Những giải Nobel gây tranh cãi
Giải thưởng Nobel nhiều lần gây ra tranh cãi về việc liệu người được trao có xứng đáng hay không hoặc liệu quyết định của người chấm có bị ảnh hưởng vì chính trị hay không.
Nhà khoa học Alfred Nobel, người sáng lập giải thưởng chỉ đưa ra chỉ dẫn chung về phương thức chọn người đoạt giải. Điều này tạo ra khoảng trống lớn cho các ủy ban trao giải Nobel ở Thụy Điển và Na Uy thoải mái diễn dịch chỉ dẫn của ông.
Dưới đây là những lần trao giải gây tranh cãi nhất kể từ khi giải Nobel được trao lần đầu vào năm 1901, theo AP.
Năm 1935, nhà văn Đức Carl von Ossietzky, được trao giải Nobel Hòa bình khi ông đang bị phát xít cầm tù vì công bố các thông tin về việc Đức bí mật tái vũ trang.
Vào thời điểm đó, giải thưởng này gây ra nhiều tranh cãi và được nhìn nhận như là hành động can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của Đức và khiến phát xít nổi giận.
Kết quả là hai thành viên ủy ban chấm giải đã từ chức và Hoàng gia Na Uy không dự lễ trao giải, vì áp lực từ chính phủ Na Uy, vốn đang sợ Đức trả đũa.
Adolf Hitler giận dữ và cấm Ossietzky cấm nhận giải thưởng. Không chỉ vậy, ông ta còn cấm tất cả người Đức nhận giải nếu được trao giải Nobel trong thời gian cầm quyền của ông.
Đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lê Đức Thọ (trái) và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký kết. Ảnh: ard.de
Đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lê Đức Thọ cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger được trao giải để ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973, theo đó Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa lập lại tại Việt Nam. Còn ông Kissinger yêu cầu đại sứ Mỹ tại Na Uy thay mặt mình nhận giải. Chiến tranh ở Việt Nam tiếp tục kéo dài thêm 3 năm trước khi đất nước được thống nhất.
Những người phản đối chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam phản đối việc trao giải cho ông Kissinger, vì cho rằng ông Kissinger cũng có vai trò trong cuộc chiến đó. Hai thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy đã từ chức để phản đối việc trao giải này.
Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ở Stockholm, Thụy Điển khi nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman đến nhận giải Nobel Kinh tế. Đây được xem là một trong những giải thưởng Nobel Kinh tế gây tranh cãi nhất.
Video đang HOT
Friedman là người ủng hộ thị trường tự do và cho rằng vai trò chính của chính phủ là bình ổn nguồn cung tiền. Lập trường của ông gây tranh cãi vì nhiều chuyên gia lúc bấy giờ cho rằng chính phủ phải đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Từ trái qua phải, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat, Ngoại trưởng Israel Shimon Peres và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin tại lễ trao giải Nobel Hòa bình năm 1994. Ảnh: GPO
Giải thưởng được trao cho nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin cùng Ngoại trưởng Israel Shimon Peres vì các nỗ lực của họ dẫn đến Hiệp định hòa bình Olso, nhằm thành lập chính quyền nhà nước Palestine với quyền kiểm soát hạn chế ở dải Gaza và Bờ Tây. Đồng thời Israel đồng ý đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Đông với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú huých cho nỗ lực hòa bình ở Trung Đông nhưng thực tế, nó không làm được điều đó. Tiến trình hòa bình Trung Đông bị sụp đổ và Thủ tướng Rabin bị ám sát vào năm 1995, bởi một người Israel theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phản đối chủ trương chung sống hòa bình với Palestine.
Sự lựa chọn của các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy gây tranh cãi ngay từ lúc đầu. Kaare Kristiansen, một thành viên của ủy ban này, từ chức vì cho rằng trao giải cho ông Arafat là sai lầm.
