Những đường tời dài nửa cây số đưa “trái vàng” xuống núi
Với phần lớn diện tích là núi đá vôi, tưởng chừng nơi đây sẽ chỉ có cây dại mọc, vậy mà người Chi Lăng (Lạng Sơn) đã bắt những vách đá vôi nở hoa và… nhả vàng. Thời điểm này, những đường tời đang hối hả vận chuyển từng “khối vàng” xuống núi, tỏa đi muôn nẻo.
Top 50 đặc sản Việt Nam
Không ngờ cây na lại phù hợp với điều kiện của núi đá vôi đến vậy. Ở Chi Lăng, na cho năng suất và chất lượng hoàn hảo không nơi nào có được. Cùng với thương hiệu đã có từ lâu, những năm gần đây, người dân chuyển hướng canh tác na an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giúp sản phẩm này từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
Na Chi Lăng đã lọt Top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, Top 50 đặc sản Việt Nam. Đây được xem là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Lạng Sơn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra những đường tời đưa na xuống núi. Ảnh: B.H
Nhờ đi đúng hướng nên đến nay trên 25% hộ dân ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có cuộc sống khá giả nhờ trồng na. Từ năm 2014, huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng đã vận động người dân sản xuất na an toàn. Đến nay, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt gần 200ha và 5ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, những diện tích còn lại đều được cam kết sản xuất an toàn.
Nhờ na, cơ sở hạ tầng nông thôn nhiều địa phương được cải thiện khang trang sạch đẹp, riêng xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) đã về đích nông thôn mới từ năm 2014.
Là một trong những hộ đầu tiên áp dụng trồng na theo tiêu chuẩn quốc tế, ông Vi Ngọc Lưu, thôn Quan Thanh, xã Chi Lăng, cho biết, sau khi được tuyên truyền, tập huấn, nhận thấy những lợi ích to lớn của việc sản xuất na an toàn, ông đã cùng 8 hộ liền kề tham gia đăng ký sản xuất na theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trên diện tích hơn 5ha với 3.200 cây, dự kiến năm nay, vườn na GlobalGAP này sẽ cho sản lượng 8-12 tấn/ha.
Những máy tời này vận chuyển na từ núi xuống thường được người dân tận dụng từ những động cơ xe máy và những dây cáp chắc chắn. Ảnh: dantri
Hiện, nhóm của ông đã thu hoạch đợt 1. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên giá bán đã tăng lên tới… 50% so với năm ngoái, đạt hơn 50.000 đồng/kg. Với giá này, thu nhập của nông dân sẽ tăng lên 30-40% do năm nay sản lượng có giảm nhẹ bởi thời kỳ thụ phấn gặp mưa nhiều.
Vị trưởng nhóm của 8 hộ trên cho biết, từ tháng Giêng đến tháng 2, nông dân sẽ áp dụng biện pháp tỉa cành. Khi sản xuất theo GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bón phân. Toàn bộ diện tích đều được sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, tuyệt đối không dùng vô cơ. Các loại phân từ động vật đều phải ủ từ 3-6 tháng mới được phép bón cho cây.
Những trái na – “trái vàng” của người dân Chi Lăng đang chờ xuống núi… Ảnh: dantri
Video đang HOT
Theo ông Lưu, GlobalGAP là tiêu chuẩn khá khắt khe nhưng nếu áp dụng được thì rất tốt vì an toàn cho cả nông dân, người sử dụng và môi trường, hiệu quả kinh tế cao, thậm chí ngay cả đường tời (ròng rọc đưa na xuống núi) cũng có những quy định về mức độ an toàn. Tuy nhiên, đây là điều kiện tạo cho bà con một nền tảng sản xuất an toàn. Ông Lưu hy vọng, khi áp dụng những tiêu chuẩn trong sản xuất có thể kết hợp phát triển du lịch.
