Những đường dây chọn vợ như… xem hàng hóa
“Nhiều đối tượng người nước ngoài cấu kết với một số cò mồi, môi giới Việt Nam dẫn dắt hình thành những đường dây buôn bán người xuyên quốc gia. Chúng tạo dựng nhiều vụ xem mặt, chọn vợ làm mất đi nhân phẩm của con người phụ nữ Việt Nam”.
Hàng vạn phụ nữ “kết hôn không giấy tờ” với đàn ông Trung Quốc
Ngoài việc phụ nữ trong nước đua nhau lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan thì nhiều chị em khác cũng sang Trung Quốc “lấy chồng” theo bằng con đường bất hợp pháp. Số lượng này có chiều hướng tăng mạnh trong 5 năm gần đây.
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) – cho biết: Thời gian qua tại các tỉnh phía Bắc, một số chị em thuộc diện quá lứa, không lấy được chồng tại Việt Nam và có hoàn cảnh khó khăn nên nhiều người đã sang Trung Quốc chung sống như vợ chồng với đàn ông Trung Quốc, không có đăng ký kết hôn. Riêng tỉnh Hải Dương có khoảng 4.600 trường hợp, tỉnh Lạng Sơn có 4.800 trường hợp, tỉnh Thái Bình có 4.200 trường hợp…
Cần tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn có việc làm nâng cao đời sống để thoát nghèo, phần nào giảm tình trạng ra nước ngoài lấy chồng vì kinh tế khó khăn.
Trong khi đó, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, khoảng từ năm 2006-2010, nhiều chị em phụ nữ trong tỉnh sang Trung Quốc lấy chồng ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, lao động vất vả nên đã quay trở lại Việt Nam, mang theo con lai về nước (gần 2 vạn phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng, số quay trở về Việt Nam sinh sống là hơn 2.400 trường hợp, mang theo hơn 1.600 đứa con lai).
Hình thành những đường dây chọn vợ
Theo lãnh đạo Bộ Công an, chính tình trạng trên đã ảnh hưởng không tốt đến an ninh trật tự của địa phương, không ít số phụ nữ trước đây là nạn nhân bị buôn bán, khi trở về địa phương đã câu kết với đối tượng xấu trong và ngoài nước lừa bán những phụ nữ và trẻ em khác sang biên giới để kiếm lợi.
“Nhiều đối tượng người nước ngoài cấu kết với một số cò mồi, môi giới Việt Nam dẫn dắt hình thành những đường dây buôn bán người xuyên quốc gia. Chúng tạo dựng nhiều vụ xem mặt, chọn vợ làm mất đi nhân phẩm của con người phụ nữ Việt Nam” – Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cũng theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2008-2010, CQĐT Công an tỉnh đã khởi tố điều tra 34 vụ, 62 đối tượng phạm tội buôn bán trẻ em, giải cứu 57 nạn nhân bị lừa bán.
Trong khi đó, một số vụ án mà ngành Công an đã phát hiện, xử lý như: Tháng 6-7/2006, Công an TP Cần Thơ đã phát hiện, xử lý tên Lee Chung Cheun (người Hàn Quốc) là Giám đốc Công ty Club Wedding (có trụ sở tai quận Ninh Kiều) cùng 13 người Hàn Quốc và một số đối tượng cò mồi người Việt Nam tổ chức 3 đợt xem mặt chọn vợ với 130 cô gái Việt Nam.
Tháng 9/2006, tại tỉnh Bình Dương, bọn cò mồi đã tạo dựng đám cưới giả để 41 đàn ông Hàn Quốc xem mặt 266 phụ nữ Việt Nam làm vợ.
Tháng 11/2008, Cục cảnh sát điều tra tội phạm hình sự phối hợp với Công an các tỉnh, thành phá chuyên án 118M bắt Nguyễn Thị Yến (SN 1956) cầm đầu cùng 7 đối tượng khác. Theo đó, từ năm 2006 đến khi bị bắt bọn chúng đã đưa trót lọt 700 phụ nữ tại các tỉnh ĐBSCL ra nước ngoài làm vợ.
