỏ cùng hàng chục người khác, khi họ được hướng dẫn cách điều hành các điểm bỏ phiếu. Vài ngày sau, sau khi tới làm việc tại một điểm bỏ phiếu, ông bị sốt, đau họng và khó thở.
Khi Mishra về nhà vào cuối ngày bầu cử, ông trông rất ốm yếu. Gia đình đưa ông đến một số bệnh viện nhưng không tìm được giường vì nơi nào cũng quá tải. Ông qua đời vào sáng sớm hôm sau tại nhà, không được xét nghiệm nCoV.
Ấn Độ gần đây ghi nhận khoảng 4.000 ca tử vong mỗi ngày nhưng các chuyên gia y tế công cộng cho rằng số liệu chính thức không phản ánh đúng tình hình thực tế, khi các bệnh viện, địa điểm xét nghiệm bị quá tải và nhiều người chết tại nhà. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu oxy, thuốc men và giường bệnh. Các lò hỏa táng và nghĩa trang ở nhiều nơi trên cả nước đang phải gồng mình xử lý lượng thi thể quá lớn.
Khoảng 2.000 viên chức nhiều khả năng đã chết vì Covid-19 sau cuộc bầu cử ở Uttar Pradesh, trong đó có hơn 700 giáo viên. Ước tính này dựa trên kết quả xét nghiệm hoặc triệu chứng Covid-19, theo khảo sát của công đoàn đại diện cho viên chức và giáo viên.
Em của Mishra, Shailendra Kumar Mishra, đã cố gắng thuyết phục anh mình không tham gia công tác bầu cử. “Chính quyền bang rất khó khăn”, Mishra nói với em trai. “Nếu anh không đi thì có thể bị cho nghỉ dạy. Nếu thế thì gia đình biết sống thế nào?”.
Các chuyên gia y tế công cộng chỉ ra rằng các cuộc bầu cử được tổ chức ở các bang Ấn Độ vào đầu năm nay là một trong những yếu tố dẫn đến gia tăng ca nhiễm nghiêm trọng. Các đảng phái chính trị và lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Narendra Modi, đã tổ chức nhiều cuộc vận động tranh cử lớn ở một số bang.
Video đang HOT
Nhân viên các điểm bỏ phiếu chuẩn bị cho bầu cử tại Uttar Pradesh hồi tháng 4. Ảnh: Hindustan Times.
Các cuộc bầu cử ở Ấn Độ, ngay cả ở cấp địa phương, thường đòi hỏi huy động lượng lớn viên chức. Khoảng 1,3 triệu ứng viên đã cạnh tranh cho gần 870.000 vị trí trong chính quyền cấp cơ sở tại Uttar Pradesh, diễn ra theo 4 giai đoạn vào cuối tháng 4. Khoảng 124 triệu cử tri đi bầu và hơn 1,2 triệu viên chức và nhân viên bên ngoài đã được huy động để hỗ trợ, ủy ban bầu cử bang cho biết.
“Họ hiểu rằng phục vụ bầu cử là một phần công việc của mình”, Suresh Yadav, tổng thư ký công đoàn giáo viên tiểu học Uttar Pradesh, cho biết. “Tuy nhiên, lần này nhiều người căng thẳng vì ca nhiễm tại bang đã gia tăng nhanh chóng từ đầu tháng 4″.
Các công đoàn đã kiến nghị chính quyền và ủy ban bầu cử bang hoãn cuộc bỏ phiếu vì Covid-19 diễn biến phức tạp. Shishir Singh, phát ngôn viên của chính quyền Uttar Pradesh, cho biết họ cũng muốn trì hoãn bầu cử, nhưng phải tuân theo lệnh của tòa án vào tháng hai là tổ chức bầu cử vào cuối tháng 4. Tòa án đã ban hành lệnh đó vào thời điểm ca Covid-19 ở Ấn Độ ở mức thấp hơn rất nhiều.
Phát ngôn viên này bác bỏ luận điểm cho rằng chính quyền bang đang thống kê thiếu ca tử vong. Ông cho biết hôm 9/5 rằng chính quyền đang chờ báo cáo về tình hình lây nhiễm virus trong các nhân viên bầu cử, nhưng chưa xác minh được có ai nhiễm hoặc chết vì Covid-19 hay không.
Các luật sư cũng từng đệ đơn yêu cầu tòa thượng thẩm Allahabad hoãn cuộc bầu cử. Vào ngày 7/4, tòa án bác bỏ kiến nghị, nhưng chỉ đạo chính quyền và ủy ban bầu cử bang phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo virus không lây lan tại các điểm bỏ phiếu.