Dán tem truy xuất
Việc sản xuất, tiêu thụ na của người Chi Lăng đang được nâng lên một bước, thể hiện sự chuyên nghiệp khi lần đầu tiên trong vụ này, na được dán tem truy xuất nguồn gốc. Bà Nguyễn Thị Lý- Giám đốc Hợp tác xã nông sản huyện Chi Lăng cho biết, năm nay na Chi Lăng đã có truy xuất nguồn gốc, có hệ thống bao bì đóng gói chuẩn. Sau khi có truy xuất nguồn gốc, giá na có thể đạt 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Quý, UBND Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, cho biết, xã có 20ha na. Năm nay, sản lượng na tương ứng với năm ngoái, nhưng giá cả ổn định duy trì tốt từ đầu vụ cho đến nay. Những quả na to chất lượng tốt, sản xuất theo tiêu chuẩn có giá 60.000 – 70.000 đồng/kg.
Na đang vào chính vụ nhưng giá sẽ không xuống thấp hơn năm ngoái bởi năm nay, người dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho na ra hoa không đồng loạt để thu hoạch rải vụ. Hiện, bà con trong xã đã bước đầu tuân thủ khá tốt việc sản xuất na an toàn để từng bước hướng tới sản xuất VietGAP. Khâu kỹ thuật chăm sóc đã được nâng cao hơn. Bà con xử lý cẩn thận từng vườn, xử lý ra hoa tốt nên cũng giúp giảm áp lực tiêu thụ trong cùng một thời điểm.
Hiện hợp tác xã đã có khá nhiều đối tác là bạn hàng Trung Quốc. Đơn vị bạn đã đưa người sang Việt Nam trực tiếp thực hiện việc kiểm tra đóng gói theo đúng quy cách của đơn vị nhập khẩu nên việc xuất khẩu na khá thuận lợi.
Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, sản phẩm na đã có mã số, có thể truy xuất nguồn gốc. Sau khi đi thăm “mỏ vàng” trên núi, ông Vị Hiện Cường (Sở Thương mại Quảng Tây, Trung Quốc) đánh giá, na xuất sang Trung Quốc khá nhiều, na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có quả to, chất lượng cao, hương vị ngon được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
“Hai bên cần tiếp tục cải thiện vật chất tại khu vực cửa khẩu, trao đổi tin tức về số lượng hoa quả theo mùa, số lượng xe vận chuyển, tình trạng thông quan để cùng kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên xuất nhập khẩu được tốt hơn” – ông Vị Hiện Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Toản – quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đánh giá, na Lạng Sơn, đặc biệt là na Chi Lăng có chất lượng hoàn hảo bởi nó được trồng ở một vùng đất có đặc thù riêng biệt.
“Các cơ quan chuyên ngành của Bộ sẽ tiến hành đàm phán chính thức với cơ quan kiểm dịch của nước bạn để làm sao đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của bạn đối với sản phẩm na Chi Lăng. Việc này sẽ được duy trì và cố gắng làm trong thời gian nhanh nhất có thể. Cùng với đó là quan tâm khâu chăm sóc sao cho đúng tiêu chuẩn; khâu sơ chế bảo quản; tổ chức phân phối sao cho bài bản để có thể chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc” – ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Ông Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ cho cây na đã được các cơ quan chức năng huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng thực hiện rất quyết liệt. Theo đó, ngành chức năng định hướng cho nông dân địa phương chuẩn hóa quy trình canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo tán đốn cành cho cây na, thụ phấn nhân tạo đã đem lại tỷ lệ đậu quả đạt trên 98%.
Bên cạnh đó, sự chủ động nâng cao giá trị sản xuất, hệ thống ròng rọc được sáng tạo để chuyển vật tư lên núi, chuyển sản phẩm trái na xuống núi, những đường tời dài tới nửa cây số đơn giản mà hiệu quả giúp người trồng na không phải vận chuyển nặng nhọc mà trái na lại giữ nguyên chất lượng.