Các cô gái trẻ tham gia một cuộc tuyển vợ của 3 người đàn ông Hàn Quốc tại TPHCM hồi tháng 8/2010 (Ảnh: Trung Kiên)
Tại TPHCM, từ năm 2007 đến tháng 7/2009, phát hiện và xử lý 38 vụ liên quan đến 170 đối tượng tổ chức môi giới hôn nhân trái pháp luật cho người Đài Loan, Hàn Quốc chọn 1.772 phụ nữ Việt Nam làm vợ.
Đáng chúý những năm gần đây xuất hiện một số người gốc Phi sang Việt Nam (chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam) sinh sống làm ăn đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với một số phụ nữ Việt Nam. Cá biệt, một số đối tượng sử dụng phụ nữ Việt Nam hình thành các đường dây để buôn bán ma túy.
Theo Bộ Công an, để xảy ra tình hình trên là do công tác quản lý Nhà nước về người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam còn lỏng lẻo, sơ hở, nhất là trong quản lý nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, đăng ký kết hôn… tạo kẽ hở cho một số đối tượng hoạt động môi giới phụ nữ lấy chồng nước ngoài bất hợp pháp. “Ngoài ra, việc xử lý các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về môi giới hôn nhân bất hợp pháp chưa kiên quyết, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa ngăn chặn bởi hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ có quy định xử lý hành chính nhưng ở mức thấp nên chưa thể chế tài được các đối tượng vi phạm”- ông Đỗ Kim Tuyến nói.
“Nguyên nhân cơ bản và sâu xa đối với phụ nữ lấy chồng nước ngoài vẫn là muốn thoát nghèo và thiếu thông tin nên dễ bị lừa gạt. Do vậy, đề nghị Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan ban ngành chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư, thanh niên lập nghiệp tạo điều kiện cho người dân không ngừng nâng cao sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần ở nông thôn” – Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh.
Theo Dân Trí
Vì đâu em phải bỏ quê chồng?
Để sang Việt Nam kết duyên cùng Thạch Thị Hồng Ngọc, Jang đã giấu chứng bệnh tâm thần
"Phong trào" lấy chồng nước ngoài (chủ yếu Đài Loan, Hàn Quốc) vẫn rầm rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong số rất nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài thì chỉ có con số nhỏ trong đó là tìm được hạnh phúc còn lại nhiều người đã tìm về nước để trốn chạy những cuộc hôn nhân đầy bi kịch.
Khi kẻ tâm thần cưới vợ
Trở lại ấp Thới Hòa B (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ), chúng tôi tìm nhà của cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc (SN 1990) bị chồng sát hại tháng 7-2010. Ngồi trong căn nhà tình thương do địa phương làm cho, ông Thạch Sang, cha của Ngọc cho biết, Ngọc là chị thứ tư trong gia đình năm chị em. Từ nhỏ, gia đình nghèo, Ngọc được sư cô lo cho ăn học. Ngọc học hết lớp 9 thì nghỉ cùng anh chị làm thuê làm mướn. Ông Sang nhớ lại: "Năm 2007, nó nói có mấy người bạn rủ đi TPHCM giúp việc nhà. Thời gian sau, nó làm công nhân may mặc. Con nhỏ có hiếu lắm. Biết gia đình nghèo khó, tháng nào cũng gởi một triệu đồng". Tháng 2-2010, Ngọc gọi điện cho cha mẹ báo tin sẽ tham gia dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc. Ông Sang định can ngăn nhưng nghe giọng nài nỉ của Ngọc: "Ở quê con lấy ai được hả ba. Cả xóm đều nghèo. Thanh niên trai tráng trong xóm suốt ngày rượu chè, cờ bạc. Chị ba lấy chồng Đài Loan cũng hạnh phúc vậy", ông Sang gác máy giấu tiếng thở dài.