Tuy nhiên, các công đoàn, nhân viên bầu cử và gia đình nói rằng giới chức đã không triển khai các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu. Một công đoàn đã yêu cầu giới chức bang trang bị đồ bảo hộ cho nhân viên bầu cử. “Nhưng họ đáp rằng bang không có nguồn lực cho việc đó”, Hari Kishore Tiwari, chủ tịch hội đồng viên chức bang Uttar Pradesh, cho biết.
Người dân xếp hàng tại điểm bỏ phiếu ở Uttar Pradesh hồi tháng 4. Ảnh: Hindustan Times.
Adesh Kumar Singh, giáo viên tiểu học 45 tuổi, được chỉ định làm nhân viên điểm bỏ phiếu tại một ngôi làng ở quận Shahjahanpur. Ông kể rằng buổi tập huấn được tổ chức trong những căn phòng nhỏ với hơn 40 người tham gia. Họ được đưa đến điểm bỏ phiếu bằng những chiếc xe tải chật ních người, vốn thường được sử dụng để vận chuyển ngũ cốc và xi măng.
“Các chỉ dẫn phòng dịch gần như không tạo ra khác biệt. Họ đã quản lý rất kém. Không có khẩu trang, không có chất khử trùng, cũng không tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội”, Adesh Kumar Singh nói. Ủy viên bầu cử Uttar Pradesh không phản hồi yêu cầu bình luận.
Gia đình của Mahesh Prasad, 50 tuổi, hiệu trưởng một trường tiểu học, cũng đã cố gắng khuyên ông không đi phục vụ bầu cử. Nhưng Prasad nghe nói rằng ông có thể bị đình chỉ công tác nếu không tham gia, người cháu Sunil Rajvanshi cho biết.
Sau khi từ điểm bỏ phiếu về nhà hôm 20/4, Prasad trông có vẻ mệt mỏi. Ngày hôm sau, ông bị sốt và ho. Đến đêm 24/4, ông bị khó thở. Con trai vội vàng đưa ông đến bệnh viện chính phủ ở huyện Lakhimpur Kheri vào rạng sáng 25/4 và Prasad được cho thở oxy.
Gia đình nhận thấy các bác sĩ giữ khoảng cách và hỏi liệu họ có cho rằng Prasad nhiễm nCoV hay không. Bác sĩ cho biết ông có thể được làm xét nghiệm sớm nhất vào 10h.
Khi bình oxy của Prasad hết, các bác sĩ phải lấy bình oxy từ một bệnh nhân khác sang. Gia đình cố gắng tìm xe cấp trang bị oxy để đưa Prasad đến thủ phủ Lucknow cách đó ba giờ lái xe nhưng không tìm được. Đến 8h25, Prasad qua đời trước khi được làm xét nghiệm.
Phát ngôn viên Singh cho biết bang Uttar Pradesh sẽ bồi thường 41.000 USD cho gia đình của các viên chức đã chết vì Covid-19 sau khi bị nhiễm virus trong quá trình phục vụ bầu cử. Tuy nhiên, các gia đình phải nộp kết quả xét nghiệm dương tính để được nhận số tiền này.
Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình Prasad và nhiều người khác có thể không nhận được tiền đền bù vì họ không được làm xét nghiệm. “Hãy nhìn vào các triệu chứng. Điều này đã xảy ra với rất nhiều giáo viên trên khắp bang, những người đã đi phục vụ bầu cử”, Rajvanshi nói. “ Sao mà tất cả có thể bị bệnh nếu không phải do nCoV?”.
Người Mỹ sống sót sau Covid-19 phẫn nộ với Trump
Scott Sedlacek được các y bác sĩ chăm sóc tận tình sau khi mắc Covid-19 và bình phục hồi tháng 3, nhưng di chứng của căn bệnh vẫn đeo bám ông.
Vì thế, Sedlacek, người đàn ông 64 tuổi tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, vô cùng phẫn nộ khi nghe Tổng thống Donald Trump nói "đừng sợ nCoV", cũng như chứng kiến ông chủ Nhà Trắng ngồi trong xe vẫy tay chào người ủng hộ bên ngoài Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, bang Maryland, hôm 4/10.