Năm 2012, Hanna Kvanmo, một thành viên khác của ủy ban sau đó cũng nói rằng bà mong giải thưởng trao cho ông Peres có thể bị thu hồi, vì với tư cách là thành viên nội các Israel, ông Peres đã không hành động để ngăn cản Israel phát động chiến dịch quân sự ở Bờ Tây bắt đầu từ ngày 29/3/2012.
“Elfriede là ai?”, nhiều người đã tự hỏi như vậy khi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chọn nữ nhà văn người Áo Elfriede Jelinek để trao giải Nobel Văn học năm 2004.
Hầu như không được biết đến bên ngoài thế giới nói tiếng Đức (Áo là nước sử dụng tiếng Đức), Jelinek được biết đến với các tiểu thuyết và vở kịch “mang dòng chảy du dương của những tiếng nói và giọng điệu đối nghịch”. Lập trường theo khuynh hướng tả của bà là nguyên cớ dẫn đến những chỉ trích cho rằng, việc trao giải cho bà có động cơ chính trị, nhưng các nhà chấm giải bác bỏ chỉ trích này.
Tuy nhiên, một số thành viên của ủy ban trao giải không đề cao lối viết của bà. Một thành viên đã từ chức sau khi mô tả các tác phẩm của Jelinek chỉ là “khối văn bản hỗn độn không hề có cấu trúc nghệ thuật”.
Obama nhận giải năm 2009. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama nắm quyền chưa đầy một năm khi Ủy ban Nobel Na Uy trao cho ông giải thưởng danh giá này, một quyết định đã khơi mào làn sóng chỉ trích.
Những người chỉ trích mỉa mai rằng ông được trao giải chỉ vì ông không giống như tổng thống tiền nhiệm, George W. Bush, người không được lòng châu Âu vì cuộc chiến ở Iraq và không sẵn sàng tham gia nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới.
Các thành viên chấm giải lập luận rằng Obama đã đạt được nhiều thành tích bao gồm “những nỗ lực to lớn giúp củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc” và “tầm nhìn cũng như hoạt động của ông hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân”.
Sau đó, trong một cuốn sách, cựu thư ký Ủy ban Nobel Na Uy Geir Lundestad nói rằng ủy ban này đã không dự đoán được phản ứng tiêu cực đối với giải Hòa bình năm 2009, ngay cả từ những người ủng hộ ông Obama.
Ông Ralph Steinman qua đời trước khi giải thưởng được công bố. Ảnh: Rockefeller University
Năm 2011, giải Nobel Y học dành cho ba giáo sư Jules Hoffman (Pháp), Bruce Beutler (Mỹ) and Ralph Steinman (Canada) gây tranh cãi vì giáo sư Steinman qua đời ba ngày trước khi giải được công bố.
Theo quy định, giải Nobel không được trao cho người đã khuất. Nếu một người đoạt giải Nobel qua đời sau khi giải thưởng được công bố nhưng trước khi giải chính thức được trao vào ngày 10/12 hàng năm, họ vẫn được công nhận giải thưởng. Ủy ban chấm giải Nobel Y học không biết rằng Steinman, giáo sư tại Đại học Rockefeller, Mỹ đã qua đời trước khi công bố giải.
Sau một cuộc họp khẩn cấp, các quan chức giải Nobel quyết định dành một ngoại lệ cho trường hợp của Steinman và thông báo rằng: “Giải Nobel Y học dành cho Ralph Steinman được quyết định bằng sự thiện chí, dựa trên giả định rằng người đoạt giải vẫn còn sống”. Vợ của Steinman sau đó đã nhận giải tại lễ trao chính thức.
Giải thưởng đáng được trao
Ông Mahatma Gandhi được đề cử nhiều lần nhưng chưa từng đoạt giải. Ảnh: biography.com
Mahatma Gandhi, người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ, chưa bao giờ đoạt giải Nobel Hòa bình được nhìn nhận là một thiếu sót.