Ngày 18-2-2010, ông Sang cùng gia đình thuê xe lên TPHCM dự đám gả con. Đến nơi, vợ chồng ông giật mình biết chú rể là Jang Do Hyo (ngụ Sinpyong 1-dong, Saha-gu, TP. Busan) đã 46 tuổi. Thấy Ngọc vui vẻ trong bộ áo cưới, ông Sang cùng vợ giấu nỗi lo để chia vui tiệc cưới. Gia đình bên chồng tặng Ngọc 1,5 chỉ vàng 18K. Bà Trương Thị Út, mẹ của Ngọc, tâm sự: "Đám cưới xong, chú rể đưa cho tôi được 3,8 triệu, trừ tiền thuê xe, còn dư được một triệu. Ai muốn con lấy chồng xa để đổi đời đâu chứ. Tôi chỉ mong nó hạnh phúc, thoát cái nghèo ở quê".
Ngày 30-6-2010, Ngọc gọi điện thông báo cho gia đình sắp lên máy bay về làm dâu xứ người. Ông Sang, bà Út lại đi vay tiền lên TPHCM tiễn con. Kể đến đây, bà Út không giấu được nước mắt: "Từ ngày nó đi, linh tính báo chuyện chẳng lành. Hễ đi làm thì thôi, về đến nhà, tôi trực điện thoại chờ nó gọi". Tối 9-7-2010, ông Sang cùng vợ bàng hoàng nhận được điện thoại báo tin, Ngọc bị chồng sát hại ở Hàn Quốc. Cả đêm, gia đình ông Sang đứng ngồi không yên. Được sự hỗ trợ của nước bạn, ông Sang cùng vợ sang Hàn Quốc làm thủ tục thiêu xác con để nhận về.
Ngày 10-7-2010, Sở Cảnh sát Busan bắt giam tên Jang về hành vi giết người. Theo dân địa phương, từ nhỏ, Jang có dấu hiệu bị bệnh trầm cảm. Những lúc không dùng thuốc chữa trị, y tấn công cả cha mẹ ruột của mình. Từ tháng 7-2005, Jang đã 57 lần điều trị bệnh tâm thần. Trước khi sang Việt Nam hỏi vợ, y phải nhập viện điều trị. Chung sống với Ngọc được một tuần, y trở lại bệnh cũ.
Do Ngọc bất đồng ngôn ngữ, thêm hoàn cảnh khó khăn của nhà chồng, mâu thuẫn giữa vợ chồng Ngọc ngày càng gay gắt. Ngày 8-7-2010, Jang cầm dao đâm Ngọc tử vong. Mới đây, y bị kết án 12 năm tù. Theo phán quyết của Tòa án, Jang sẽ tiếp tục điều trị bệnh tâm thần trong tù và bị giám sát 10 năm tiếp theo.
Bà Kim Anh nhận quà từ Hàn Quốc gởi về là tro cốt của con gái và 48 triệu đồng
"Món quà" sau ngày cưới
Trong ba năm, tại TP. Cần Thơ có nhiều bi kịch sau những cuộc hôn nhân chóng vánh. Ba gia đình phải nhận hài cốt con bởi mâu thuẫn từ phía gia đình chồng. Sau 25 ngày tiễn con ra sân bay về làm dâu ở Hàn Quốc, trưa 23-2-2008, bà Kim Anh (ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) bất ngờ nhận được điện thoại của trạm xe khách thông báo bà mang giấy chứng minh nhân dân nhận quà. Đến nơi, "quà" mà bà Lan nhận là gói gỗ trong đó có đựng gói giấy chứa bột màu trắng và hơn 48 triệu đồng. Vừa mở thùng quà ra, bà Lan ngất đi, gói giấy chứa bột màu trắng chính là tro cốt con gái bà là Trần Thanh Lan (SN 1986).