"Tôi rất vui vì ông ấy dường như đang hồi phục tốt, khi các bác sĩ có thể cung cấp cho ông ấy những loại thuốc thử nghiệm không có sẵn cho công chúng. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, những người đang cố gắng bảo vệ bản thân, hành vi đó thật đáng xấu hổ", Sedlacek, người từng phải trải qua cơn sốt cao và khó thở vì Covid-19, cho hay.
Scott Sedlacek đứng bên ngoài một viện dưỡng lão ở thành phố Kirkland, bang Washington, Mỹ, hôm 12/3. Ảnh: AP.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 7,6 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 215.000 người chết, kéo theo nền kinh tế lao dốc và hàng triệu người mất việc làm, bao gồm Sedlacek. Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng chiếm tới hơn 20% tổng số trường hợp tử vong vì Covid-19 trên thế giới.
Bất chấp thực tế đó, Tổng thống Trump, người cũng nhiễm nCoV và xuất viện sau 4 ngày, vẫn kêu gọi công chúng không sợ hãi đại dịch. "Đừng sợ Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn. Dưới chính quyền Trump, chúng ta đã phát triển một số loại thuốc và kiến thức thật sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy khỏe hơn cả 20 năm trước!", ông viết trên Twitter hôm 5/10.
Lời khuyên này tương tự cách tiếp cận hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19 mà Trump vẫn thể hiện, như việc chế nhạo ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đeo khẩu trang quá nhiều, tiếp tục chủ trì các cuộc vận động tranh cử đông người, làm trái hướng dẫn y tế khi tổ chức sự kiện ở Nhà Trắng.
Marc Papaj, một cư dân New York mất mẹ, bà và dì trong đại dịch, cảm thấy thật khó làm theo lời khuyên không để virus "chi phối cuộc sống của bạn". "Việc mất những thành viên gia đình thân yêu nhất sẽ mãi mãi ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi theo mọi cách, trong suốt phần đời còn lại. Trump không quan tâm đến bất kỳ ai trong chúng tôi. Ông ấy đang cảm thấy khỏe", Papaj cho hay.
Ngoài những người sống sót sau khi nhiễm nCoV và gia đình các nạn nhân, những bác sĩ phòng cấp cứu hay chuyên gia y tế cũng đánh giá phát ngôn của Trump đặc biệt nguy hiểm, tại thời điểm virus đang lây lan mạnh hơn ở nhiều địa phương.
"Tổng thống nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất thế giới, cùng chiếc trực thăng đưa ông ấy đến bệnh viện khi cần. Còn chúng ta, những người không được túc trực như vậy, nên tiếp tục lo lắng về Covid-19, căn bệnh đã giết một triệu người trên toàn cầu chỉ trong vài tháng", tiến sĩ Janet Baseman, nhà dịch tễ học tại Trường Y Cộng đồng thuộc Đại học Washington, nêu ý kiến.
Tuy nhiên, một số người ủng hộ Trump cho biết họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống bất chấp sự lây lan nCoV tại Nhà Trắng. Theo Melissa Blundo, chủ tịch nhóm vận động chính trị "No Mask Nevada", đeo khẩu trang chỉ là một lựa chọn và việc bắt buộc sử dụng nó sẽ hạn chế quyền tự do.
"Tôi không nói rằng nCoV không có thật và đây không phải đại dịch. Theo tôi, bệnh lao cũng có thể được gọi là đại dịch bởi cứ mỗi 21 giây lại một người qua đời vì nó, nhưng chúng ta vẫn không đóng cửa cả thế giới. Tôi chỉ thấy lạ lùng khi phải đóng cửa nền kinh tế vì đại dịch này", Blundo cho hay.
Trong khi đó, Candy Boyd, chủ một nhà tang lễ phục vụ nhiều gia đình người da màu ở Los Angeles, bang California, đánh giá bình luận của Trump là "ví dụ cho việc ông ấy không sống trong thực tế". Cô cho biết nhà tang lễ hiện tiếp nhận ít nạn nhân Covid-19 hơn so với hồi mùa xuân, nhưng vẫn nhiều người qua đời vì đại dịch.
"Mọi người đang chết dần, nhưng đây chỉ là trò đùa với ông ấy. Tôi thì không xem nhẹ chuyện này, bởi nó thật đau buồn", Boyd nói.
Thiết bị bán sang Thổ Nhĩ Kỳ 'dính líu' xung đột Armenia-Azerbaijan, Canada cấm cửa xuất khẩu, Ankara nói gì? Ngày 5/10, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết, Ottawa dừng cấp phép xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh có thông tin rằng thiết bị quân sự của Canada được sử dụng trong cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh. Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trang...