Những giáo sư bỗng thành triệu phú nhờ thuốc Covid-19
Ba giáo sư Đại học y Southampton vừa có bước nghiên cứu đột phá trong điều trị Covid-19 và lập tức trở thành triệu phú trên giấy tờ.
Gần 20 năm trước, các giáo sư Ratko Djukanovic, Stephen Holgate và Donna Davies phát hiện những người mắc bệnh hen suyễn và phổi mãn tính thiếu một loại protein gọi là interferon beta, giúp chống lại cảm lạnh thông thường. Họ phát hiện có thể tăng đề kháng của bệnh nhân trước virus nếu thay thế protein bị thiếu.
Ba người lập công ty Synairgen để biến những phát hiện của họ thành phương pháp điều trị. Công ty lên sàn chứng khoán năm 2004 nhưng sau khi hợp đồng với AstraZeneca về điều trị bệnh nhân hen nhiễm virus thất bại, giá cổ phiếu tụt dốc.
Tuy nhiên, vài năm sau, khi Covid-19 ập tới, bất kỳ phương pháp điều trị tiềm năng nào cho các triệu chứng khó thở đều được săn đón.
Giáo sư Ratko Djukanovic (phải), tiến hành nội soi phế quản năm 2015. Ảnh: Guardian.
Richard Marsden, giám đốc điều hành Synairgen, cho biết công ty đã tham gia sâu vào thử nghiệm sử dụng thuốc interferon beta giúp người viêm phế quản mạn tính hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính.
“Nhưng khi Covid-19 xuất hiện vào tháng 1, chúng tôi mới nhận ra mình có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh loại virus này”, ông nói. “Vì vậy, chúng tôi đã xin phép thử nghiệm lâm sàng vào tháng 2 và tháng 3, với dự đoán virus sẽ tấn công nước Anh và quả đúng thế. Thử nghiệm diễn ra khi bệnh nhân bắt đầu tràn vào bệnh viện”.
“Chiến lược của nCoV là can thiệp vào hệ thống miễn dịch và ức chế beta interferon, vì vậy, nếu đưa protein này quay lại cơ thể, chúng ta sẽ thấy hiệu quả rõ rệt”.
Kết quả thử nghiệm ban đầu công bố tuần này, cho thấy các bệnh nhân Covid-19 nhập viện sử dụng một công thức đặc biệt của thuốc interferon beta gọi là SNG001, được đưa trực tiếp vào đường thở thông qua máy phun sương, có khả năng hồi phục cao gấp hai tới ba lần những người dùng giả dược.
Video đang HOT
Nghiên cứu trên 101 người cho thấy bệnh nhân giảm 79% khả năng tiến triển thành bệnh nghiêm trọng và tình trạng khó thở cũng giảm rõ rệt. Sau khi kết quả lâm sàng được công bố, sáng ngày 21/7, cổ phiếu Synairgen lập tức tăng vọt và tới trưa, nó đã tăng 540%, lên 204 điểm.
Từ trái qua phải: Ratko Djukanovic, Donna Davies và Sephen Holgate, những người sáng lập Synairgen. Ảnh: Guardian.
Djukanovic, 65 tuổi, giáo sư dược, chứng kiến 0,56% cổ phần của ông trong công ty tăng giá trị trong một ngày từ 300.000 bảng Anh lên 1,6 triệu bảng (2,046 triệu USD).
Còn 0,59% cổ phần thuộc của giáo sư Holgate, 73 tuổi, chuyên ngành miễn dịch học, tăng lên 1,7 triệu bảng (2,17 triệu USD). Giáo sư Davies, 67 tuổi, người sáng lập thứ ba của công ty, chuyên về hô hấp tế bào và sinh học phân tử, cũng giữ lượng cổ phần tương tự thông qua một công ty khác.
Tới nay, cổ phiếu của Synairgen đã tăng hơn 3.000% khi thị trường đóng cửa hôm 24/7. Marsden, người nắm 0,3% cổ phần, nhận định cổ phiếu tăng là “hợp lý”.
“Đây là bước đột phá trong điều trị bệnh nhân Covid-19″, ông nói. “Đây là kết quả thử nghiệm lâm sàng tốt nhất có thể rồi”.
Ông cho rằng nCoV đã gây ra “rắc rối tài chính lớn”, khi các nền kinh tế toàn cầu tạm ‘đóng băng’ để làm chậm quá trình lây lan virus. “Nếu thành công, chúng tôi đã giúp đỡ mọi người về mặt điều trị, nhưng có thể đánh giá đây cũng là một sản phẩm thương mại rất thành công”.
Ông nói rằng thật khó để đánh giá loại thuốc này có giá trị như thế nào, nhưng nó có thể giúp khởi động lại môi trường làm việc bình thường.
“Tác động của virus tới kinh tế thế giới là gì? Nếu một loại thuốc có hiệu quả như dữ liệu cho thấy, thì loại thuốc này thực sự có giá trị”, ông nói. “Mọi người hay dùng từ ‘chưa từng có’ để mô tả về nó. Chúng ta cần một từ mạnh mẽ hơn”.