Học xong lớp 6, Lan nghỉ học phụ mẹ buôn gánh bán bưng kiếm sống. Tháng 7-2007, Lan từ giã gia đình lên TPHCM dự tuyển cô dâu Hàn Quốc. Trước khi đi, Lan hứa nếu chọn được chồng khá giả sẽ mua đất cất nhà cho mẹ, sửa lại nhà cho bà ngoại. Tháng 9-2007, bà Kim Anh mừng rỡ nhận được tin Lan đã được ông Ha Jang Su (37 tuổi, ngụ Hàn Quốc) đồng ý "tuyển chọn". Bà Kim Anh nhớ lại: Ngày đính hôn, bên chồng yêu cầu gia đình nhà gái dự lễ đúng 10 người tại một nhà hàng ở TPHCM. Không lễ đón dâu nhưng thương con, bà gạt nước mắt bởi con đã yên bề gia thất. Dự tiệc xong, người môi giới đưa bà một phong bì hơn ba triệu đồng. Về đến quê, trừ chi phí thuê xe, bà Kim Anh còn một triệu đồng.
Ngày 12-1-2008, bà Kim Anh lại chạy đôn chạy đáo mượn tiền đưa con ra sân bay, mua quà cho nhà trai. Bà đâu ngờ đó là lần cuối cùng bà gặp con gái. Từ ngày theo chồng sang Hàn Quốc, Lan điện về nhà được hai lần. Lần thứ nhất, Lan đến sân bay gọi điện cho mẹ báo tin chồng đã ra đón. Bà Kim Anh cứ ngỡ viễn cảnh hạnh phúc đến với Lan. Ngày tết đến gần, bà thấp thỏm chờ điện thoại của con. Mỗi lần nghe chuông điện thoại, bà hi vọng rồi lại thất vọng. Chiều chiều, nghĩ đến con, lòng bà quặn thắt. Ngày 6-2-2008, gia đình bà Kim Anh làm mâm cơm cúng ông bà thì nhận được điện thoại báo tin: "Lan đã nhảy lầu tự vẫn tại Hàn Quốc".
Ngày 15-2-2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã có văn bản trả lời chính thức về cái chết của Trần Thanh Lan. Khoảng 9 giờ 35 ngày 6-2-2010, Lan đã tử vong tại ban công tầng 1, tòa nhà Taeseongmansio, số 40, phường Sangban, TP. Gyeongcan, Hàn Quốc. Theo điều tra ban đầu của cảnh sát địa phương, do không thích nghi được cuộc sống và khác biệt về ngôn ngữ nên Lan đã nhảy lầu tự tử. Trong món "quà" bà Kim Anh nhận có sổ tay ghi nhật ký của Lan. Hai mươi lăm ngày làm dâu là 25 ngày Lan sống trong nước mắt. Nhiều lần đòi ly dị nhưng chồng không chấp nhận, để thoát thân, Lan phải tìm đến cái chết.
Trước đó, ngày 30-4-2007, cô dâu Trần Thị Kim Đồng (SN 1985, ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) đã buông mình từ ban công dẫn đến tử vong, sau bốn tháng làm dâu Hàn Quốc. Khuya 25-4-2007, Kim Đồng đã tìm cách thoát thân khỏi nhà chồng nhưng không dám đi thang máy sợ camera ghi hình. Kim Đồng dùng rèm cửa buộc vào thân nhảy xuống từ ban công tầng 9. Không may cho Đồng, rèm cửa bị tuột, cô bị thương rất nặng, sau năm ngày thì tử vong tại bệnh viện.
Theo CA TP. HCM
Hành trình truy bắt "mẹ mìn" liên tỉnh Đối tượng Nguyễn Thị Mai Chiều qua (ngày 7/1/2011), Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an Hà Nội cho biết, vừa bắt được thủ phạm vụ bắt cóc cháu bé 3 tuổi ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã làm xôn xao dư luận trong mấy ngày qua. "Mẹ mìn" là... hàng xóm Trước đó, vào hồi 13...