Khó có ai trong lịch sử hiện đại có thể được xem là biểu tượng của cuộc đấu tranh bất bạo động hơn ông Gandhi. Tuy nhiên, dù được đề cử 5 lần, ông Gandhi chưa bao giờ đoạt giải. Ủy ban Nobel Na Uy sau đó thừa nhận rằng đây là một sự thiếu sót và năm 1989, hơn 40 năm sau khi ông Gandhi qua đời, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Egil Aarvik đã bày tỏ lòng tôn kính đến Gandhi.
Hồng Vân
Theo VNE
Người giải mã bí ẩn hạt neutrino "ma quái" nhận giải Nobel Vật lý
Giải Nobel Vật lý 2015 được trao cho hai nhà khoa học Takaaki Kajita (Nhật Bản) và Arthur B. McDonald (Canada) vì công trình khám phá ra sự dao động của hạt neutrino (hạt sơ cấp), qua đó cho thấy neutrino có khối lượng.
"Các nhà vật lý đã góp phần chứng minh rằng, neutrino - "hạt sơ cấp khó nắm bắt nhất của tự nhiên" - có khối lượng. Trước đây, hạt neutrino được cho là không có khối lượng", tuyên bố của Quỹ Nobel ở Stockholm ca ngợi.
Chân dung 2 nhà khoa học giật giải Nobel Vật lý 2015
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhấn mạnh rằng, công trình của hai nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald đã có đóng góp quan trọng làm thay đổi sự hiểu biết của nhân loại về hoạt động ở tận cùng của vật chất và vũ trụ của chúng ta.
Neutrino là một trong số các hạt cơ bản cấu thành vật chất. Chúng được xem là "ma quái" do có thể xuyên qua vũ trụ, bầu khí quyển trái đất và chính trái đất mà hầu như không tương tác với vật chất thông thường. Điều này khiến việc nghiên cứu chúng hết sức khó khăn.
Nhà khoa học Takaaki Kajita sinh năm 1959 tại Higashimatsuyama, Nhật Bản. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Tokyo năm 1986 và hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu tia vũ trụ đồng thời là Giáo sư tại Trường ĐH Tokyo.
Trong khi đó, nhà khoa học Arthur B. McDonald sinh tại Canada năm 1943, có bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California năm 1969 và hiện là Giáo sư danh dự tại Trường ĐH Queen (Canada).
Hai nhà khoa học này sẽ chia đôi khoản tiền thưởng 8 triệu kronor Thụy Điển (962.000 USD).
Trước đó, hôm thứ Hai (5.10), bộ 3 nhà khoa học Ireland, Nhật Bản, Trung Quốc lần lượt là William C. Campbell, Satoshi Omura và Youyou Tu đã giành giải Nobel Y học 2015 nhờ các công trình nghiên cứu và sáng chế ra những loại thuốc mới kháng các bệnh ký sinh trùng.
Ngày mai, giải Nobel Hóa học sẽ được công bố. Giải Nobel Văn học sẽ được tiết lộ vào thứ Năm. Sự kiện chính, giải Nobel Hòa bình, sẽ được trao vào thứ Sáu tại Oslo, Na Uy. Cuối cùng, vào thứ Hai tuần sau, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2015 sẽ được xướng tên.
Giải Nobel được nhà khoa học Thụy Điển Alfred Nobel tạo ra trong bản di chúc 1895 và được trao lần đầu vào năm 1901.
Theo Danviet
Nobel Y học 2015 cho thuốc chống sốt rét, giun gây mù mắt Ba nhà khoa học gồm William Campbell, Satoshi Omura và Youyou Tu đã giành được giải Nobel Y học 2015 với công trình điều chế thuốc chống kí sinh trùng. Nhà khoa học Campbell và Omura có được một nửa số tiền thưởng vì phát hiện ra avermectin, một loại chất mới giúp chống lại mù lòa và giun chỉ bạch huyết cũng...