Marsden cho hay ba nhà khoa học rất vui mừng về khoản tiền lớn kiếm được nhưng với họ, phần thưởng thực sự là “cảm thấy đủ may mắn khi được chứng kiến phát minh của mình được đưa ra thị trường”.
“Đây là một bước đi dài”, ông nói. “Với họ, không có gì vui hơn khi nhìn thấy loại thuốc mình tạo ra được điều trị cho bệnh nhân và tác dụng phụ của nó là kiếm tiền về cho mình. Với một người giỏi giang và tìm ra thứ hữu ích, họ xứng đáng nhận phần thưởng tiền bạc”.
Mark Brewer, nhà phân tích tại FinnCap, bên môi giới chứng khoán của Synairgen, nhận định giá cổ phiếu còn có thể tăng nữa.
“Chúng tôi đặt mục tiêu nâng giá lên 360 điểm nhưng nhận định có thể sẽ tăng cao hơn dựa theo nội dung đã thảo luận với các nhà quản lý”, Brewer nói.
Giá cổ phiếu của Synairgen tăng 3.000% từ đầu năm tới nay. Đồ họa: Guardian.
Trụ sở của Synairgen vẫn nằm trong bệnh viện đa khoa Southampton. Công ty đang trình bày những phát hiện của mình cho các cơ quan y tế khắp thế giới để được đồng ý đưa thuốc ra thị trường trong giai đoạn tới. Việc công bố một loại thuốc mới thường mất nhiều tháng, nhưng chính phủ các nước hứa sẽ thúc đẩy nhanh quá trình này để quá trình xét duyệt thuốc trị Covid-19 sớm thông qua.
Công ty đang mở rộng thử nghiệm trên những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhẹ hơn tại nhà.
“Thử nghiệm trên bệnh nhân nằm viện mang lại kết quả tốt khiến chúng tôi ngạc nhiên”, Marsden nói. “Bây giờ, chúng tôi có thể sớm đưa nó tới những bệnh nhân chưa trở nặng tới nỗi phải nhập viện”.
Synairgen đã đặt hàng công ty dược Rentschler bắt đầu sản xuất, với mục tiêu sản xuất được hơn một triệu liều để sẵn sàng cho đợt bùng dịch thứ hai vào mùa đông. thuốc có thể trao cho các nhân viên y tế và nhóm những người dễ bị tổn thương trước làn sóng thứ hai hoặc những loại virus mới.
“Hãy tưởng tượng nếu chúng tôi làm việc này 5 năm trước, có thể loại thuốc này đã sớm nằm đầy trong kho dự trữ chính phủ”, Marsden nói. “Và khi nCoV xuất hiện ở Vũ Hán, chúng tôi có thể đưa nó cho tất cả nhân viên y tế bị phơi nhiễm trên tàu du lịch hoặc ở bất kỳ nơi nào khác”.
(Hy hữu) Nhổ răng sâu, răng văng vào phế quản phải đi cấp cứu
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh cho biết bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bé gái H.T.N (8 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) bị chiếc răng cắm sâu vào thành phế quản khi nhổ răng tại một phòng nha ở địa phương.
Bệnh sử ghi nhận cách nhập viện 10 ngày, trẻ được người nhà đưa đi nhổ răng sâu. Lúc nha sĩ dùng kềm nha khoa, thực hiện động tác nhổ thì răng bị văng ra khỏi kềm "biến mất", trẻ có ho vài tiếng sau đó ổn định. Người nhà cho trẻ súc miệng nhiều lần nhưng không thấy răng đâu, nha sĩ nghĩ chắc trẻ nuốt vào đường tiêu hóa nên cho về.
Hình ảnh X-quang phổi cho thấy dị vật nằm bên phải cạnh cột sống
Hai ngày đầu, trẻ sinh hoạt, học tập bình thường, những ngày sau, trẻ ho vài lần, người nhà đưa trẻ đi khám tư, uống thuốc 2 đợt vẫn không hết nên được bác sĩ cho đi chụp hình X-quang phổi. Ghi nhận dị vật cản quang nên đề nghị người nhà cho trẻ nhập viện, gia đình tức tốc đưa trẻ nhập bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.
Bệnh nhi đang được điều trị tại BV Nhi đồng thành phố
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản gắp ra được chiếc răng 1 x 1 x 1 cm, chân răng cắm sâu vào thành phế quản trung gian phải, gây không ít khó khăn khi gắp. Sau 30 phút can thiệp, các bác sĩ đã lấy được chiếc răng ra khỏi đường thở của em bé trong sự thở phào nhẹ nhõm. Chiếc răng to, chiếm hết lòng phế quản góc phải, bám chặt vào thành phế quản, gây ra nguy cơ thủng phế quản khi nội soi can thiệp. Sau gắp dị vật trẻ được chuyển khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp một ngày, sau đó cai máy thở, tỉnh táo.
Bé gái suýt tắc phế quản do chiếc răng sữa Bé gái 4 tuổi, ở Hậu Giang, khi được người nhà nhổ chiếc răng sữa vô tình nuốt răng, gây tắc lòng phế quản, được chuyển đến TP HCM cấp cứu. Tiến sĩ Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé gái được đưa vào cấp cứu đêm 2/7 sau 10 ngày ho liên tục....