Chi chít những đường cáp. Na được người dân buộc vào cáp để thả xuống chân núi, có tay phanh để hãm tốc độ. Ảnh: dantri
Theo Danviet
Dịch tả lợn châu Phi đáng sợ, nguy hiểm và khó tiêu diệt thế nào?
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến ngày 25/8, Trung Quốc báo cáo có 4 ổ dịch tả lợn châu Phi và hơn 10.000 con lợn bệnh đã bị tiêu hủy. Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã phát công điện yêu cầu khẩn cấp phòng, chống.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, có tên tiếng Anh là African swine fever - ASF.
Bệnh dịch tả châu Phi khiến con heo bị đỏ da, tím tái và xuất huyết. Ảnh: OIE
Bệnh đã xuất hiện tại nhiều quốc gia
Năm 1921, bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước châu Phi.
Năm 1957, lần đầu tiên bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Armenia - Liên bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; loại bệnh nguy hiểm này cũng đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ.
Năm 2007, bệnh dịch tả heo (lợn) châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới.
Từ cuối năm 2017 đến nay, có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Hunggari, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraina và Zambia) báo cáo có Dịch tả lợn châu Phi.
Theo OIE, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%.
Virus có 1 serotype, nhưng phát hiện có tới 16 genotypes và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau. Virus dịch tả lợn châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời.
Virus dịch tả châu Phi gây xuất huyết ở thận con heo bị nhiễm bệnh. Ảnh: OIE
"Siêu" virus có thể sống trong xúc xích
Theo nghiên cứu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ở dạng cấp tính của bệnh do các chủng có độc lực cao, con heo có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, heo dần dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản.
Ở những con lợn da trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Các nhóm lợn bị nhiễm bệnh nằm lộn xộn cùng nhau run rẩy, thở bất thường, và đôi khi ho. Nếu buộc phải đứng, heo đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, heo sẽ bị hôn mê, sau đó chết.
Ở heo nái mang thai, sẩy thai tự phát xảy ra. Đối với heo nhiễm trùng nhẹ hơn, heo bị bệnh giảm cân, và phát triển các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.
Virus gây ra bệnh dịch tả châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Cũng theo OIE, "siêu" virus này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt lợn khác. Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56C trong 70 phút hoặc ở 60C trong 20 phút.
OIE cho biết, con người không dễ bị bệnh này.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Bộ NN&PTNT kêu gọi giám sát đàn heo để bảo vệ chăn nuôi trước nguy cơ dịch tả heo Châu Phi nguy hiểm có thể tràn vào Việt Nam. Ảnh: I.T
Đáng lo ngại là hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả châu Phi. Do đó, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.
Hóa chất để diệt virus dịch tả lợn châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1000, hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2.3%, hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.
Siết chặt các ngả từ biên giới
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chống buôn lậu heo từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phấm của heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu heo, sản phẩm của heo theo đúng quy định, tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường kiểm dịch động vật.
Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương, nếu phát hiện đàn heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả heo Châu Phi, hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y chỉ đạo các chi cục kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh hướng dẫn các chi cục thú y tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp heo và các sản phẩm heo vào Việt Nam.
Theo Cục Chăn nuôi, từ đầu năm 2018 đến nay rộ lên vấn nạn buôn lậu heo từ Trung Quốc vào các tỉnh biên giới phía Bắc, do giá heo tại Việt Nam có giá cao hơn nhiều giá heo tại thị trường Trung Quốc.
Theo Danviet
Sau bắt tay giữa 2 Bộ trưởng trái cây Việt rộng cửa vào New Zealand Tại cuộc họp song phương giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với Bộ trưởng New Zealand, Bộ trưởng New Zealand Damien Petter O'Connor cam kết sẽ thúc đẩy nhanh việc xem xét tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng trái cây, các mặt hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Chiều nay (29/8), tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp...