Những giám mục xa hoa
Lối sống xa xỉ, vương giả tột đỉnh của một số chức sắc đã khiến giáo dân và Giáo hoàng Francis vô cùng phẫn nộ.
Giám mục Tebartz-van Elst và chiếc BMW gây phản ứng – Ảnh: The Guardian
Theo tờ La Repubblica, Giáo hoàng Francis đã rất bất bình khi biết Giáo chủ thị thần Tarcisio Bertone sắp dọn vào ở trong căn hộ rộng 700 m2 ở Điện Saint Charles. Hồng y Bertone từng là Quốc vụ khanh của Vatican (vị trí tương đương thủ tướng của các nước) dưới thời của Giáo hoàng Benedict XVI. Trong khi đó, Giáo hoàng Francis từng từ chối khu nhà rộng 300 m2 ở Điện tông tòa để ở tại căn hộ vỏn vẹn 70 m2 thuộc nhà nghỉ Sanctae Marthae của Vatican. Sau khi được bầu chọn hồi tháng 3.2013, ông đã nhiều lần khẳng định muốn xây dựng một “Giáo hội thanh bần để phục vụ người nghèo”. Tại một thánh lễ trước lễ Phục sinh vừa qua, Giáo hoàng Francis thẳng thắn chỉ trích những linh mục “bóng bẩy, xa hoa và tự phụ”. Vì thế, ông đã thẳng tay đình chỉ vô thời hạn “Giám mục xa hoa” Franz-Peter Tebartz-van Elst của Giáo phận Limburg (Đức).
Video đang HOT
Bồn tắm 15.000 euro
Trước quyết tâm “thanh bạch hóa giáo hội” của Giáo hoàng Francis, Giám mục Tebartz-van Elst vừa buộc phải nộp đơn từ chức sau một thời gian bị đình chỉ, theo Đài Radio Vaticana. Hồi năm ngoái, vị giám mục này đã khiến báo chí Đức tốn rất nhiều giấy mực để bình luận về lối sống rất vương giả của mình. Ông cho khởi công xây dựng tòa giám mục của Limburg từ năm 2010 nhưng cương quyết không chịu hé môi về các chi phí liên quan dù Hội đồng giám mục Đức đã nhiều lần yêu cầu. Tháng 6.2013, hơn 4.400 giáo dân đã viết thư tố cáo Giám mục Tebartz-van Elst. Chỉ đến khi Giáo hoàng Francis cử Hồng y Giovanni Lajolo đến tận nơi thị sát và lập ủy ban điều tra thì mọi việc mới rõ ràng. Những gì được công bố sau đó đã khiến dư luận sửng sốt: từ dự trù kinh phí 5,5 triệu euro ban đầu, chi phí xây dựng đã đội lên 31 triệu euro. Theo tờ Die Welt, con số thật có thể lên đến 40 triệu euro (gần 1.170 tỉ đồng).
Giám mục Tebartz-van Elst đã trang bị cho công trình của mình toàn hàng “khủng”: vườn thượng uyển 783.000 euro, một nhà nguyện riêng giá 3 triệu euro, trang trí và nội thất 478.000 euro, bàn họp 25.000 euro; bồn tắm do nghệ nhân nổi tiếng Philippe Starck thiết kế giá 15.000 euro; dàn vòi nước dát vàng giá 578.000 euro. Đó là chưa kể số cổ vật, tranh ảnh có tổng trị giá 2,7 triệu euro… Ông này còn cho xây dựng hệ thống đường hầm nối các gian phòng với nhau. Một giáo dân tỏ ra giận dữ sau khi “tham quan” tòa giám mục nói trên: “Tôi thật sự phẫn nộ. Vậy mà giáo phận lại tuyên bố tiết kiệm 32 triệu euro khiến họ đạo của tôi phải đóng cửa một khu nhà cho người nghèo và ngưng một số hoạt động cho trẻ em”.
“Chúa Jesus không ở khoang hạng nhất”
Ngay khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Giáo phận Limburg năm 2007, Giám mục Tebartz-van Elst đã gây chú ý khi di chuyển bằng một chiếc xe BMW “hàng độc” trong khi người tiền nhiệm chỉ dùng một chiếc Volkswagen Golf cũ. Trong chuyến công vụ ở Ấn Độ năm 2012 cùng một cộng sự, ông không ngần ngại nâng cấp vé máy bay của cả hai từ hạng thương gia lên vé hạng nhất, chấp nhận bù thêm 3.500 euro để được nếm rượu champagne thượng hạng và trứng cá tầm (caviar). Cũng chính vì vụ bê bối này mà Giáo hoàng Francis từng nhắc nhở các tu sĩ trong một bài giảng: “Chúng ta không gặp Chúa Jesus ở khoang hạng nhất”. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy khẳng định không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tôn giáo nhưng vẫn nhận định những thông tin về Giám mục Tebartz-van Elst thật sự là “gánh nặng cho cộng đồng Công giáo”.
Ngoài Giám mục Tebartz-van Elst cũng đã có một số vị chức sắc xa hoa khác lộ diện. Theo tờ La Vie, Tổng giám mục Giáo phận Atlanta (Mỹ) Wilton Gregory đã phải chính thức xin lỗi giáo dân sau khi chi 2,2 triệu USD để xây dựng tòa giám mục. Sau khi dọn về tòa nhà rộng 600 m2 thuộc vùng ngoại ô giàu có Habersham, Giám mục Gregory đã nhận hàng trăm thư phản đối. Trước áp lực của dư luận, ông Gregory cam kết sẽ bán tòa nhà trên để lấy tiền phục vụ các công trình chung và những kế hoạch từ thiện của giáo phận.
Theo TNO
Vatican phong thánh hai giáo hoàng
Ngày 27.4, Giáo hoàng Francis đã cử hành lễ phong thánh cho Giáo hoàng John XXIII (1881 - 1963) và Giáo hoàng John-Paul II (1920 - 2005), theo Đài Radio Vaticana.
Giáo hoàng Francis thực hiện một nghi thức trong lễ phong thánh - Ảnh: AFP
Với sự hiện diện của Giáo hoàng danh dự Benedict XVI, buổi lễ trở thành sự kiện không tiền khoáng hậu của Giáo hội Công giáo: hai giáo hoàng đồng tế lễ phong thánh cho hai giáo hoàng đã qua đời.
Thánh John XXIII (tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli) được đánh giá là người đã thực hiện cuộc cách tân vô cùng quan trọng để Giáo hội Công giáo có thể hòa nhập với xã hội hiện đại khi triệu tập Công đồng Vatican II vào năm 1962. Còn Thánh John-Paul II (tên khai sinh là Karol Jozef Wojtyla) là người đã không ngừng truyền tải thông điệp hòa giải trong hàng trăm chuyến công du đến các nước trên thế giới. Ông cũng tiếp bước Giáo hoàng tiền nhiệm John XXIII trong việc cải cách Giáo hội Công giáo và mở rộng đối thoại với các tôn giáo khác. Tại buổi lễ ngày 27.4, Giáo hoàng Francis nhận định: "Thánh John XXIII và Thánh John-Paul II đã thật sự phục hưng và cập nhật hóa hội thánh".
Khoảng 800.000 tín hữu đã có mặt tại thủ đô Rome của Ý và Vatican để dự lễ phong thánh của hai vị giáo hoàng được đánh giá là có ảnh hưởng lớn nhất đối với Giáo hội Công giáo trong thế kỷ 20 này. Khoảng 150 hồng y, 1.000 giám mục và 6.000 linh mục đã tham gia đồng tế. Ngoài ra còn có gần 100 quốc gia gửi phái đoàn đến dự với 24 nguyên thủ quốc gia, 35 thủ tướng, cao hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu. Khoảng 10.000 cảnh sát và 26.000 tình nguyện viên được huy động để đảm bảo an ninh và công tác tổ chức cho lễ phong thánh.
Theo TNO
Ý hết ảo tưởng về 'luật danh dự' của mafia Người Ý đang phải chấp nhận thực tế cay đắng rằng sự tồn tại "luật danh dự" của mafia chỉ là điều huyễn hoặc. Giáo hoàng Francis (áo trắng) gặp gỡ thân nhân các nạn nhân của mafia ngày 21.3 - Ảnh: AFP Bất chấp những tội ác tàn bạo, mafia Ý xưa nay vẫn được nhiều người dân nước này xem là...